GN Xuân - Nhà rách trước vá sau, tôi lại mua về chùm chuông gió, vợ ngó thấy cười: “Bắt chước cho giống đằng nhà anh Sáu?”. Không bắt chước, nhưng vì chuyện của nhà bạn mà có bó chuông này.
Ngôi nhà ấy từng là chỗ để lối xóm nhìn vô. Gia đình công chức một con, kiểu mẫu cho lối sống cần mẫn như con ong góp từng giọt mật. Nhẩn nha mua cuốn sách góp thành tủ sách, một bộ sưu tập đĩa nhạc, một gói nhỏ treo phong lan. Mỗi lần tôi đến chơi, anh Sáu chọn đĩa nhạc không lời, nhè nhẹ lan theo bốn bức tường. Tứ bề là nhạc, sóng nhạc như thay lời nói. Cầm ly trà để xuống bàn mạnh tay cũng ngại. Tâm trạng lo buồn, tới nhà anh như được giũ bỏ hết, thấy lòng trở lại thư thản. Giây lát, chị Sáu từ nhà sau mang ra vài món nóng thơm. Không uống được rượu chị vẫn lặng lẽ ngồi xuống nhập bọn, ngó ra cửa chỗ treo chùm chuông gió như đang reo cười, giỡn chơi ngoài đó.
Rồi một cơn bão vô hình càn quét qua nhà bạn.
Chị Sáu gặp tôi ngoài chợ, chào hỏi cười nói như thường mà trong mắt thấy như tan nát, “bên nhà chuông gió đứt dây...”. Ờ, cả chùm treo bằng sợi chỉ mong manh, nhưng rạo rực xáo động hết ngày này qua ngày khác, chịu sao thấu. Nhà anh chị giờ ít khách ghé chơi, trước sau vắng vẻ, tiếng thở dài cũng làm thằn lằn chạy hoảng. Anh vẫn mở nhạc, pha trà khi tôi tới. Chị Sáu vẫn làm món gì đó cho hai người đàn ông nhâm nhi. Nhưng không khí trì trệ đến mức tôi gần như không thở được. Chuyện nhà anh cả thành phố đều hay. Ngoài kia người ta diễn kịch nói, trong nhà lại có vở kịch câm. Không tiếng cười, sân khấu cũng không có tiếng chén dĩa rơi. Hóa ra, khi chuông thôi ngân, tiếng động khác nổi lên. Mà những âm thanh ấy vô cùng bất an, nghe như thủy tinh vỡ.
Chuyện từ một bữa thằng con anh Sáu bắt gặp cô giáo dạy kèm với người ba đáng kính của mình trong tư thế khó coi. Người lớn để cho con thấy gương xấu tệ hại. Chẳng ai ngờ thằng nhỏ học lớp mười hai hiền lành, mỗi lần gặp tôi luôn gật đầu chào thưa chú rất là lễ phép lại dữ dội phản ứng cha mình bằng cách ăn chơi, cá độ đá banh, đua xe. Bất cứ thói hư tật xấu nào trên đời thằng nhỏ cũng đều tham gia. Ít ngày có người đến nhà đưa cho anh giấy nợ của nó. Sở dĩ người ta dám cho nó thiếu nợ vì nắm chắc điểm yếu của gia đình này muốn giữ uy tín, luôn được tiếng tốt trong mắt người đời. Nhất là người có chút chức quyền như anh Sáu.
Chị Sáu khuyên con không được, nên buồn bã, cho đó là cái nghiệp của mình, mà nghiệp ai nấy mang không ai chia sẻ được. Để quên nỗi buồn, chị đi chùa. Chị tìm thấy bầu không khí chốn thiền môn, mọi thứ - nhất là chùm chuông gió treo trước cửa chánh điện reo lên tinh tung tinh teng, không khí như được thanh lọc trong trẻo. Chị lắng tai nghe cảm thấy lòng như nhẹ nhàng giải hết những phiền muộn, rồi như thấy trước cuộc sống chị cần phải bình tĩnh, mọi việc rồi cũng qua. Tình cờ chị phát hiện trong lòng quả chuông đánh công phu có dán những tờ giấy ghi tên người ghi lời cầu nguyện. Tò mò chị hỏi sư thầy ở chùa thì được nghe sư nhẹ nhàng nói: Đây là phép truyền âm nhập mật của thời xưa. Âm thanh sẽ mang theo những lời cầu nguyện, những hồi hướng tốt đẹp lan ra khắp nơi, lan ra khắp không gian. Chẳng những nó đến tai của Phật mà còn tìm đến người len vào tâm thức, chỗ mà không có gì tới được. Mắt thường không thể nhận ra những gì gọi là tâm linh, là phép lạ, nhưng nó vẫn diễn ra hàng ngày. Chị ngẫm nghĩ lại lời của nhà sư rồi về nhà chị mua chùm chuông gió viết tên của thằng Thới đem treo lên. Âm thanh tinh tung tinh teng mang theo lời hồi hướng của chị, phép Phật nhiệm mầu biết đâu…
Tôi kể chuyện chị Sáu cho vợ mình nghe. Cô ngồi yên khi nghe tôi nói mình không tin vô phép lạ nhưng điều kỳ diệu vẫn luôn ở đâu đó nếu như có sự cộng hưởng của nhiều người. Cũng chẳng phải làm việc gì đó để cho thằng Thới biết mọi người đang quan tâm tới mình mà những lời hồi hướng tốt đẹp còn dành cho xung quanh nữa.
Mang bộ chuông lên gác treo, tôi nhớ cái cửa hiệu cũ kỹ chẳng có dấu hiệu gì mời gọi, đẩy cửa kiếng bước vào là một thế giới. Những chùm chuông gió nhiều hình dạng đủ cả độ dày, mỏng, đủ cả giá thấp cao, hàng trong nước hay nhập khẩu, mặc dầu bản chất của sự việc là thanh tịnh, bình đẳng. Mắc cười, mình loay hoay tìm kiếm chỗ có lại hóa không, không lại hóa có. Bộ chuông gồm tấm gỗ mỏng tròn khắc hình con cò đứng một chân, dưới treo vòng gỗ mỏng tròn gắn bảy thanh nhôm dài thon, bao lấy ở giữa quả cầu tròn cũng bằng gỗ. Gió tới, tấm gỗ quay tròn theo gió, những thanh nhôm tùy theo gió nhẹ, mạnh chạm vào nhau, chạm vào quả cầu nhân lên tinh tung, tình tung rồi kính coong.
Nghe chuông, tôi biết gió mỏng hay dày, hay sắp ngưng thổi đến nơi rồi. Lúc gió mạnh, tôi hình dung gió có bàn tay vuốt nhẹ xuống chùm chuông, người qua đường chợt nhìn quanh tìm kiếm tiếng chuông khi xa khi gần. Những trưa vắng không gian lắng xuống để chuông thủng thẳng ru giấc ca dao cho cả người bên xóm. Họ nói nghe ké mà đã tai lắm rồi. Tôi tự hỏi, thằng nhỏ con anh Sáu, và cả anh Sáu nữa, nghe bó chuông khua có thấy nao lòng?
Người xóm này lâu nay mạnh ai nấy sống, tự bằng lòng mình chẳng gì dính dáng đến ai huống gì tiếng gió thổi quanh nhà. Nhưng không dính dáng có nghĩa là mình tự giam cầm. Tôi không để ý đến cái sự mình giàu hơn, mà chỉ lo mình nghèo đi. Từ ý định ban đầu, treo chuông cầu phúc cho thằng con anh chị Sáu, thằng nhỏ mà tôi coi nó như con cháu trong nhà, nhưng những tiếng ting tung tác động lên cả người nhà tôi. Thằng con nói, bây giờ đi đâu, con cũng nhớ tiếng chuông ở nhà. Ờ, cả tôi tưởng chai sạn lì đòn rồi cũng thấy lòng nhẹ nhàng, mẫn cảm, đôi tai trở nên thính nhạy. Ban đêm ngồi trong nhà cửa đóng mà vẫn dõi theo thiên nhiên ngoài kia. Đôi khi giữa khuya không nghe tiếng chuông ngân trời lạnh se se, tôi nói với vợ, trời sắp mưa. Quả nhiên từ trong vắng lặng chợt chuông rung lên nhè nhẹ kình coong và một lúc một rung nhanh, tình tung. Có ai khi không giữa đêm khuya mưa gió còn lầm lũi đi trên đường?
Chùm chuông gió làm tôi sực nhớ. Hồi nhỏ, mỗi lần Tết đến ba tôi thường đốn cây tre dựng nêu, trên đầu ngọn tre gắn chùm vỏ ốc dán thêm lá bùa, nói là để xua đuổi ma quỷ. Té ra cả hai là tục lệ xưa có từ rất lâu đời. Nhiều phong tục, tập quán buổi ấy theo thời gian rơi rụng dần bởi thời gian và cả lòng tin, giờ cạn. Thời đại khoa học không ai tin tà ma, nếu có thì làm sao đuổi được bằng xâu chuỗi lần tay, bằng chùm vỏ ốc rung lanh canh trong gió mà không chịu hiểu thêm. Tiếng vỏ ốc chạm vào nhau mang tới cho người niềm vui. Mà không phải xua đuổi một lần là xong. Từng vỏ ốc biểu thị cho lời chúc phúc, hãy giữ lấy cho mình niềm vui, vui không dứt. Lanh canh, lanh canh, tình tung, tính tung.
Có lần vợ tôi sợ chuông đứt dây, cô lấy sợi dây mới thay vào. Người đàn bà nâng niu gia đình từ những điều nhỏ bé nhất, tôi nhớ tới chị Sáu, ngoài mặt vẫn nói cười sau biến cố gia đình, để níu giữ mái nhà mình được chút nào hay chút ấy. Chuyện tới đây có lẽ đượm màu vô vi. Nhờ chùm chuông gió hay là nhờ lòng nhẫn nại của một người vừa là vợ vừa là mẹ. Tôi không biết, hay là nhờ cả hai yếu tố?! Thứ nhất là thằng con tôi, từ khi treo chùm chuông gió, thằng bé nói nhà mình lúc này vui quá, đi đâu cũng thấy nhớ. Thứ hai, lần đầu tiên sau một năm trời, thằng con anh chị Sáu qua nhà tôi chơi, chỉ lầm lì lên võng nằm ngủ thôi, nhưng cũng là tín hiệu mừng. Nghĩa là nó đã kết nối trở lại với thế giới ngày xưa, ngày chưa bị hoang tàn bởi cơn bão mang tên dục vọng. Chuyện thứ ba, một buổi trưa sắp thiu thỉu ngủ, phát hiện một anh đứng xa xa đăm đăm nhìn nhà tôi, như muốn tìm kiếm gì đó. Nhìn không có vẻ là người xấu, nhưng vẫn hỏi anh tìm chi ở đây.
- Tôi nhìn chùm chuông gió. Đi ngang qua nghe nó kêu lên tự nhiên nhớ tiếng kẻng trường học quá chừng. Hồi nhỏ đang học nửa chừng mê chơi… rõ ràng buồn của ai người ấy gánh chịu vì đó là nghiệp của mình. Niềm vui có sự lây lan chia sẻ với xung quanh, chẳng phải đó là phép lạ sao.
Nghe tiếng chuông gió mà liên tưởng đến tiếng kẻng trường học cũng ngộ. Mời anh vô nhà uống vài ly chơi. Anh ngại bộ dạng không mấy sạch sẽ của mình, xua tay bảo thôi, phiền gia chủ. Nhưng rồi anh mạnh dạn bước vào một ngôi nhà xa lạ với đôi con người xa lạ, bởi tiếng chuông gió không ngừng ngân nga trên đầu…