Không ngại nắng mưa, ngài tận tình đi đến những vùng huyện lỵ xa xôi, thăm nom hay hướng dẫn sinh hoạt Nội quy Ban Tăng sự, tháo gỡ những nội kết còn tồn đọng trong các chốn thiền môn. Ngài như bậc long tượng oai nghiêm khi xuất hiện giữa các Đại giới đàn.
Bản thân tôi có thể nói luôn mang ân trọng và tình cảm kính mến với Hòa thượng Giác Quang từ khi tôi về trụ trì chùa Pháp Thường vào năm 1990. Đây là ngôi chùa đầu tiên thuộc Thiên Thai giáo quán tông. Hơn 30 năm, tôi có thật nhiều kỷ niệm với ngài và rất tâm đắc về pháp môn niệm Phật. Ngài cũng là một tấm gương sáng cho Tăng Ni về đức độ tu hành và tinh thần hy sinh vì đạo pháp.
Không chỉ tâm đức mà giới đức của ngài thật trang nghiêm. Trong hành trình hóa độ, chúng tôi không thấy quyền cao lộc cả, bác học đa văn nơi ngài, mà chỉ thấy hình ảnh một vị sư bình dị, đơn sơ luôn tự tại trong mọi thuận nghịch cõi Ta-bà. Đạo nghiệp của Hòa thượng được kết tinh bằng công đức phụng sự cho đạo pháp, bằng nếp sống tri túc và tâm hạnh từ bi.
Nhớ có lần tôi đến tìm Hòa thượng trong một đêm mưa tháng Bảy, do việc gấp của chùa nên đến tu viện đã gần 10 giờ đêm, thị giả của Hòa thượng cho biết ngài đang làm việc trong thư phòng. Tôi thấy căn phòng nhỏ của Hòa thượng như phòng của một học tăng, ngài ngồi dưới ánh đèn bàn khiêm tốn, miệt mài chăm chú gõ trên bàn phím. Dù trời đã khuya, Hòa thượng vẫn hoan hỷ tiếp chúng tôi. Trà nước và giải quyết xong công việc, Hòa thượng gọi thị giả cho chúng tôi bát cháo nóng. Ngài nói: “Thầy đi đường xa mệt nhọc, ăn cháo rồi nghỉ lại chùa cho khỏe, sáng mai về sớm”.
Tôi đi dạo quanh sân chùa, ánh đèn trong phòng Hòa thượng hắt ra ngoài khung kính đến nửa đêm. Vị thị giả cho biết, làm việc xong ngài còn tọa thiền công phu, không đêm nào bỏ sót. Đêm ấy, tôi đã có một giấc ngủ thật an lành trong khách phòng của Quan Âm tu viện. Thức dậy trong tiếng Lăng nghiêm trầm hùng của đại chúng, còn Hòa thượng thì đang lạy thù ân tại thư phòng, hành trì miên mật đến 6 giờ sáng mới thấy ngài bước ra. Tấm y cũ đơn sơ trang nghiêm mà tràn đầy năng lượng. Tôi có cảm giác như mình đang ở một am cốc xưa trong rừng núi. Tôi vội bước đến lễ Hòa thượng, ngài hoan hỷ mỉm cười hỏi “Thượng tọa ngủ được không? Việc của thầy không lo lắng nữa nhé!”. Tôi xúc động vô cùng.
Rồi thì ngài cũng về cõi Phật khi sứ mệnh đã tròn. Còn đâu nữa một bậc thạc đức chơn sư tùy duyên hóa độ, như Sơ tổ Đạt Ma xưa nê-hoàn rồi lại chích lý Tây quy. “Nhạn quá trường không. Ảnh trầm hàn thủy. Nhạn vô di tích chi ý. Thủy vô lưu ảnh chi tâm”. Bậc xuất trần thượng sĩ đến và đi cũng nhẹ nhàng như cánh nhạn tung trời trong thoáng chốc, tuy vậy, bi nguyện của ngài vẫn hiển hiện cùng mười phương ba cõi, kết hoa từ ái cho đời.
Ngày tứ chúng đưa huyễn thân Hòa thượng nhập bảo tháp tại tổ đình Quan Âm tu viện, mây xám phủ ngang trời, hàng cây cúi đầu mặc niệm, bóng vàng y kín cả một sân chùa, tiếng niệm Phật trầm hùng lắng đọng thiết tha. Tôi xúc động nghẹn ngào muốn bật khóc vì hiểu rằng từ nay Phật giáo Đồng Nai vắng bóng Người mãi mãi, nhưng dường như trên đỉnh Lăng-già trời chân như đang rực sáng, mây phù vân hiện tướng tường vân. Mưa pháp nhũ đượm nhuần đức ân thánh triết.
Giác sáng rừng thiền, trên đỉnh non bồng vầng trăng Lăng-già phá tan mộng ảo.
Quang soi cõi tịnh, dưới dòng Đồng Nai thuyền từ Bát-nhã cập bến chân như.
Sa-môn Thiện Pháp/Báo Giác Ngộ
Trong suốt hơn 10 năm tham gia Ban Trị sự Phật giáo TP.Biên Hòa, từ Chánh Thư ký đến Trưởng ban Trị sự, con để ý chưa bao giờ thấy Hòa thượng “cậy thế, ỷ quyền” mình là lãnh đạo cấp cao của Phật giáo tỉnh nhà, có biểu hiện xem thường cấp dưới. Tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến việc xin phép trùng tu, xây dựng các công trình phụ trợ, công trình tôn giáo của Quan Âm tu viện và liên quan đến chư Tăng, Ni thuộc Liên tông Tịnh độ Non Bồng, Hòa thượng đều thực hiện theo đúng trình tự quy định của giáo luật và pháp luật.
Đặc biệt, gần 40 năm phục vụ Giáo hội, theo chỗ con biết, Hòa thượng đã “thi ân mà không mong đền đáp” cho các tự viện và hàng ngàn Tăng, Ni trong tỉnh. Nhiều Tăng Ni thọ ân Hòa thượng, thỉnh mời Hòa thượng đến chứng minh, dự lễ khi có Phật sự, Hòa thượng đều khéo léo từ chối.
Ngoài việc hết lòng phụng sự Giáo hội, giúp đỡ Tăng, Ni, Hòa thượng còn dành thời gian còn lại cùng với Già (cố Ni trưởng Huệ Giác) hoằng pháp độ sinh, thuyết giảng cho Tăng, Ni, Phật tử của Quan Âm tu viện và phát triển Liên tông Tịnh độ Non Bồng không chỉ trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh. Con nghĩ, bất cứ ai, từ Tăng, Ni đến cư sĩ, Phật tử, khi tiếp xúc với Hòa thượng đều có chung một cảm nhận: Hòa thượng là bậc chân sư với đức khiêm cung, độ lượng, và vị tha”.
Thượng tọa Thích Minh Trí
Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.Biên Hòa
(trích Theo dấu chân sư)
...Nhớ thuở xưa cùng theo thầy học đạo
Đất Linh Sơn tái ngộ kinh luân
Rồi về Quan Âm, lo Phật sự sớm hôm
Hình ảnh ấy nay vẫn còn vang bóng!
Nhớ những lúc Linh Sơn khó nhọc
Học đạo thầy nếm mật nằm gai
Những khi giá rét giữa trời
Những khi hang thẳm âm thầm tiến tu
Rồi những lúc đệ huynh hoan hỷ
Nghe lời thầy cùng sách tấn nhau
Vào ra sau trước một lòng
Thờ thầy trên hết nào đâu mong gì!
Nhớ những lúc bị thầy quở mắng
Lâm Tế xưa cảnh cũ hiện về
Linh Sơn rừng núi bốn bề
Cuộc sống muôn vàn gian khó
Những lúc đó huynh đệ ta đâu chùn bước
Càng tiến tu, phấn đấu trau dồi
Đêm ngày chẳng bỏ công phu
Khó nhọc đời tu đâu ngại
Năm 66 mưa bom lửa đạn
Rời Linh Sơn cất bước lên đường
Cùng thầy về lại Trấn Biên
Dựng ngôi tu viện hoằng truyền pháp môn
Năm 86 Tôn sư người vắng bóng
Gìn việc nhà gánh vác chuyện tông môn
Ba mươi mấy năm khi ấy tuổi xuân thì
Đem tâm trí hết lòng lo Phật sự
Thời gian đổi, nhưng lòng người không thay đổi
Tấm lòng son chẳng phai nhạt với thời gian
Hoằng pháp lợi sanh muôn việc chẳng từ nan
Vẫn dìu dắt tinh thần Phật tử từ lời ăn tiếng nói…
Hòa thượng Thích Thiện Tâm
Trụ trì chùa Pháp An, tỉnh Bình Dương
(trích Linh sơn quyến thuộc)