Nhân tướng & nhân mạng

Không nên so sánh con người và con vật. Chính nghiệp lực là nguyên nhân của sự phân chia các loài, các loại người và vật. Tuy nhiên một điều dễ nhận thấy là rất nhiều con vật được sống sạch sẽ, tươm tất hơn cả một số con người, một vài kiếp người sống không bằng kiếp vật. Do vậy tình thương của Ðức Phật như dòng nước tràn về miền sa mạc, những chỗ thấp có thể ví như con người nước thấm trước hết, sau đó nước từ bi tràn lên và thấm nhuần hết thảy những chỗ cao hơn (hết thảy chúng sanh).

SONG DAO.jpg

Biết quý mạng sống của con vật, cũng là một cách tích đức. Hoặc giả những đồ tể có thể kết thúc mạng sống một con heo bằng một loại thuốc ngủ nào đó thay vì chọc tiết hay gí điện... dã man. Hãy một lần chứng kiến cảnh các con vật bị lôi vào lò mổ đủ biết chúng không hề có ý dâng hiến thân xác mình cho con người. Nếu sống hung ác bất chấp đạo lý thì dễ rơi vào tình cảnh vật đội lốt người. Khó thể tin có kẻ đã giết người lại còn móc ruột lôi gan, giết người rồi còn chặt khúc; người chết rồi còn quật mồ phơi xác... Trong sự quay vòng của muôn trùng đời kiếp, con người hẳn sẽ ít nhiều bị “lai” về dung mạo và tâm tính. Biết thương yêu loài vật (sau khi đã thương yêu con người), con người có nhiều cơ hội tiếp tục được thọ thân người ở kiếp sau hơn, có nhiều cơ hội giải thoát hơn. Người không tu thử mang theo số người thân nhất như vợ con chẳng hạn (để chống lại sự cô đơn), rồi kéo nhau vào rừng sống thử khoảng một tháng, không mang theo kem đánh răng, mỹ phẩm, xà phòng, giấy vệ sinh… sẽ nhận ra “con thú” nơi mình. Vô vàn sản phẩm công nghiệp người ta sử dụng hàng ngày hàng giờ đó, chính là bình phong che đậy bản ngã, cũng là những thứ con người “giấu giếm” phiền não, “gia hạn” khổ đau.

Bậc Giác giả, các vị Phật đã mở được thiên nhãn, huệ nhãn, dĩ nhiên họ nhìn thấy “con thú” trong mỗi chúng sinh. Chúng sinh với nhục nhãn, phàm nhãn, nếu ai thấm đạo cũng có thể nhìn thấy khuôn mặt thú ẩn hiện trên mặt người… Thử chụp lại những khuôn mặt người trong cơn giận dữ, trong cơn say máu rồi so sánh với chân dung các loài thú, sẽ có sự tương đồng… thú vị. Một cô gái đẹp sống với tâm địa đen tối, sống trong nhung lụa lại coi khinh kẻ dưới; coi khinh động vật và luôn muốn thỏa mãn khẩu vị bằng nỗi đau của chúng, khuôn mặt đẹp ấy theo thời gian sẽ hao sinh khí, vô hồn. Một tên sát nhân, hay ít nhất là đồ tể, lần đầu tiên vô tình ta bắt gặp sao rợn cả mình! Một đạo sư, một người sống với tâm từ vô lượng, khuôn mặt tuy không đẹp sao vẫn hòa ái gần gũi biết bao ở lần đầu tiên tiếp kiến. Quanh mỗi người đều có trường năng lượng sạch-nhơ; khi khoa học chưa sáng chế ra loại kính để nhìn thấy đức và nghiệp ấy thì chúng ta cũng không nên phủ nhận.

Không nên hiểu sinh lão bệnh tử một cách thô thiển. Giai đoạn bệnh đến tử là một hố thẳm không đáy. Rất nhiều người không thể chết, kể cả việc muốn tự tử. Một ông già đang khỏe mạnh, một cú ngã khiến bệnh viện bó tay, bị liệt, chỉ nhúc nhích được cái đầu, nằm đến thối thịt. Thương con thương cháu ứa nước mắt, muốn dứt mệnh để khỏi phiền hà đến ai, tính tự tử cũng không được bởi đến răng cũng chẳng còn để cắn lưỡi. Vung tay quá trán ắt chạm đến thánh thần. Có trường hợp khác tôi chứng kiến, bị xơ gan nằm gần một năm, yếu dần yếu dần. Những lúc đau quá anh kêu trời, hỏi tại sao từ nhỏ tới lớn không làm hại đến ai mà giờ nghiệp nặng như vầy. Người em vợ đã khai thị cho anh, rồi mua tặng một đầu đĩa kèm VCD các sư thầy giảng pháp. Anh nghe hai ngày và gật đầu thanh thản, bảo bây giờ mới hiểu đến mức độ tinh vi của Nghiệp... Từ hôm đó anh bắt đầu lắng nghe để làm hành trang cho cuộc hành trình dài sau cái chết; dĩ nhiên anh cũng không còn luyến tiếc gì và không còn sợ cái chết nữa.

samsara by Matt Anzak.jpg

Samsara, Tranh của Matt Anzak

Ấy, dẫu sao cũng là trường hợp quá muộn quay đầu về bờ nhân gian. Liệu chúng ta có thể gia hạn cái chết. Có thể! Tôi quen một người hơn năm trước đã linh cảm vận mệnh của mình. Ðến đầu năm nay một hôm đau đớn dữ dội; gọi cả nhà lên ngồi quanh trăng trối. Người nhà tính đưa đi cấp cứu, anh ta nói để con đi, đây là nghiệp đến đòi mạng, phải trả. Nói được vậy chứng tỏ người này có căn tính. Anh trai liền gọi tới vị sư quen biết, rồi đưa điện thoại cho em nghe. Sư khuyên, nếu một người tham sống thì có lên viện cũng chỉ là sự gia hạn thôi, không chừng sau này hoặc kiếp kế tiếp còn gặp nạn lớn hơn. Nhưng nếu con hiểu đạo thì thầy khuyên con hãy thành tâm xin Phật, từ nay con bỏ đường trần bước lên đường đạo. Thân này xin giữ lại để trả nghiệp. Nếu thành tâm tuyệt đối, với niềm tin tuyệt đối về con đường phía trước, con cứ để gia đình đưa lên viện mà giữ lại thân, dùng thân đó làm việc thiện, hầu trả hết nghiệp.

Bây giờ anh ta ăn chay trường, chuyên tâm học đạo, tâm thế luôn vui tươi sáng sủa. Hiện tượng này không hề hy hữu, ai cũng có thể làm được nếu quay một trăm tám mươi độ. Tại sao? Khi nghiệp đến đòi, ví như ta nợ (hoặc người thân của ta nợ từ lúc nào ta không hay), nhưng cái chính, nghiệp nạn đến thì chắc chắn đó là nợ. Nợ nhỏ thì nạn nhỏ, nợ lớn thì nạn lớn như sinh mạng chẳng hạn. Người ta đến đòi mạng, ta xin với Phật cho được giữ lại mạng này để làm thiện trả nghiệp. Ðây là điều thiện chí, Phật sao nỡ từ chối. “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới”. Khi lời hứa đó được Phật mười phương chứng giám; giữ được mạng rồi, khỏe mạnh rồi nếu ta lại lấy thân hưởng thụ, không ăn chay tu tập, vẫn tạo nghiệp thì lời hứa trở nên vô nghĩa… Hậu quả như thế nào chắc không cần bàn.  

Gặp nạn ai chả vác chân lên đầu mà chạy, ai kêu chi dạ nấy… Phổ biến nhất vẫn là cầu an, cúng sao giải hạn hay cầu cúng thánh thần. Nhiều người không học, họ cũng nhận thức được điều vô lý: sao lại cắt cổ gà, chọc tiết lợn để cầu xin cho sự bình an của bản thân? Cũng như nếu như trong một đám tang cúng đồ mặn, giết mổ ngay ở nhà lại mời thầy về siêu độ. Bất đắc dĩ phải ở lại, thiết nghĩ các thầy chỉ an ủi, siêu độ cho những con vật bị khổ chủ giết, chứ chắc gì đã đến lượt vong linh. Nếu như cúng bông ba hoa quả, gọi chung là cúng chay, ấy là tấm lòng thành, rất nên. Còn như giết heo mổ gà để cúng tế thánh thần xin giải hạn thì đó tương đương với tích thêm một lượng nghiệp lớn. Cậy nhiều tiền bạc thả cửa giết mổ cúng quảy xin xỏ thì quá lắm chỉ mời được đám yêu ma ngạ quỷ. Chúng vẫn có thể dời nghiệp nạn lại, nhưng nạn ấy sẽ nặng hơn những lần sau. Nghiệp nạn, thay vì dồn đến một cục lớn, với sự thành tâm sám hối, phát tâm phóng sanh và hành thiện nghiệp một cách ráo riết, sẽ được chia ra tiêu trừ. Thường một lễ cúng tế tốn rất nhiều tiền của, trong đó có nhiều khoản chi tạo thêm ác nghiệp giết hại, không có lợi ích thiết thực cho kẻ còn người mất. Thiết nghĩ chỉ nên trích ra khoảng 10% phần trăm cho lễ lượt hoa hương chay tịnh. 90% còn lại để làm việc thiện như cúng dường, giúp đỡ người nghèo, phóng sanh… hay để dành cho các việc lợi ích khác. Như vậy chúng ta mới tích lũy được rất nhiều đức. Bất cứ lúc nào ta tiêu xài, hễ ý nghĩ tiết kiệm nổi lên thì nên trích ra một phần để làm việc thiện. Suốt đời như vậy, cộng với sự tu tập đúng hướng, ai chẳng đạt được thành tựu lớn cho bản thân và cho mọi người.

Một người suốt đời không phương hại đến ai, nhưng không hề biết đến Phật pháp, nghĩa là vẫn giết chóc, vẫn một cuộc sống quá sung túc, vẫn chỉ biết vun vén hưởng thụ trong gia đình của mình; nếu đa phần những người như vậy khi chết đi đều được tái sinh làm người, những tưởng không cần phải tu. Giá ai cũng biết có được thân người vô cùng khó như con rùa mù dưới đáy đại dương một trăm năm trồi lên một lần mà vô tình tròng đầu vào cái vòng trôi trên mặt biển; ai cũng tin vào thuyết luân hồi rằng con người cũng phải “khoác áo” súc sinh nếu không tránh làm việc bất thiện; ai cũng biết nghe lời Phật, thì trái đất này đã không tổn thọ ghê gớm khiến nguy hại đến sự tồn vong của loài người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.