Năm 1965, cậu bé 10 tuổi Lê Thành Ân, người con thứ bảy trong một gia đình gồm 9 người con ở Gò Công, được đưa sang học tại Mỹ sống với bà trẻ và người dì ở thủ đô Washington D.C. Đến Mỹ vào mùa đông lạnh giá, ông giữ lại trong ký ức hình ảnh những thân cây trơ trụi lá. “Ấn tượng đầu tiên của tôi là như vậy đó: đất nước giàu có này không đủ tiền để chặt những cái cây đã chết”, ông Ân kể.
|
Cha mất năm 1972, khi ông Ân vẫn đang học ở Mỹ. Ông trưởng thành trong sự bao bọc của bà trẻ và dì, chứ hoàn toàn không phải là con nuôi của một vị đại sứ Mỹ như lời đồn đại. Khi Việt Nam thống nhất vào tháng 4-1975, ông Ân đang là sinh viên năm thứ 3 ngành kỹ sư điện tử tại Đại học George Washington. Gia đình ông đoàn tụ hơn 10 năm sau đó, khi mẹ ông được sang Mỹ theo chương trình định cư có trật tự.
Mối tình Việt trên đất Mỹ
Cũng nhờ sự kiện 1975, ông Ân gặp được cô gái trẻ Lâm Chí Tâm, người sau này trở thành vợ ông. Bà Tâm là con gái của một thống đốc ngân hàng quốc gia của chính quyền miền Nam Việt Nam.
Khi người Việt đổ sang Mỹ sau 1975, ông Ân trở thành tình nguyện viên trong các hoạt động giúp đỡ cộng đồng người Việt định cư thông qua các tổ chức nhà thờ. Đồng thời, ông giúp dì và bà trẻ lập trung tâm Phật giáo cho người Việt ở Washington D.C, sau này xây dựng thành một ngôi chùa. Bà Tâm, khi đó mới 16 tuổi, cùng gia đình được mời tham gia. Cha bà đã “chọn mặt gửi vàng” ngay từ lúc đó nhưng mối tình của hai người vài năm sau mới nảy nở. “Hồi đó tôi chê anh Ân quá cao so với mình. Cha tôi bảo: “Con gái, đừng nhìn bề ngoài, vì cái đẹp thì ngày tháng cũng qua đi, nhưng tính tình tốt thì sẽ còn mãi. Anh ấy là người có học thức, có thể không giàu có nhưng sẽ luôn lo được cho gia đình”.
Họ kết hôn năm 1981 với một đám cưới truyền thống, cô dâu chú rể mặc áo dài, khăn đóng. Bà Tâm lui về làm nội trợ, trở thành hậu phương cho chồng theo đuổi sự nghiệp. Ông Ân làm việc trong Bộ Hải quân Mỹ 15 năm, cho đến năm 1991 thì gia nhập Bộ Ngoại giao và đưa gia đình sang Bắc Kinh. Đây là thời điểm ông bắt đầu cuộc sống của một nhân viên ngoại giao và biến gia đình gốc Việt của ông trở thành “các công dân thế giới”, theo cách miêu tả của Mỹ Liên, con gái đầu lòng của ông Ân. Mỹ Liên năm nay 26 tuổi, vừa tốt nghiệp cao học ngành chính trị của Trường American University ở Washington D.C. Con trai thứ hai của ông bà là Thành Nghiêm, 25 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc cho một công ty tin học tại Mỹ. Còn cô con gái út Mỹ Anh đã không ở lại học nốt trung học tại Pháp mà theo bố mẹ về Việt Nam. Quốc tịch Mỹ, nhưng sinh ở Hong Kong và chưa bao giờ thực sự ở Mỹ, Mỹ Anh coi việc theo bố mẹ về Việt Nam là cơ hội để học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hoá nguồn cội.
“Tôi không có chiếc đũa thần”
Ông Ân kể, ba năm ở Bắc Kinh là thời gian ông chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của Trung Quốc về kinh tế và xã hội: “Sức phát triển kinh tế của Trung Quốc lúc đó cũng giống như những gì chúng ta đang chứng kiến ở Việt Nam hiện nay, như một chai champagne đã bật tung nắp thì không thể nút lại được”. Trong suốt những năm sau đó, công việc của một viên chức ngoại giao đưa ông và gia đình đến nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc. Ông có nhiều dịp về Việt Nam, lúc thì với gia đình, lúc thì với công việc như lần tổ chức chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam năm 2000.
Ông Ân coi việc trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức Tổng Lãnh sự tại TP.HCM vừa là một lợi thế, vừa là thách thức. Những hiểu biết về văn hoá Việt Nam sẽ giúp ông trong việc quản lý, điều hành một cơ quan ngoại giao tại Việt Nam. Nhưng ông nhận thức rằng có những sức ép đến từ mong đợi cao ở một nhà ngoại giao Mỹ gốc Việt: “Tôi hiểu rằng có rất nhiều người, trong đó có cộng đồng Việt kiều, có những trông đợi quá cao ở tôi. Nhưng tôi không có chiếc đũa thần để vung lên và mọi chuyện diễn ra theo ý mọi người. Công việc của tôi ở đây là công việc của một người đại diện cho Tổng thống Obama và thực hiện chính sách ngoại giao của Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và hiểu biết giữa hai nước”.
Tân Tổng Lãnh sự cho biết, một trong những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ ở TP.HCM là tập trung phát triển hợp tác giáo dục, tìm cách giúp sinh viên Việt Nam có năng lực và đủ tiêu chuẩn nhận được cơ hội giáo dục ở Mỹ. “Cách đây tám năm, lần đầu tiên vợ chồng tôi đưa các con trở về. Chúng tôi đến thăm các nhà trẻ mồ côi, trường học, bệnh viện. Khi trở về, bọn trẻ hiểu và trân trọng cuộc sống của mình hơn. Gia đình tôi đã thoả thuận với nhau, rằng đến một số dịp đặc biệt chúng tôi sẽ không tặng quà cho nhau nữa, mà dùng số tiền ấy để mua quà cho trẻ em ở Việt Nam.”, ông Ân kể.
Gia đình ông Ân vì thế cũng muốn tham gia vào các hoạt động từ thiện, gây quỹ… giúp đỡ trẻ em ở Việt Nam, trong thời gian ông tại nhiệm.