Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ với bộ truyện tranh đạo đức Phật giáo

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1133 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1133 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Dễ hiểu, sinh động và đầy đủ những lời dạy căn bản về nhân quả, lòng biết ơn, lối sống đẹp, bộ “Truyện tranh đạo đức Phật giáo” ra đời với mục tiêu góp phần giúp nhân cách và tâm hồn các em thiếu nhi trở nên hoàn thiện hơn.

Nuôi dưỡng và định hình nhân cách trẻ

Theo lời Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM), bộ “Truyện tranh đạo đức Phật giáo” ra đời nhân dịp chùa tổ chức khóa tu “Em về bên Phật”. Đây có thể xem là phương tiện giúp các em thiếu nhi dễ dàng tiếp cận với các giá trị đạo đức, nuôi dưỡng và định hình nhân cách trẻ thông qua những tấm gương sáng để chỉnh đốn những hành vi sai lệch trong ứng xử và hướng đến điều thiện ngay lúc nhỏ.

Truyện tranh Phật giáo là phương tiện hữu ích để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ
Truyện tranh Phật giáo là phương tiện hữu ích để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Giáo lý căn bản về nhân - duyên - quả được minh họa bằng hình ảnh một cách sinh động trong Bài học nhân quả sẽ giúp các em hiểu được lý do vì sao trong kiếp này, một người được khỏe mạnh, thông minh hoặc bị bệnh tật, ốm đau… Dạy cho các em biết được, phúc hay họa là do thân, miệng và ý nghĩ của mình tạo ra, mỗi người sẽ nhận lấy hậu quả mà bản thân đã làm, để tránh làm các việc ác trong đời sống.

Lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, Tam bảo, Tổ quốc, muôn loài vạn vật cũng được trình bày dễ hiểu qua các câu thơ ngắn gọn, giúp các em biết hiếu thảo ông bà, thân cận thầy hiền, tránh xa bạn ác...

“Con xin nhớ ơn Phật

Là bậc đủ phước trí

Khai thị rõ đường mê

Đưa con về bờ giác”

(Bài học nhớ ơn)

Bên cạnh đó, những lễ nghi, phép tắc căn bản như đi đứng, lễ lạy, thắp hương, cúng dường… khi đến chùa hay nghe kinh, lời dạy của chư Tăng Ni để hiểu biết đúng đắn về đạo Phật, tránh điều mê tín dị đoan cũng được trình bày rất chi tiết, từ đó, giúp các em thực hành nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha từ ngàn xưa một cách trọn vẹn nhất.

Bộ "Truyện tranh đạo đức Phật giáo" với nhiều nội dung gần gũi dễ tiếp thu
Bộ "Truyện tranh đạo đức Phật giáo" với nhiều nội dung gần gũi dễ tiếp thu

“Em đến chùa cầu cho mình có sức khỏe, học giỏi; cầu cho ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu và nguyện thực hành theo lời Phật dạy, trở thành người tốt. Không van xin lợi lộc, mê tín”. (Trích Bài học em đến chùa).

Được biết, sắp tới chùa Hoằng Pháp sẽ tiếp tục ra mắt các bộ truyện hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên, người lớn tuổi như Bài học thanh thiếu niên, Bài học người Phật tử, Gương sáng Đông Tây. Thông qua đó đưa giáo dục Phật giáo ứng dụng vào đời sống một cách thiết thực hơn.

Cha mẹ là tấm gương của các em

Việc giúp các em thiếu nhi hiểu biết và thực hành lối sống đạo đức, hướng thiện là điều không dễ. Bên cạnh giáo lý Phật giáo được chia sẻ từ chư Tăng Ni, hay hệ thống giáo dục từ nhà trường thì cha mẹ là nhân tố không thể thiếu để giúp các em có một tâm hồn đẹp. Điều này càng quan trọng hơn khi mà các em tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ rất sớm, nhất là trong giai đoạn học online, các em càng dễ tiếp cận với các điều bất thiện.

Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ hiện đại không dành nhiều thời gian cho con cái vì bận rộn trong guồng quay của công việc, các mối quan hệ xã hội. Chưa kể, nhiều bậc phụ huynh lại quá chú tâm đến việc nâng cao chất lượng tri thức rồi quên đi đạo đức, bỏ qua “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ai cũng muốn con mình trở thành một thiên tài mà không hề để ý đến tâm hồn của nó có thật sự hạnh phúc hay không.

Cha mẹ là Phật tử, cần duy trì nếp sống thiện lành làm nơi nương tựa, tưới tẩm tâm hồn của trẻ
Cha mẹ là Phật tử, cần duy trì nếp sống thiện lành làm nơi nương tựa, tưới tẩm tâm hồn của trẻ

Điều mà các bậc cha mẹ cần nhất chính là phải quan tâm tới con cái nhiều hơn nữa, tránh để những tâm hồn non nớt “chết yểu” trước khi nở hoa. Phải hỗ trợ, khuyến khích sự đọc cho các em, giúp các em tránh xa màn hình điện thoại bằng cách tạo điều kiện tiếp cận với những lời hay, ý đẹp trong đời sống hàng ngày hay trong những trang sách. Hoặc có thể khéo léo hướng các em tiếp cận với các tác phẩm đạo đức này trên các nền tảng xã hội như YouTube, Facebook. Nhằm chuyển hóa nội tâm, cải thiện cái xấu thành cái tốt và hình thành cho chúng nhân cách, lối sống tích cực và cao quý hơn.

“Đừng vì chạy theo kiến thức mà quên đi rằng lòng biết ơn là nền tảng đạo đức căn bản của một người” (trích Bài học nhớ ơn).

Đặc biệt với những bậc cha mẹ là Phật tử, cần duy trì nếp sống thiện lành, trở thành một “gia đình tâm linh” đúng nghĩa, thực hiện đầy đủ 5 giới, siêng làm các điều thiện. Từ đó làm nơi nương tựa, tưới tẩm tâm hồn của trẻ, giúp chúng lớn lên trong một môi trường thuần thiện, có nền tảng đạo đức vững chắc để đối diện với cuộc sống đầy biến động sau này.

“Dù bận thế nào, tôi cũng cố sắp xếp để đưa con đến chùa để lễ Phật, vui chơi. Giúp nó thư giãn sau những giờ học online căng thẳng. Lắng nghe những suy nghĩ của nó cũng như tạo cơ hội để con có thể tiếp xúc với Phật nhiều hơn”, mẹ của bé Minh Anh (5 tuổi) nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.