Nhức nhối lương tâm

GN - Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi quyền của con người đều được Nhà nước bảo hộ. Trong các quyền ấy, thì quyền bảo vệ bà mẹ và trẻ em có luật riêng, và đặc biệt đối với trẻ em thì Công ước về Quyền trẻ em là luật quốc tế được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1989.

Một trong các nhóm Quyền trẻ em này có Quyền bảo vệ trẻ em, chống lại các hình thức bóc lột, buôn bán, xâm hại tình dục, hành hạ ngược đãi, sử dụng ma túy… đối với trẻ em, mà ở Việt Nam luật quy định dưới 16 tuổi. Trong điều kiện còn ấu thơ, khả năng kháng cự không có, việc phản ứng lại chậm chạp, trẻ em thường trở thành đối tượng tấn công ở người lớn và hậu quả để lại rất nặng nề, nhất là về mặt tinh thần bị khủng hoảng trầm trọng.

chau be bi danh.jpg
Bé Kim Ngân (4 tuổi) bị mẹ ruột và cha dượng (hờ)
đánh dã man, gặp lại ba ruột sau khi có thông tin báo đăng

Mới đây nhất, một cháu gái 4 tuổi bị cha dượng và mẹ ruột đánh đập dã man đã làm nóng lên dư luận, một lần nữa cho thấy việc hành hạ, ngược đãi trẻ em đã và đang làm nhức nhối lương tâm của chúng ta.

Việc cháu gái 4 tuổi bị đánh đập đến nỗi phải nhập viện với gương mặt bầm tím và có dấu hiệu chấn thương sọ não, hình ảnh ấy đã gây cho mọi người sự căm phẫn và đau đớn, là bởi vì đó là một đứa bé!

Nhìn lại cha dượng và mẹ ruột của bé, cha dượng thì thất nghiệp, mẹ làm công nhân may, ở nhà trọ. Có thể do điều kiện sống kinh tế khó khăn, tâm lý không ổn định cùng với khủng hoảng niềm tin dẫn đến sự việc đau lòng trên. Nhưng ông bà ta đã nói “Hùm xám còn không nỡ ăn thịt con”, vậy thì việc đánh đập tàn nhẫn cháu gái 4 tuổi là hành động khó có thể tìm được sự tha thứ của dư luận.

Chúng ta còn nhớ những vụ bảo mẫu hành hạ trẻ thơ, vụ buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, những vụ trẻ em gái bị xâm hại tình dục… đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, điều đó cho thấy một hình ảnh xã hội bên cạnh những cái tốt đang phát triển thì sự bất ổn cũng đang sinh sôi và chưa có dấu hiệu hạn chế. Đây là một nỗi lo lắng chung trong chúng ta trước những hiện tượng xấu này. Nó làm méo mó một phần hình ảnh của một xã hội mà trong đó, mọi người được sống và bảo vệ bởi luật pháp.

Anton Makarenko (1888-1939), nhà văn, nhà giáo dục lỗi lạc Ukraine có nói: “Động lực của con người khi sống là luôn hướng về ngày mai với tất cả niềm vui”. Khi sống mà ngày mai, tương lai bế tắc thì cũng có nghĩa là những mầm mống tiêu cực đang nảy sinh trong con người và những điều xấu dưới mọi hình thức sẽ xuất hiện.

Những nhà giáo dục, xã hội học Việt Nam nghĩ gì về hiện tượng trên, nhất là tình trạng trẻ em đang bị bức hại? Phạt tù, cải tạo giáo dục lao động là chuyện đã rồi, vấn đề làm sao hạn chế, ngăn chặn mọi hành vi tấn công trẻ em vì sẽ gây ra di chứng khủng hoảng trong tâm lý trẻ, ảnh hưởng quan trọng đến cả đời người.

Hãy nghe cháu gái 4 tuổi đang nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Bình Dương nói “Đừng mang cháu trả về cha mẹ, họ sẽ đánh đập và chích điện cháu, cháu sợ lắm”.

Đó là lời từ chối của một cháu gái đối với bậc sinh thành ra mình, nghe sao quá nao lòng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.