NSGN - Đạo Phật gọi niềm tin là tín căn, một trong năm căn lành để thực hành đường lối tu tập hướng đến mục tiêu giác ngộ (niềm tin, tinh tấn, ghi nhớ, thiền định, trí tuệ), là một trong bảy tài sản của bậc Thánh: “Niềm tin, giới hạnh, hổ mình, thẹn với người, học rộng, bố thí, trí huệ; đó là bảy thánh tài”.
Kinh Hoa nghiêm dạy: “Niềm tin là căn nguyên của đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ lưới nghi, đưa người vượt qua dòng nước ái dục, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết-bàn”. Những dẫn chứng trên cho thấy niềm tin có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đạo Phật, là khởi điểm của tiến trình tu tập đạt đến giác ngộ.
Tuy nhiên, niềm tin trong đạo Phật theo ý nghĩa sự tin tưởng, không phải theo nghĩa sùng tín, đề cao đức tin như trong một số tôn giáo thần khải. Tín đồ đạo Phật được khuyên không nên vội vàng tin theo điều gì mình thấy được, nghe được mà phải tìm hiểu và xem xét kỹ lưỡng để hiểu biết chắc chắn về điều đó thì mới quyết định tin hay không. Chính Đức Phật đã dạy cho dân chúng Kalama trong kinh Tăng chi: “Này các Kalama, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ có tin vì đúng theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến, chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết rõ: Các pháp này là thiện, các pháp này là không có tội, các pháp này được người có trí tán thán, các pháp này nếu chấp nhận và thực hành sẽ đưa đến an lạc và hạnh phúc, lúc ấy, các người hãy chấp nhận và thực hành”. Qua trích dẫn trên, chúng ta thấy Đức Phật dạy trước khi tin vào điều gì phải xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, cần nhận ra tính chất của nó là thiện hay ác, chỉ nên tin vào những gì biết chắc đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình, cho người trong hiện tại và tương lai. Đó cũng chính là cách thức thiết lập niềm tin chân chính mà đạo Phật dạy.
Từ ý nghĩa đó, người Phật tử muốn tu học và thành tựu theo giáo lý Đức Phật nhằm xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc, bền vững cho bản thân, gia đình, xã hội trước hết cần phải có niềm tin vào Tam bảo. Đó là tin vào Đức Phật, tin vào những lời dạy của Phật (Pháp) và tin vào những tu sĩ thánh thiện của đạo Phật (Tăng). Đồng thời, dựa trên cơ sở niềm tin Tam bảo, Phật tử khơi dậy niềm tin vào chính mình (lòng tự tín). Trong kinh Pháp cú (kệ số 156) Đức Phật dạy: “Chính tự mình làm chỗ nương tựa cho mình chứ người khác làm sao nương tựa được? Tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương tựa nhiệm mầu (Niết-bàn)”. Qua đây chúng ta hiểu Phật giáo chủ trương mỗi cá nhân phải trở về nương tựa chính mình, phải tự tin vào bản thân mình để tu tập. Ngoài nỗ lực bản thân ra, không ai có thể giác ngộ thay cho mình được. Trong kinh Pháp cú (kệ số 261) Đức Phật dạy tiếp: “Các con hãy nỗ lực lên, Như Lai chỉ là người thầy dạy con đường giác ngộ”. Thật rõ ràng, Đức Phật xác nhận rằng Ngài là người thầy chỉ dạy con đường dẫn đến giác ngộ, còn muốn đi trên con đường đó thì mỗi người phải tự mình thực hành theo lời Phật dạy. Hơn nữa, quá trình tu tập giác ngộ, thành Phật là một chặng đường dài, nếu không có niềm tin vào bản thân, lấy đó làm chất liệu định hướng ban đầu và chất xúc tác cho suốt quá trình thực hiện tiến trình ấy, thì người Phật tử không thể theo đuổi mục đích đến cùng.
Như vậy, niềm tin của người Phật tử bao gồm cả niềm tin Tam bảo và niềm tin vào bản thân. Cả hai phần của niềm tin này phải được xây dựng trên cơ sở chánh tín (không tin một cách mù mờ, mê tín), có sự hiểu biết, suy nghiệm rõ ràng. Bây giờ, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng khía cạnh của niềm tin đó trong đời sống người Phật tử.
Niềm tin đối với Đức Phật
Đức Phật là nhân vật có thật trong lịch sử, người đã đạt được giác ngộ và hướng dẫn con đường giác ngộ đó cho chúng sinh. Nhờ Đức Phật mở đạo mà tín đồ rõ thấu được Kinh, Luật, Luận. Đức Phật là nhân vật duy nhất trong lịch sử các tôn giáo tuyên bố mình không đại diện cho Chúa trời, Thượng đế, cũng không phải thần linh hay một sức mạnh siêu nhiên nào. Cho nên trong Phật giáo, nếu tin Đức Phật như một đấng thần linh thì đó là tà kiến, sai lầm. Tuy nhiên, cuộc đời và những lời giáo huấn của Đức Phật vô cùng minh triết nên người đời sau đã xem Ngài như một đấng thiêng liêng, tối cao trong trái tim họ.
Người Phật tử tin sức mạnh của Đức Phật thể hiện ở đức tính từ bi và trí tuệ; rằng Ngài yêu thương tất cả chúng sanh, sẵn sàng hóa độ những con người tội lỗi, sa ngã và hướng dẫn chúng sinh đi trên lộ trình giác ngộ. Ngài không ban ơn hay giáng họa đối với bất kỳ ai. Ngược lại, Ngài đề cao vị trí tối thượng của con người và cho rằng không một đấng siêu nhiên hay quyền năng nào có thể phán xét, định đoạt vận mệnh con người.
Vì hiểu về Đức Phật như vậy nên người tín đồ xem Ngài là bậc thầy tối cao của sự thanh tịnh, trí tuệ và lòng từ bi; là người xứng đáng để họ nương tựa; là người có thể hướng dẫn cho họ con đường thực tập hướng đến an vui, hạnh phúc mà tối hậu là giác ngộ, giải thoát. Đồng thời, họ dành cho Ngài một tình cảm thiêng liêng, một lòng tôn kính và ngưỡng mộ, xem Ngài như một người Cha hiền cao thượng. Họ luôn ca ngợi công hạnh và bảo vệ hình ảnh của Ngài. Từ niềm tin vào Đức Phật, tín đồ phát nguyện quy y Tam bảo, thỉnh tượng Phật thờ tại gia đình để hàng ngày chiêm ngưỡng, lễ bái. Họ học hỏi đức hạnh, thực hành theo những lời chỉ dạy của Ngài để mong có được trí tuệ, an lạc, hạnh phúc và một ngày nào đó cũng đạt được quả vị giác ngộ, giải thoát như Ngài.
Niềm tin vào giáo lý
Giáo lý của đạo Phật được xem là pháp bảo đối với tín đồ Phật giáo. Sở dĩ xem như pháp bảo vì đây là những lời chỉ dạy quý báu của Đức Phật có giá trị lớn lao giúp tín đồ chuyển hóa tham, sân, si, giải thoát khổ đau đạt được Niết-bàn, an lạc, hạnh phúc. Giáo lý đạo Phật được bao hàm trong Kinh (những chỉ dạy của Đức Phật), Luật (những giới luật áp dụng cho tín đồ), Luận (những luận bàn, giảng giải về Kinh và Luật). Nhờ thực hành theo giáo lý đạo Phật mà người Phật tử có thể phát triển giới, định và tuệ, qua đó đạt được giác ngộ và giải thoát.
Người Phật tử tin rằng giáo lý đạo Phật hàm chứa những nguyên lý căn bản có thể trả lời được mọi vấn đề của cuộc sống. Do đó, khi đem những nguyên lý kia áp dụng vào đời sống cá nhân và xã hội họ sẽ tìm thấy những câu trả lời thích hợp. Hơn thế, họ tin rằng việc thực hành giáo lý giúp họ vừa nâng cao đời sống đạo đức, hoàn thiện nhân cách, vừa mang đến an vui, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
Vì tin vào giáo lý nên người Phật tử học hỏi giáo lý, đọc tụng kinh sách, nghe chư Tăng giảng dạy Phật pháp để nâng cao nhận thức, biết đường lối tu tập chân chính. Ngoài ra, họ còn ấn tống kinh sách, băng đĩa; hướng dẫn, khích lệ gia đình, người thân, bạn hữu cùng nhau tìm hiểu, học hỏi và áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày. Họ cũng hết lòng bảo vệ giáo lý trước những lời xuyên tạc của người khác.
Niềm tin vào Tăng đoàn
Tăng đoàn được xem một trong ba ngôi báu quý giá đối với người Phật tử; là đoàn thể gồm những đệ tử xuất gia của Đức Phật. Nhờ Tăng đoàn tiếp nối, truyền thừa và soi sáng đạo lý nhiệm mầu của Đức Phật mà tín đồ mới có cơ hội biết đến giáo lý để thực hành. Tăng đoàn giúp người Phật tử điều chỉnh nhận thức và hành vi sao cho phù hợp với những gì Đức Phật đã dạy.
Người Phật tử luôn đặt niềm tin, sự kính trọng vào Tăng đoàn, xem đó là tấm gương mẫu mực về việc thực tập Bát Chánh đạo. Vì thế, họ tỏ lòng cung kính đối với chư Tăng, học hỏi Phật pháp và sống theo những điều chỉ dẫn của chư Tăng, chia sẻ và xin lời tư vấn đối với các việc trọng đại của gia đình, và phản bác lại những ai vu khống hay phỉ báng Tam bảo. Bên cạnh đó, để gieo trồng phước đức, người Phật tử thực hiện những việc làm cụ thể như cúng dường giúp chư Tăng có điều kiện tu học, phát tâm hỗ trợ xây dựng chùa chiền, cũng như đóng góp công sức và tiền bạc cho những Phật sự khác. Đây được xem là bổn phận của người Phật tử đối với Tăng đoàn.
Niềm tin vào bản thân
Niềm tin vào bản thân là điều rất mực cần thiết đối với mỗi Phật tử. Nó không chỉ đem lại niềm tin yêu cuộc sống mà còn là nền tảng của mọi thành công. Trong Phật giáo, niềm tin này thể hiện trên hai khía cạnh:
Một là, tin mình có khả năng tạo dựng sự an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong đạo Phật, con người được đặt ở vị trí cao nhất với đầy đủ khả năng và quyền quyết định số phận; và con người phải chịu trách nhiệm tất cả những việc làm của mình theo luật nhân quả. Cho nên, thay vì nương vào một đấng siêu nhiên nào đó để tìm kiếm giàu có, hạnh phúc, người Phật tử đặt niềm tin vào ý chí, nghị lực, sự tinh tấn của mình để học tập, làm việc; cải thiện bản thân theo tinh thần Bát Chánh đạo (hiểu biết, suy nghĩ, lời nói, hành động, lối sống, nỗ lực, nhớ nghĩ, thiền định đều phải chân chính).
Hai là, tin mình có khả năng giác ngộ, tức khả năng thay đổi hoặc chuyển hóa những hành động xấu ác trở thành những hành động thiện lành, tốt đẹp, có lợi ích cho mình cho người trong hiện tại cũng như tương lai. Vì sao tin như vậy? Vì Đức Phật đã khẳng định trong kinh Đại bát Niết-bàn: “Tất cả chúng sanh đều có tính Phật”. Tính Phật là một năng lực giác ngộ tiềm tàng sẵn có ở nơi mỗi người, nhưng không tự nhiên có thể nhận thấy mà cần phải quyết tâm tu tập mới có thể nhận thấy được. Niềm tin vào tính Phật sẵn có và khả năng giác ngộ của bản thân là một tiền đề quan trọng cho tiến trình tu tập của người Phật tử, cả xuất gia và tại gia; vì nếu không tin chắc tự thân mình sẵn có tâm Phật thì dựa vào đâu để phát tâm tu tập cầu đạo giải thoát?
Khi đã có niềm tin vào chính mình, người Phật tử thực tập đời sống trong sạch, lành mạnh, cao thượng. Họ phát nguyện quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu và sử dụng các chất gây say nghiện. Họ lựa chọn nghề nghiệp lương thiện để mưu sinh, tạo ra của cải vật chất bằng đôi bàn tay và khối óc của mình. Bên cạnh việc giữ giới, người Phật tử học hỏi giáo lý, thực tập lòng từ bi diệt trừ tâm ích kỷ, bỏn xẻn, mở rộng lòng thương, bố thí, cúng dường, ăn chay, niệm Phật, tham thiền, phóng sinh, và làm những việc phước thiện khác… Những việc làm này mang lại an vui, hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại, và tạo nhân duyên tốt đẹp cho lộ trình giác ngộ, giải thoát trong tương lai.
Tóm lại, bốn phương diện niềm tin này có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung, tác động qua lại tạo thành niềm tin chân chánh của người Phật tử. Niềm tin vào Tam bảo giúp người Phật tử phấn đấu hướng đến những gì tốt đẹp nhất mà Phật đã dạy để đạt được an lạc, hạnh phúc. Niềm tin vào bản thân giúp người Phật tử vững vàng trước những nghịch cảnh, không cảm thấy mặc cảm, tự ti bởi những hạn chế của mình…, từ đó tích cực tu tâm dưỡng tánh theo lời Phật dạy, khiến cho đời sống ngày một tốt đẹp hơn.
Thích Không Tú