GN - Như những sinh viên của khoa Tôn giáo học khác phải tập theo cuộc sống sinh viên đại học, các vị Tăng Ni cũng đối diện với việc phải hòa mình vào cuộc sống mới.
Sư Sraman (trái ), người Bangladesh đang trò chuyện
tại Harvard với thầy Seng Yen Yeap, một vị Tăng đến từ Hồng Kông
Thông qua sự giúp đỡ của tổ chức Robert H.N. Ho, sư Kusala là một trong số những vị Tăng Ni từ châu Á được mời đến học tập tại khoa Tôn giáo học thuộc Đại học Harvard. Học bổng một năm của tổ chức này sẽ đủ chi trả cho toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt tại trường.
Hiện có 6 tu sĩ Phật giáo, bao gồm 1 vị Ni, đến từ các nước Sri Lanka, Nepal, Bangladesh đang theo học tại khoa Tôn giáo học và họ đang trong quá trình điều chỉnh phương thức sống để hòa nhập vào môi trường mới tại Cambridge.
Sư Upali Sraman, sinh viên năm 2 người Bangladesh, kể rằng, bộ y phục của mình có tác động ngộ nghĩnh đối với mọi người ở đây. “Tôi luôn phải tỉnh thức trong mọi việc mình làm bởi mọi người luôn hướng mắt về mình”, sư giải thích.
Mọi người luôn nghĩ nhà sư phải là những con người hoàn thiện. “Nhưng phải thừa nhận rằng sau lớp y phục, các nhà sư vẫn là những con người bằng xương bằng thịt”, sư tâm sự.
Các nhà sư trẻ cũng có những cảm xúc và giây phút mềm yếu như bất cứ người nào khác, sư Upali nói, và sẽ phi thực tế nếu mong đợi quá nhiều so với những gì họ có thể thể hiện. “Tệ hơn, nếu bạn đặt họ vào hoàn cảnh nguy hiểm buộc họ phải nói dối hoặc không chân thành thì khó có thể mong họ làm theo những gì bạn mong đợi”.
Sư cô Chang Gan shi, sinh ra ở Trung Quốc và lớn lên ở Mỹ, đang học tại Harvard
Chang Gan Shi, một sư cô đến từ Đài Loan cũng đồng tình với quan điểm trên, và bổ sung thêm rằng, vì học năm nhất của trường nên cô cũng có những thách thức của riêng mình. “Là nữ tu Phật giáo duy nhất tại đây, tôi luôn mong có những người bạn cùng học hay những mối quan hệ thâm giao với người khác. Đôi lúc tôi cảm thấy mình khá đơn độc”.
Với chiếc áo tràng lam và chiếc mũ nâu, trong câu chuyện tại căng-tin của trường Luật Harvard, vị sư cô 44 tuổi này kể rằng khi thưởng thức hương vị của những chiếc bánh pizza, khoai tây chiên hay nước giải khát Coca-cola có nghĩa là cô đang trải nghiệm một phần cuộc sống mới của mình tại New York.
Cô Shi cũng chỉ ra một thách thức khác là làm sao diễn giải những khoảng cách về mặt xã hội với những người bạn ở Harvard. Ví như việc cô không thể đi xem phim hay dự những bữa tiệc linh đình. Ngay cả việc nói ra rằng cô không thể đón nhận những cái ôm xã giao.
Ngồi giữa nhóm sinh viên tại căng-tin Harkness Café đông đúc và náo nhiệt, sư cô cho biết thêm: “Bạn có thể trở nên bất lịch sự nếu bảo rằng đừng ôm xã giao bạn. Nhưng với tôi, một nữ tu Phật giáo, thì điều đó là cần thiết. Tôi cần một khoảng cách trong giao tiếp xã hội nhưng nó không thật dễ dàng”.
Vấn bộ y màu nâu đỏ và mang một đôi giày xanh, sư Tajay Bongsa 25 tuổi, sinh viên năm nhất của trường, trông có vẻ hiện đại so với những nhà sư truyền thống khác, nói: “Mỗi vị sư đều có cá tính riêng của họ”.
Sư Bongsa cho rằng nhiều người Mỹ luôn hình dung các nhà sư Phật giáo phải điềm tĩnh, thanh tịnh và luôn an lành. “Nhưng cũng có sự khác biệt đôi chút. Trước khi mọi người gặp chư Tăng, họ luôn hình dung nhà sư phải hành động, biểu hiện và sinh hoạt như thế này thế kia. Tuy nhiên, chúng tôi đôi lúc sẽ không giống như sự mong đợi của họ”.
Là một thành viên trong cộng đồng thiểu số bản địa tham gia đòi chủ quyền tại Bangladesh, sư Bongsa đến Harvard với hai sứ mệnh. Sư muốn nghiên cứu tôn giáo tại Harvard cũng như tham gia các khóa học tại trường Kennedy để giúp việc tìm các giải pháp về tâm linh, kinh tế và chính trị cho công cuộc vận động chủ quyền của cộng đồng cư dân tại Bangladesh. “Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khó”, sư Bongsa giải thích, “vì thế có cơ hội học tập tại Harvard là một điều gì đó tốt hơn nhằm giúp cho cuộc sống người dân của tôi vốn ở mức thấp”.
Sư Bongsa không đơn độc trong việc hoạch định cho mục tiêu học tập của mình. Sư cô Shi thì muốn phối hợp với các học giả gốc Hoa tại Harvard để dịch các bản kinh Phật giáo cổ từ tiếng Trung Quốc sang Anh ngữ. “Nhiều kiến thức quý giá về tầm hiểu biết của con người trong các bản kinh này có thể chia sẻ cho thế giới”, sư cô nói. “Và Harvard có đủ các chuyên gia cũng như tầm ảnh hưởng để tiến hành việc này”.
Trong khi đó, sư Ishwor Shrestha, sinh viên năm 2 của trường đến từ Kathmandu, Nepal chỉ có một sứ mệnh duy nhất. Sư cho biết, tại Harvard sư chỉ tìm hiểu làm thế nào để tham vấn cho một người đang hấp hối. “Thực sự đang có một nhu cầu khá lớn về loại tham vấn này tại đất nước của tôi”, sư giải thích. Vị sư 38 tuổi này cho hay tại Nepal nhiều người phải đối diện với cái chết mà không có sự hỗ trợ về y khoa phù hợp hoặc người thân. “Việc giúp đỡ người sắp mất tại đất nước tôi dường như rất hiếm và tôi muốn thay đổi điều đó”.
Sư Sraman (trái), người Bangladesh và sư Kusala,
đến từ Sri Lanka, đang trò chuyện với một nữ sinh viên tại Harvard
Sư Shrestha muốn phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tại đất nước mình để phát triển chương trình tham vấn tâm lý và chăm sóc cuối đời cho người Nepal. “Mọi người đều xứng đáng mất đi trong sự chăm lo và kính trọng”, sư khẳng định. Sư kể rằng khóa học về chăm sóc đời sống tâm linh, được hướng dẫn bởi Chris Berlin, đang giúp cho sư chuẩn bị trở thành người tham vấn thực thụ.
Sư cho biết, mỗi khi một người thân hoặc bạn bè qua đời sẽ dạy cho sư về giáo lý vô thường. Và sư cũng bỏ đi những phiền muộn để tìm đến sự an lạc trước những điều không tồn tại vĩnh viễn đó.
“Một khi bạn đói thì bạn sẽ ăn. Bạn không chỉ có niềm tin rằng thức ăn sẽ giúp bạn qua cơn đói mà bạn biết rõ điều đó. Niềm tin tâm linh của tôi cũng thế và nó luôn an toàn tại Harvard”.
Giáo sư Berlin, người hướng dẫn và là chuyên gia tham vấn tâm lý cuối đời, hiện cũng đang thực tập theo Phật giáo, nhấn mạnh Harvard thực sự có lợi khi có nhiều nhà sư theo học. Giáo sư cho biết, nhiều sinh viên khác luôn chăm chú lắng nghe mỗi khi các nhà sư kể về cộng đồng tâm linh của họ. “Điều đó không phát xuất từ sách vở, không từ một ý kiến chủ quan của cá nhân mà nó đến từ cuộc sống thực tiễn của chư Tăng sinh viên. Thật khó để tạo nên một nguồn kiến thức thực tế như vậy”.
Bảo Thiên
(theo News.harvard.edu)