Một góc chùa Hội Khánh hôm nay - Ảnh: Vũ Giang
LTS: Hướng về Đại hội đại biểu PG toàn quốc lần thứ VII, nhằm giới thiệu đặc trưng Phật giáo các tỉnh, thành trong cả nước, từ đó giúp độc giả hình dung toàn cảnh bức tranh Phật giáo VN sau 30 năm thành lập Giáo hội. Bài viết này được thực hiện nhân Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương vào ngày 4 và 5-1-2012.
Trong bối cảnh đất nước hiện tại, Bình Dương được cả nước đánh giá đã có những bước đi vững bền về chiến lược phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị và ổn định cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Trong tất cả những thành tựu ấy, Phật giáo Bình Dương đã có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện sự gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, tiếp bước các bậc tiền nhân, đưa giáo lý Phật Đà vào cuộc sống, vì an lạc và lợi ích cho số đông.
Bước chân tiền nhân
Cách đây hơn ba thế kỷ, theo các đoàn dân di cư khai hoang lập ấp, nhiều vị thiền sư Phật giáo đã đặt chân đến Bình Dương, mang theo hương vị giải thoát của giáo lý Phật Đà. Trong buổi đầu du nhập, Phật giáo đã được truyền theo hai hướng: Từ miền Bắc, miền Trung và Tây Ninh sang, đã hình thành những ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông, tập trung đầu tiên các khu vực: Dĩ An, Tân Uyên và Thủ Dầu Một. Từ vùng đất Gia Định, Phật giáo theo chân chư vị Tổ sư hệ phái Khất sĩ và Nam tông đến Bình Dương lập nhiều tịnh xá, chùa Nam tông trong cộng đồng người Việt. Trong đó, ba ngôi chùa được ghi nhận sớm nhất có mặt trên mảnh đất này là chùa Núi Châu Thới, Hưng Long và Hội Khánh.
Từ buổi đầu, Phật giáo gắn bó, đồng hành cùng với cư dân đi mở đất, trở thành chỗ dựa vững chắc về tinh thần lẫn vật chất. Chư Tăng Ni mang chất liệu giải thoát, yêu thương để ban vui, cứu khổ, làm an lòng những con người xa xứ trước bao hiểm nguy trên vùng đất mới và là nơi nương tựa tâm linh của người đã khuất. Đến giữa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Phật giáo ở Bình Dương bắt đầu phát triển mạnh mẽ, chú trọng đến công tác giáo dục các thế hệ kế thừa và mở nhiều cơ sở khám chữa bệnh giúp đỡ nhân dân.
Song song đó, các công trình kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc Phật giáo cũng được thực hiện mà điển hình là bộ “Pháp Hoa Tri Âm” bằng chữ Hán hiện còn lưu giữ tại chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một), bộ Thập Bát La Hán chùa Đức Sơn, chùa Phước Long, chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) đã từng được mang triển lãm tại Pháp cùng với mô hình chùa Hội Khánh đã làm cho Bình Dương trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng, có mối liên hệ mật thiết với chư Tăng Ni, Phật tử các vùng miền khác mà tiêu biểu là vùng Tây Nam Bộ.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, Phật giáo Bình Dương đã tích cực giúp đỡ cho cách mạng, liên hệ mật thiết với chư tôn giáo phẩm các vùng miền khác như: HT. Minh Nguyệt (Gia Định), HT. Huệ Đăng (Vũng Tàu) xây dựng chí hướng bảo vệ quê hương đất nước. Đặc biệt, trong thời kỳ này, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã lưu lại chùa Hội Khánh (từ 1923 đến 1926) đã làm cho các hoạt động từ thiện xã hội, kê toa, phát thuốc cho dân nghèo và phong trào yêu nước trong Phật giáo trở nên sôi nổi. Đây cũng là giai đoạn mà các cơ sở tự viện Phật giáo được xây dựng khá nhiều với trên 60 ngôi chùa.
Thời gian sau đó, do điều kiện đất nước bị chia cắt, chiến tranh ly loạn nhưng Phật giáo Bình Dương vẫn kiên định con đường hoằng hóa chúng sanh, mở các lớp giáo lý, hình thành nên tổ chức Gia đình Phật tử, xây dựng cơ sở giáo dục và y tế, từ thiện xã hội; xuất bản hàng ngàn bản kinh sách Phật học…
Khi đất nước được thống nhất, hòa vào dòng chảy của Đạo pháp và Dân tộc, Phật giáo Bình Dương đã bước sang một trang mới năng động, sáng tạo hơn. Năm 1983, tổ chức thống nhất các hệ phái Phật giáo toàn tỉnh được hình thành với tên gọi Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sông Bé đoàn kết, hòa hợp toàn thể Tăng Ni, Phật tử chăm lo các công tác Phật sự chung. Đến năm 1996, tỉnh Sông Bé được chia tách thành Bình Dương và Bình Phước, Phật giáo Bình Dương dưới sự điều hành của HT.Thích Minh Thiện - Trưởng ban Trị sự, TT.Thích Huệ Thông - Phó ban Thường trực BTS đã ổn định nhân sự, phát huy nội lực để phát triển lên một tầm cao mới.
Vững bền cho tương lai
Tiếp nối các bậc Tổ sư đã dày công gầy dựng ngôi nhà đạo pháp ở vùng đất Thủ, thấm nhuần tư tưởng đồng hành cùng dân tộc, trong nhiệm kỳ vừa qua (2007-2012), chư Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bình Dương đã không ngừng trưởng dưỡng đạo tâm, hòa quyện cùng nhau xây dựng ngôi nhà Chánh pháp, thực hiện nhiều Phật sự quan trọng.
Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, diện 2.695,22km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước), dân số 1.482.636 người (1/4/2009). Bình Dương tiếp giáp với các tỉnh, thành sau: Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Nam giáp TP.HCM, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và TP.HCM. Phật giáo Bình Dương hiện có 179 cơ sở tự viện với 573 chư Tăng Ni tu học (trong đó có 2 vị Hoà thượng, 18 vị Thượng toạ, 2 vị Ni trưởng và 10 vị Ni sư). Toàn tỉnh có 600 ngàn tín đồ Phật tử, có 8 đơn vị Gia đình Phật tử với 340 đoàn sinh, huynh trưởng sinh hoạt. Trong nhiệm kỳ 2007 - 2012, Tỉnh hội đã tiếp nhận 150 Phật tử xuất gia. |
“Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương đã từng bước kiện toàn tổ chức vững mạnh, mọi sinh hoạt Phật sự đều dựa trên tinh thần Nghị quyết của Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI và phương hướng Phật sự nhiệm kỳ VII của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương. Nhờ thế, cơ cấu tổ chức Phật giáo Bình Dương từng bước ổn định và làm việc có khoa học hơn, đi vào nề nếp”, nhận định chung của toàn thể Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh hội về nhiệm kỳ hoạt động vừa qua.
Theo đó, trên phương diện tổ chức, Tỉnh hội đã gắn kết với các cơ quan chức năng giải quyết hợp thức hóa vào Giáo hội trên 15 cơ sở tự viện, xin phép trùng tu trên 100 cơ sở tự viện, khắc dấu tròn cho 7 Ban Đại diện và 170 các cơ sở tự viện, tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính Giáo hội và nghiệp vụ trụ trì, bổ nhiệm Phân ban Đặc trách Ni giới gồm có 15 vị do Ni trưởng Như Huy làm Trưởng Phân ban, hoàn thành việc thống kê Tăng Ni, tự viện; đón tiếp nhiều phái đoàn khách quốc tế và Phật giáo các đơn vị bạn đến thăm viếng, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Phật sự; mở Đại giới đàn Thiện Trung - Đạo Hiếu (2008) truyền giới cho 236 vị Tăng Ni.
Ngoài ra, các hoạt động chuyên ngành khác cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Về giáo dục, Tỉnh hội cũng đã mở lại trường trung cấp Phật học với 200 Tăng Ni theo học, giới thiệu hơn 100 Tăng Ni trẻ tham gia các cấp học Phật học và thế học khác nhau. Về văn hóa, Phật giáo tỉnh đã xây dựng nhiều công trình văn hóa Phật giáo phục vụ nhu cầu tâm linh của Phật tử địa phương; công trình văn hóa tượng Phật Niết bàn chùa Hội Khánh 52m dài nhất nước Việt Nam, công trình Bảo tháp chùa Hội Khánh cao hơn 25m; tượng Phật Quan Âm, Thế Chí cao 19m chùa Núi Châu Thới, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về văn hóa Phật giáo, thực hiện bản tin Hương Sen phát hành hàng tháng. Riêng công tác từ thiện xã hội lên đến 53 tỷ đồng.
Lễ ra mắt Phân ban Ni giới Bình Dương - Ảnh: Hạnh Tâm
Đặc biệt, năm 2008, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản tại Khu du lịch sinh thái Đại Nam với sự tham dự của trên 30 ngàn người. Đầu 2011, Tỉnh hội kết hợp với Ban Hoằng pháp TƯGH đăng cai thành công Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu và 6.000 hoằng pháp viên. Lễ khai mạc tại Sân vận động Gò Đậu với sự tham dự của 50 ngàn người để lại nhiều dư âm, ấn tượng đẹp về sức sống của Phật giáo Bình Dương.
Nhìn lại một chặng đường đã qua, hoạch định cho những bước đi sắp đến, toàn thể Ban Trị sự quyết tâm đào tạo thế hệ kế thừa và ổn định sinh hoạt để đưa Phật giáo Bình Dương tiến xa hơn nữa từ những tiềm năng sẵn có.