Nhớ mùa Phật đản tuổi thơ

GNO - Thời người dân được nghỉ lễ một ngày vào dịp lễ Phật đản hàng năm thì tôi còn trong hình hài nào đó và đang lang thang đâu đó trong ba cõi.

phatdan o que-nghethuatphatgiao.jpg

Tuổi thơ lên chùa sẽ là ký ức đẹp, theo suốt cuộc đời mỗi người - Ảnh minh họa

Nhưng với “Phật đản 1964 trong ký ức của người dân Sài Gòn" thì tôi được biết thêm rằng, hồi ấy “toàn thể Sài Gòn như ngập tràn không khí lễ hội Phật đản, cờ phướn tung bay, đâu đâu cũng thấy lễ đài Phật đản, người dân Sài Gòn dường như bừng tỉnh dưới ánh đạo từ bi”.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho hàng hậu sanh chúng tôi niềm cảm xúc dạt dào như được tắm mình trong suối nguồn hạnh phúc của “một Đại lễ Phật đản lớn nhất từ trước đến nay”.

Đến năm 2008, khi cả nước tưng bừng chào đón Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tổ chức tại Hà Nội thì dáng dấp tôi của hôm nay lại đang “ta bà” nơi đất khách.

May thay, nhờ các phương tiện truyền thông, mạng lưới internet, một lần nữa tôi như được hòa mình trong niềm hỷ lạc vô biên của “sự kiện văn hóa lớn nhất trong lịch sử hơn 2.000 năm của Phật giáo diễn ra tại Việt Nam”.

Dẫu biết tôi không từng chứng kiến một mùa Phật đản 1964 huy hoàng và chưa đủ duyên lành cùng bạn bè trang lứa hân hoan đón mừng Đại lễ Vesak 2008 hoành tráng nơi quê nhà nhưng niềm tự hào về một Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc vẫn tràn trề đầy ắp trong tôi y như tôi đã và đang hỉ hả cùng pháp lữ ngày xưa và ngày nay tham dự hai mùa Phật đản lịch sử đó.

Tuy nhiên, trong cùng niềm hạnh phúc lớn lao về những mùa Phật đản thiêng liêng không thể nào quên của các chú các bác và của huynh đệ đồng môn thì tận đáy hồn tôi vẫn nồng nàn hương vị cũ của một thời thơ ấu. Để rồi cứ mỗi tháng Tư âm lịch, tôi lại xôn xao nhớ về mùa Phật đản 1988 của mình. Mùa Phật đản đưa tôi vào nẻo đạo.

Thuở ấy…

Nhà tôi cách chùa chỉ 3 cây cột điện. Những khuya dưới gió, tiếng đại hồng chung bên chùa ngân nga từng hồi, vọng vang qua 8 căn nhà cận kề lối xóm rồi ghé lại cửa sổ phòng tôi, nguyên vẹn. Thế mà tôi hãy còn loanh quanh ngoài cửa đạo.

Một hôm, chừng đầu tháng Tư âm lịch, xóm tôi bỗng rộn ràng hơn. Ồ! Thì ra không khí Đại lễ Phật đản từ chùa lan tỏa.

Trên chùa, tuy cờ phướn đèn hoa không nhiều, lễ đài tôn trí hình tượng Đức Phật đản sanh đơn giản, nhưng âm ba lễ hội dường như phủ trùm cả thị xã.

Sáng rằm, người người nô nức đi chùa.

Tối rằm, bà con cô bác rủ nhau lên chùa coi văn nghệ hát mừng Phật đản thiệt đông. Sân chùa chợt nhỏ lại, chật ních.

Sau rằm, tôi cũng thôi qua nhà cô Ba hàng xóm tụng kinh. Tôi dạn dĩ lên chùa mỗi chiều tối đều đặn.

Mỗi trưa Chủ nhật, tôi và đứa em cùng lên chùa tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử, rất vui.

Mà đâu chỉ bọn học trò thiếu nhi chúng tôi, có rất nhiều người lớn nữa, sau mùa Phật đản thân thương gần gũi đó cũng đã trở về chùa quy y làm Phật tử.

Trong số họ, như tôi biết, có vài người đã trở thành tu sĩ. Còn lại đều là những cư sĩ thuần thành, luôn dốc sức cùng chư Tăng truyền lưu mối đạo, góp hương cho đời.

Thế mới hay, một buổi lễ Phật giáo được tổ chức trang nghiêm, một đêm văn nghệ Phật giáo được chăm chút kỹ lưỡng hẳn có ảnh hưởng lớn đối với quần chúng nhân dân và ít nhiều lay động tâm tư mọi lứa tuổi.

Điều này thì ai cũng biết, những năm gần đây, ngày lễ Khánh đản của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đã thu hút đông đảo mọi giới trải lòng tham gia, đón nhận.

Và với tôi, Phật đản năm nay, như ngần ấy năm từ thời oanh vũ cho tới bây giờ, cứ mỗi tháng Tư âm lịch, bên cạnh niềm hân hoan đón mừng Đại lễ Phật đản cùng những người con Phật trên khắp năm châu, tôi lại khẽ khàng hoài niệm về mùa Phật đản của tuổi thơ tôi:

“Tung tăng chạy rủ bạn bè

Mai lễ Phật đản nhớ về chùa nha!

Có văn nghệ: “Phật Thích Ca”

Anh em Phật tử hát ca cúng dường

Ôi! Ngày xưa ấy thân thương

Cho tôi nỗi nhớ ngát hương một thời”…

Mùa Phật đản PL.2556 - DL.2012

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.