GN - Đại giới đàn Trí Tịnh do BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức từ ngày 7 đến 11-5-2018 đã truyền trao giới pháp cho gần 900 giới tử tại 7 giới trường. Trước khi tiến hành khai mạc Đại giới đàn - đăng đàn thọ giới, kỳ khảo hạch giới tử diễn ra theo quy định và có những vị đạt kết quả cao.
PV Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với một số tân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ở các giới trường trước khi các vị bước vào mùa An cư đầu tiên...
Chư hành giả An cư tại trường hạ Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn
Rèn luyện và phát triển Bồ-đề tâm
Thầy Tịnh Nghiêm |
Hầu hết, các giới tử ở các đàn giới đều chia sẻ môi trường sống xung quanh tác động rất lớn đến Bồ-đề tâm (tâm phát khởi đầu tiên - mong muốn xuất gia học Phật).
Theo đó, mỗi người có một nhân duyên đến với con đường xuất gia khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung chính là tâm Bồ-đề rất dõng mãnh. Giới tử Tịnh Hòa - thủ khoa tụng Luật đàn Tỳ-kheo (trú xứ chùa Huệ Nghiêm, Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết, khi phát tâm xuất gia, thầy đã lựa chọn rất kỹ nơi mình đến ở và cho đến hiện nay thầy rất hài lòng với môi trường mình đang sinh sống.
“Có thể nói, chính môi trường thuần tịnh đó làm cho tâm Bồ-đề mình được tăng trưởng, tâm nguyện xuất gia theo đó được nuôi dưỡng và lớn lên từng ngày”, tân Tỳ-kheo Thích Tịnh Hòa bộc bạch.
Cũng vậy, giới tử Tịnh Nghiêm (chùa Huệ Nghiêm), đồng thủ khoa tụng Luật đàn Tỳ-kheo bày tỏ, được làm đệ tử của một vị Tuyên Luật sư là phước báu lớn. “Có thể nói, môi trường sống tại luật viện đã giúp tôi và nhiều huynh đệ đang sinh sống cùng tìm được sự bình an và tịnh lạc. Những lời chỉ dạy từ Hòa thượng bổn sư và huynh đệ giúp bản thân nhận ra thiếu sót, phải tinh tấn nhiều để có thể loại trừ tham, sân, si”.
Thầy Tịnh Hòa |
Với sư Minh Năng, Tỳ-kheo Hệ phái Khất sĩ (trú xứ tịnh thất An Lạc, Ngã Bảy, Hậu Giang), được sinh ra trong gia đình có truyền thống nhiều người xuất gia tu tập, nên ngay từ nhỏ bản thân được gia đình đưa đến các trú xứ để gieo duyên cùng Tam bảo. Do vậy, sau khi tốt nghiệp cao đẳng thế học, nhân duyên xuất gia đã lớn nên sư liền được gia đình đồng thuận cho xuất gia học đạo
SC.Liên Trinh (trú xứ chùa Kim Liên, Q.4, TP.HCM), tân Tỳ-kheo-ni cho biết, từ nhỏ đã thích Phật pháp. Sư cô chia sẻ: “Giáo lý, giới luật của Đức Phật giúp tôi chuyển hóa được nhiều khổ đau cho bản thân và gia đình. Vì muốn thực hành lời Đức Phật dạy, tôi thường tụng kinh, rồi thuộc luôn. Càng tụng kinh, tôi càng nhận ra, giáo lý của Đức Phật dễ gần, dễ hành và cũng dễ hiểu nếu mình chú tâm, tinh tấn”.
Theo SC.Liên Trinh, để có được nhân duyên xuất gia hôm nay là kết quả của sự giáo dưỡng từ thầy tổ, huynh đệ và ơn sinh thành của cha mẹ. Sư cô bày tỏ lòng tri ân đến vị bổn sư - NT.Thích nữ Khiết Minh, đã tạo điều cho cô vừa tu tập vừa có thể báo hiếu được (cho mẹ vào chùa tu cùng).
SC.Chân Liên |
Trải lòng với chúng tôi, SC.Chân Liên (trú xứ chùa Hồng Trung Sơn, tỉnh Đồng Nai), Tỳ-kheo-ni Hệ phái Khất sĩ nói, tuy học xong đại học ở ngoài đời mới dấn thân vào đạo, nhưng từ lúc còn sinh viên, cô cũng đã tham gia các khóa tu thiền tại trú xứ nơi mình đang tu tập. “Từ những sự trải nghiệm đó, bản thân tôi cảm thấy yêu mến đạo Phật hơn và mong muốn được trở thành người xuất gia học đạo”, SC.Chân Liên nói.
Ở những năm tháng đầu tiên khi xuất gia, hầu hết mọi người đều gặp nhiều chướng duyên, có người nhớ nhà, nhớ cha mẹ và những người thân. Lại có những vị gặp nhiều trắc trở trên
còn đường tu tập, nhưng bằng niềm tin vào Đức Phật, tin vào giáo pháp cũng như lý tưởng giải thoát giác ngộ - họ đã vượt qua và vững chãi, thăng tiến thêm trên con đường đạo.
Nói về điều trên cùng vài thử thách khác, quý thầy, quý sư cô khẳng định những khó khăn và thử thách chính là một động lực để rèn luyện tâm Bồ-đề. Ý thức được điều đó vì quý thầy, sư cô lấy tấm gương của Đức Phật để tự sách tấn, rằng, trước khi thành đạo Ngài cũng có nhiều ma chướng đến thử thách và cám dỗ. “Nhưng, Đức Phật đã an nhiên và chiến thắng, là đệ tử Ngài chúng tôi luôn lấy điều đó làm động lực để vượt qua”...
Ráng tu để kế thừa đạo nghiệp
SC.Liên Trinh |
Nói về những dự định và trọng trách của sứ giả Như Lai trong tương lai, hầu hết quý thầy, cô đều cho rằng, cần phải hoàn thiện bản thân trước. Khi nội lực mình vững chãi, tâm mình bình an thì sẽ dễ dàng tiếp xúc và chia sẻ những điều đó đến với mọi người.
Theo các thầy, sư cô: “Được xuất gia, trở thành đệ tử của Đức Phật, được sống trong tình yêu thương của Tăng đoàn là điều hạnh phúc. Những ngày tại giới trường đem đến cho chúng tôi nhiều cảm xúc, nhiều hạnh phúc rất thiêng liêng”.
Được nuôi dưỡng trong môi trường giới luật nên thầy Tịnh Nghiêm - Tịnh Hòa, mong muốn sẽ tiếp nối chí nguyện của tôn sư, hoằng truyền Luật tạng đến mọi người hữu duyên. “Chúng tôi biết, giới luật là mạng mạch của Phật pháp, nên sẽ cố gắng vừa học, vừa hành trì để có thể dung hợp thông qua việc đối chiếu - so sánh để áp dụng phù hợp đời sống hiện nay”, hai thầy bày tỏ.
Nói về việc học luật, các thầy bày tỏ: hiện nay nhiều Tăng Ni trẻ vẫn không tha thiết với việc học luật, họ cho rằng giới luật khô khan, không như các môn giáo lý khác.
“Trong thực tế, giới luật càng học càng hành trì, mình sẽ cảm nhận được sự từ bi của Đức Phật. Hiện nay, chúng tôi đang phấn đấu học thuộc giới Bồ-tát; Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, xem như bước chuẩn bị và rèn luyện cho con đường trưởng thành phía trước”, quý thầy bày tỏ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hành đạo ở tương lai, hai thầy tha thiết: nếu muốn cho người khác sự hạnh phúc và bình an, chính mình phải có được điều đó. Nên cả hai sẽ nỗ lực, cố gắng để học pháp và hành pháp thật tinh tấn.
“Khi có được sự vững chãi, bình an rồi, mới nghĩ đến việc chia sẻ pháp lạc đó cho huynh đệ và mọi người, hiện nay chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện bản thân”, thầy Tịnh Nghiêm, Tịnh Hòa nói.
Sư Minh Năng |
Còn sư Minh Năng lại chọn cách dấn thân để hành đạo trên tinh thần “tự giác, giác tha”. Sư cho biết, từ khi vào đạo, đã có tâm nguyện sẽ đem giáo pháp Tổ thầy chia sẻ cho mọi người, giúp họ vơi đi những nỗi khổ, niềm đau mà họ đang gặp phải.
Sư cho biết, dù là một vị giảng sư đăng đàn thuyết giảng, hay một vị khất sĩ sống an bần với chùa quê, thì cũng sẽ cố gắng để toát ra phong thái và sự hoan hỷ của một người tu sĩ, “vì Phật giáo ngoài khẩu giáo thì thân giáo và ý giáo cũng là phương tiện để hóa độ”.
Riêng quý sư cô thì chọn cách hành đạo nhẹ nhàng hơn. SC.Chân Liên chia sẻ, sau khi hoàn thiện nhân cách cá nhân, “sẽ thực hiện tinh thần Bồ-tát đạo, đem những điều đã học và tu được chia sẻ đến mọi người”. SC.Liên Trinh nói: “Trở thành Tỳ-kheo-ni, tôi nhắc mình cần ý thức hơn nữa với bản thân, phải giữ giới đã thọ, thực hành lời dạy của thầy Tổ hàng ngày để có oai nghi, đạo hạnh của người đã thọ giới. Vì chỉ khi bản thân mình có đạo hạnh thì mới hướng dẫn được người khác tu học, chuyển hóa được khổ đau”...
Quảng Hậu - Hạnh Ý