Nỗ lực hạn chế thử nghiệm y học trên động vật

GNO - Ủy ban Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) đã đưa ra khuyến nghị cần nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp và đầu tư công nghệ, hướng đến thay thế việc sử dụng động vật trong thử nghiệm y và sinh học.

Khuyến nghị này được đưa ra sau khi một bài báo cáo khoa học được phát hành vào giữa tháng 8 qua trên tạp chí Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (IJMR). Tác giả bài báo cáo là bà Soumya Swaminathan - phó tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguyên giám đốc ICMR (Ấn Độ), cho biết: Các công nghệ thay thế sẽ mang tính nhân văn và đạo đức hơn trong nghiên cứu nhưng cũng khá tốn kém so với các thử nghiệm trên động vật đang được tiến hành.

ba Soumya Swaminathan -An Do.jpg


Bà Soumya Swaminathan

Theo nhóm nghiên cứu, trong số các công nghệ mới mà con người tìm ra là phức hợp sinh lý người, phiên bản mô người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm là sự thay thế cho động vật trong thử nghiệm.

Đại diện Tổ chức Nhân đạo Thế giới tại Ấn Độ Alokparna Sengupta cho biết: “Đây là lần đầu tiên một cơ quan chính phủ quan trọng nói về nhu cầu cần thiết đối với sự thay thế động vật trong nghiên cứu.

Nhu cầu thay thế động vật trong phòng thí nghiệm không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là tiến bộ trong nghiên cứu y học, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh về kinh tế và công nghệ của Ấn Độ trên trường quốc tế” - theo The Times of India.

ICMR đã khởi động một ủy ban xem xét các giải pháp thay thế thử nghiệm trên động vật vào năm 2017, thành lập các trung tâm nghiên cứu và đầu tư tài chính cũng như xây dựng các phân viện nghiên cứu khoa học toàn cầu để phát triển các công nghệ thay thế, thông tin từ International Business Times.

Hoa Kỳ đã cứu được 200.000 động vật trong thử nghiệm

Một tháng sau khi bài báo cáo được phát hành trên IJMR, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Hoa Kỳ đã công bố một “kế hoạch đầy tham vọng” là “chấm dứt các thử nghiệm động vật ‘độc ác và không cần thiết’ trong năm 2035” vào đầu tháng 9 qua.

Đây là cột mốc quan trọng của một quá trình lâu dài, trong nỗ lực vận động sự tham gia các chính trị gia, nhà báo và các nhà hoạt động xã hội kể từ Đạo luật Kiểm soát Thay thế Chất độc được ban hành vào năm 1976.

Andrew Wheeler, người điều hành EPA đã ủng hộ chính phủ Trump củng cố các quy định về môi trường và tiếp nối các nỗ lực này vào năm 2016 dưới sự điều hành của Obama, yêu cầu EPA giảm sự phụ thuộc vào thử nghiệm động vật - ghi nhận của The Washington Post.

hoa ky - an do 1.jpg

EPA cho biết nỗ lực của mình trong những năm qua đã cứu sống được 200.000 động vật (không phải tham gia vào các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm).

Ngoài Ấn Độ và Hoa Kỳ, một số quốc gia đồng hành giảm thử nghiệm động vật là Đan Mạch, Brazil, Đức, Thụy Sĩ, Úc, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trần Trọng Hiếu
(theo The Buddhist Door)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.