Ngày xưa lẽo đẽo theo mẹ đi chùa. Chùa làng có ông Phật nhỏ đắp bằng xi măng, sơn màu (không đẹp như tượng lớn mà tôi thấy ở các chùa thành phố hiện nay). Nhưng, “ông Phật nào cũng hiền, cũng dễ thương hết đó con”, mẹ nói, vì thế mà tôi yên tâm đi lễ Bụt.
“Mà mẹ ơi, sao trong chùa có cái ông gì le lưỡi, mặt đen, ông đó có hiền không mẹ?”, tôi hỏi và mẹ xoa đầu tôi, cười mỉm, mẹ bảo: “Đó là Ngài Tiêu Diện đó con”, nhìn hình dáng bên ngoài vậy chứ Ngài hiền lắm!”. Đến giờ tôi mới biết Ngài Tiêu Diện cũng là do Bồ tát Quán Thế Âm hóa thân, lòng từ của Ngài bao la, được xưng danh là “Đại từ Đại bi”.
Ngày xưa, tôi đi chùa và để ý thấy những ông Phật ngồi nghiêm trang, lúc nào cũng mỉm cười nên thắc mắc hỏi mẹ: “Phật ngồi hoài vậy không mỏi hả mẹ?”. Lại một nụ cười hiền như Bụt, mẹ giải đáp: “Phật ngồi chính là thầy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, còn Phật đứng chính là thầy A Di Đà đó con. Và vì đấy là tượng nên cứ giữ nguyên tư thế vậy, không mỏi”. “Thầy A Di Đà là vị Phật mà mẹ vẫn niệm mỗi ngày đó phải không mẹ?”. Mẹ “ừa”, thế là tôi lại cảm thấy vui vui vì mình vừa được biết thêm những vị Bụt mà mình vẫn thường lon ton đảnh lễ cùng mẹ.
Ngày xưa khi con lớn lên một chút và được mẹ dạy: “Con đeo sợi chuỗi ở bên mình và nhớ niệm Phật thường xuyên nhen. Con cứ nhớ niệm Phật A Di Đà ấy”. Biết là niệm Phật sẽ được tiếp xúc với lòng bi - trí lớn của Ngài, nhưng hồi xưa… còn nghi dữ lắm. Mẹ nói mà chưa có tin chắc, tin sâu nên có lúc quên niệm. Đến giờ, khi đã thấm cái ý nghĩa sâu xa của câu niệm Phật chính là mình đang truyền thông với tổng đài “hiểu và thương”, để gieo tạo nhân thành Phật thì mới thấy tiếc vì mình đã bỏ phí quá nhiều thì giờ cho những trò chơi vô bổ.
Bé tập làm điều phước lành - ảnh: Thái An
Cuộc sống như một vòng xoay, cứ trôi đi, trôi đi và những gì đã qua thì đâu có bao giờ lấy lại được. Giống như tuổi thơ đi chùa, hồn nhiên nhìn ngắm Bụt, hồn nhiên sờ vào bụng của Đức Di Lặc… giờ đây đâu còn nữa? Tuổi trẻ, sức khỏe và tất cả những gì thuộc về quá khứ đúng/sai mãi mãi chỉ có thể… rút kinh nghiệm. Chợt nhớ đến ý nghĩa của việc sám hối: không chỉ là nhìn nhận lỗi lầm mà còn là quyết tâm sửa lỗi. Và cũng là nhớ ngày xưa mình đã quên không niệm Bụt thường xuyên để rồi hôm nay tự hứa với lòng là “Bụt ơi, con sẽ quay về nương tựa Ngài, trong câu niệm Nam mô A Di Đà Phật”. Đó cũng chính là một cách tiếp nối hành trình của mẹ, hành trình đi về Tây phương!
Ngày xưa… tôi nhớ nhiều lắm, nhớ tiếng kinh cầu, nhớ tiếng mõ khua trong đêm, tiếng vị thầy trụ trì già ở chùa làng tụng kinh hay ơi là hay. Và nhớ về ngày xưa tôi nhớ cả dáng mẹ tôi ngồi yên, vững chãi và lần từng chuỗi hạt, miệng niệm niệm. Tôi nhớ - một cách hoài niệm đầy yêu thương ngay giữa ngày hội Vía Đức Bụt A Di Đà!