Như một đứa trẻ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1175 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1175 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Con gái lên 8 tuổi của chị sau một hồi ngồi ỉu xìu trong nhà, giờ chạy ra ngõ tìm bạn. Chị nghe rõ giọng con thủ thỉ “Mình xin lỗi Phượng, xin lỗi Vy. Mình giận vô cớ”. Giọng bé Phượng và Vy vui vẻ: “Không sao đâu. Bọn mình bỏ qua hết. Ngân lại đây chơi tiếp đi!”.

Thế rồi đám trẻ lại hòa đồng, tiếng cười nói lại rộn vang khắp xóm. Ngắm nhìn vẻ đáng yêu của con trẻ, chị thỏ thẻ với chồng: Đúng là trẻ con có khác, nhìn vẻ đáng yêu của chúng thôi cũng đủ cho mình có được cảm giác thật hạnh phúc!

Ai đó đã nói rằng: “Mục đích của cuộc đời là trưởng thành”. Thế nhưng, càng trưởng thành, con người càng muốn nghĩ, muốn sống, muốn vun vén cho riêng mình hơn là cho người khác. Những tiêu chuẩn, mục tiêu, chân lý thuộc về bản thân cũng theo đó mà thay đổi; cái tôi của mỗi người cũng ngày một lớn… Và chẳng mấy ai còn giữ được nét hồn nhiên như trẻ nhỏ.

Ai cũng từng đi qua tuổi thơ, cũng biết thế giới tuổi thơ giản đơn, thuần khiết. Tâm hồn trẻ vô tư, trong sáng, thật thà, luôn biết sống san sẻ, quan tâm, yêu thương mọi người, vì thế mà trẻ hạnh phúc nhiều hơn là muộn phiền. Chúng ta càng trưởng thành, càng có nhiều mối lo toan, bận tâm; nhiều người còn sống ích kỷ, vụ lợi, ghen ghét, bất kể là những việc nhỏ nhất. Bởi vậy, đi liền với những thành công, hạnh phúc là những mất mát, tổn thương, hối hận trong cuộc đời. Những khi ấy, ta lại ước ao được trở về sống như một đứa trẻ!

Đa số trẻ con đều vui vẻ và sống vô tư. Ấy là vì trẻ thường tìm thấy niềm vui từ những điều giản đơn, nhỏ bé. Trẻ sẵn lòng giúp đỡ người khác mà không hề nghĩ đến chuyện được đền ơn, báo đáp. Trẻ con luôn sống thật với cảm xúc của mình. Mọi buồn, vui, chán, ghét, yêu, thương, giận, hờn,… đều được thể hiện ra từng lời nói, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười. Chúng ta khi đã trưởng thành, vì nhiều lý do ràng buộc, lại thường thường phải giấu cảm xúc vào bên trong, hoặc nhẫn nhục chịu đựng, đôi khi không được sống thật với cảm xúc của mình. Sự mâu thuẫn ấy khiến ta nhiều lúc không có được cảm giác thảnh thơi, thoải mái thực sự.

Trẻ con ít khi lo nghĩ, trăn trở đến việc mình là người thế nào trong mắt người khác. Những người trưởng thành lại thường không như thế. Nhiều người sống nhưng luôn phải ý tứ, lo lắng, sợ sệt trước cái nhìn của người khác; họ lo sợ bị người khác nghĩ sai, nghĩ xấu, dị nghị về mình. Thế nên, ít khi họ nói thẳng, nói thật lòng mình. Họ sẵn sàng thay đổi để phù hợp với người khác, hoặc trở thành bản sao của một ai đó; buông xuôi, đồng tình với ý kiến, quan điểm của người khác dù biết đó là sai, là xấu; thậm chí là nói dối, nịnh nọt để lấy lòng người khác. Cuối cùng, họ đã đánh mất đi chính mình khi nào chẳng biết.

Trẻ con thường dễ bỏ qua, dễ tha thứ, dễ quên những chuyện không vui. Ấy là vì trẻ mau quên, là vì chúng thường chú tâm đến những điều đang diễn ra trong hiện tại hơn là quá khứ, đến những niềm vui hơn là nỗi buồn... Khi trưởng thành, chúng ta lại thường khó quên, khó tha thứ những lỗi lầm, buồn đau do mình hay người khác gây ra. Đứng trước nghịch cảnh, thử thách, nhiều người thường chọn cách buông xuôi, gục ngã, chấp nhận thất bại, gặm nhấm nỗi đau thay vì sẵn sàng đối mặt để vượt qua; biết buông bỏ buồn đau, hận thù để tâm hồn được thanh thản. Bởi thế, nhiều người vẫn cảm thấy cô đơn, bất hạnh, dù đã đạt được nhiều thứ trong đời!

Socrates từng nói: “Một cuộc sống không trải qua thử thách thì không đáng sống”. Nhưng hãy sống chậm lại, nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn. Đôi khi, cứ hãy sống như một đứa trẻ, ta sẽ thấy cuộc đời thật nhẹ nhàng và đáng yêu biết mấy!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.