GNO - 1. Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ, hồi còn đi học ở quê, vào những ngày giáp Tết, ông thầy giáo cũ lại tất bật mang hoa ra chợ bán.
Nhà thầy vốn khó khăn, lại phải nuôi thêm cha mẹ già yếu và bệnh tật liên miên, đồng lương eo hẹp của nghề giáo không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên thầy đã tận dụng mảnh đất trống bên hông nhà để trồng những luống hoa bán Tết. Nhưng thông dụng nhất vẫn là hoa cúc, hoa vạn thọ với sắc vàng, sắc đỏ chen nhau giữa ánh bình minh của buổi sớm.
Hoa của thầy bán rất nhanh vì được phụ huynh mua ủng hộ và nhất là không phải trả giá vì thầy chẳng bán đắt bao giờ.
Ảnh minh họa
Cuối năm được nghỉ học, tôi và mấy đứa bạn hay ghé hàng hoa của thầy mà chơi đùa, thỉnh thoảng lại phụ khiêng mấy chậu hoa giúp thầy đỡ bận bịu. Nhờ đó mà lần đầu tiên trong đời, tôi có thể ngửi trọn mùi của hoa vạn thọ giữa những buổi chiều lộng gió của một miền quê biển nhộn nhịp đón Tết. Một thứ mùi ngai ngái mang theo vẻ hồn hậu, mộc mạc của Tết quê đã in sâu trong ký ức của tôi và đám bạn bè qua năm tháng.
2. Những ngày đầu tháng Chạp năm ngoái, tôi có dịp lang thang ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Con đường mà tôi đi qua một bên là con sông Tiền chảy chầm chậm, gió thổi mát rượi khiến người dễ chịu hẳn và bên kia là những vườn cây trái tươi tốt xen lẫn với những cánh đồng lúa xanh rì đang trổ bông. Đặc biệt, xen giữa khung cảnh thanh bình đó là những luống hoa vạn thọ để phục vụ cho một mùa hoa Tết sắp đến. Cây vạn thọ trồng trong những cái chậu tạm bợ, được đan bằng tre, thân cao hơn một tấc với lá non xanh mơn mởn và rất nhiều nụ.
Chị chủ vườn mà tôi dừng xe ghé thăm cho biết rằng độ giữa tháng mười âm lịch là chị đã bắt đầu ươm giống, sau đó đặt cây con vào trong chậu rồi chịu cực tưới và chăm sóc mỗi ngày. Chị lấy đất trong vườn, trộn thêm trấu và rơm, cho một ít phân chuồng vào từng chậu để giúp cây vạn thọ lớn nhanh mỗi ngày, nhất là làm sao có thể khoảng 23 tháng Chạp trổ hoa rồi ra chợ bán đúng dịp không khí xuân đang về giữa một miền quê đậm chất sông nước Nam bộ.
Mỗi năm, chị và nhiều người khác chỉ trồng hoa vạn thọ bán một lần, đúng mùa Tết, xong rồi nghỉ để trồng những thứ khác. Chị tâm sự nghề trồng hoa vạn thọ vốn được cha mẹ chị truyền lại thời còn con gái, để phòng khi lập gia đình còn biết cách kiếm thêm ít tiền lo Tết cho chồng con, nếu chẳng may gia đình rơi vào cảnh khốn khó.
Khuôn mặt của chị, người phụ nữ vừa bước qua tuổi bốn mươi, đã cháy sạm và hằn rõ những nếp nhăn trong bộ quần áo lam lũ, chiếc quần ống thấp ống cao, khi đang tất bật chuẩn bị gánh nước dưới sông lên tưới cho đám hoa vạn thọ đang lớn nhanh từng ngày trong buổi chiều tàn.
3. Mỗi dịp Tết đến, tôi lại về Bến Tre ăn Tết, ngôi nhà ở quận Bình Thạnh khóa cửa im lìm và phải nhờ hàng xóm trông dùm. Năm nào cũng vậy, trước cửa nhà cũng có hai chậu hoa vạn thọ màu vàng hực để thêm vẻ tươi tắn ba ngày Tết cho ngôi nhà mình.
Ngày hai mươi bảy, hai mươi tám Tết, tôi lang thang ra gần Lăng Ông Bà Chiểu tìm mua cặp vạn thọ chưng Tết. Chủ đám hoa kiểng mà tôi hay mua quê ở Sa Đéc, vương quốc hoa kiểng miền Tây. Hoa của anh chị bày bán có nhiều loại từ hồng đến thược dược, cúc, giấy,… và nhất là không thể thiếu vạn thọ.
Thông thường, một cặp hoa vạn thọ giá độ một trăm ngàn. Cả gia đình gồm hai vợ chồng và mấy đứa con năm nào cũng thuê ghe mang hoa lên Sài Gòn bán Tết, sau gần mấy tháng trời trồng trọt và chăm sóc vất vả. Anh chị nói rằng mỗi năm tiền phí tổn mang hoa lên đây mỗi tăng, nào là tiền ghe cho đến tiền khiêng vác, tiền mặt bằng và cho đến cực nhất là gần cả tuần lễ phải lăn lộn giữa phố phường đầy bụi bặm và sống trong cảnh thiếu thốn chỗ ăn ngủ đàng hoàng. Trồng thì cực mà lời lãi chẳng bao nhiêu, nhất là trưa ba mươi Tết phải hạ giá thành để bán cho nhanh, tranh thủ buổi chiều xuống ghe về quê ăn Tết. Cho nên, năm nào cũng vậy, đến khuya ba mươi mới về đến nhà trong lúc trời tối đen như mực, lúc này vợ chồng, con cái mới lo cúng giao thừa và chuẩn bị ăn Tết.
Ăn Tết ở nhà anh chị lớn hay nhỏ, vui hay buồn, phụ thuộc vào số tiền bán hoa kiểng vừa thu được. Mỗi lần gặp, anh chị cũng đều cười nói vui vẻ, hỏi thăm tôi về chuyện Tết nhất gia đình, như một người quen thân vừa tình cờ gặp lại. Tôi mua hoa vạn thọ mà chưa hề dám trả giá vì thương cái tính hồn nhiên, mộc mạc và rất đỗi chân tình của anh chị - những con người chịu thương chịu khó đem hương sắc mùa xuân từ miền sông nước lan tỏa đến đô thị, làm dịu hẳn đi sự ồn ào, chật chội vốn có của nó trong những ngày giáp Tết. Tự nhiên thấy thương và nhớ anh chị rất nhiều.
Năm nay, chẳng biết anh chị và hai đứa nhỏ có còn mang hoa lên Sài Gòn bán ở chỗ cũ không nữa?
4. Bà nội tôi ngày trước và mẹ tôi hiện giờ đều chuộng mua hoa vạn thọ về chưng ba ngày Tết trong nhà. Chiều 29 Tết, hoa vạn thọ đã chưng trên bàn thờ tổ tiên và các bàn thờ khác trong nhà, nhìn rất đẹp mắt. Đó là những cây vạn thọ vừa được nhổ còn tươi chong chưng trong cái bình đã đổ đầy nước, qua đến mùng Ba Tết vẫn chưa tàn.
Mặt khác, những chậu hoa vạn thọ còn được chưng giữa bàn khách hoặc ở hai bên cửa nhà, góp phần mang không khí xuân vào tận gia đình. Mỗi lần ra chợ quê những ngày giáp Tết, tôi vẫn còn bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đạp xe chở từng bó hoa vạn thọ mang chợ bày bán, có người còn gánh bằng đôi quang gánh trên vai đi nhanh trong buổi sớm. Họ bày bán bên hông chợ, nơi có con đường lớn chạy ngang và đông người qua lại để cho dễ bán.
Hoa vạn thọ đặt dưới đất, xếp cao thành lớp và nhìn kỹ còn đẫm trên hoa và lá. Hoa vạn thọ giá rẻ, phù hợp với người bình dân nên bán rất chạy.
5. Một chị đồng nghiệp trong cơ quan cho biết rằng ở quê chị - miệt vườn Tiền Giang, bà con trộn món gỏi chay hay ngắt lá vạn thọ còn non bỏ vào nên gỏi ăn ngon và bắt hơn. Nghe kể vậy, tôi thật tiếc vì chưa từng được thưởng thức món ăn đạm bạc nhưng khá độc đáo này.
Cúng giao thừa hằng năm, tôi hay ngồi chờ đón và thưởng thức một mình mùi hương đặc biệt của Tết. Đó là mùi thơm thoang thoảng của hoa mai hòa lẫn mùi ngai ngái của hoa vạn thọ, cùng mùi hương lãng đãng của nhang trầm, xen thêm mùi thơm lừng của bánh mứt đã tạo nên một cảm giác thật khó tả giữa đêm ba mươi tối mịch!
***
Hoa vạn thọ, thứ hoa giản dị, mộc mạc nhưng rất phổ biến, đã làm nên hương sắc mùa xuân ở Nam bộ từ các làng quê ra đến phố phường. Hoa còn phản ánh một ước vọng muôn thuở của con người: Đó là sống lâu, giống như tên gọi của nó.
Màu vàng của hoa vạn thọ đã mang đến sự tươi tắn cho ngày Tết cổ truyền, nhưng phải chăng đây còn cho thấy triết lý ngũ hành mà màu vàng biểu hiện cho hành thổ có khả năng sinh ra tiền bạc, của cải? Năm mới, ai cũng ước vọng về điều này, trong đó có tôi.