Những nụ hoa hàm tiếu trên môi em thơ khi xuân về

Giác Ngộ - Không có những “đại gia”, không có những nhà doanh nghiệp cỡ bự, cũng không truyền hình trực tiếp, chỉ có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Phật tử hảo tâm. Chương trình giao lưu và gây quỹ từ thiện với chủ đề: “Nụ cười đầu xuân” do Hội những người bạn Sài Gòn – thuộc Website Noi.vn và Ủy ban Hội liên hiệp Thanh niên phường 3, quận Phú Nhuận tổ chức diễn ra tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận tối ngày 16-01-2009 lại chứa chan ý nghĩa trong những ngày tháng cuối cùng của một năm.
WX (3).JPG

Các em khuyết tật thuộc cơ sở An Phước biểu diễn văn nghệ

Họ là những người trẻ. Có người đã đi làm, có người là sinh viên nhưng tất cả đều trải qua quá trình tham gia sinh hoạt tại các Gia đình Phật tử. Chính trong những ngày tháng sinh hoạt và học hỏi giáo lý đạo Phật dưới mái chùa thân thương đã giúp họ chiêm nghiệm đâu là sự hữu hạn của sinh tử kiếp người và đâu là giá trị chân thực của cuộc sống; và “tinh thần phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật” đã nối kết họ, nâng bước chân họ đi về phía ánh sáng mặt trời.

Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, là mùa mà mọi ước mơ được gieo hạt nảy mầm. Để có một mùa xuân vui trọn vẹn con người phải nỗ lực vất vả làm ăn trong suốt cả năm. Thế nhưng, không phải bất cứ ai cũng đều có thể hưởng thụ một mùa xuân đong đầy hạnh phúc bên tiếng cười, bên quần áo đẹp, bên những người thân yêu ruột thịt của mình. Vẫn còn đó biết bao người không có được niềm vui đoàn tụ, xum vầy khi xuân đến bởi họ phải lăn lộn, dọc ngang khắp các hang cùng, ngõ hẻm, nơi bến tàu, bến xe với đôi bàn chân nứt nẻ, đôi bàn tay chai sần chỉ để đối lấy miếng cơm, manh áo sống qua ngày.

WX (1).JPG

Biểu diễn Kungfu Thiếu Lâm của chú tiểu tí hon Nhuận Pháp

Mong rằng khi xuân về, các em nhỏ thiếu may mắn và các hộ nghèo thuộc tỉnh Trà Vinh - ai nấy đều nở trên môi nụ cười hạnh phúc, và ĐĐ. Thích Giác Thiện đã quyết định gửi đến chương trình những phẩm vật có giá trị như tượng Phật Di Lặc bằng đá Thạch anh hồng, bức thư pháp khắc trên đá “ Ở đâu có tình yêu ở đó có sự phi thường”, ....cùng nhiều bức thư pháp chữ Việt khác do chính tay Đại đức thực hiện để tham gia bán đấu giá. Ngoài những vật phẩm có giá trị với chất liệu bằng đá chương trình còn tham gia đấu giá một số phẩm vật của hội những người bạn Sài Gòn – thuộc Noi.vn.

Nếu như bức tượng Phật Di Lặc tượng trưng cho nụ cười xuân bất tận, luôn mang lại sự hoan hỷ may mắn đến cho mọi người được một nữ doanh nghiệp mua với giá đỉnh 25 triệu đồng thì bức tranh của một em bé bất hạnh đến từ tỉnh Trà Vinh lại đánh thức lòng trắc ẩn của mọi người. Bức tranh “Uớc mơ của bé” của em Huỳnh Thị Thùy Dương – Trà Vinh với mức giá khởi điểm là 100.000 ngàn đồng, đã được em Văn Bảo Ngọc học sinh lớp 3, trường Tiểu học Phú Mỹ Hưng quận 7, mua với giá chốt là 2 triệu đồng đã gây sự xúc động ngẹn ngào cho toàn bộ mọi người có mặt. Hai triệu đồng với một vài người đơn giản chỉ là tiền đủ để sắm một cái áo, một cái quần mặc duy nhất một lần rồi cho vào kho lưu trữ nhưng với em Thùy Dương thì đó là cả một “gia tài”. Chắc hẳn khi nhận được số tiền trên em Thùy Dương sẽ khóc vì sung sướng, khóc vì em đã chạm tay vào một giấc mơ, một giấc mơ có thực được đan dệt bởi tấm lòng tương thân, tương ái của biết bao người.

WX (2).JPG

Đấu giá bức thư pháp của ĐĐ. Thích Giác Thiện

Nếu ai đó đã từng nhận định: “Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ, và ước mơ có thể làm thay đổi lịch sử thế giới” thì điều đó hoàn toàn đúng với ước vọng sống, vươn lên của các em thanh thiếu niên tại cơ sở khuyết tật An Phước - Bình Chánh. Có đến xem, nghe những bài hát, những bản nhạc do tự tay các em sáng tác mới thấy hết chất lửa, chất nhựa sống ngập tràn trong con người các em. Không còn cả hai mắt, khuôn mặt bị biến dạng, chân tay bị co rút...bởi chất độc dioxin; song khi lời ca tiếng hát được cất lên thì cả khán phòng như vỡ òa. Không gian như ngưng kết. Chỉ còn sự trong veo thánh thót của những chú họa my, những cô sơn ca lảnh lót ngân vang; đưa giấc mơ, khát vọng cùng niềm tin và nghị lực của các em đến những chân trời cao rộng, đến với những tâm hồn đồng điệu sẻ chia.

WX (4).JPG

Em H dù đã hỏng hoàn toàn cả hai mắt nhưng vẫn tự tay mình đàn và hát

WX (5).jpg
Em Văn Bảo Ngọc sở hữu bức tranh "ước mơ của em" (thứ 3 từ phải qua)
giao lưu cùng chương trình
 

Ra về, hình ảnh em T dù đã hỏng hoàn toàn cả hai mắt không còn khả năng cảm nhận thế giới của sắc màu vậy mà dường như em không hề cảm thấy sự mất mát đang bủa vây quanh em; say sưa hát,  hai bàn tay thoăn thoắt trên phím đàn khiến tôi không khỏi mủi lòng. Cứ thầm ước giá như, giá như không có chiến tranh thì có lẽ giờ này em đã là một nghệ sĩ tài danh. Thế đấy, cái giá của sự bình an quá lớn, để có được nó nhân loại từ ngàn xưa cho đến nay vẫn chưa ngưng súng nổ, máu rơi. Và để những nụ hoa hàm tiếu luôn nở trên môi của các em thơ có hoàn cảnh bất hạnh rất cần những tấm lòng vị tha, sự sẻ chia của mọi người chúng ta mỗi dịp xuân về.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.