Những nội dung sẽ sửa đổi trong Hiến chương GHPGVN

GN - Tại Hội nghị sinh hoạt Giáo hội hướng đến Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022, diễn ra sáng 16-10 vừa qua tại thiền viện Quảng Đức, TP.HCM, một trong những nội dung quan trọng liên quan tới cơ cấu tổ chức và một số danh xưng thuộc hệ thống Giáo hội trong Hiến chương đã được Ban Thư ký trình sửa đổi.

hoinghiphiabac.jpg

Hội nghị sinh hoạt Giáo hội các tỉnh phía Bắc về công tác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII

Theo đó, đề dẫn tu chỉnh Hiến chương kèm nội dung được in trong tập tài liệu phát cho đại biểu có 57 điểm đề nghị sửa đổi, điều chỉnh phần nhiều theo hướng tính quy nạp hoặc diễn dịch, ví dụ việc điều chỉnh đầu tiên trong Lời nói đầu: “… Phật giáo Việt Nam đã có đầy đủ cơ duyên thực hiện nguyện vọng thống nhất các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam”; cụm từ “các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo” được đề nghị đổi thành “các tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, và các Hệ phái Phật giáo”, hoặc cách gọi “tỉnh, thành” được đề nghị thêm tố từ “phố”: tỉnh, thành phố… để làm rõ nghĩa hơn trong một số trường hợp.

Danh xưng thay đổi đáng quan tâm nhất là đối với các ban ngành Trung ương, Ban Giáo dục Tăng Ni được đề nghị sửa thành Ban Giáo dục Phật giáo, và thêm một ban ngành mới, đó là Ủy ban Phật giáo châu Á vì Hòa bình Việt Nam. Nếu điều này được thông qua, thì số lượng các ban, viện Trung ương tăng lên 14 (12 ban, 1 ủy ban, 1 viện) từ Đại hội VIII tháng 11 sắp tới.

Cấp trực thuộc các ban Trung ương, hiện nay được gọi là Phân ban, trong phần trình bày tại hội nghị, sẽ được đề nghị thay bằng “vụ”, như Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự T.Ư sẽ là “Vụ Ni giới”. Trong phần giải trình, dự kiến hệ thống các vụ cũng được phân nhiệm về tên gọi. Ví dụ, Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư có các Vụ Phật giáo Ấn Độ và Nam Á, Vụ Phật giáo Trung Quốc và Đông Á, Vụ Phật giáo Đông Nam Á, Vụ Phật giáo châu Mỹ, Vụ Phật giáo châu Phi, Vụ Các tổ chức Phật giáo và các tổ chức quốc tế…

Cũng về danh xưng, Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh, thành và quận, huyện, thị xã thuộc hệ thống hành chánh của Giáo hội hiện nay được đề nghị đổi thành “Chủ tịch Ban Trị sự…”, tương tự vậy, các cấp Phó Trưởng ban Trị sự sẽ là Phó Chủ tịch Ban Trị sự…

Tại hội nghị diễn ra trong buổi sáng như đã nói, không có ý kiến của đại biểu nào khác về những sửa đổi được Ban Thư ký trình bày và lần đầu tiên có tài liệu sửa đổi cụ thể trao đến các đại biểu đại diện cho Ban Trị sự Phật giáo 34 tỉnh, thành phía Nam và các ban viện T.Ư tham dự.

Một điểm sửa đổi hết sức quan trọng liên quan tới lãnh đạo cao cấp của Giáo hội, đó là điều chỉnh số lượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự tại Điều 22, Chương V: Hội đồng Trị sự. Đó là bỏ bớt một vị trí lãnh đạo cao cấp, chức danh Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, khuyết vị kể từ khi HT.Thích Chơn Thiện viên tịch vào năm trước. Như vậy, theo dự kiến điều chỉnh các chức danh trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, kế Chủ tịch sẽ chỉ có 2 (thay vì 3 như Hiến chương tu chỉnh lần thứ 5) phụ trách khối địa phương khu vực thuộc 2 văn phòng TƯGH (phía Bắc, tại Hà Nội; và phía Nam, tại TP.HCM). Việc sửa đổi danh xưng này nhằm “nâng cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu Giáo hội địa phương trong quan hệ xã hội”, và “như vậy để đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất của tổ chức Giáo hội”, văn bản giải trình nêu rõ lý do.

Thông thường, với nhiều kỳ Đại hội trước, việc tu sửa Hiến chương - văn bản có tính pháp lý cao nhất của Giáo hội - một công việc hệ trọng, được hướng dẫn góp ý trong các thông tư hướng dẫn của TƯGH. Nay được giao Ban Nội dung, Ban Thư ký nghiên cứu sửa đổi, trình Ban Thường trực HĐTS thẩm tường và trình Đại hội thông qua.

Chỉ còn hai mươi mấy ngày nữa, sự kiện quan trọng của Giáo hội là Đại hội kỳ VIII sẽ diễn ra, hiện mọi khâu chuẩn bị đang trong giai đoạn gấp rút với quyết tâm cho một Đại hội được thành tựu.

Tuy nhiên, cho đến lúc này, còn một số tỉnh, thành vẫn chưa tổ chức được Đại hội, ngoài TP.HCM sẽ tổ chức vào ngày 6, 7-11-2017 tại Việt Nam Quốc Tự, tỉnh Hải Phòng cũng đã ấn định thời gian; còn 2 tỉnh Bình Phước và Phú Yên vẫn chưa có thông tin cụ thể về công tác theo nguyên tắc và chỉ thị phải được thực hiện trước Đại hội toàn quốc diễn ra.

Như lời Hòa thượng Chủ tịch HĐTS đã kêu gọi trong diễn văn khai mạc tại Hội nghị sinh hoạt Giáo hội hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, “trên tinh thần trách nhiệm, trí huệ tập thể, TƯGH trân trọng lắng nghe những phát biểu, góp ý chân tình trong phạm vi cộng đồng trách nhiệm từng lĩnh vực, từng địa phương để giúp Giáo hội bổ sung và hoàn thiện báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), đề ra những chủ trương, chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022), góp ý tu chỉnh một vài điểm của Hiến chương, nội dung và chương trình hoạt động Đại hội, làm cơ sở tiến đến Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành công tốt đẹp”.

Như vậy, những đề nghị và giải trình dù được đưa ra trong khoảng thời gian rất gần với Đại hội; tuy vậy, về nguyên tắc, gần 60 điểm do Ban Thư ký đề nghị sửa đổi, thêm bớt, bổ sung trong Hiến chương sẽ còn phải được trình Đại hội, xin ý kiến của đại biểu trong tinh thần “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển” mà Đại hội VIII đã chọn làm chủ đề chính thức.

Hoàng Độ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.