Nỗ lực kiến tạo môi trường tu học cho Ni đoàn & nữ giới

0:00 / 0:00
0:00

GN - Đây là một trong những sứ mệnh hoạt động quan trọng nhất của Tổ chức Ni giới Bhutan (The Bhutan Nuns Foundation - BNF), hướng đến giáo dục và phát huy vai trò nhập thế của chư Ni tại đất nước Phật giáo vùng núi Hy Mã Lạp Sơn, nơi được mệnh danh là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”.

1a.jpg

Đại tháp thuộc Ni viện Sangchen Dorji Lhundrup (Punakha), nơi có 130 vị Ni đang tu học

Từng bước tạo môi trường tu học đạt chuẩn cho chư Ni

Tổ chức phi lợi nhuận này được thành lập vào năm 2009, hoạt động dưới sự bảo trợ của Hoàng hậu Ashi Tshering Yangdoen Wangchuck (sinh năm 1959, mẫu hoàng của đương kim Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck) và sự điều hành của TS.Tashi Zangmo (Đại học Massachusetts Amherst, Hoa Kỳ) - từng được báo chí Anh quốc bình chọn vào “Danh sách 100 người phụ nữ truyền cảm hứng và có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2018”.

Hoạt động của BNF nhằm đảm bảo tất cả thành viên Ni đoàn Bhutan và nữ cư sĩ Phật giáo trên khắp đất nước có cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống, tu học thông qua giáo dục, xây dựng đời sống tự chủ và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, BNF chú trọng hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ Bhutan tại các làng quê xa xôi cũng như chung sức bảo tồn nền văn hóa Phật giáo trong sự phát triển của đất nước và thế giới.

“Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng đáng kể đến các sinh hoạt cộng đồng của tổ chức. Người dân Bhutan nói chung và các thành viên BNF nói riêng, tận dụng ‘thời gian trú đông này’ - thực hiện các chính sách an toàn dịch bệnh của Chính phủ, để quán tưởng và thực hành những lời dạy của Đức Phật. Đặc biệt trong thời gian qua, chư Ni khắp đất nước đã hành trì, chú tâm cầu nguyện cho sự an lành của người dân Bhutan và tất cả chúng sinh trên hành tinh này” - chia sẻ của Tashi Zangmo về sự thích ứng hoạt động của tổ chức trong dịch bệnh.

Cho đến nay, Bhutan vẫn duy trì nghiêm ngặt chính sách truy vết và xét nghiệm Covid-19 toàn diện khi phát hiện lây nhiễm. Tính đến đầu tháng 12, nước này đã ghi nhận 414 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, không có người tử vong. Đây là quốc gia có số người nhiễm nCoV thấp nhất khu vực Nam Á.

Trong thời gian này, với sự tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu về phòng chống dịch, dự án xây dựng Trung tâm Đào tạo và Tài nguyên (tại thủ đô Thimphu) thuộc Tổ chức BNF, dù phải điều chỉnh tiến độ nhưng vẫn được duy trì. Được biết, dự án ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng và nhân công trong nước nên ít bị ảnh hưởng hơn, so với các dự án khác tại Bhutan. Công trình được khởi công từ năm 2015, dự kiến sẽ là nơi lưu trú và tiếp nhận đào tạo Phật học cùng một số nội dung thế học dành cho chư Ni, nữ cư sĩ Phật tử vào giữa năm 2021.

Tại đây, các chương trình đào tạo kỹ năng sống và giáo dục xã hội được thiết kế chuyên biệt cho “những người con gái của Đức Phật”. Các khóa học sẽ được khai giảng ngay sau khi công trình hoàn thành, với các nội dung đào tạo như: tư vấn tâm lý - đời sống, chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc giảm nhẹ, quản lý - điều hành và phương pháp sư phạm.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn biểu trưng cho các giá trị lịch sử, lưu giữ những đặc trưng của nền văn hóa, kiến trúc xây dựng và mỹ thuật truyền thống Bhutan. Theo lãnh đạo BNF, sẽ là “niềm tự hào khi chư Ni và học viên được sinh hoạt, học tập tại đây”.

Hiện Tổ chức Ni giới Bhutan có sự kết nối và phối hợp chặt chẽ với tất cả các Ni viện trên toàn quốc, hiện thực hóa mục tiêu giáo dục và đào tạo chư Ni trở thành giảng sư và lãnh đạo Phật giáo có năng lực. “Một trong những thành tựu to lớn của BNF trong hoạt động năm nay chính là công bố Ngày Ni đoàn Bhutan (21-6), đánh dấu sự công nhận của cộng đồng đối với đóng góp của Ni giới Bhutan cho sự phát triển chung của đất nước” - chia sẻ của người đứng đầu Tổ chức BNF.

Ni giới Bhutan và những hạn chế trong tiềm năng phát triển

Theo thống kê của chính phủ nước này, có khoảng 75% dân số Bhutan (tương đương 735.000 người) là Phật tử. Dù đất nước ngày càng phát triển về nhiều mặt, không chỉ chư Ni, nữ cư sĩ Phật tử tại Bhutan cũng đối diện nhiều chướng ngại không nhỏ trong việc tiếp cận cơ hội giáo dục thực dụng và giáo dục tâm linh.

2.jpg

Trung tâm Đào tạo và Tài nguyên (tại Thimphu), dự kiến hoàn thành vào năm 2021, sẽ là nơi lưu trú và tu học đạt chuẩn cho chư Ni và nữ cư sĩ Phật giáo

Tại Bhutan, không giống như các tu viện dành cho chư Tăng, các Ni viện không được Chính phủ hỗ trợ tài chính. Sự đóng góp, cúng dường của cộng đồng và cá nhân dành cho các Ni viện cũng vô cùng giới hạn, khiến việc chăm lo đến sinh hoạt, tu học của chư Ni gần như bị bỏ quên và phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày. Không những thế, tiềm năng và năng lực phục vụ xã hội, đóng góp vào Chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia của Ni giới vẫn chưa được đánh giá đúng mức.

Nhìn chung, hiện có rất ít Ni viện tại Bhutan cung cấp môi trường học tập đạt chuẩn trong khi tiềm năng và niềm đam mê học tập của chư Ni trong các tu viện là rất lớn. Có thể nói, hệ thống giáo dục trong cộng đồng Ni giới Bhutan chưa có chương trình học và đánh giá học tập đáp ứng nhu cầu thực tế; bên cạnh sự thiếu hụt nguồn giảng viên có chất lượng, cam kết gắn bó với môi trường giáo dục tôn giáo, phục vụ các hoạt động tâm linh.

Do vậy, cải thiện điều kiện sống và giáo dục dành cho Ni giới cũng chính là đóng góp quan trọng vào mục tiêu “Giáo dục dành cho tất cả mọi người” trong Chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia GNH của Chính phủ Bhutan.

Theo thống kê gần đây, nước này có 1.221 vị Ni sinh hoạt trong 28 cơ sở Phật giáo. “Có thể nói, Ni giới cũng gánh vác trách nhiệm gìn giữ truyền thống văn hóa Bhutan và mục tiêu về GNH. Điều này cần được cụ thể hóa từ việc cân bằng nhu cầu vật chất và tâm linh của nhóm đối tượng này. Dù có nhiều đóng góp tiềm năng cho xã hội, nhiều Ni viện tại Bhutan vẫn chưa được trang bị vệ sinh cơ bản, khu vực nghỉ ngơi và nấu ăn; bên cạnh những thiếu thốn về thiết bị, dụng cụ học tập và đội ngũ đào tạo,…” - báo cáo của BNF nhấn mạnh.

Đồng thời, kết quả khảo sát cũng cho thấy trẻ em gái và phụ nữ tại Bhutan tìm đến các trung tâm, Ni viện với mong muốn được tiếp cận giáo dục, thoát đời sống đói nghèo. Những đối tượng này thường có lý tưởng phục vụ cộng đồng địa phương nơi mình sinh sống, giúp đỡ gia đình và là hình mẫu tiềm năng trong gia đình.

3.jpg

Hoàng hậu Ashi Tshering Yangdoen Wangchuck hiện diện trong nghi thức khởi công dự án Trung tâm Đào tạo và Tài nguyên năm 2015

Vì vậy, để phát huy sức mạnh của Ni giới và nữ cư sĩ Phật giáo tại Bhutan, Trung tâm Đào tạo và Tài nguyên được xem là mảnh đất kiến tạo môi trường tu học cộng đồng lành mạnh, mang đến cho chư Ni sự chuẩn bị nền tảng và cơ hội chủ động tham gia phụng sự xã hội. Tại đây, tất cả các học viên đều sẽ được rèn luyện và thành thạo việc làm vườn, may vá, học tập, cầu nguyện, thực hành từ bi và truyền chuyển nguồn năng lượng tích cực đến cộng đồng, các gia đình mất đi người thân do dịch bệnh và tai nạn.

“Trong văn hóa Bhutan, chúng tôi được dạy thực hành lòng biết ơn mỗi ngày - cảm ơn vì sự sống này, nhận diện và cảm nghiệm vô thường trong từng sự biến đời thường. Chúng tôi trân trọng cơ hội hiện diện trong cuộc sống này, cơ hội được làm những điều tốt đẹp cho người khác dù trong hoàn cảnh khó khăn. Và chúng tôi luôn cầu nguyện sự bình an thân - tâm cho tất thảy những người pháp lữ trong sự tương tác, tương trợ trực tiếp hoặc gián tiếp vì lợi ích chung của mọi người” - điều tâm niệm của các thành viên BNF, trong mối tương quan với cộng đồng và xã hội.

Trần Trọng Hiếu / Báo Giác Ngộ

(theo The Buddhist Door, bhutannuns.org)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.