GN - Mình là một kẻ mù đường thứ thiệt. Quanh đi quẩn lại chỉ vài con đường mà mình vẫn lạc. Ngồi sau xe, bạn vẫn thường càm ràm mỗi khi mình rẽ vào một con đường xa lạ hay sự “mài mại” của mình vô tình làm bạn đứng chôn chân giữa góc đường vắng vẻ.
Con đường quê rực sắc hoa - Ảnh minh họa từ internet
Mình từ bỏ “đường về La Mã” sau ba lần bạn đưa xe cho mình dạo quanh thành phố. Con đường vừa mới qua dường như chẳng có chút gì lưu lại trong trí nhớ của mình. Bạn vẫn lắc đầu mỗi khi thấy mình chuẩn bị cho một cuộc đi xa.
Về quê chơi, bạn biểu mình dắt đi đây đi đó. Bạn hoảng hồn khi mình vẫn dừng lại hỏi đường. Tự hỏi có phải xứ sở này đã nuôi mình khôn lớn? Cái tật không nhớ đường làm mình ngại đi cho nên mình cứ lòng vòng với cái xóm nghèo chập chờn khói. Đến lúc buộc phải nhớ đường, mình thường gắn vào đó những cái tên do mình tự đặt. Bạn vẫn thường “à à nhớ rồi” mỗi khi mình nhắc một tên đường… không có trong bản đồ.
Ở quê mình cũng vậy, người ta thường gắn vào đó một cái tên dễ nhớ. Đại loại như ngã ba Bún Bò chỉ vì chỗ đó bán bún bò ngon số dzách. Hay cái tên kinh Tư Trắng ra đời gọn khô chỉ vì đầu kinh có nhà ông Tư tên Trắng. Bạn cười mém rớt xuống xe lúc mình dừng lại tấp vào lề chỉ bạn khúc cua Quê Hậu bán chuối nướng, cô Quê Hậu bận đầm tóc bới cao chừa vài cọng tóc mai sợi vắn sợi dài nở nụ cười mất hết răng, miệng lanh lảnh “mua chuối nướng hông mấy cưng”.
Chán cảnh nhìn vào đâu cũng thấy nửa vời với cây cầu khỉ nằm dửng dưng trên cạn, cái xích đu bằng sắt nằm xớ rớ bên cạnh bụi rơm mà nhìn thôi đã tức muốn dập phổi. Mình rủ bạn đi coi lúa của nhà khoa học không biết mùi… giảng đường. Bạn chẳng hề “ừ hử” với câu nói tréo ngoe. Mình vờ đi lạc, tấp vào hỏi chủ quán nước, đường nào đến nhà ông nông dân lai lúa giống. Chủ quán cười, nhà ông khoa học “khùng” đó hả? Chạy thẳng rồi quẹo trái. Khách trong quán ngó ra, giờ này chắc ổng đi thăm đồng rồi. Những gương mặt hớn hở khi nhắc về ông chắc cũng làm bạn xốn xang. Ngồi sau xe bạn cứ nhấp nhỏm, làm khoa học riết bị khùng luôn hả? Mình chỉ cười “ừ, ổng khùng nhất cái xứ này”. Đến nỗi bắt một đứa con nít lại hỏi, nó cũng biết đường mà chỉ.
Bạn im lặng rất lâu lúc mình kể về ông nông dân ít chữ mày mò lai tạo ra hàng chục giống lúa chịu mặn cho bà con trong xóm. Miền đất mặn lại hồi sinh, cây lúa vươn mình đứng dậy trong dòng nước mặn âm âm. Tiếng lành đồn xa, giống lúa của ông cũng vì thế mà xanh bạt ngàn nuôi lớn những giấc mơ. Xâm nhập mặn càng lúc càng nhiều, ông nhà khoa học chân đất lại bắt đầu cho hành trình “đường đi qua vùng mặn” của mình. Một bữa đẹp trời, ông già xách thúng ra chợ mua muối. Người bán chưng hửng lúc nghe ông già mua muối về bón cho lúa. Người trong chợ chửi ông khùng, muối mà bón được cho lúa thì heo nái biết leo cây. Từ dạo đó, người ta bảo ông khùng. Rồi cụm từ nhà khoa học được gắn trước chữ khùng, lúc thấy ông già trong tivi chỉnh kính chỉ cho tụi sinh viên cách lai lúa. Đường vào nhà ông khoa học “khùng” ra đời từ dạo cánh nhà báo, đài truyền hình, sinh viên thực tập… tìm đến phỏng vấn. Bà con trong xóm gọi riết thành quen.
Mình dắt bạn vào “đại bản doanh” của ông già. Căn nhà nhỏ bên cạnh cánh đồng được chia thành từng khoảnh nhỏ. Mỗi khoảnh nhỏ là một giống lúa khác nhau, độ mặn khác nhau. Mình nhìn bạn say sưa ngồi nghe sóng lúa rì rào giữa vùng đất mặn xa xôi mà nỗi nhớ cứ va vào nhau không mỏi. Bạn hỏi ông già, lúa giống buôn bán thế nào, lời lóm ra sao. Ông già cười khà khà đúng bản chất người miền Tây, nhiệm vụ của tui là làm ra lúa giống cho bà con, buôn bán gì chú em. Ông già chỉ tay về phía căn nhà mới cất, anh em người hùn một ít cất cho cái chòi che nắng che mưa, cho tụi sinh viên thực tập có chỗ nghỉ. Mình thấy mắt bạn đỏ hoe mà tay chân mình thì lóng ngóng. Ông già dạy hai thằng ở ruộng cách liếm đất thử độ mặn, cách nếm đỉnh sinh trưởng cây lúa, cách lai tạo giữa lúa nhà và lúa ma. Ông già hồ hởi kể về lần thoát chết bằng cái giọng hào sảng, một bữa buồn buồn ông già mang hai thùng nước biển nhờ mang về từ Phú Quốc để điện phân. Dòng điện chạy được một lúc, khói bốc lên ngợp cả căn phòng, ông già tắt cầu dao tung cửa chạy ra ngoài thở hổn hển. Ông già cười, hít khí độc đã đời luôn chú em. Rồi chợt, mắt ông già thoáng buồn, nước mặn vầy sao bà con mình sống được?
Ông già đưa mình ra tận cửa. Câu nói của ông già cứ ong ong bên tai mình “nào chết thì mới nghỉ, tui chỉ sợ mình chết rồi không có ai làm nữa”. Hình ảnh ông nông dân chân đất đi qua vùng hạn mặn móc đất lên liếm, ngó lên nhìn bầu trời chao chát chắc còn làm mắt môi bạn rưng rưng. Xe rời đi mà bạn cứ ngoái đầu nhìn lại. Buổi chiều tắt nắng, dáng ông già chẳng thể đứng lẫn vào đâu giữa bụi đường xuôi ngược…
Bạn hẹn lần sau lại về, đi qua những tên đường rất “ngộ”. Bạn tự đặt để vào lòng mình những tên đường khác nhau. Bạn khều mình chạy chậm ngang qua đường Nước Mát, có cái lu nước nhỏ bà già đặt cho khách đi đường hay xe đột ngột dừng lại gò đất Mộng Mơ. Đôi mắt bạn rưng rưng khi đứng trước con đường có quán cơm chay hai ngàn. Khách đi đường dừng lại hỏi mình, đường nào đến nhà ông chuyên làm lúa giống chịu mặn. Mình cười, nhà ông khoa học “khùng” chứ gì?
Cơn gió thổi qua mang theo hương đồng ngan ngát. Mình dừng xe lại góc đường quen thuộc. Bạn hỏi đường tên gì? Mình nhìn bạn cười, đường chưa có tên mà đi hoài không lạc…
Tản văn Nguyễn Chí Ngoan