Tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi mong muốn những điều tốt đẹp nên người ta thường kiêng nói đến thuốc, dùng thuốc vì nói đến nó là nói đến bệnh tật, là điều xui xẻo.
Tuy nhiên, có một số bệnh nếu không dùng thuốc sẽ nguy hiểm tới tính mạng.
Không bỏ thuốc nếu đang điều trị bệnh mãn tính
Hàng năm cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, số người có xét nghiệm đường huyết cao lại tăng đột biến. Nhiều người ở trong tình trạng hôn mê vì đường huyết lên quá cao hoặc bị hạ đường huyết do bỏ thuốc hoặc ăn uống thất thường. Có những người sau Tết thấy các triệu chứng tiểu nhiều, háo khát, sút cân đến khám và phát hiện tiểu đường.
Nguyên do có nhiều nhưng điều cốt lõi vẫn là ảnh hưởng bởi chế độ ăn và lối sống trong những ngày cận Tết và đầu xuân. Dịp này chúng ta có nhịp điệu cuộc sống bị đảo lộn. Điển hình là ăn ngủ thất thường, không tập thể dục, bỏ thuốc đang điều trị, hết thuốc chưa kịp mua, không tiêm được insulin, không giữ được chế độ ăn thường ngày, ăn quá nhiều vì tâm lý cho rằng “no ba ngày Tết”, dùng quá nhiều cà phê, chè, thuốc lá, rượu...
Vì vậy, trong những ngày này cần gạt bỏ tâm lý “kiêng chữa bệnh”, không ngừng uống thuốc nếu đang sử dụng, không vì vui mà quên uống thuốc, tiêm thuốc.
Đường trong cơ thể vẫn luôn được tiêu hóa, hấp thụ và tạo ra từ gan, thậm chí những ngày Tết còn gia tăng nhiều hơn vì ăn uống nhiều, vì stress... Vì thế, đặc biệt, không bỏ tiêm dù chỉ một liều thuốc vì lý do kiêng súi.
Ăn uống ngày Tết thường có quá nhiều chất béo. Giờ giấc ăn uống cũng bị thay đổi, nhiều khi sớm quá do tiếp khách, hoặc muộn quá do chờ đợi giờ cúng, đợi khách ăn cũng dẫn đến hạ đường huyết. Cần phòng tránh bằng cách đến giờ ăn thường khi nên dùng tạm thứ gì đó như bánh không đường, quả tươi, nước gừng...
Đồng thời cảnh giác những thứ ăn vui miệng như hạt dẻ, hạt hướng dương, hạt bí đỏ vì nếu ăn nhiều làm tăng tổng số kcalo hấp thụ của cơ thể. Nên nhớ là 100g hạt các loại nêu trên cung cấp tới 1/4 nhu cầu năng lượng cho cơ thể.
Khi được mời đi ăn cỗ nên báo trước với người cùng ăn là mình bị tiểu đường để tránh bị ép ăn uống quá mức. Sau ăn no nên vận động nhiều hơn để tiêu thụ số kcalo thừa đưa vào. Chú ý không tự ý tăng liều thuốc uống nếu không có ý kiến của bác sĩ vì các loại thuốc uống hạ đường huyết khó lường trước khả năng làm giảm đường máu trong khoảng thời gian ngắn.
Đối với những người đang dùng thuốc tốt nhất là kiêng rượu, cà phê, nước trà trong thời gian uống thuốc. Thay vào đó, có thể dùng nước đun sôi để nguội. Nước trắng có ưu điểm là giúp thuốc chóng đi tới tá tràng là nơi thuốc dễ hấp thu, tăng sự tan rã của các dạng tế bào, tăng độ tan của hoạt chất, gia tăng độ tiếp thu sinh học của thuốc. Nước trắng còn giúp thải trừ thuốc qua đường tiết niệu tốt hơn.
Khi đi chơi xa luôn nhớ mang theo thuốc dùng hàng ngày, mang nhiều hơn số lượng dự kiến vì có thể kéo dài ngày lưu trú bên ngoài hơn dự định hoặc do nhỡ tàu xe.
Dự trữ một số thuốc thông thường
Ngày Tết thường phải đi nhiều để thăm bè bạn, chúc Tết nên tình trạng bị cảm gió, nhức đầu, chảy nước mũi rất dễ xảy ra. Vì vậy, nên có một số loại thuốc trị cảm cúm thông thường trong nhà đề phòng những ngày này hiệu thuốc đóng cửa không mua được ngay.
Hơn nữa, trong ngày Tết, thói quen đội mũ, đeo khẩu trang hay bị bỏ qua vì nhu cầu làm đẹp. Đề phòng cảm cúm bạn có thể dự trữ một số loại củ có công dụng tốt như gừng, tỏi có tác dụng chữa cảm lạnh.
Sau khi bị nhiễm lạnh được uống một ly trà gừng nóng sẽ rất tốt cho bạn. Tỏi và gừng cũng có tác dụng tốt trong điều trị rối loạn tiêu hoá do ăn uống.
Thạc sĩ Lê Quốc Thịnh
Trưởng khoa Dược, Bệnh viện 71 Trung ương, Thanh Hóa
(Theo VnExpress)