GN - Không chỉ là một nghệ sĩ nổi danh của sân khấu cải lương, NSND Bạch Tuyết còn được nhiều người biết đến như là một Phật tử thuần thành. Với trường ca “Kinh Pháp cú - Lời Phật dạy”, chị đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam trao giấy xác nhận kỷ lục gia dành cho người đầu tiên chuyển thể kinh Phật thành trường ca cải lương.
Sau đó, chị lại tiếp tục bắt tay vào thực hiện những công trình cải lương - Phật giáo tiếp theo như: Trường ca Phật giáo trong lòng dân tộc, Trường ca Kinh Kim Cương, Trường ca Phật hoàng Trần Nhân Tông…
NSND - Tiến sĩ Nghệ thuật Bạch Tuyết
Và trong những năm qua, chị cũng đã nhận được nhiều lời mời tham gia các buổi trò chuyện về Phật pháp với tư cách là một diễn giả mà gần đây nhất là buổi nói chuyện trong chương trình “Chất lượng cuộc sống” (do Mani Media tổ chức tại Nhà hàng chay Mandala) với chủ đề “Như nó đang là”, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người… Phóng viên Báo Giác Ngộ đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với chị để hiểu rõ hơn về một người nghệ sĩ - Phật tử thuần thành. Khi được hỏi về cơ duyên đến với Phật pháp, chị cho biết:
- Mọi việc đến với tôi đều tình cờ nhưng dĩ nhiên có khát vọng của bản thân về sự hướng thiện. Thuở nhỏ, tôi được “tôi luyện” trong tu viện bên cạnh các soeur. Lớn lên, tôi lại ham mê đọc các loại sách triết học để tự tìm kiếm, lý giải cho những thắc mắc của mình về thân phận, về sự sống - cái chết… Bởi sự ra đi bất ngờ của mẹ tôi đã khiến cho tôi quay quắt trong suốt một thời gian dài với hàng loạt những câu hỏi “Tại sao?”. Tôi cũng nghiền ngẫm Thánh kinh nhưng tất cả chỉ thật sự “bừng sáng” khi tôi đọc sách của các thiền sư, đặc biệt là của Hòa thượng - Thiền sư Thích Thanh Từ. Tôi vui mừng nhận ra đây chính là con đường mà mình muốn tìm.
Theo Phật, học Phật, cho đến bây giờ, điều tinh tuý nhất của đạo Phật mà chị nhận ra được và có thể áp dụng cho đời sống của mình là gì?
- NSND Bạch Tuyết: Đó chính là “Đại hùng - Đại lực - Đại từ bi”. Khi chúng ta nhận ra mình trong thế giới, nhận ra được sự lợi ích bản thân khi hòa mình vào thế giới muôn màu thì từ đó chúng ta sẽ có được sự tự tin, khiêm cung, biết ơn và thương yêu hết thảy muôn loài. Và tôi quyết theo Phật, theo thầy học làm “người tử tế”: thấy lỗi mình, không xét lỗi người.
Thế còn việc hành thiền đã giúp ích gì cho chị?
- Sức khỏe được cải thiện, suy nghĩ được quân bình. Ngày trước, tôi hay tự sân si với chính mình và đã hơn một lần tôi tìm đến cái chết. Nhưng từ khi biết thiền, tôi nhìn sự vật một cách nhẹ nhàng, thoải mái và nhờ vậy mà tâm hồn trở nên thanh thản. Bởi theo lời dạy của Phật thì mở cánh cửa thiên đường hay vào cổng địa ngục cũng tự do mình. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải tự biết mình.
Theo chị, vì sao ngày nay người ta lại tìm đến với đạo Phật ngày một nhiều hơn?
- Mỗi người có mặt trong đời, ai cũng ao ước, hy vọng, chờ đợi và khao khát một đời sống an bình, hạnh phúc. Đặc biệt, trong thời kỳ gọi là “mạt pháp”, mọi giá trị hầu như bị nhào lộn; tâm tính con người cũng có sự chuyển đổi đảo điên; thiên nhiên cũng trở nên “thịnh nộ” với những cơn sóng thần, động đất… cho nên con người muốn đi tìm cái họ cần. Và nếu đến được với một tôn giáo như đạo Phật, dĩ nhiên, con người cảm thấy được phần nào sự an tâm cho chính mình.
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết với người hâm mộ
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số người lại “đánh đồng” đạo Phật với mê tín dị đoan. Quan điểm của chị như thế nào về “hiện tượng” một số người đến chùa để xin xăm, bói quẻ, hái lộc hoặc nhét tiền vào các pho tượng trong chùa… đang bị phê phán?
- Có gì quan trọng đâu. Sự tự do và chân lý tuyệt đối của đạo Phật ở chỗ “Mọi người được quyền chọn điều mình thích và tự chịu trách nhiệm”. Chúng ta biết rằng, thế giới không hoàn hảo. Nếu buộc rằng ai cũng phải giống ai thì rất dễ hiểu lầm, làm tổn thương nhau thay vì giúp nhau tăng trưởng thân tâm, giàu có trí tuệ; không so sánh, trách phiền, ghét bỏ, xem thường hay thành kiến.
Vậy theo chị, làm thế nào để giữa bộn bề cuộc sống, mà mình vẫn có thể sống một đời sống an lạc? Và sự an lạc, niềm vui của chị hiện giờ là gì?
- Đâu có gì khó! Cứ sống tử tế, sống bình thường; không ham hố những điều không phải dành cho mình, không thuộc về mình. Hãy sống nhẹ nhàng và luôn luôn “biết đủ”! Và tôi, tôi đã và đang hòa mình thưởng thức cuộc sống. Với tôi, được làm những công việc mình thích và công chúng yêu cải lương cũng thích, tôi an lạc.
Chị vừa nhắc đến cải lương - nơi mà tên tuổi của chị ở hàng thượng thặng. Và khi người nghệ sĩ đã được vây kín bởi những hào quang, thì xem ra, để “buông” được tất cả cũng không phải là việc dễ dàng. Thậm chí, có người cứ sống mãi trong hào quang của quá khứ. Còn chị thì thế nào?
- Hào quang là ảo, thế giới là bụi. Mà nếu đã là bụi thì làm sao thoát khỏi quy luật của muôn đời “Gió cuốn bụi bay”, “Pháp luân thường chuyển” hay “Sinh thành hoại diệt”. Nếu có “hạt bụi” nào lưu lại một chút gì đó tên tuổi thì cũng chỉ là một hạt bụi trong vô cùng vũ trụ. Có gì còn mãi đâu, sao phải bận tâm?
Sắp tới, chị có dự định thực hiện một công trình nghệ thuật Phật giáo nào nữa không?
- Tôi đang chuẩn bị thực hiện trường ca cải lương thứ năm “Kiến tánh thành Phật”, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Hòa thượng - Thiền sư Thích Thanh Từ.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.