Những phận người long đong

Ảnh: Ngô Trần Hải An
Ảnh: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong cái nắng hắt vàng của chiều muộn những ngày đầu toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16, đường Sài Gòn vắng vẻ, nhiều nơi bị giăng dây, những hàng quán lặng im, những người vì công chuyện chạy xe trên đường cũng vội vàng.

Nhưng đâu đó, trên con đường ấy, có những người vẫn lầm lũi đi lại để nhặt ve chai, bởi họ không thể dừng, vì không có nhà để ở và không biết ngày mai của mình sẽ ra sao…

“Không đi thì biết làm sao đây…”

Tôi gặp bác Thu (60 tuổi) đang thu lượm những chai nhựa tại một thùng rác trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình. Dừng lại lấy một ít quà mà quý thầy trong cơ quan chuẩn bị sẵn để biếu, bác ngước nhìn cảm ơn, rồi tiếp tục việc của mình.

Trò chuyện trong lúc bác tìm những vỏ nhựa gom để bán lại, bác cho biết đang ở trọ trên đường Vĩnh Khánh (phường 10, quận 4) cùng với vợ. “Mỗi ngày tui phải trả 100 ngàn tiền trọ, nên cứ phải đi làm kiếm tiền đưa trước mỗi ngày chứ để cuối tháng tới 3 triệu thì nặng quá. Rồi còn tiền điện nước một tháng cũng gần 600 ngàn nữa”, bác nói.

Bác kể, ở nhà thỉnh thoảng cũng có người cho cơm từ thiện, còn không có thì đôi vợ chồng già ăn mì. Đi lượm ve chai, thỉnh thoảng cũng có người tặng ít gạo và một vài đồ dùng khác. “Tui thì cứ đi chớ không dám ngồi một chỗ, giờ mình còn làm được nên cứ đi làm, ai cho gì thì nhận”.

Ông Thu lượm ve chai trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình - Ảnh: Như Danh

Ông Thu lượm ve chai trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình - Ảnh: Như Danh

Mỗi ngày bác đi các tuyến đường trong thành phố, chỗ nào có ve chai thì nhặt, “Bây giờ dịch cũng sợ, mà sợ ở nhà hoài thì đâu có tiền trả tiền phòng. Bắt buộc mình phải ‘đi làm’ chớ. Đi chỗ nào có bảng cấm thì mình tránh ra, đứng cách xa 2 mét, đeo khẩu trang, không tới chỗ đông người, chứ đâu biết ai bị bệnh đâu”, bác Thu than thở.

Bác Thu cho biết hồi trước chạy xe ôm, chạy hoài không có tiền, do có nhiều xe ôm công nghệ, rồi thấy người bạn chuyển sang nhặt ve chai, vậy là bác chuyển “nghề”. “Mấy bữa nay kiếm được cũng nhiều ve chai, nhưng bây giờ không có chỗ bán, do các vựa mua họ đóng cửa hết rồi. Chắc tối nay tui qua Bình Chánh ở đường Nguyễn Văn Linh để bán, chắc họ còn mua”, bác Thu trầm ngâm.

Cùng dìu nhau qua khó khăn

Tại một góc đường Lý Thường Kiệt, cạnh Bệnh viện Thống Nhất, tôi gặp cô Sang, 51 tuổi, quê ở Phú Yên, đẩy người đàn ông ngồi xe lăn. Tôi bắt chuyện hỏi dịch dã thế này ra đường không sợ sao. “Tui bán vé số nhưng mấy nay họ cấm nên đẩy ông Tư ra đây. Rồi ngồi đây có ai cho cơm thì ăn thôi”, cô nói.

Cô Sang kể, thường ngày cô phụ quán nước với chủ nhà vào buổi sáng ở gần Trung tâm Triển lãm và Hội chợ ở phường 4, quận Tân Bình, sau đó sẽ đi bán vé số. “Tui được bà chủ nhà ở trọ miễn phí. Mỗi ngày chỉ phụ dọn dẹp nhà cửa, rửa chén thôi”. Rồi cô Sang cho biết, mỗi tháng bán vé số cô phải gửi về quê 3 triệu để nuôi con ăn học.

Trong suốt câu chuyện, cô Sang không than vãn hay nhờ giúp đỡ gì tới mình, mà chỉ nhắc tôi, “con xem kêu gọi có ai đó giúp ông Tư để trả tiền chiếc xe lăn với, ông mượn 1 triệu 500 ngàn người ta để mua xe lăn đó”.

Cô Sang chia sẻ: “Đi bán vé số thì gặp ông Tư, ổng nhờ tôi đẩy giúp xe cho ổng, vì mọi người thấy ông Tư ai cũng sợ, tui thấy tội rồi giúp đẩy xe. Ổng cũng quý lại, khi có ai cho quà mà ông Tư không ăn được thì ổng lại cho tui; có bữa thì mì, khi thì gạo, nếu dư thì tui gửi về quê cho con”.

Ông Tư với chiếc xe lăn thiếu nợ của mình

Ông Tư với chiếc xe lăn thiếu nợ của mình

Ông Tư tên thật là Võ Minh Hùng, 62 tuổi. Ông cho biết mình bị bệnh khớp, mỗi khi thời tiết thay đổi là cả người đau nhức nên ông thường nhờ tới chiếc nạng để đi lại.

Ngồi trên xe lăn, ông kể, mình không có nhà trọ, đụng đâu ngủ đó, có gì ăn nấy, có cơm ăn cơm, không có cơm thì uống nước cho qua ngày. “Tui nhà cửa thì… bao la, đời không có bao vây - đâu có thiếu nợ đâu mà bao vây”, ông Tư cười xòa nói.

Giữa câu chuyện, cô Sang nói xen, “ông Tư còn nợ xe lăn”. Ông cười, nói “do bà kia bả thương bả cho mượn mua xe lăn, chừng nào có tiền thì trả, không thì thôi, chết thì hết”.

Hàng ngày vẫn lượm ve chai để bán. “Lượm quá chừng mà bán được có 3, 4 ngàn. Nhưng bây giờ vựa ve chai đóng cửa hết rồi, nên lượm tìm chỗ nào kín cất đó, khi nào họ mở cửa thì lấy ra bán”.

“Phải chịu thôi chớ biết làm sao”

Trưa ngày 9-7, ngày đầu cả TP áp dụng Chỉ thị 16, ghé nhận hộp cơm chay do quý thầy ở chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) tặng, ông Hùng (58 tuổi), chạy xe ôm truyền thống, tìm một góc xa trong chùa ngồi ăn ngon lành. “Cơm chay ngon và vừa miệng lắm”, ông Hùng mỉm cười nói.

Vui miệng sau bữa cơm nơi sân chùa, ông kể về gia cảnh của mình: Người vợ và hai con ngày thường đi phụ bán hàng, nhưng bây giờ dịch bệnh họ đâu có bán buôn gì được, nên cũng nghỉ mấy tháng nay rồi, trong khi bao nhiêu thứ bủa vây như tiền thuê nhà, tiền ăn, đó là chưa kể những chi phí lặt vặt khác.

Một tháng nay, cả nhà ông đang nợ tiền phòng trọ. “Nhưng cũng may, chủ trọ họ cho nợ tiền phòng, họ cho trả từ từ, khi nào có thì trả. Trong tình hình dịch bệnh chung họ cũng đồng cảm cho mình thiếu nợ”, ông cho biết.

“Từ sáng tới giờ không chạy được cuốc xe nào, hôm nay chùa vắng tanh, đường phố cũng vắng, ai cũng ở nhà, đâu có ai đi xe ôm, kiểu này là nhà chú đói luôn quá. Nhưng mà tình hình chung mình phải chịu thôi, chứ biết làm sao”, ông Hùng buột miệng.

Những phần quà nhỏ ý nghĩa trong lúc khó ngặt

Sau khi xong công việc tại cơ quan, chiều 11-7, tôi chuẩn bị rời tòa soạn về nhà, thì được đồng nghiệp gửi một ít bánh nhờ tặng đến những người khó khăn gặp trên đường. Cầm những phần quà là những bịch bánh ngọt, tôi chạy theo đường Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh và rẽ vào đường Phan Huy Ích về nơi đang ở.

“Từ sáng giờ chú chưa có gì trong bụng, cảm ơn con nhiều nha”, nhận quà tặng, một chú đứng bên chiếc xe ôm - giờ đã bị cấm để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16, bày tỏ. Nhiều cô chú tưởng được tặng cơm, tỏ vẻ mừng rỡ. Tôi nói chỉ có ít bánh ngọt, và nhận lại cái gật đầu nhẹ nhàng, “Từ sáng tới giờ chưa có gì ăn, có ít bánh ngọt cũng đỡ. Cảm ơn con”.

Tặng cơm chay miễn phí tại chùa Vĩnh Nghiêm - Ảnh: Như Danh

Tặng cơm chay miễn phí tại chùa Vĩnh Nghiêm - Ảnh: Như Danh

Có chú ngồi nghỉ ngơi bên đường ăn vội gói mì tôm sống cho qua bữa, rồi nhìn xa xăm trên con đường vắng hoe người. Gửi tặng những phần bánh, hỏi thăm thì chú cho biết đang ở trọ Hóc Môn lên đây nhặt ve chai. Vừa rồi cũng có một người cho 5kg gạo, chỉ bao gạo đang nằm trên chiếc xe đạp xung quanh là những bao đựng chai nhựa, chú cho biết ở nhà còn có 3 đứa nhỏ nữa, nên vậy cũng được mấy bữa ăn, yên tâm rồi.

Những lúc này, sẻ chia là điều hết sức ý nghĩa. Tôi xin trích lời của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng trong Tâm thư gửi ngày 10-7 vừa qua, Hòa thượng khích lệ người Phật tử, cả xuất gia và tại gia dấn thân chia sẻ với bà con chung quanh mình. “Đó là hành động thiết thực theo tinh thần mà Đức Phật đã dạy: hiến tặng sự không sợ hãi, chia sẻ đồ dùng thiết yếu, xoa dịu nỗi khổ niềm đau. Đồng thời, chúng ta còn cần tỉnh giác, đừng vì bất cứ lý do gì mà quên các nguyên tắc phòng, ngừa dịch bệnh đã được ngành y tế phổ biến”, Hòa thượng viết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.