GN - Những cô gái ở ngôi làng ven bờ phá Tam Giang không thể có chồng. Bởi, họ không dám cười, không dám đi ra khỏi làng, họa hoằn lắm mới có vài cô đám cưới với trai làng khác…
Vất vả… ngậm chì
Ngậm chì gắn lưới là cái nghề ít người dám dấn thân vào làm, có làm cũng chẳng dám làm lâu dài bởi nó để lại không ít hệ lụy cho sức khỏe. Thế nhưng, những người phụ nữ ở phá Tam Giang thuộc làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, H.Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) lại chọn nghiệp… ngậm chì.
Nằm bên bờ phá Tam Giang quanh năm trù phú, ngôi làng này vốn nổi tiếng với những ngư phủ biệt tài đánh bắt thủy sản, và những ngư cụ truyền thống ở làng làm ra có độ bền chắc hơn hẳn so với các ngư cụ sản xuất công nghiệp. Để có được những sản phẩm ấy, nhiều người dân nơi đây phải đánh đổi cả sức khỏe, tuổi thanh xuân, tương lai và cả hạnh phúc gia đình mà mưu sinh.
Lưới đánh cá, loại ngư cụ này được người làng tự tay làm nên, mà phần nhiều lại là phụ nữ. Bởi, việc gắn chì vào lưới là công việc nhẹ nhàng nhất trong số những công việc ở làng như đi đánh bắt thủy sản trên đầm.
Làng Ngư Mỹ Thạnh có hơn 200 hộ thì khoảng 80% làm nghề đánh bắt hải sản, trong đó, 100% bà con đều tự mình tạo nên dụng cụ đánh bắt. Họ lên huyện mua lưới về rồi tự đan dây lưới, tự đính phao và dùng miệng gắn chì dính chặt vào lưới. Đàn ông thì đi thả lưới, đàn bà thì ở nhà đan lưới, sửa lưới và ngậm chì. Thế nên quanh năm suốt tháng, họ ngậm chì để mưu sinh.
Những cô gái mưu sinh bằng công việc ngậm chì vá lưới
Chị Hoàng Thị Ngân (34 tuổi) đã làm công việc ngậm chì vá lưới hơn 17 năm. Đó là con số ít so với những phụ nữ làm nghề có thâm niên vài chục năm ở làng. Hỏi chuyện, chị cứ mím môi cười không thành tiếng. Bình thường, các chị nói chuyện không mấy khi cười được, bởi hàm răng của họ cực kỳ xấu. Chị Ngân cho biết, khi gặp người lạ, những người trong xóm rất ngại nói chuyện. Bởi, họ xấu hổ về hàm răng không giống ai của mình. Ở làng, ngoài cái tên hành chính rất đẹp kia, người ta còn gọi làng bằng cái tên “xóm rụng răng”, “xóm ế”.
Chị Ngân chua xót nói: “Nếu lấy mền trùm lên người chỉ để lộ hàm răng, người ta sẽ nghĩ tôi là bà lão 60-70 tuổi chứ không biết còn trẻ. Gia đình tôi ai cũng vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nhưng vì làm cái nghề này lâu ngày, cứ đến tuổi ngoài hai mươi là răng lại hỏng”. Việc đan lưới, làm lưới để có một tấm lưới “ngon” hợp với mực nước thì phải tự mình gắn chì mới chuẩn. Một đoạn lưới dài 30m thì những người phụ nữ này phải gắn hàng nghìn mảnh chì. Và phải gắn bằng răng, chứ không có một dụng cụ nào làm tốt hơn.
Hàng ngày, họ vẫn ngậm hàng vốc chì cho vào miệng, tự lấy lưỡi lừa những mảnh chì rồi dùng răng cắn cho chì gắn chặt vào mép lưới. Cứ thế ròng rã hết ngày này qua ngày khác, hết tấm lưới này đến tấm lưới khác, hết đời cha đời mẹ lại đến đời con, nối ghép, gia truyền như thế.
Làng có nghề truyền thống làm lưới, đất canh tác không có, quanh năm chỉ bám vào mặt nước phá Tam Giang. Đàn ông ra mặt phá kiếm cá về bán lấy tiền đổi gạo, đàn bà ở nhà cắn lưới ngậm chì. Đời cứ kéo như thế từng ngày, từng năm, từng kiếp một, không có gì thay đổi.
Mỗi tấm lưới, họ làm chỉ được vài chục ngàn đồng, lưới công nghiệp làm nhanh nhưng chóng hỏng, lưới thủ công của làng tốt hơn, nhưng phải do chính những người phụ nữ nơi đây làm mới đắt giá. Mỗi tấm lưới đổi lấy vài cân gạo, đổi lấy vài chục ngàn đồng để trang trải cho cuộc sống mưu sinh. Cuộc sống của những phụ nữ ở phá Tam Giang thật vất vả.
Với những người trẻ tuổi hơn chị Ngân thì hàm răng hầu hết bị đen ố, những người trên 40 tuổi thì đa số hàm răng không còn nguyên vẹn, số rụng, số mẻ, số bị đen. Đó cũng là đặc điểm bề ngoài dễ dàng nhận thấy ở những ngư dân, phụ nữ ở đây. Chính vì thế, nụ cười mỉm của những phụ nữ ở đây trông “bẽn lẽn” như thể họ muốn giấu đi khiếm khuyết của mình.
Cái nghiệp nó “vận” vào… thân
Những khó khăn của công việc kể ra cũng chẳng là gì. Phụ nữ của làng này xót xa nhất là chuyện yêu đương, chuyện chồng con, chuyện tình cảm. Họ tự ti bởi hàm răng xấu. Thôn nữ cứ tới chừng 20 tuổi là đến cái tuổi lấy chồng, cũng là lúc hàm răng đã hư hỏng gần hết. Thế nên ai lấy, mà biết lấy ai là câu hỏi quẩn quanh, không dễ gì trả lời với những cô gái ở làng.
Bởi, quanh năm suốt tháng, họ ít ra khỏi làng, có họa hoằn lắm mới đi đổi gạo, đi bán lưới mới bước ra khỏi làng, mới gặp người ngoài làng. Cái răng, cái tóc là gốc con người mà. Tóc thì còn đỡ, nhưng răng thì không ai chấp nhận nổi. Chị Ngân kể lại chuyện một cô gái trong làng, ba lần yêu mà cả ba lần đều hỏng chuyện, cũng chỉ tại… cái răng. Cô gái đó là “tay” làm lưới số một của làng, lại rất xinh đẹp.
Thế nhưng, hàm răng của cô gái lại “kinh dị” khiến không ít người phải hoảng hồn. Ba lần yêu, nhưng không phải yêu trai làng mà lại yêu trai thành phố. Sau nhiều ngày trò chuyện trên mạng, đằng trai đòi gặp mặt, sau buổi gặp mặt, đằng trai biến mất không một lời hứa hẹn. Lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, thứ ba. Rồi chuyện cứ thế trôi đi, đến bây giờ cô gái ấy vẫn chưa có chồng, ngày ngày vẫn ngồi ngậm chì, đan lưới cùng đám đàn bà, con gái trong làng.
Nhiều cô gái ở làng ven phá Tam Giang không lấy được chồng vì... hàm răng xấu xí
Chị Ngân bảo, vì cái nghề đặc biệt ấy của làng, nên con gái đánh mất đi nụ cười duyên dáng. “Buồn nhất là những lúc đi ăn tiệc cưới của bà con ngoài làng mời, đám đàn bà, con gái trong làng không dám hé miệng to, nhiều lúc cũng muốn lên sân khấu hát vài bài góp vui hai họ nhưng nghĩ lại hàm răng của mình nên thôi. Nhưng sợ nhất là trong buổi tiệc, người ta thấy hàm răng đen sì của người làng, rồi không dám ăn nữa…”. Không dám đi ra khỏi làng nên những cô gái nếu có chồng thì hầu hết đều là người trong làng.
Quanh đi quẩn lại cũng chỉ từng ấy đàn ông và từng ấy đàn bà, chia sẻ với nhau, yêu thương nhau mà thôi. Tội nhất là những cô nàng đang độ tuổi mới lớn, mặt lúc nào cũng đượm buồn. Họ chẳng bao giờ dám mơ ước tới chuyện có một chàng “bạch mã hoàng tử” cưỡi xe từ nơi khác đến. Bà con ở đây khi rảnh rỗi lại tụ họp với nhau, tất cả chỉ bàn về chuyện răng. “Răng của chị giờ sao rồi, còn mấy cái?” hay “Tối hôm qua, răng tôi bị bể một miếng to tướng”…
Cứ mỗi một năm, người làng lại đi “bảo trì” răng lại một lần. Chồng làm ra tiền lại phải để dành cho vợ đi khám răng. Sợ nhất có lẽ là những gia đình nào có con gái, họ phải lo chạy mượn tiền đi làm răng để tránh bị “ế”, vì nếu có xinh đẹp đến mấy mà cứ để hàm răng “già nua” như vậy. Em Nguyễn Thị Bách (17 tuổi) đi học trên phố về, lúc nào mặt cũng buồn rười rượi cho biết: “Hôm rồi bắt xe đi phố, vừa cười lên một cái thì người trên xe đã biết em đi ra từ làng Ngư Mỹ Thạnh này.
Cái danh “làng rụng răng” chết tên từ khi mô không biết. Tết vừa rồi, em để dành tiền lì xì cộng thêm tiền của mẹ cho, để lên phòng răng ở huyện trồng răng giả, tốn hơn 5 triệu đồng. Hàm răng của em giờ đã khá hơn trước. Trước kia vào lớp học rất ngại phát biểu với thầy cô, mọi người cứ bảo em không hòa đồng. Sau khi đi bác sĩ nha khoa về, em có thể cười thoải mái hơn. Nhưng cứ vài năm lại phải tiếp tục bỏ tiền để “tu bổ” lại, không thì cũng sẽ vàng hoe rồi đen đúm mà thôi”.
Nhiều phụ nữ ở đây bảo, hàm răng móm mém không chỉ khiến họ khổ sở vì thiếu thẩm mỹ, giao tiếp kém tự tin mà đến cả sinh hoạt cũng trở nên hết sức bất tiện. Rất nhiều chị em suốt cả năm trời không dám ăn đồ cứng, đồ ăn phải tìm cách hầm thật nhừ, mềm ra. Trong làng chỉ có vài cô gái “thoát ly” được, là nhờ dũng cảm “đầu tư” cho răng để lấy chồng nơi khác, thoát khỏi kiếp ngậm chì mưu sinh.
Hỏi sao không chuyển nghề khác, hay đơn giản là làm lưới công nghiệp như bao người khác, mọi người ở làng đều ngậm ngùi: “Chúng tôi biết là khổ vậy nhưng vì miếng cơm, manh áo không thể không làm được”. Người dân nơi đây nếu không làm lưới và đánh cá thì biết lấy gì mà sống. Nghề ngậm chì làm lưới khốn khó, kéo theo biết bao hệ lụy, nhưng những người phụ nữ ở ven phá Tam Giang vẫn chấp nhận sống với nó như là cái nghiệp phải đeo mang.