Nướng vị giác

GN - Cô muốn ăn một con cà cuống đực nguyên con. Cô yêu cầu chủ quán. Những người bếp lật đật lục tung những ngăn tủ đá để tìm. Họ thấy toàn là những con cà cuống cái. Họ soi thật kỹ từng con. Đây là quán ăn rất nổi tiếng và uy tín của một người chủ quán gốc Hoa. Đó là một ngôi nhà xanh thật thoáng đãng, trước mặt vẫn giữ nguyên phong cảnh hoang sơ của làng quê.

CaCuong.jpg


Cà cuống

Hôm qua cô đọc một cuốn sách, người ta đã viết rất liêu trai con chữ. Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ lùng, ông ta gửi dâng vua Hán một mớ và gọi là quế đố, nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ, trong đám có một ông lắm chuyện lại tâu rằng: “Đó không phải là con sâu sống trong cây quế (quế đố), mà chỉ là một con sâu sống dưới nước” (thủy đố). Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã” (Đó là lời nói láo của Đà). Dần dần chữ Đà Cuống đọc chệch ra thành Cà Cuống. Nó còn có một tên nữa là long sắt nghĩa là “rận rồng” (Thương nhớ mười hai - Vũ Bằng). Cô muốn nếm bằng vị giác của những điều đó.

Cô ngồi chờ, đã mấy tiếng đồng hồ người ta vẫn chưa kiếm ra một con cà cuống đực. Họ đang lúi húi trong bếp. Tất tả. Những giọt mồ hôi rơi xuống bếp than lèo xèo. Họ tìm trong những cái chảo họ đã nấu.

- Đôi lúc nó núp trong ấy đấy, vừa mới thấy nó đây thôi - cô nghe tiếng họ nói.

Cô nghe thấy tiếng nó lúc nhúc, ở ngoài kia, phía sau nhà thải của khu bếp. Cô thấy nó cắn nhau chí chóe, nhìn xa như một lũ rận.

Cô lôi cuốn sách ra đọc: “Cà cuống có thể sống trên bờ hoặc nơi hồ, ao, đầm hay các ruộng lúa nước. Chúng có thể bơi lội nhờ các đôi chân bè, kẹp chặt mồi nhờ các móng nhọn. Tuy bay không khỏe nhưng về đêm, cà cuống có thể bay từ dưới ruộng lúa lên bờ đến những nơi có ánh đèn điện vì chúng rất nhạy cảm với kích thích của ánh sáng điện. Cà cuống rất háu ăn, chúng tấn công và hút máu của nhiều động vật thủy sinh như: tôm, tép, trai, nòng nọc, nhái, cá con v.v... Ở Singapore, fwai fa shim im là một món cà cuống được ưa chuộng. Người Thái Lan gọi cà cuống là mangda. Họ trộn nhuyễn toàn cơ thể, có khi vứt bỏ mắt, cánh và những bộ phận xơ cứng, với hành, kiệu, ớt, đường, thêm vào nước chanh, nước mắm thành một thứ bột nhão gọi là nam prik mangda để ăn với cơm hay rau. Còn người Trung Quốc ăn cà cuống theo kiểu luộc thêm một chút muối ở Quảng Châu, hoặc xào trong dầu mè ở Bắc Kinh”.

Cô muốn nếm chúng ngay, nhưng phải là con đực, con cái không có tinh dầu. Cô muốn nếm trực tiếp không qua một món chế biến nào từ nó.

- “Bọng tinh dầu ở gáy cà cuống đực, thoang thoảng mùi hương quế rất khó tả, là gia vị quý giá được pha chế vào nước mắm, không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn, và chính nó làm cho các món ăn nói trên có hương vị nổi tiếng của nghệ thuật ẩm thực Hà Nội truyền thống” - cô đọc tiếp - “Cà cuống đi vào ẩm thực tự bao giờ thì không ai biết nhưng khi nhắc đến những món ăn được ưa chuộng như: bún thang, chả cá, bánh cuốn, bún chả, bún nem, bánh dày thì bí quyết để làm cho món ăn này ngon và thơm đó chính là cho thêm một vài miếng cà cuống tự nhiên cắt nhỏ vào thì lập tức hương vị của món ăn đó dậy mùi thơm đến độ tuyệt vời, khó quên và rất đặc trưng cho món ăn đó. Dùng đầu nhọn của que tre hay mũi dao rạch một đường ngang ở vị trí giữa đôi chân thứ ba. Gấp bụng cà cuống xuống để bộc lộ hai túi tinh dầu, đây chính là phần tinh túy nhất trong con cà cuống. Dùng kẹp khẽ gắp túi và rút ra một cách nhẹ nhàng (tránh làm rách túi), rồi chích túi cho tinh dầu chảy vào lọ khô, sạch, đậy kín. Nếu đựng trong lọ có nút mài thì có thể bảo quản được rất lâu”.

Cô đọc mải miết, người ta vẫn chưa tìm ra con cà cuống đực nguyên con cho cô. Cô muốn món nướng. Cô ngửi thấy mùi tinh dầu cà cuống nướng thơm phức. Hình như trong cái bếp kia. Nó nằm dưới ngọn lửa ga ấy.

Cô lại nghe tiếng lúc nhúc, cảm giác nhồn nhột trên từng đốt sống. Chúng đang bò.

- Đợi đến khi nào đây, thưa ông - cô lên tiếng hỏi vọng vào.

Chủ quán lật đật đi ra. Cô thấy mồ hôi lão nhẫy nhụa, có cái mùi thoang thoảng của tinh dầu quế.

- Xin cô cho chúng tôi ngày mai, ở chỗ chúng tôi luôn có những loại đặc sản như thế này, đã uy tín mấy chục năm nay, hôm nay chúng tôi sơ sẩy đã để chúng bò đi mất, có lẽ người bếp đã quên buộc miệng cái túi.

Nhìn ngoài kia, ngoài cái hồ nước, cô thấy một con cò nước khá lớn nằm gục trên bờ do bị một con cà cuống lớn hút cạn máu.

Cô có cảm giác mằn mặn tanh tanh của vị tinh dầu trôi qua cổ.

- Cảm ơn ông, cô gắng gượng nói, tôi đã thưởng thức vị đó nãy giờ, tôi thấy trên đôi cánh chúng ông đã không tẩy sạch mùi từ ống cống.

Tối hôm ấy cô vẫn muốn thử lại mùi tinh dầu nướng trong trang sách. Lần này cô ngửi nó có màu nâu huyết dụ như cánh gián. Chúng lúc nhúc trong cuống họng cô. Cô có cảm giác buồn nôn.

Sáng sớm, vị bác sĩ khám cho cô nói:

- Cô bị rối loạn vị giác, có lẽ nó liên quan đến đường tiêu hóa, cô qua phòng siêu âm đợi tôi.

Bác sĩ siêu âm cho cô, quái lạ, trong cái dạ dày của cô đầy những con chữ bò lúc nhúc như những con gián, chúng vẫn còn nguyên con, chưa kịp tiêu hóa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.