Trang nghiêm Đại giới đàn Đức Tạng do PG tỉnh Ninh Thuận tổ chức năm 2016
Dấu ấn và sự kỳ vọng
Nói đến công đức của tiền nhân, theo đó Phật giáo có mặt tại vùng đất Ninh Thuận phải kể đến Tổ sư Đức Tạng. Theo lịch sử ghi lại, Tổ theo dòng người di dân của chúa Nguyễn vào Nam và dừng chân tại đây dựng đạo tràng Thiền Lâm để hoằng dương Chánh pháp. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, có những hoàn cảnh khó khăn tưởng chừng như Phật giáo nơi đây cũng bị mai một, nhưng chính nhờ vào tổ đức cũng như đạo tâm của người con Phật các thế hệ mà nếp sống tâm linh đạo Phật được gìn giữ, phát triển.
Trải qua 25 năm kể từ khi thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận (1992), qua những giai đoạn đổi thay về nhân sự kế thừa, cũng như phát triển các hoạt động Phật sự, càng minh chứng sức sống, sự gắn bó mật thiết giữa đạo Phật và quê hương nơi vùng đất khô cằn và khắc nghiệt về thời tiết này.
Trao đổi với PV Giác Ngộ, nhìn lại Phật sự nhiệm kỳ V vừa qua, TT.Thích Hạnh Thể, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ở nhiệm kỳ này, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã có được nhiều thành tựu trong các mặt hoạt động Phật sự, các ban ngành trực thuộc đã phần nào hoàn thành tốt công tác và trọng trách được giao, có sự hỗ tương nhau nên các Phật sự tại địa phương ngày càng phát triển.
Thượng tọa cho biết thêm, Phật giáo tỉnh nhà đã và đang trên đường hội nhập với dòng chảy của hệ thống hành chánh cấp tỉnh thành của Giáo hội sau hơn 35 năm thành lập. “Điều đặc biệt ở đây, Ninh Thuận là tỉnh còn nhiều khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, lại thường phải hứng chịu nhiều thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn hàng năm. Trong khó khăn chung đó, Tăng Ni và Phật tử tỉnh nhà đã nỗ lực thực hiện các hoạt động tốt đời đẹp đạo. Bên cạnh những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, Ban Trị sự đã khuyến khích nhiều hoạt động từ thiện xã hội và đã được Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng, đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần vào việc đưa tỉnh Ninh Thuận hòa nhập vào dòng chảy chung của đất nước”, TT.Thích Hạnh Thể cho biết.
Đánh giá hiệu quả công tác Phật sự của Ban Trị sự tỉnh trong 5 năm qua, Thượng tọa Trưởng ban Trị sự đặc biệt nhấn mạnh nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, sự quan tâm chỉ đạo của TƯGH, Ban Trị sự đã thành lập thêm 10 cơ sở tự viện, tổ chức nhiều đợt sinh hoạt hành chánh Giáo hội trong những mùa an cư kiết hạ, lấy lại được 4.100m2 cho chùa Sùng Ân. Lần đầu tiên kể từ khi miền Nam được giải phóng - đất nước được thống nhất (1975) cho đến hôm nay, nhân Đại lễ Vesak 2014, Phật giáo tỉnh đã tổ chức thi và diễu hành 20 chiếc xe hoa trên các trục lộ chính của TP.Phan Rang-Tháp Chàm, tạo sự phấn khởi cho Tăng Ni và các tầng lớp Phật tử. Có thể nói, đây là lần đầu tiên người dân tỉnh nhà được tham dự và chiêm ngưỡng các sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh truyền thống của Phật giáo như thế. Về Tăng sự, Phật giáo tỉnh vừa tổ chức thành công Đại giới đàn Đức Tạng, dưới sự giúp đỡ của chư tôn đức các tỉnh thành, trong đó phải kể đến chư tôn đức tại TP.Hồ Chí Minh và sự chung tay góp sức của Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh. Giới đàn có gần 1.000 giới tử xuất gia và tại gia phát tâm thọ nhận giới pháp, tạo sinh khí mới cho sự phát triển của Phật giáo địa phương.
TT.Thích Hạnh Thể cho biết thêm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh trong nhiệm kỳ V có thuận lợi vì đa phần là nhân sự trẻ, năng động trong công tác Phật sự. Chính tuổi trẻ, nhiệt huyết và có tinh thần cống hiến phụng sự nên đã giúp Ban Trị sự thành tựu được nhiều Phật sự, đây là điều đáng ca ngợi và tán dương. “Những gì đã đạt được ở nhiệm kỳ trước, tôi kỳ vọng với tâm nguyện dấn thân và phụng sự, chư tôn đức tham gia công tác Phật sự trong nhiệm kỳ VI sẽ đoàn kết và hòa hợp vượt qua khó khăn phía trước. Tôi tin tưởng Phật giáo địa phương ngày một phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, xứng đáng với vai trò và sứ mạng hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh của mình”, Thượng tọa bày tỏ.
Điểm sáng về từ thiện và hoằng pháp
Ninh Thuận là tỉnh có nhiều cộng đồng dân tộc như: Chăm, Raglay, Hoa, K’Ho sinh sống cùng người Kinh. Với sự đa sắc tộc như thế nên công việc hoằng pháp ở đây vẫn gặp nhiều khó khăn. “Nhưng không vì thế mà người sứ giả Như Lai chùn chân trên con đường phụng sự chúng sanh và lợi ích cho hữu tình”, TT.Thích Hạnh Thể khẳng định.
Nói về công tác nổi bật này, TT.Thích Hạnh Thể cho biết hiện nay tỉnh Ninh Thuận vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm một địa điểm sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa qua có hơn 1.000 bà con, đặc biệt là người Raglay đã phát tâm quy y Tam bảo. “Họ đã đến thì mình cần phải hướng dẫn để họ hiểu đạo, làm tròn vai trò và bổn phận của một người hướng dẫn đời sống tinh thần với họ. Chúng tôi nhận thấy, nhiều tỉnh tổ chức quy y cho đồng bào với quy mô lớn, xong rồi lại không tiếp tục hướng dẫn họ sinh hoạt và tu tập, thì cũng giống như trận mưa trút xuống chỉ mát lúc đó rồi đâu lại vào đấy thì rất uổng. Vì thế, Phật giáo Ninh Thuận trong hướng sắp tới sẽ tập trung vào công tác hoằng pháp đặc thù, để phát triển về số lượng, cũng như sự hiểu biết Chánh pháp cho số Phật tử này”, Thượng tọa chia sẻ.
“Mỗi khi bà con thấy được sự gắn bó thân thiết của Phật giáo trong đời sống thì họ sẽ phát tâm quy y và tu học theo đạo Phật. Họ theo Phật vì niềm tin chứ không phải vì chuyện được cho quà cáp, cứu trợ”. Cũng theo Thượng tọa Trưởng ban Trị sự, để phát triển niềm tin, cũng như ổn định sinh hoạt cho họ, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã lên các chương trình tu học, hướng dẫn những lễ nghi và phong tục của họ theo tinh thần của người Phật tử. Hướng sắp tới, Phật giáo tỉnh sẽ xin phép thành lập Ban Trị sự tại huyện Bác Ái, để dần ổn định các sinh hoạt Phật sự tại địa phương. Bên cạnh đó, Phật giáo tỉnh cũng sẽ chú trọng đến công tác hoằng pháp vùng sâu, vùng xa. Phật giáo địa phương cũng sẽ luôn tạo mối gắn kết, cũng như nuôi dưỡng niềm tin chánh kiến với Phật tử, đặc biệt là Phật tử các dân tộc anh em.
Được biết, công tác từ thiện trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo tỉnh đã thực hiện với hàng chục tỷ đồng qua những việc làm thiết thực như: tặng học bổng, phát thuốc, những suất ăn từ thiện, trao quà, đào giếng, xây nhà, chống hạn, tặng xe lăn v.v… Bên cạnh đó, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh cũng đã lên kế hoạch lâu dài cho công tác thiện nguyện bằng cách thành lập các Tuệ Tĩnh đường phát thuốc lưu động, đến các địa phương nghèo tại các xã vùng núi, mở lớp nuôi dạy trẻ mầm non ở những nơi khó khăn. Việc làm này góp phần để đạo Phật được lan tỏa sâu hơn, trong đại bộ phận quần chúng nhân dân.
“Ban Từ thiện Phật giáo đã đóng góp hơn 40 tỷ trong nhiệm kỳ V, đây là con số tương đối lớn với một tỉnh khó khăn như Ninh Thuận. Nhưng công tác từ thiện không dừng lại ở con số, mà những lợi ích thiết thực từ con số này mang lại cho xã hội. Qua đó, đại đa số quần chúng nhân dân đã có cái nhìn khác về Phật giáo. Họ nhận ra, Phật giáo là đạo Từ bi, ban vui cứu khổ, với những việc làm thiết thực chứ không chỉ dừng ở những hình thức sinh hoạt, lễ nghi, cúng bái… mà xưa nay người dân địa phương đều ngộ nhận”, TT.Thích Hạnh Thể bày tỏ quan điểm.
Ghi nhận thành tựu trên, UBND, UBMTTQVN tỉnh và các cấp chính quyền huyện, thị tại địa phương đã trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen, đánh giá cao những việc làm ý nghĩa và thiết thực đó.