Động tàng kinh - kho báu vô giá
Mạc Cao Quật ở Đôn Hoàng, Cam Túc là một trong những kho báu về nghệ thuật trên thế giới. Nó lưu giữ tới hàng ngàn pho tượng Phật điêu khắc lớn nhỏ, những bức bích họa lớn tới mười mấy vạn mét vuông. Nó hiển thị trước thế giới về trí tuệ cao và tài năng tuyệt vời của nhân dân lao động Trung Quốc thời cổ.
Ở Mạc Cao Quật còn có một Động tàng kinh nổi tiếng, trong đó lưu giữ kinh Phật, cổ họa, hộ tịch, khế ước, tiểu thuyết, từ khúc cùng một lượng lớn đồ dệt tơ, di vật. Tổng số khoảng hơn 5 vạn thứ được tích lũy qua hơn 10 triều đại, từ đời Tấn đến đời Tống. Đa số thư tịch được viết bằng Hán văn, cũng có một số viết bằng văn tự các dân tộc thiểu số. Tất cả đều được đóng theo kiểu có trục cuốn, từng cuốn từng cuốn chất cao như núi.
Động tàng kinh trước đây bị đóng kín suốt, chẳng ai biết được bên trong lại có nhiều báu vật như vậy. Cho đến năm thứ 24 Quang Tự triều Thanh (năm 1900), Động tàng kinh mới được người ta phát hiện. Khi ấy đúng vào thời kì Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, cả nước bạo loạn rối ren. Sau khi Động tàng kinh được phát hiện, người Trung Quốc chưa kịp tiến hành thẩm tra phân loại, chỉnh lí, bảo quản, nghiên cứu các vật báu trong số đó thì những người ngoại bang đã nhanh chân hơn, đua nhau đến đó lấy trộm đi những di vật quí báu được cất giữ trong động.
Một bức bích họa ở Mạc Cao Quật
Stein của Anh, Paul Pelliot của Pháp, E Goldenberg của Nga và Langdon Warner của Mĩ lần lượt lấy trộm đi tổng số khoảng hơn 2 vạn di vật. Chỉ một mình Stein thôi cũng đã lấy trộm hoặc lừa mang đi mất 24 hòm sách và 5 hòm tranh cùng đồ dệt tơ. Langdon Warner thì không chỉ lấy trộm đi các di vật ở Động tàng kinh, mà còn dùng băng keo hóa chất đặc biệt để dán vào bóc đi mất 26 bức bích họa tinh xảo đời Đường trong Mạc Cao Quật. Việc phát hiện ra Động tàng kinh ở Mạc Cao Quật vừa là một phát hiện lớn về khảo cổ học cận đại Trung Quốc, lại vừa cũng là một đại nạn cho các di vật của Trung Quốc.
Động tàng kinh bị bít kín mít suốt như thế, vậy thì nó đã được phát hiện và được mở ra như thế nào? Rồi thuở trước vì sao và từ khi nào đã bị bít kín như thế? Hai ẩn số này, ẩn số đầu giải đáp khá dễ, còn ẩn số sau thì cho đến nay vẫn chưa thể định luận.
Ai phát hiện ra Động tàng kinh?
Do ở Đôn Hoàng bão cát rất lớn, ở Mạc Cao Quật cứ cách ít bữa lại phải dọn sạch một lần cát đọng. Nghe nói, vào một ngày nào đó thuộc năm Quang Tự thứ 26, khi người ta đang dọn sạch cát đọng trên Quật Dũng Đạo thứ 16, chẳng may vấp phải một bức tường bên cạnh, rồi phát hiện thấy trên tường có một cánh cửa nhỏ đóng kín, trên cửa có vẽ bích họa để che, nếu không để ý sẽ rất khó phát hiện. Người ta gạt khẽ lớp bùn đất trên cánh cửa đang đóng rồi mở ra, bên trong là một chiếc động lớn tới gần 20 m3, trong động bày đầy sách cuộn, kinh Phật là chính, cùng các di vật khác, vì thế mà gọi động mới được phát hiện này là Động tàng kinh.
Cũng có người nói, việc phát hiện ra Động tàng kinh có liên quan đến một đạo sĩ tên là Vương Viên Lục. Một ngày năm Quang Tự thứ 25 (năm 1899), Vương đạo sĩ dùng nước xối rửa cát đọng trong hang động, phát hiện thấy trên vách hang số 16 có một lỗ nhỏ, hình như có ánh sáng. Thế là ông liền nậy vỡ và phát hiện ra Động tàng kinh. Thuyết pháp này có thể đọc trên bia mộ Vương đạo sĩ, niên đại phát hiện sớm hơn thuyết pháp nói trên 1 năm. Nhưng gần đây có người đã phủ định thuyết pháp này, cho rằng trong Mạc Cao Quật toàn là bích họa, sao mà dùng nước xối rửa được. Mà bia mộ lại là do phe cánh của ông ta dựng nên, qui công phát hiện Mạc Cao Quật cho Vương đạo sĩ. Đó là để ca công tụng đức thay cho sư phụ của họ.
Còn có một thuyết pháp khác nữa cho rằng Động tàng kinh là do viên thủ thư Dương Mỗ mà Vương đạo sĩ thuê về để chép kinh Phật phát hiện ra. Khi Dương Mỗ chép kinh ở hàng số 16, vừa chép vừa hút thuốc. Ông ta dùng que cỏ (nguyên văn: “thảo côn”- ND) châm lửa, châm xong tiện tay vứt que cỏ tọt vào khe trong hang đá, thế là phát hiện ra cái khe ấy được trát bằng vữa bùn, khoét rộng cái khe ấy ra thấy bên trong là một động tàng kinh.
Sau khi Động tàng kinh được phát hiện, dân chúng khi ấy vẫn còn chưa biết được nhưng thứ lưu giữ trong động đều là những báu vật vô giá được tích lũy lại trong lịch sử, nên đã lại bít kín động lại. Ít lâu sau, có một người Anh tên là Stein đi du lịch tới Đôn Hoàng, là học giả trên danh nghĩa, nhưng kì thực ông ta là một kẻ trộm báu vật có lòng tham không đáy. Vương đạo sĩ đã tiết lộ bí mật của Động tàng kinh cho ông ta biết. Stein vì đã bỏ ra ít tiền cho Vương đạo sĩ mà mang đi được một ít kinh quyển được lưu giữ trong động. Sau đó, Stein còn đến liên tục, mỗi lần đến lại lừa đem đi không ít di vật trong động. Sở thích của Stein ngày càng lớn, về sau đã phát triển tới mức vận chuyển đi hàng thùng. Dĩ nhiên là mỗi lần tới ông ta đều đưa cho Vương đạo sĩ một ít tiền, nhằm mua chuộc cái con người vừa ngu si vừa tham lam này.
Tiếp đến, Paul Pelliot của Pháp, E Goldenberg của Nga và Langdon Warner của Mỹ cũng nghe tin đua nhau tới. Họ cũng đã lấy trộm mất một số lượng lớn báu vật trong Động tành kinh cùng các di vật khác của Mạc Cao Quật. Động tàng kinh đã gặp phải đại nạn như vậy đó.
Vì sao Động tàng kinh bị bít kín?
Vậy thì trước đây Động tàng kinh đã bị bít kín khi nào và vì sao? Bởi niên đại đã quá lâu, nên ẩn số này cho đến nay vẫn chưa được giải đáp.
Có những học giả qua phán đoán về niên đại của các di vật lưu giữ trong động đã cho rằng Động tàng kinh được bít kín vào thời Bắc Tống, bởi vì trong động không thấy có những vật lưu giữ sau thời Bắc Tống. Họ cho rằng nguyên nhân Động tàng kinh bị bít kín là để phòng ngừa quân Tây Hạ xâm nhập. Năm Tống Nhân Tông Cảnh Hựu thứ 2 (năm 1035), người Tây Hạ tấn công Đôn Hoàng, các sư tăng ở Mạc Cao Quật trước khi bỏ chạy, đã đưa tất cả kinh sách, văn thư cùng các di vật khác vào trong động và bít kín lại. Các sư tăng vân du bốn biển, một đi không trở lại, người đời sau cũng không biết gì về Động tàng kinh này, vì thế mà động đã bị bít kín suốt tới gần 900 năm.
Có những học giả tuy cũng thừa nhận động bị bít kín từ thời Bắc Tống, nhưng lại cho là không liên quan đến sự xâm nhập của Tây Hạ, mà là liên quan đến Vương triều Ca La Hãn. Người Tây Hạ cũng tôn thờ Phật giáo, nên các sư tăng sẽ không sợ họ, không việc gì phải bỏ chạy. Còn Vương triều Ca La Hãn là một vương quốc tôn thờ đạo Hồi nằm ở vùng Tân Cương, cũng thường xuyên gặp phải sự quấy nhiễu của Tây Hạ. Giữa những năm Tống Triết Tông Chiêu Thánh (năm 1094 – 1097), Vương triều Ca La Hãn yêu cầu liên minh với triều Tống, cùng nhau xuất binh dánh giáp công Tây Hạ. Phật giáo coi đạo Hồi là dị giáo, thường xuyên công kích nhau. Tin Vương triều Ca La Hãn yêu cầu liên minh truyền đến Đôn Hoàng, các sư tăng ở Mạc Cao Quật thất kinh. Họ sợ các tín đồ đạo Hồi tới sẽ cho tiêu hủy các kinh quyển Phật giáo cùng các đồ nghệ thuật khác. Bởi vậy liền dùng biện pháp đưa rất nhiều di vật giấu vào trong động rồi bít kín lại.
Cũng có những học giả sau khi nghiên cứu sâu hơn đã không đồng ý với 2 quan điểm trên, họ cho rằng bất luận là thuyết phòng ngừa Tây Hạ, hay là thuyết phòng ngừa Vương triều Ca La Hãn, cũng đều nói là phải bít kín động để đi lánh nạn. Kì thực cả hai thuyết pháp này đều không thuyết phục. Nếu đã là đi lánh nạn, thì đem đi cất giấu phải là những thứ quí báu nhất, thế nhưng trong thư khố Mạc Cao Quật có rất nhiều kinh quyển còn quí hơn cả những thứ lưu giữ trong Động tàng kinh. Ví như “Đại Tạng Kinh”, “Đại Ban Nhược Kinh”... trọn bộ. Về Mạc Cao Quật ở Đôn Hoàng, thứ cần bảo vệ trước tiên là mấy bộ kinh quyển quí báu trọn bộ thỉnh cầu được về từ triều đình, vậy sao lại không đem cất giấu chúng? Xem ra những thứ lưu giữ trong Động tàng kinh rất có thể là những kinh quyển và một ít văn thư, đồ dệt tơ... mà các sư tăng tạm thời không dùng đến. Vì tạm thời không dùng đến, cho nên đem cất kín đi, để lỡ sau này cần dùng đến đỡ mất thời giờ đi tìm.
Còn một số học giả thì bảo vệ thuyết pháp trên bằng tình trạng ngày càng phát triển của việc in ấn bằng ván khắc khi ấy. Họ cho rằng các kinh Phật tượng Phật kiểu trục cuốn hay các văn thư khác được lưu giữ trong Động tàng kinh, phần lớn đều được viết bằng tay hoặc vẽ trên lụa, tuy cũng có một ít giấy cuộn, nhưng không nhiều. Còn kinh Phật hoặc các thư tịch khác in ấn bằng ván khắc, và cả in trên giấy, sau thời Tùy Đường thì sử dụng ngày càng nhiều cách đóng sách kiểu gập giấy. Người ta cảm thấy khi sử dụng thư tịch, kinh Phật in theo kiểu gập giấy thuận tiện hơn nhiều so với kiểu trục cuốn, cho nên đã cho niêm phong tất cả những kinh Phật cùng các văn thư tạp vật khác theo kiểu trục cuốn lại.
Lại còn có một thuyết pháp nữa là: Đôn Hoàng khi ấy rất náo nhiệt, nó không chỉ là thánh địa Phật giáo, mà còn là yết hầu giao thông trên Con đường tơ lụa từ Trung Quốc thông tới Trung Á, Tây Âu, người hành hương, người buôn bán, người du lịch, các sứ đoàn ngoại giao...đi lại tấp nập, ngựa xe như nước, ứng tiếp không xuể. Để thu hút thiện nam tín nữ triều phụng dâng hương, Mạc Cao Quật còn thường xuyên cử hành miếu hội. Khách đến đông đúc, người quản lí không đủ, các bức bích họa, tượng đắp trong hang đá không dễ di chuyển, việc coi sóc còn tương đối dễ, chứ còn những thứ khác ở dạng trục cuốn như kinh Phật, tranh tượng Phật, thư tịch... cùng đồ dệt tơ thì rất dễ bị người khác thuận tay cầm đi. Để tránh bị mất mát, người ta liền dùng biện pháp bít kín lại.
Thánh địa Phật giáo Mạc Cao Quật ở Đôn Hoàng cũng giống như các mặt khác của Phật giáo là đem lại cho người ta một cảm giác thần bí., việc bít kín Động tàng kinh lại càng điểm thêm màu sắc thần bí của nó. Động tàng kinh rút cục vì sao mà lại phải đóng kín? Người ta mong muốn biết bao nếu biết được nguyên nhân thực sự của nó!