Nhớ cây

Mùa xuân là dịp để con người nhớ ơn cây, quý trọng cây nhiều hơn, vì hạnh phúc của chính mình và tương lai của trái đất.

Thế giới quanh ta, biết bao nhiêu cây, sao lại nhớ cây? Ấy thế mà có một lúc nào đó, ta chợt nhớ những cây một thời quá quen thuộc nhưng giờ đã lùi xa trong cuộc đời của ta. Mới đây, tôi đến chùa Đông Thuyền, một ngôi chùa cổ kính và tĩnh lặng ở phía Nam thành phố Huế, trên đường dốc nhỏ vào cổng chùa, bất ngờ một trái chín rơi xuống, thoang thoảng hương thơm. Thì ra trái thị! Xa quá rồi, trái thị từ tuổi thơ bay về trước mặt tôi.

caynho.gif

Và cũng mới đây, "chiều 5-11-2010, tại TP Huế, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN đã tổ chức lễ công nhận và gắn bia cây di sản VN đối với cây thị cổ thụ trong khuôn viên nhà thờ phái Thân Văn, thuộc làng Dương Xuân Hạ, TP Huế. Cây cao chừng 25m, chu vi thân 4,2m, đường kính 1,4m, được trồng tại đây năm 1698 để làm mốc địa giới, tức đến nay thị đã 312 năm tuổi. Đến nay cây vẫn phát triển xanh tốt, ra hoa và cho trái đều đặn hàng năm, dù một phần nhỏ của thân bị thối rỗng vì bị một mảnh bom găm vào từ năm 1968" 1.

Cây thị đã nhắc tôi truyện cổ tích, và làm tôi nhớ lại thời thơ ấu. Trong truyện Tấm Cám, cô Tấm đã hóa kiếp thành chim vàng anh, chui vào tay áo của vua, rồi thành cây xoan đào để vua ngồi trên võng, rồi đến lượt cây thị có một trái thị duy nhất rơi vào bị của bà lão, cuối cùng trở lại thành cô Tấm xinh đẹp ngày xưa.

Truyện Tấm Cám sao lại chọn cây thị mà không chọn cây khác? Tôi không lý giải được điều đó, nhưng nghe dân gian cho rằng thần cây thị linh thiêng lắm, người ta ngại không dám hạ cây thị. Ngày nay không mấy ai trồng cây thị, phải chăng có lý do đó, cộng với lý do choán đất nhiều, hương ngát quá và không có giá trị kinh tế?

Trái thị đi vào tuổi thơ tôi thật là dịu dàng. Trong những thứ bánh trái quê mùa, mẹ tôi thường mua thứ kẹo gói trong lá chuối khô, thỉnh thoảng mua thêm trái thị cho anh em tôi. Trái thị, khi vừa chín thì căng tròn, bóng láng, màu vàng mơ của quả kết hợp với màu xanh của lá toát lên vẻ đẹp tươi khỏe, tròn đầy. Tuy nhiên trái thị ăn không ngon, vì ngọt ớn, mà chỉ để thưởng thức vẻ đẹp và hương thơm ngào ngạt, ngoài ra, ngày xưa, trái thị để cho con gái chơi thẻ.

Nhắc đến cây xoan đào trong truyện Tấm Cám, tôi lại nhớ cây xoan thời tôi còn nhỏ, cây xoan mà dân gian thường gọi là cây thầu đâu, sau này tôi nghe tên văn hoa hơn là cây sầu đông. Hồi nhỏ, ở thị xã Quảng Trị hiền hòa, bên kia đường phía trước nhà tôi là những cây sầu đông cao vừa phải, thân không to lắm. Sầu đông! Đúng thế, mùa đông cây rụng hết lá, cành cây in lên trời mờ xám, mưa lạnh lất phất, như kiên gan chấp nhận nghiệt ngã, và trái cây vẫn bền bỉ đeo trên cành, nhỏ như hòn bi, màu vàng, đợi khi thật chín thì lần lượt rơi xuống. Nhưng mùa đông là thời gian cây sinh thành và ấp ủ nhựa sống, để đến mùa xuân thì bỗng nhiên từ thân, từ cành, những nụ non mơn mởn, phát triển thành cành, thành lá, làm cho cây có sức sống lạ kỳ, mãnh liệt; rồi phát tiết những chùm hoa trắng tím dịu dàng, thơm ngan ngát cả một vùng. Cánh hoa li ti bay phất phơ trong gió xuân nhè nhẹ, và sau một đêm, quanh gốc cây rải rác màu trắng tím của hoa. Cây sầu đông đã hóa thân...

Nghe đâu trái và lá thầu đâu có độc tính, nhưng thời nhỏ, tôi biết bệnh ngoài da có lá thầu đâu trị lại bằng cách chà xát lá vào da. Sầu đông cũng thiết thân với nhiều người bằng đôi guốc, guốc thầu đâu; ngoài ra, lá chuối khô và lá thầu đâu dùng để ủ trái cây cho mau chín. Giá trị thực tế của thầu đâu thì ít ai biết, nhưng sầu đông trong thơ, văn, nhạc thì rất nhiều người biết. Ca khúc nổi tiếng Sầu đông của Khánh Băng là nỗi niềm của gã lãng tử khi trở về chốn cũ thì người yêu đã sang ngang:

"Đành thôi nhớ mong, gởi theo gió đông.

Tình yêu giá băng vào nơi cuối trời nhớ

Sầu đông còn đến bao giờ".

Ca khúc khác, nổi tiếng không kém, Hoa xoan bên thềm cũ của Tuấn Khanh, lại là niềm vui trùng phùng của người đi biền biệt bỗng trở về quê trong mùa xuân, thơm ngát hương hoa xoan:

"Nay qua đau thương, yên bình rồi,

Tình ta lên hương ngát

Như hương hoa xoan rơi bên thềm

Nhẹ nhàng nhưng ngất say".

Nếu cây thị đi vào cổ tích, cây xoan đi vào bài ca thì có một loại cây rất là dân gian và đi vào đời sống tâm linh, trước đây khá phổ biến, nay chỉ còn một số ít gia đình trồng trong vườn: đó là cây phượng cúng (hay phượng ta, kim phượng hay điệp cúng). Cũng gọi là phượng, nhưng không như phượng vĩ cao to, nở hoa đỏ thắm về mùa hè, một loài hoa học trò mà ai cũng biết, không phải là cây lim xẹt hoa màu vàng mà sau này thường được trồng ở công viên hay ven đường, cũng không phải là cây phượng tím cao to bên Âu Mỹ; phượng cúng là cây loại tiểu mộc, cao chừng vài mét, nhánh tỏa rộng, lá như lá phượng vĩ nhưng nhỏ hơn. Cây ra hoa theo chùm, mỗi chùm có rất nhiều hoa, cọng dài, hoa có 5 cánh, có vòi uốn cong, vươn ra xa. Quả là loại quả đậu dài khoảng một tấc. Phượng cúng có 3 loại theo màu hoa: vàng, đỏ, da cam. Cây ra hoa quanh năm, hương thơm có một chút nồng.

caynho-2.gif

Hoa sầu đông

Từ nhỏ, tôi đã thấy nhiều nhà trồng cây phượng cúng trước sân, cạnh hàng rào. Khi ra hoa, phượng ta không nổi bật một cách kiêu sa, mà trái lại, đẹp thanh nhã, đoan trang mà vẫn rạng rỡ. Hoa không dùng để chưng phòng khách mà để cúng, cúng bàn thờ vào dịp rằm, mồng một, đặc biệt cúng ở trang thờ. Hoa vừa bình dân vừa tinh khiết: bình dân vì nhiều nhà trồng, ra hoa quanh năm, cắt hoa đợt này thì ra hoa đợt khác, giá rẻ, còn tinh khiết vì… nhiều người xem như vậy nên đặt nơi thiêng liêng.

Ngày nay, phượng ta vẫn còn đó nhưng ít dần. Chùa, nhà thờ, đền, miếu không còn mấy cây, còn tư gia thì vườn tược thu gọn diện tích, trồng cây này choán nhiều chỗ, để đất trồng cây khác. Dầu sao, tôi vẫn lấy làm lạ: cây phượng cúng đẹp như thế, đã đi vào tập quán thờ cúng như thế, sao nay lặng lẽ ẩn mình, và âm thầm rút lui khỏi bàn thờ, nhường cho những huệ, cúc, lay ơn, hoa giấy…? Cây sầu đông cũng vậy, sao lại rẻ rúng nó, dầu sao nó cũng có giá trị về gỗ, và nhất là cây đặc biệt biến đổi qua hai mùa đông xuân rõ rệt, mùa đông thì ẩn nhẫn, mùa xuân thì bật dậy hương hoa?

Những cây soan, phượng cúng,… chịu cùng chung số phận trước thị hiếu của con người, và chúng cũng phải bị cạnh tranh với đồng loại thực vật để phục vụ lợi ích thẩm mỹ và kinh tế của con người. Ngày nay, với tiến bộ của khoa học, với toàn cầu hóa, cây cỏ làm đẹp đời sống ở mọi nơi vô cùng phong phú. Chỉ mới từ khi hòa bình lập lại, đất cố đô đã tiếp nhận những loại cây mới trang điểm cho đường phố và công viên: bằng lăng, hoa sữa, viết, cọ, muồng, lim xẹt, hoàng yến,… bên những cây lưu danh muôn thuở như long não, phượng vĩ, thông, liễu, tùng… chưa kể danh mục phong phú các cây trong công viên, trong vườn chùa, đền thờ, lăng tẩm, cây trong các cơ quan, doanh nghiệp, cây trong vườn nhà. Thiết kế vườn cũng hiện đại, với cây cảnh trong chậu, bonsai, cây thế, cây cổ thụ từ rừng núi đem về thu nhỏ, rồi hồ, suối thu nhỏ, non bộ, … theo phong cách Tây, Tàu, Nhật.

Việc trồng cây nơi công cộng cũng như đình, chùa, nhà thờ… và sân vườn dĩ nhiên cần chọn lọc và nghiên cứu kỹ, tuy nhiên cây xanh quanh ta cần phong phú, đa dạng, để cảm quan của con người về thiên nhiên thêm tinh tế, nhất là những cây một thời đã gắn bó với con người qua truyền thống lâu đời, qua ca dao, tục ngữ, âm nhạc, văn thơ, chuyện cổ tích, chuyện lịch sử… Ở đâu mất đi một loại cây như thế, thì con người ở đó nghèo đi một chút về tinh thần. Thiết nghĩ mỗi địa phương, mỗi thành phố cần giữ lại những cây đã vang danh một thời, dẫu không phát triển nhiều, nhưng sự tồn tại của chúng làm giàu tri thức và tâm hồn, vì chúng là bạn cố tri của con người, và việc này cũng góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Giả sử ở thành phố Huế, một vài cây song thọ đào ở nơi nào đó xứng đáng, được chăm sóc cẩn thận, mùa xuân khoe hoa tươi thắm, thì có loài hoa nào hơn? Ngay cả những cây dân dã, như cây bồ quân, trái ăn cũng được lắm, ngọt pha lẫn chút chua, chút chát, một thời được nhắc nhở - da ngăm đẹp như trái bồ quân - mà nếu được lưu giữ đàng hoàng, thì mùa trái của nó cũng đem lại một hương vị lạ.

Mặt khác, nếu đã tôn vinh lên thành di sản những cây cổ thụ lâu năm gắn bó với lịch sử địa phương như cây thị 312 tuổi ở Huế, thì con người càng tôn trọng hơn nữa dải thực vật phong phú dọc dãy Trường Sơn, cũng như những rừng ngập mặn, rừng cây chắn gió cát, để không dễ hy sinh cho những mục đích khác, để mang lại lợi ích khai thác lâu dài và góp phần điều hòa khí hậu, nhất là ngăn bớt dòng lũ ào ạt gây thiệt hại vô cùng lớn lao cho con người. Còn những thị dân kiếm sống ở hai bên đường, xin thương cây, đừng hành cây bằng cách đổ nước thải vào gốc, cũng như đừng đóng những bảng vào thân cây: "khoan, cắt bê tông", "mở lớp luyện thi", "gia sư", "yếu sinh lý", "trị mụn trứng cá"… Dầu sao, những thị dân này cũng không nhẫn tâm đối xử với cây cho bằng những đại gia chơi cây theo kiểu "mì ăn liền" bằng cách cho người bứng cây cổ thụ trên rừng, đem về vườn nhà mình, trồng chậu cho hoành tráng.

Mùa xuân là dịp để con người nhớ ơn cây, quý trọng cây nhiều hơn, vì hạnh phúc của chính mình và tương lai của trái đất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.