Pháp đàm về lễ Vesak trong khóa tu tại Việt Nam Quốc Tự

GNO - Chiều nay, 21-4, trong khóa tu Ngày an lạc lần 3 với chủ đề “Hạnh bố thí của người tu Phật” được tổ chức tại Việt Nam Quốc tự (Q.10, TP.HCM) đã diễn ra pháp đàm về lễ Vesak và bố thí.

3qt.jpg


Quang cảnh khoa tu tại hội trường Việt Nam Quốc Tự

Tham dự pháp đàm có TT.Thích Nhật Hỷ, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức khóa tu; TT.Thích Quang Thạnh, Ủy viên HĐTS, Chánh Văn phòng BTS GHPGVN TP.HCM; ĐĐ.Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM, chư tôn đức giảng sư đoàn TP.HCM, cùng 680 Phật tử tham dự khóa tu Ngày an lạc.

Trả lời câu hỏi lễ Vesak là gì - TT.Thích Quang Thạnh chia sẻ, Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đã được tổ chức ở nhiều nước có Phật giáo theo truyền thống Nam truyền.

Đại lễ Vesak năm 2019 được chuyển đăng cai, tổ chức lần thứ ba tại Việt Nam. Từ ngày 12 đến 14-5-2019, tại trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Chủ đề của Đại lễ Vesak 2019 “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Dự kiến số lượng khách mời quốc tế là 1.500 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; đại biểu trong nước là 1.500 đại biểu; đồng bào nhân dân tham dự các hoạt động của đại lễ mỗi ngày khoảng 10.000 người.

4qt.jpg


TT.Thích Quang Thạnh chia sẻ về Đại lễ Vesak

Ngoài phiên khai mạc, bế mạc, Đại lễ có 5 Hội thảo với các chủ đề: Sự lãnh đạo có chánh niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục và đạo đức toàn cầu; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giáo dục Phật giáo; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Đại lễ còn có các hoạt động như triển lãm, các chương trình văn hóa nghệ thuật, tham quan… Kết thúc Vesak 2019 là bản Tuyên bố của Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam.

Nói về các kênh thông tin để Phật tử không có điều kiện đến Hà Nam có thể theo dõi đầy đủ thông tin Đại lễ Vesak, ĐĐ.Thích Tâm Hải gợi ý kênh đầu tiên là xem trực tiếp phiên khai mạc, Văn nghệ trên Đài Truyền hình Việt Nam ở kênh VTV1, http://undv2019vietnam.com/, https://giacngo.vn/, Phật sự online, trên facebook với kênh chính thức VESAK 2019…

5qt.jpg


ĐĐ.Thích Tâm Hải chia sẻ về các kênh truyền thông,
báo chí đọc, xem, theo dõi thông tin Vesak tổ chức tại Hà Nam

Ngoài ra, Đại đức Trưởng ban TT-TT Phật giáo TP chia sẻ thêm, Đại lễ Vesak LHQ là sự kiện văn hóa và nhân văn trên phạm vi quốc tế của tổ chức LHQ.

Vào tháng 12-1999, tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng LHQ, sau khi thảo luận Đề mục 174 của chương trình nghị sự, Đại hội đồng đã biểu quyết chính thức công nhận: Phật giáo là tôn giáo điển hình và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Giáo chủ của Phật giáo là nhân vật tiêu biểu, bởi phương châm “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển” của LHQ ngày nay trùng với tư tưởng của Đức Phật từ xưa. Đại hội đồng LHQ đã quyết nghị: LHQ sẽ tổ chức Đại lễ Vesak vào thời gian tương đương với ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch hàng năm.

Trong năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak LHQ được long trọng tổ chức tại Trụ sở LHQ, New York, Hoa Kỳ. Từ năm 2004 đến nay, Đại lễ Vesak được các nước có Phật giáo đăng cai tổ chức 12 lần, trong số đó 9 lần tổ chức tại Thái Lan, một lần tổ chức tại Sri Lanka vào năm 2016. Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ đã trở thành tổ chức trực thuộc Ủy ban Kinh tế - Xã hội của LHQ từ năm 2013. Sự kiện trọng đại này được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, bất bạo động của Đức Phật trên khắp thế giới.

6qt.jpg


Phật tử ghi lại cẩn thận thông tin

Sau chia sẻ của chư tôn đức về lễ Vesak, chư tôn đức Giảng sư đoàn TP trả lời các câu hỏi về bố thí để Phật tử hiểu rõ hơn trong tu tập của bản thân.

Được biết, khóa tu Ngày an lạc tại Việt Nam Quốc Tự bắt đầu từ 7g, kết thúc lúc 16g cùng ngày vào Chủ nhật cuối mỗi tháng, gồm nhiều nội dung: niệm Phật, nghe pháp, tụng kinh, thọ trai, chỉ tịnh, thiền tọa, pháp đàm… do chư tôn đức giảng sư luân phiên phụ trách theo chủ đề.

11qt.jpg
TT.Thích Nhật Hỷ phát biểu cảm tạ chư tôn đức chia sẻ về Vesak

10qt.jpg
Phật tử tham gia khóa tu cho biết chưa có duyên dự lễ Vesak tại Hà Nam

16qt.jpg
Phật tử tham dự khóa tu thiền tọa trên chánh điện

Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.