GN - Ai đã từng bế tắc, không thấy được ý nghĩa cuộc sống dù mọi thứ vật chất xung quanh vẫn đủ đầy thì mới thấy giá trị và mang ơn giáo pháp.
Cuộc sống viên mãn của con người cần hội đủ hai phương diện vật chất và tinh thần (tâm linh). Chúng phải song hành tồn tại nhằm hỗ tương lẫn nhau, giúp con người thăng hoa cuộc sống. Tài với nghĩa hẹp là tiền bạc, tài sản, rộng ra là toàn bộ vật chất làm căn bản cho cuộc sống. Pháp chính là giáo pháp của Đức Phật, là tài sản tinh thần vô giá, là ánh sáng soi chiếu trong cuộc đời, giúp người con Phật thiết lập bình an, hạnh phúc trong đời này và những đời sau.
Với mỗi người con Phật, tài và pháp hay vật chất và tinh thần (tâm linh) đều rất quan trọng, rất cần được tạo dựng để kiện toàn đời sống. Dù tài và pháp đều quý nhưng nếu phải so đo, lựa chọn thì chắc chắn pháp sẽ được ưu tiên vì tối thắng hơn. Cho nên Thế Tôn thường căn dặn, nếu bố thí thì pháp thí là hơn, nếu tác tạo thì pháp nghiệp là hơn, nhớ ơn thì ơn pháp cũng là hơn.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai sự bố thí này. Thế nào là hai? Đó là pháp thí và tài thí. Này các Tỳ-kheo! Bố thí hơn hết không gì qua pháp thí. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên thường học pháp thí. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
- Có hai nghiệp. Thế nào là hai nghiệp? Có pháp nghiệp và có tài nghiệp. Nghiệp trên hết không gì qua pháp nghiệp. Thế nên, này các Tỳ-kheo, nên học pháp nghiệp, chớ học tài nghiệp. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
- Có hai ơn này. Thế nào là hai? Đó là ơn pháp và ơn tài. Hơn hết trong các ơn, không gì qua ơn pháp. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành ơn pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Hữu vô,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr194)
Bố thí pháp hơn bố thí tài vật vì tài vật có thể nuôi sống con người trong một vài giờ vài ngày, hoặc có khi dài hơn nhưng bố thí pháp là có thể mở ra con đường thiện lành, một hướng đi tươi sáng cho một đời sống mới, tốt đẹp trong hiện đời và nhiều đời sau.
Tạo dựng sự nghiệp cũng vậy. Làm nên một cơ nghiệp huy hoàng về vật chất và danh tiếng vốn không phải dễ, có khi phải đánh đổi bằng máu và nước mắt mới gầy dựng được tài nghiệp nhưng rồi cơ nghiệp ấy cũng biến dịch, mai một theo lẽ vô thường. Vì thế ngoài việc học theo tài nghiệp để mưu sinh, người con Phật cần chú trọng đến việc học pháp nghiệp. Pháp nghiệp là sự nghiệp trong giáo pháp, tạo dựng an vui cho mình và người với sự tin tưởng sâu sắc về nhân quả, thấy rõ bốn chân lý trong cuộc đời, hiểu biết tường tận về duyên khởi tính và vô ngã tính của mọi sự để tùy duyên. Làm tất cả các việc thiện lành, lợi ích chúng sinh mà không chấp thủ, không dính mắc, tự tại thong dong chính là pháp nghiệp.
Biết ơn và đền ơn là một trong những đức tính căn bản của người đệ tử Phật. Trong cuộc sống ta hàm ơn rất nhiều, từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều. Theo Thế Tôn, lớn nhất và nhiều nhất, trên hết các ơn đó là ơn pháp. Ai đã từng bế tắc, không tìm được lối ra, không thấy được ý nghĩa cuộc sống dù mọi thứ vật chất xung quanh vẫn đủ đầy thì mới thấy giá trị và mang ơn giáo pháp. Có những giá trị sống thuộc về tinh thần (tâm linh) mà vật chất không thể đánh đổi hay với tới được. Cho nên giáo pháp thường được ví như chiếc bè chở chúng sinh qua sông mê, bể khổ, đến bờ an lạc. Giáo pháp mở ra quan kiến mới, định hình nên một lối sống mới, kiến tạo được hạnh phúc và bình an thật sự con người, nên ơn pháp là hơn hết.