Những ngôi chùa trên đất Tổ Hùng Vương

Thiêng liêng núi Nghĩa Lĩnh
Thiêng liêng núi Nghĩa Lĩnh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Núi Nghĩa Lĩnh ở Phong Châu, tỉnh Phú Thọ trông xa như một con rồng lớn hướng về phía Nam, mình uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo ở phía sau.

Phía trước là ba dòng sông lớn (sông Hồng, sông Lô, sông Đà) hợp lưu ở ngã ba Bạch Hạc tạo thành một vùng nước mênh mang có những quả đồi nhấp nhô giống như đàn rùa nước bò lên chầu về Nghĩa Lĩnh.

Tương truyền,Vua Hùng đã đi khắp mọi miền đất nước rồi về đây thấy nghìn non tụ lại, muôn nước chầu về, bèn chọn Bạch Hạc làm đất đóng đô, chọn núi Nghĩa Lĩnh làm nơi thực hiện những nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp tế trời, thờ thần lúa.

Thiên Quang thiền tự trên núi Nghĩa Lĩnh

Ngày nay, quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng gồm 3 khu vực chính. Tổ hợp đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh với nhiều công trình kiến trúc: cổng đền, đền Hạ, Tam quan và chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, lăng Hùng Vương, cột đá thề, đền Giếng. Đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ tọa lạc trên đỉnh núi Vặn, cách đỉnh Nghĩa Lĩnh khoảng 1km. Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng tại núi Sim.

Tọa lạc ngay cạnh đền Hạ trên núi Nghĩa Lĩnh là chùa Thiên Quang được khởi dựng vào thời nhà Trần với tên gọi Viễn Sơn cổ tự. Đến thế kỷ XV, chùa được xây dựng lại, đổi tên là Thiên Quang thiền tự. Đến đời vua Tự Đức triều Nguyễn, chùa được đại trùng tu quy mô với kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc. Ngày nay, ấn tượng nhất tại đây chính là Tam quan ngự phía trước chùa, với nguyên vẹn những kiến trúc cổ của thế kỷ XVII.

Tam quan chùa có hai tầng mái được nâng đỡ bởi bốn vì kèo cột kiểu chồng rường kết hợp với kẻ bẩy chạm nổi hoa văn hình mây lửa, đao mác và những chùm mây xoắn mang phong cách mỹ thuật thời Hậu Lê. Các đầu rui dưới mái tàu đều được đóng đinh đồng hoa. Hai đầu đốc của tam quan xây tường gạch kiểu cánh phong đồng trụ vươn ra trước bốn cột trụ hình vuông trang trí quả găng lồng đèn. Gian giữa tam quan có bốn cột cao vút lên tạo thành gác chuông nâng bổng bốn mái cong. Hai đốc lịa gỗ được lắp đặt hai phía trước và sau, tạo tác những song tròn. Ở góc ngoài gác chuông có hình những mặt nạ gỗ "ba tay vượn". Trong góc mái lợp ngói mũi hài, hai đầu đốc phía ngoài đắp nổi hình hổ phù ngậm chữ Thọ, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Trong tam quan treo quả chuông được đúc vào thế kỷ XVIII.

Chùa chính hiện nay có kiến trúc kiểu chữ công gồm ba tòa: Tiền đường 5 gian, Tam bảo 3 gian và thượng điện 3 gian. Các tòa được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột, kèo suốt cài nóc. Phía ngoài có hành lang xây xung quanh với 46 cột gỗ. Mái chùa lợp ngói mũi hài có đầu đao cong, đầu kìm chạm khắc lá đề, bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt.

Chùa Thiên Quang trên núi Nghĩa Lĩnh

Chùa Thiên Quang trên núi Nghĩa Lĩnh

Trong chùa Thiên Quang hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng giá trị như: Bộ Tam thế, Tòa Cửu Long, Hộ pháp… có niên đại vào thời Nguyễn, cùng nhiều bức đại tự cổ. Trước sân chùa có hai tháp sư hình trụ đều cao bốn tầng, xung quanh có các cửa vòm nhỏ, trên nóc đắp hình hoa sen, lòng tháp xây rỗng. Trong mỗi tháp đặt bia đá ghi về các vị Hòa thượng đã tu hành và viên tịch tại đây. Đặc biệt, trước sân chùa có cây vạn tuế cổ thụ vô cùng độc đáo, vì có tới 3 ngọn, tuổi gần 800 năm. Ngày 19-9-1954, sau khi chiến thắng thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đền Hùng, Người đã ngồi dưới gốc cây vạn tuế này nghe đồng chí Chính ủy Đại đoàn quân Tiên Phong và các đồng chí ở Quân ủy Trung ương báo cáo về kế hoạch đưa bộ đội về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Linh thiêng những ngôi chùa ở Bạch Hạc

Bạch Hạc chính là Phong Châu, kinh đô nước Văn Lang đời Hùng Vương - Vùng đất địa linh, nhân kiệt, "sơn chầu thủy tụ" được thiên nhiên ban tặng làm tiền án của Tổ miếu Hùng Vương. Nơi đây như một bức tranh mỹ lệ với nét bút phóng khoáng, sơn thủy hữu tình, giang sơn cẩm tú. Trời lồng lộng, nước mênh mang, ba sông Lô, Thao, Đà tụ hội nước lẫn mây trời để thành sông Hồng rộng lớn. Phía Đông có dãy núi Tam Đảo điệp trùng (núi Mẹ), phía Tây có núi Ba Vì cao ngất (núi Cha) như hai bức trường thành. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi và sách Lĩnh nam chích quái soạn vào thời Trần đều viết rằng: "Đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây lớn gọi là cây chiên đàn cành lá xum xuê, không biết che lợp tới mấy ngàn dặm. Có chim hạc đến đậu nên chỗ đất đó gọi là đất Bạch Hạc". Như vậy địa danh Bạch Hạc đã có từ thời Hùng Vương, vừa là tên riêng để chỉ địa lý hành chính của một xã bên ngã ba tụ hội mà còn là tên chính của ngã ba sông ấy: ngã ba Bạch Hạc.

Bạch Hạc vừa là điểm tụ thủy, vừa là điểm tụ nhân, vừa có cảnh quan tươi đẹp lại vừa là nơi hội tụ lịch sử của các nhóm Việt Cổ để ra đời một kinh đô tại vùng sông nước này. Bản "Hùng Vương ngọc phả thập bát thế truyền" được viết vào thời Hồng Đức nguyên niên (1470) có chép về việc Kinh Dương Vương kiến lập đô thành: "Ngàn núi cùng vạn sông đều chầu về núi Nghĩa Lĩnh. Ở đây có thể thu hút được các hình thế núi sông, quả là vùng rất đẹp ở Phong Châu, vua bèn cho lập chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh.

Thời ấy vua thường ra bên ngoài ở, lập đô thành ở Phong Châu nay thuộc thôn Việt Trì, xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc, dựng nước lấy tên là Văn Lang". Bản "Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền" làm năm 1572 ghi: "Đương thời Hùng Vương cho sửa sang lại cung điện, đền đài từ Nghĩa Lĩnh đến Phù Khang, Bạch Hạc, Lâu Thượng, Lâu Hạ, phạm vi địa giới xây hơn 50 lâu đài doanh sở". Ngã ba Hạc trở nên trọng yếu về phòng thủ quân sự, địa điểm án ngữ về giao thông thủy, bộ giữa vùng đồng bằng và vùng trung du Bắc Bộ, góp phần làm nên nhiều chiến công hiển hách của cha ông ta.

Hai Bà Trưng đã trú quân ở đây và bãi cát Trường Sa là nơi luyện quân của Hai Bà. Thời Trần, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã lập phòng tuyến Bạch Hạc chống giặc Nguyên Mông, ông được thờ ở đền Tam Giang. Vào thế kỷ XV, một đạo nghĩa quân Lam Sơn do tướng Trần Nguyên Hãn chỉ huy cũng đã đại phá thành Tam Giang do giặc Minh lập nên.

Đại hùng bảo điện chùa Đại Bi (chùa Tam Giang) ở Bạch Hạc

Đại hùng bảo điện chùa Đại Bi (chùa Tam Giang) ở Bạch Hạc

Ngày nay, Bạch Hạc có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng cổ: Đền Tam Giang - chùa Đại Bi; đền Lang Đài (còn gọi là đình Mộ Chu Hạ) - chùa Hòa Quang (đều ở Nam cầu Việt Trì); đền Việt Trì - chùa Hoa Long ở phía Bắc cầu Việt Trì. Một điểm đáng chú ý là các chùa nêu trên đều ở cạnh đình, chung một khoảng đất. Đền và chùa Tam Giang (còn gọi là chùa Đại Bi) được xây dựng theo kiến trúc "Tiền thần, hậu Phật", tọa lạc ngay trên địa thế ngã ba Hạc.

Đền Tam Giang thờ nhân vật lịch sử huyền thoại thời Hùng Vương dựng nước: Vũ phụ Trung dực Uy Hiển Vương (húy là Thổ Lệnh) là thần làng Bạch Hạc - thần sông Bạch Hạc. Trong đền còn thờ nhân vật lịch sử triều Trần là Chiêu văn vương Trần Nhật Duật. Đền được xây dựng vào giữa thế kỷ VI (năm 650). Chùa Đại Bi được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX. Ngôi chùa không chỉ là nơi các nhà sư tu hành, các tín đồ Phật giáo tới làm lễ mà còn là một trong những nơi sinh hoạt văn hóa làng xã của người dân trong khu vực qua nhiều đời.

Cụm di tích này còn lưu giữ được hệ thống cổ vật, di vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật phong phú về loại hình, đa dạng về chất lượng. Tiêu biểu như bia đá "Hậu thần bia ký" (năm 1818); chuông đồng: "thông thánh quán chung ký" (niên đại 1830).

Đặc biệt quý giá là những bài minh chuông khắc Thác bản "Thông Thánh Quán" soạn vào năm 1321, đời vua Trần Minh Tông. Ngày nay, đền Tam Giang và chùa Đại Bi có vóc dáng và kiến trúc đẹp lỗng lẫy như ngày nay, nằm trong khuôn viên rộng hơn 1000m2. Chùa quay ra sông, nhìn theo hướng Tây bắc thấy núi Nghĩa Lĩnh - nơi thờ các Đức Quốc tổ Hùng Vương. Phong cách kiến trúc của chùa uy nghi, nội thất chạm các bộ tứ quý như "long, ly, quy, phượng", "tùng, trúc, cúc, mai". Các nét chạm trổ hết sức tinh tế toát lên vẻ đẹp linh thiêng, hoàn mỹ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.