"Nồi cháo từ thiện" của thầy Huỳnh

Chăm lo đến chuyện học hành của các em học sinh.
Chăm lo đến chuyện học hành của các em học sinh.
 Dân làng khắp xóm 10 (xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, Nam Định) không ai là không biết đến thầy Huỳnh cùng ngôi chùa đầy tình thương mang tên Phúc Sơn.

Họ trìu mến gọi Đại đức Thích Thanh Huỳnh là thầy, bởi lẽ những điều mà vị trụ trì ngôi chùa này đang mang lại cho người dân nơi đây thật đáng kinh ngạc...

Từ nồi cháo, cân gạo...

Chùa Phúc Sơn - ngôi chùa cổ kính của bà con xã Hải Trung - nằm yên tịnh giữa cánh đồng lúa đang kỳ trổ bông xanh mởn. Khác với vẻ bề ngoài thanh tịnh vốn thấy ở các ngôi chùa, cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi bước vào sân chùa là một không khí đầm ấm rất đời thường.

Vài đám trẻ con đang nô đùa lao xao trong sân. Một tốp Phật tử khác vừa đi lễ về, tranh thủ túm tụm trò chuyện, nói cười rôm rả. Họ chia cho nhau món lộc chùa giản dị như quả na, chiếc bánh khảo... Thỉnh thoảng, một vài cụ ông, cụ bà tóc bạc phơ thư thái đi dạo quanh sân. Vị trụ trì có nụ cười hóm hỉnh, giải thích rằng các cụ đang tranh thủ đi bộ tập thể dục theo phong trào mới phát động của chùa.

Tiếp quản chùa Phúc Sơn từ năm 2004, Đại đức Thích Thanh Huỳnh đã kêu gọi khắp nơi để trùng tu, nâng cấp chùa. Song điều đặc biệt là thầy còn xây mới thêm hai khu nhà, xây nên mái ấm tình thương của gần 30 người già neo đơn cùng em học sinh nghèo hiếu học đến từ khắp nơi trong xã, huyện.

Bằng chất giọng hóm hỉnh, thầy Huỳnh kể về cái duyên của mình với những việc làm thiện nghĩa tại chùa: "Tất cả bắt nguồn từ một buổi chiều khi tôi đang lang thang trong khu bệnh viện huyện. Tôi nhìn những bệnh nhân nghèo ngồi rất đông ở sân, đột nhiên nghĩ tại sao mình không làm một điều gì đấy giúp họ. Ý tưởng về nồi cháo từ thiện ra đời từ đó!".

Ngay trong buổi chiều, thầy Huỳnh trở về chùa, huy động toàn bộ "lực lượng" của chùa, xắn tay vo gạo, băm thịt... Một nồi cháo được mang đến giữa sân bệnh viện, mang đến tận tay bệnh nhân và người nhà. Tên gọi "nồi cháo từ thiện" ra đời từ đấy khi đều đặn mỗi ngày, thầy cùng nhà chùa tính toán rất kỹ các khoản thu - chi để làm sao đảm bảo ngày nào cũng có cháo cho bệnh nhân.

Tiếng tăm của... nồi cháo cứ lan rộng ra, cho đến khi nồi cháo trở thành một quỹ từ thiện giúp đỡ người nghèo trong bệnh viện huyện Hải Hậu. Cứ thế, nguồn quỹ ngày một nhiều hơn từ những tấm lòng bác ái khắp nơi gửi về. Hiện nay số quỹ "nồi cháo từ thiện" đã lên đến hơn 200 triệu đồng.

Nguồn quỹ ngày càng lớn, thầy Huỳnh lại tiếp tục nảy ra "hoạt động" mới. Một văn phòng từ thiện ra đời phát gaọ, phát thuốc miễn phí cho người già. Điều đặc biệt là phụ trách văn phòng lại là một đội ngũ các... xơ. Vùng đất Công giáo với không ít nhà thờ trở thành "đối tác" lý tưởng của chùa Phúc Sơn khi khối lượng công việc ngày càng nhiều thêm.

Xơ Đinh Thị Lan - phụ trách chính tại văn phòng - chia sẻ: "Đến ngày phát gạo là cả xóm lại vui như hội, còn chúng tôi thì luôn chân luôn tay suốt từ sáng đến tối. Các cụ đến văn phòng không chỉ nhận thuốc, nhận gạo, mà còn đến để tâm sự chuyện ruộng vườn, nhà cửa. Lắm lúc mệt nhưng nghe các cụ con cà con kê mà cũng phải bật cười, thấy vui lắm!".

Phucson1.jpg

Đại đức Thích Thanh Huỳnh chuyện trò cùng các cụ già neo đơn và chăm lo đến chuyện học hành của các em học sinh.

Ngẫm ra, thầy Huỳnh cũng có lắm cái duyên với các bậc bô lão. Ngay trong chùa, nơi ấy cũng có một mái ấm tình thương. Hơn chục cụ già neo đơn, không gia đình đã về đây, được cưu mang và nuôi dưỡng. Khu nhà dành cho các cụ rất khang trang, rộng rãi.
Gắn bó lâu nhất trong gia đình bô lão là cụ Trần Thị Tâm tuổi đã gần 90. Cụ Tâm bước đi không vững, nhưng vẫn trò chuyện minh mẫn. Cụ kể, con trai duy nhất của cụ mất đã lâu, một mình cụ sống lầm lũi cách chùa không xa. Một ngày cách đây 3 năm, thầy Huỳnh trong một lần đến thăm cụ, nhìn thấy cảnh đơn chiếc thương tâm, thầy đã mời cụ về chùa sống. Dù no dù đói nhưng sống ở chùa vẫn có hơi có tiếng lúc ốm đau bệnh tật... Thế là cụ Tâm về nương nhờ cửa chùa từ đó.

Dần dà, thầy Huỳnh xây một khu nhà tập thể nhỏ và tiếp tục tìm những cụ già neo đơn đón về ở. Đến nay đã có khoảng 13 cụ sinh sống tại đây, có 3 cụ vì tuổi già sức yếu nên đã qua đời năm ngoái...

... đến cánh cửa tri thức


Cánh cửa chùa Phúc Sơn, với bàn tay vun vén của Đại đức Thích Thanh Huỳnh, dường như không chỉ rộng mới đối với những người già cả, đó còn là mái nhà của những học trò nghèo hiếu học trong huyện. Đối diện của dãy nhà các cụ là khu "cư xá" theo cách gọi vui của thầy - nơi sinh sống của mấy chục em học sinh nghèo. Khu cư xá vừa xây rất rộng rãi, mỗi phòng cũng có giường tầng, tivi.

Nhìn các em miệt mài học tập, khuôn mặt thầy rạng rỡ, ánh lên đôi chút tự hào. Dường như vị thượng toạ có tấm lòng bác ái này muốn gửi gắm vào các em những ước mơ thuở nhỏ của mình. Bản thân thầy Huỳnh cũng là người học trò hiếu học. Vì mê học mà dù gia cảnh khó khăn đến mấy, thầy cũng kiên quyết không thể bỏ học. Tìm mọi cách để học, dù có làm đủ nghề để kiếm thêm tiền phụ cha mẹ..

"Tôi biết trong xã, trong huyện có rất nhiều em học sinh học giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn. Nhà chùa sẵn lòng đón các em về, miễn là để các em có điều kiện học hành, đỗ đạt thành tài" - thầy Huỳnh tâm niệm.

Đúng như ý nguyện của thầy Huỳnh, tất cả các em học sinh tại đây đều ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ. Đã có 6 em đỗ đại học với kết quả cao vào những trường có tiếng như ĐH Hàng Hải, ĐH Y, ĐH Dược Hà Nội... Sau khi đỗ đại học, các em tiếp tục được nhà chùa hỗ trợ thêm mỗi tháng 800.000đ.

Không chỉ dừng lại ở đó, chùa Phúc Sơn còn nhận bảo trợ cho 30 em học sinh nghèo vượt khó của địa phương với số tiền 750.000đ/năm/em. Trong năm học mới này, chùa nhận thêm gần 10 em học sinh vào cấp III và ủng hộ hơn 1000 chiếc áo đồng phục cho các em học sinh nghèo khắp huyện.

Ngôi chùa trở nên náo nhiệt hơn từ ngày các em về sinh sống. Khi chúng tôi băn khoăn về nguồn tài chính của nhà chùa để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho hàng chục người sống trong chùa, Đại đức Thích Thanh Huỳnh cho biết: "Tất cả đều xuất phát từ những tấm lòng hảo tâm của Phật tử khắp nơi cả nước. Hiện tại nhà chùa đã có một nguồn quỹ ổn định để có thể đảm bảo cuộc sống cho các em nhỏ và người già, có gạo, có thuốc cho các cụ trong xã nữa. Có bữa no, bữa đói, nhưng chúng tôi luôn gắn bó với nhau như gia đình, cùng ủng hộ, động viên nhau về mặt tinh thần. Đó là điều quý giá nhất".

Có lẽ vị trụ trì giàu lòng nhân ái này đang từng ngày đạt được ý nguyện của mình, bởi ngôi chùa trở thành một mái ấm, một đại gia đình thực sự. Ngoài những dịp lễ, rằm, vào mỗi cuối tuần, thầy Huỳnh lại tổ chức một buổi trò chuyện cùng các em học sinh và các cụ bô lão, lắng nghe ý kiến tâm tư của mọi người, người già nhắc nhở, dạy bảo các em...

Nhìn nụ cười và ánh mắt của vị trụ trì hóm hỉnh khi chuyện trò với các em học sinh, chúng tôi biết rằng thầy Huỳnh đang gửi gắm vào những thế hệ học trò nơi đây ước mơ chinh phục tri thức. "Chỉ cần các em có ý chí, có nỗ lực vươn lên bằng chính khả năng của mình, chùa Phúc Sơn sẽ luôn rộng cửa đón các em.." - thầy Huỳnh nhắn nhủ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.