GN - Pháp hội Trùng tuyên Đại tạng kinh Quốc tế lần thứ 13 vừa được tổ chức tại Thánh địa linh thiêng của Phật giáo thế giới - Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, từ ngày 3 đến ngày 12-12 vừa qua.
Các Nữ tu Thái Lan trong một khóa lễ của Pháp hội
Năm nay, sự kiện này được dẫn dắt và đăng cai tổ chức bởi Tăng đoàn Thái Lan trên cơ sở kết hợp với Tổ chức Mahasangha Quốc tế. Chư Tăng theo truyền thống Phật giáo Theravada của 11 quốc gia và đông đảo Phật tử đến từ 15 nước khác nhau đã tham gia trùng tụng bản kinh Khuddaka Nikaya (Tiểu bộ), một phần của Kinh tạng Pali, trong hệ thống kinh điển Nam truyền.
Tổ chức Pháp Quang quốc tế (LBDFI) phát tâm cúng dường toàn bộ chi phí tổ chức sự kiện.
Dịp này, Hiệp hội Trùng tuyên Đại tạng kinh Quốc tế (ITCC) cũng lần đầu tiên tổ chức Pháp hội tụng kinh Đại thừa tại Rajgir (Ấn Độ), diễn ra trong thời gian từ ngày 14 đến ngày 17-12. Hưởng ứng sự kiện, chư tôn đức Tăng Ni đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nepal và Việt Nam đã tham dự pháp hội tại khung cảnh trang nghiêm, trọng thể của các khóa lễ.
“Bằng việc tạo cơ duyên để chư Tăng Ni, Phật tử thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ các quốc gia khác nhau gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm tu học, hoằng pháp, Tổ chức Pháp Quang quốc tế thể hiện nỗ lực rất lớn nhằm đóng góp vào tiến trình duy trì và bảo tồn văn hóa Phật giáo tại Ấn Độ. Qua đó cũng chứng minh sức sống mãnh liệt, sự ảnh hưởng và liên đới của các tôn giáo truyền thống đối với đời sống, văn hóa và xã hội Ấn Độ”, Wangmo Dixey, Giám đốc điều hành Tổ chức Pháp Quang quốc tế chia sẻ.
“Chúng tôi cảm thấy hào hứng và hoan hỷ trước sự phát triển và gia tăng vai trò của Ấn Độ trong vị thế là nơi phát tích những lời dạy tuyệt vời của Đức Phật đến với nhân loại. Kèm với đó là những chuyển biến tích cực về kinh tế, đời sống xã hội, mang đến những sự hồi sinh mạnh mẽ của Phật giáo tại vùng đất vốn đã từng ghi dấu bước chân hoằng hóa của Đức Phật. Phật giáo hiện là tôn giáo lớn thứ 3 thế giới và là một phương pháp tu tập được áp dụng phổ quát khắp khu vực Đông Nam Á và Tây Á. Nếu ngay tại quê hương của Đức Phật, những lời Ngài từng tuyên thuyết được truyền tụng sẽ mang lại lợi lạc cho cả Ấn Độ và thế giới”, đại diện Hiệp hội Trùng tuyên Đại tạng kinh Quốc tế khẳng định.
Lễ khai mạc pháp hội diễn ra với những nghi thức đầy màu sắc của những hành giả đến từ khắp nơi trên thế giới trong pháp phục truyền thống của mỗi nước tại khu hành lễ Kalachakra của Bồ Đề Đạo Tràng. Ngay sau đó, các khóa trùng tuyên của mỗi nước được tiến hành dưới cội bồ-đề linh thiêng.
“Tôi thật sự hoan hỷ khi có cơ hội tham gia pháp hội đặc biệt này. Tôi từng ngồi nơi này đọc tụng lại lời Phật dạy trong vài năm về trước. Đối với tôi, pháp hội này đặc biệt bởi tôi được dịp hội ngộ và tiếp xúc với Tăng đoàn Phật giáo của nhiều nước trên thế giới để hiểu hơn về những người đồng đạo sống chung trong lời dạy của Đức Phật. Tôi tin rằng tất cả những ai hiện diện trong pháp hội này đều cảm nhận được năng lượng an lạc và hoan hỷ như tôi”, Tỳ-kheo Rupananda, thành viên của đoàn Phật giáo Bangladesh chia sẻ với giới truyền thông.
Hiệp hội Trùng tuyên Đại tạng kinh Quốc tế được chính thức thành lập tại Bồ Đề Đạo Tràng vào năm 2006 nhân dịp Đản sinh của Đức Phật lần thứ 2.550. Được sự tài trợ về tài chánh của Tổ chức Pháp Quang quốc tế, Hiệp hội thường tổ chức pháp hội trùng tuyên Đại tạng kinh ngay dưới cội bồ-đề linh thiêng (Ấn Độ) vào tháng 12 mỗi năm. Đây là dịp các tạng kinh Pali được đọc tụng ngay nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo hàng ngàn năm về trước.
Trong ngày cuối cùng của pháp hội, Hiệp hội Trùng tuyên Đại tạng kinh Quốc tế nhân cơ hội này tổ chức chương trình đi bộ dài 13km từ thung lũng Jethian tới vườn xoài Javika. Đây là một trong những đoạn đường mà Đức Phật Thích Mâu Ni khi còn tại thế đã khởi hành những bước chân đầu tiên đi về các vùng miền khác nhau để xiển dương Chánh pháp giác ngộ, giải thoát. Hàng ngàn chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đến từ nhiều nơi trên thế giới đã tham gia chương trình đi bộ này.
Theo Giám đốc điều hành của LBDFI, ông Wangmo, dự kiến các pháp hội đọc tụng Đại tạng kinh sẽ được mở rộng ra các địa danh khác gắn với Phật giáo của Ấn Độ như: Sarnath, New Delhi, Sankasya, Kushinagar, Sravasti, Vaishali, và Rajgir. Vị lãnh đạo tổ chức này cũng hy vọng, với các pháp hội được tổ chức hàng năm, nhiều người sẽ nhận được lợi lạc về đời sống tâm linh, giáo pháp của Đức Phật sẽ được tuyên dương mạnh mẽ ở Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới.
Tâm Nhiên (theo BD)