GN - Ni sư Thích nữ Trí Hải có lần viết: “Chúng ta chỉ chạy. Khi thức cũng như khi ngủ chúng ta luôn luôn chạy đuổi theo những dục vọng ước mơ, có tiền muốn thêm tiền, có danh muốn thêm danh... bởi vì hiện tại đã bị ta bỏ quên để theo đuổi những ảo tưởng của ngày mai tháng sau năm tới... Lối sống xem hiện tại chỉ là cây cầu nối tương lai và quá khứ trong khi cả hai đều là ảo tưởng - lối sống ấy chính là nguồn gốc của mọi khổ đau bất hạnh trên đời”.
Con đường nào mới đưa chúng ta trở về với tâm thái mùa xuân bình an? Hãy thử tập nhìn mùa xuân trong tâm thức và nết hạnh một đứa bé - Anh nhi hạnh. Trong kinh, Đức Phật mượn cái nết hồn nhiên ngây thơ không biết đắn đo, không có ý tham cầu lấy bỏ, thân sơ thương ghét dùng để ví cái hạnh từ, bi, hỷ, xả, bình đẳng, “làm mà không bị vướng mắc” (ưng vô sở trụ). Anh nhi có thấy, có nghe, có ngửi, có nếm, có xúc và có biết, nghĩa là Anh nhi vẫn có đủ lục căn nhưng lục căn của Anh nhi tiếp xúc đối với lục cảnh, nhưng tâm cảnh như như bất động, như vị Triết vương Trần Nhân Tông đã từng nhấn mạnh trong cương lĩnh về lối sống sống vui đạo giữa đời “Cư trần lạc đạo”: “Mình ngồi thành thị /Nết dùng sơn lâm…”.
Tâm lặng thì không chấp thủ, ở đó không có sự tham lam danh lợi, sợ hãi mất mát, lo sợ quyền lực… và đó chính là cái nhìn của trẻ thơ.
Với cặp mắt trẻ thơ, chúng ta nhìn mùa xuân trong tâm viên dung, hòa cùng mọi biến thiên của đất trời, cảm thông với mọi người đang cùng an trú trong cõi tạm này. Để rồi cùng vui, cùng chia sẻ, tương tức, tương dung mọi bất đồng, mà tận hưởng mùa xuân trong từng sát-na hiện tại mà không nghĩ đến hôm qua hay ngày mai vì nó sắp đến, sẽ qua như mọi chuyện muôn đời vẫn thế.
Không chỉ ở suy tư, mà chính cái nhìn ấy sẽ thôi thúc chúng ta hành động ngay tức thì, không do dự để những nỗi đau ấy giảm đi, ví dụ “không đốt pháo hoa”, dành khoản tiền ấy để mua thực phẩm giúp trẻ em nghèo; quyên góp tập vở, nhu yếu phẩm tặng về nơi đang thiếu thốn.
Một bậc tôn đức ngày xưa đã từng viết: “Ngày nào nhân loại chưa giác ngộ, trút bỏ được tham vọng mê lầm thì ngày đó thân phận con người còn bi đát, xã hội còn bất công, lịch sử vẫn còn lạc hướng. Đạo Phật chắc chắn đủ điều kiện trao cho thời đại một nội dung cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Nhưng ai là người trao nó vào đời? Hẳn nhiên là Phật tử. Đạo Phật còn nở hoa kết trái hay không, không chỉ ở mấy tạng kinh điển mà là ở những người hoằng pháp hôm nay có đủ đức trí tài năng, có biết thích ứng với hoàn cảnh xã hội, để đưa đạo Phật vào thời đại, làm cho đạo Phật sống một đời sống, giàu mạnh trên mọi nơi, trong mọi lúc thích hợp với mọi người ở mọi trình độ tri thức, mọi giai cấp...
Vì đạo Phật không phải là một tín lý, không võ đoán, không buộc ai phải tin theo rập khuôn như mình, đạo Phật chỉ là một lối hướng dẫn, hòng dắt con người từ trạng thái tham lam mê muội sang trạng thái trung trinh siêu thoát”. (Vạn Hạnh, số 20, 1967).
Trong tinh thần ấy, hãy ngắm nhìn mùa xuân như nó đang là và cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta còn có thể sống và chia sẻ niềm vui vô tận ấy. Đó là con đường đưa đến một mùa xuân thực sự.