Nhẫn của Bồ-tát

NSGN - Trời nắng chang chang...

Dưới cái nắng như thiêu như đốt, đứng chờ đèn đỏ là cả một cực hình. Nhiều người nhấp nhỏm. Nhưng cái bóng áo vàng kia ngăn không cho một sự vượt rào. Bực bội với cái nắng cũng không khiến mình thấy mát hơn. Kẻ khôn ngoan tự tìm cho mình một sự bình thản. Cái chỗ bình thản với những bất như ý đó, Bồ-tát Long Thọ nói: “Bấy giờ tâm số pháp sinh ra gọi là nhẫn1.

1nsgn 2.jpg

Nếu ngồi mà tính cho hết thì không biết bao nhiêu việc bất như ý xảy ra trong đời. Với đa phần, như ý thì ít mà bất như ý thì nhiều. Mỗi bất như ý nếu được đi kèm với một sự bực bội hay cáu giận thì cả cuộc đời này, coi như chỉ có nhăn với nhó. Nhăn nhó không chỉ làm bản thân phiền não mà còn mang lại bất ổn cho những mối quan hệ. Thành ra muốn hạnh phúc, tự mình phải nhẫn với những bất như ý của mình.

Người thường muốn thành công và an vui còn phải tự nhẫn. Bồ-tát tu đạo lại càng phải nhẫn. Vì thế hai quả vị mà hàng Bồ-tát chứng được đều có từ “nhẫn” trong đó. Cũng do nhẫn mà có hai quả vị này. Đó là Vô sinh nhẫn và Vô sinh pháp nhẫn.         

Trong luận Đại trí độ, Bồ-tát Long Thọ phân nhẫn thành hai loại là Sinh nhẫnPháp nhẫn. Thực hành Sinh nhẫn được vô lượng phước đức. Thực hành Pháp nhẫn được vô lượng trí tuệ2.

Thế nào là Sinh nhẫn?

Sinh nhẫn là nhẫn với người mang đến phiền não cho ta. Phiền não nói đây được hiểu theo nghĩa dấy tâm động niệm. 

Luận nói, có hai hạng chúng sinh đến với Bồ-tát. Hoặc là cung kính cúng dường, hoặc là sân mắng đánh hại. Hai hạng chúng sinh đó là duyên làm khơi động hai loại kiết sử mà Bồ-tát đang sở hữu. Một là ái kiết sử. Hai là sân kiết sử. Ái kiết sử khiến Bồ-tát thấy yêu thích, muốn gần gũi hạng chúng sinh cung kính, cúng dường. Sân kiết sử khiến Bồ-tát thấy bực bội và muốn tránh xa hạng chúng sinh bạo ác. Trong cả hai trường hợp, Bồ-tát đều cần phải nhẫn. Vì cung kính cúng dường tuy không sinh sân nhuế nhưng nó lại có khuynh hướng làm tâm ưa đắm. Luận gọi nó là “giặc mềm”. Sự ưa đắm đó khiến tâm trở nên thiên lệch, phá hoại công phu thiền định v.v…

Đề Bà Đạt Đa được ngũ thần thông và ba mươi hai tướng tốt, nhưng do không nhẫn phục được với lợi dưỡng mà gây tội lớn, nên phải sa vào địa ngục trong khi đang sống.

Bồ-tát Long Thọ phân việc cung kính cúng dường này thành ba loại:

1- Do phước đức nhân duyên đời trước mà người thấy mình liền sinh tâm cúng dường.

2- Do người thấy mình tu giới, định, tuệ mà khởi tâm cúng dường. Cũng do giới, định, tuệ của chính mình mà người khởi tâm cúng dường.

3- Do người thích bề ngoài của mình rồi sinh tâm cúng dường dù bản thân không có thật đức. Giới, định, tuệ đều không.

Phân biệt ba loại lợi dưỡng đó để chỉ ra ba pháp quán giúp hành giả từ bỏ tâm cống cao và ham lợi dưỡng.

Nếu là loại lợi dưỡng do nhân duyên phước đức đời trước mang lại thì như gieo nhân mà được quả. Nếu đời này chỉ lo hưởng thụ không gieo nhân thì lợi dưỡng sẽ mất. Tham trước và tự kiêu, hiện tại phá hoại phước đức đang có và là nhân của tam đồ khổ ở tương lai. Cần phải quán “Mụt nhọt lợi dưỡng rất sâu, ví như cắt da đến thịt, cắt thịt đến xương, cắt xương đến tủy. Người đắm lợi dưỡng thời phá lớp da trì giới, cắt thịt thiền định, phá xương trí tuệ, mất tủy thiện tâm vi diệu”3 để giữ tâm không chạy theo lợi dưỡng. Nhờ vậy mà tự nhẫn phục tâm mình. Không tham trước, không tự kiêu.

Nếu là loại lợi dưỡng do công đức đời này tu giới, định, tuệ thì đó là do “công đức mà được người cung kính cúng dường, không do bản thân ta”4. Tham trước lợi dưỡng và cống cao sẽ phá hoại công phu thiền định và trí tuệ… Công đức không còn thì lợi dưỡng cũng mất. Suy nghĩ vậy rồi, có thể chế phục tâm mình và nhẫn được với lợi dưỡng cùng người mang lợi dưỡng đến cho ta.

Nếu người do bề ngoài của mình mà cung kính cúng dường, còn bản thân không có thật đức thì không khác hư vọng dối gạt mà được lợi dưỡng. Đây là nhân của ba ác đạo. Cần phải tỉnh giác mà nhẫn nhịn để từ bỏ tâm ham lợi dưỡng.

Còn một hạng chúng sinh khiến Bồ-tát hay tham trước nữa, là nữ nhân. Nói nữ nhân mà không nói nam nhân vì đa phần từ trước đến giờ, Ma-đăng-già chiếm ưu thế. Nói nhẫn với người nữ, chính là nhẫn với người khơi dậy kiết sử ái dục của Bồ-tát. Trong các thứ suy thì nữ suy là nặng nhất. Nghiệp thức nữ nhân thường bị trói buộc trong tham trước, đố kỵ và nghiêng nặng về tình cảm trói buộc. Vì thế vướng vào nữ nhân thì phiền não không thể dứt, trói buộc không thể trừ. Đó là lý do cần có tâm nhẫn đối với nữ nhân.                      

Với hạng chúng sinh khiến tâm sinh sân nhuế thì cần phải quán nhân quả để trừ bỏ sân nhuế. Trong ba độc, không gì nặng bằng sân. Trong 98 thứ kiết sử, sân giận là thứ cứng chắc nhất. Trong các tâm bệnh nó là thứ khó trị nhất. Người đang trong cơn sân giận không biết phân biệt thiện ác, không nghĩ đến tội phước, không cần biết người khác phiền não, không kể thân tâm mình mệt nhọc, dễ phạm vào giới sát, bất trị, khó dạy…

Thời Đức Phật, chúng Tỳ-kheo ở nước Câu-diệm-di, vì một nhân duyên nhỏ nhặt mà tâm sân hận lớn dần rồi phân thành hai nhóm, mất ba tháng vẫn chưa xong đấu tranh. Phật đến ban lời giáo huấn:

- Các ông chớ đấu tranh nhau. Ác tâm tương tục khổ báo rất nặng. Các ông vì cầu Niết-bàn mà dứt bỏ dục lạc ở đời. Nay ở trong thiện pháp sao còn đấu tranh? Người đời sân giận đấu tranh còn có thể tha thứ. Các ông là người xuất gia đâu thể sân giận? Trong tâm sân giận thì chỉ tự làm hại, như trong mây lạnh tuôn lửa đốt thân”.

Chư vị Tỳ-kheo thưa:

- Phật là đấng Pháp vương, xin hãy tạm yên nghỉ. Bọn ấy xâm phạm chúng con. Chúng con không thể không đáp trả.

Phật nghĩ hạng người này không thể độ được liền lên không trung mà đi, vào giữa rừng cây ngồi yên lặng mà nhập tam muội.

Sân giận khiến tâm chai cứng, không biết phân biệt lời phải trái, vì thế cần tỉnh giác nuôi dưỡng tâm nhẫn đối những việc nhỏ nhặt hàng ngày, giúp nhẫn có lực. Nhẫn lực có thì mới có thể tỉnh giác làm chủ bản thân khi việc lớn xảy ra.            

Sân giận đối nghịch với bi tâm, làm tiêu mất bi tâm, trong khi bi là gốc của Bồ-tát. Không có bi tâm thì hạnh lợi tha không thể trôi tròn. Lợi tha không tròn thì tự lợi cũng không thể viên mãn. Vì thế kinh Bồ-tát thiện giới nói: “Bồ-tát phạm sân, là nhân duyên hủy giới. Tâm giận dỗi bỏ rơi chúng sinh, tâm tham ái có thể che chở chúng sinh. Nếu yêu mến chúng sinh chẳng gọi là phiền não. Giận dỗi bỏ rơi chúng sinh, gọi là phiền não sâu nặng… Bồ-tát si mê không có phương tiện hay khéo lo sợ phạm ái. Bồ-tát có trí, khéo biết phương tiện, lo sợ phạm sân, chẳng sợ phạm ái”.

Với hạng chúng sinh này, cần phải quán nhân quả để từ bỏ gốc sân. Không gì không có nhân duyên. Không đời này thì đời trước. Đã có nhân duyên từ trước thì khi quả đến cần phải quán xét nhân quả mà an vui nhẫn nhịn, để chấm dứt dòng nghịch duyên tương tục. Cần dấy khởi tâm bi mà thương xót tất cả chúng hữu tình. Bồ-tát Long Thọ dạy: “Nếu thấy chúng sinh đến làm não loạn hãy tự suy nghĩ, đó là thân hậu của ta, là thầy ta, càng thêm lòng thân ái, cung kính tiếp đãi. Vì sao? Vì nếu kia không đem các sự não loạn đến thời ta không thành nhẫn nhục. Ta không nên như các người khác, thường theo dòng sinh tử… Hết thảy người phàm, hễ ai động đến là nổi giận, ai đưa lợi ích đến thì mừng. Ta làm Bồ-tát không thể như họ, tuy chưa dứt kiết sử, hãy tự ức chế, tu hành nhẫn nhục, gặp não hại không giận, được cung kính cúng dường không mừng, các khổ gian nan không nên sợ sệt. Hãy vì chúng sinh hưng khởi tâm đại bi”. 

Đối với hạng chúng sinh hay sân giận gây hấn thì Bồ-tát cần phải có bi tâm, dùng bi tâm rưới tắt lửa sân. Không vì sự sân giận của người mà khởi tâm sân giận nơi mình. Chúng sinh bị thói quen tham sân trói buộc, không biết gì về nhân duyên nhân quả, nên không đủ ý thức làm cho cơn sân giận khi có việc xảy ra. Nếu đủ trí tuệ quán sát đời người chỉ là những mạch nối nhân duyên với nhau, chúng sinh lưu chuyển sinh tử đều theo cách như thế, con người chỉ là nạn nhân của những nhân duyên đã lỡ gây tạo trong dòng sống của mình, không thể tự chủ khi nhân duyên hội đủ… thì Bồ-tát sẽ khởi tâm thương xót hơn là bực bội ghét bỏ. Từ đó tùy duyên thân cận mà không có tâm né tránh. Dù với phương tiện giáo hóa nào thì tâm thương yêu vẫn là nền tảng. Vì thế nếu là hàng Bồ-tát đắc lực thì với hạng chúng sinh này chỉ khởi nhẫn tâm. Dùng định tĩnh và lời nói dịu dàng giúp phá bỏ sự sân hận của đối phương.

Cách đây mười mấy năm, tôi có một giấc mơ. Ngộ nghĩnh. Nhưng tôi đã coi nó như một lời giáo huấn của chư Phật đối với việc tu hành của mình. Nó góp phần không nhỏ trong việc giải quyết các nghịch duyên của tôi.

Tôi thấy người ghét và oán tôi vô số. Chỉ vì tôi đã dùng Phật pháp phá bỏ tư kiến cũng như công việc của họ trong nhiều đời. Thấy tình trạng đó xảy ra, tôi khởi ý xả bỏ thân này để hy vọng phá bớt những oán hận kia. Ai muốn làm gì thân này thì làm. Chửi, đánh, giết đều được. Nhưng đã thực hành các việc đó rồi thì xin xóa bỏ hận xưa. Khi tuyên bố lời đó với mọi người, đa phần đều nguôi tâm sân hận, vui vẻ bỏ đi. Chỉ còn lại ít người nhào tới đánh túi bụi. Song đánh tới đâu, người tôi khỏe ra tới đó, tâm thêm thông thoáng an vui.

Giấc mơ dạy rất rõ về nhân quả và lợi ích của việc xả tâm. Trên đời này không có gì xảy ra mà không có nhân duyên. Không phải tự dưng thiên hạ chửi mình, cũng không phải tự dưng thiên hạ oán mình v.v... Tất cả đều có nhân duyên, không kiếp này thì từ những kiếp lâu xa về trước. Không phải chỉ có sự đánh đập, tham trước của người mới tạo ra cái quả oán hận. Ngay lời nói phải, lời nói Phật pháp êm dịu, một khi đã đụng đến bản ngã của người thì khó mà tránh được các nghịch duyên. Song dù là thuận hay nghịch thì cái nhân cũng chính từ mình. Đã có gan nói thì phải có gan chịu. Vì thế không nên hướng ra ngoài trách cứ hay đối chọi, khiến dòng nhân quả tương tục thêm dài, oán hận thêm sâu. Cần quay lại giải quyết cái nhân trong chính mình. Xả tâm được thì mọi nghịch duyên bên ngoài nhất định giải quyết được. Nhẫn là tối cần thiết cho việc xả tâm.

Một vị nữ tu đã nói với tôi, hễ khi nào cô thấy thối chí hoặc tâm sinh khởi những chướng ngại không tốt cho việc tu hành, thì lập tức cha mẹ anh em bên ngoài cũng có chuyện vướng đến việc tu hành của cô. Hoặc là gặp bất trắc trong đời sống, hoặc là tự họ sinh khởi những hành động không phù hợp với các giới đã thọ. Nếu bình được tâm thì thế giới bên ngoài cô lập tức bình. Đó không phải là việc lạ. “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Chúng sinh trong tâm không khác chúng sinh ngoài tâm. Chỉ là nghiệp thức của mình đã đủ cơ để nhận được việc đó hay chưa? Đã đủ cơ để vận dụng được việc đó vào đời sống thường nhật của mình hay không?   

Thế nào là Pháp nhẫn

Pháp có hai, một là chúng sinh, hai là các pháp. Nhẫn với chúng sinh, gọi là Sinh nhẫn. Nhẫn với tất cả pháp, gọi là Pháp nhẫn. Như vậy Sinh nhẫn là một phần của Pháp nhẫn. Song kinh luận phân hai là y vào quá trình tu hành ngược dòng hoàn tịnh mà phân.

Luận Đại trí độ nói: “Pháp nhẫn là trong không đắm sáu căn, ngoài không thọ sáu trần”.  

Nhẫn với các pháp nóng, lạnh, gió, mưa,… gọi là Pháp nhẫn.

Nhẫn với các pháp đói, khát, già, bệnh,… gọi là Pháp nhẫn.

Nhẫn với các pháp lợi dưỡng, cung kính,… gọi là Pháp nhẫn.

Nhẫn với các pháp đang hiện khởi trong tâm như sân hận, kiêu mạn, dâm dục v.v,… gọi là Pháp nhẫn. Vì thói quen tham sân không phải nói bỏ là liền bỏ được. Nhờ nhẫn mà sân hận, dâm dục v.v, … không hiện khởi thành khẩu nghiệp và thân nghiệp, nhưng không có nghĩa đã không hiện khởi ở tâm. Không nhẫn với các pháp bất thiện ấy thì phiền não chồng phiền não. Đây có thể phân thành hai:

1- Không nhẫn thì chúng sẽ hiện khởi thành thân nghiệp hoặc khẩu nghiệp phan duyên với các pháp. Phạm giới, vì không nhẫn được với những ham muốn dấy khởi ở tâm.

2- Không nhẫn thì sẽ sinh tâm bực bội với những dấy khởi đó. Phiền não chồng phiền não thì nhẫn lực không phát huy được tác dụng của nó.

1nsgn 1.jpg

Xưa, có một vị Tỳ-kheo tu khổ hạnh. Mỗi lần đủ duyên, “của nợ” của ông lại dựng lên. Tu hành lâu ngày mà việc đó thấy không hết, nên ông bực bội đoản nó đi, nhưng từ đó về sau ông không còn công phu được nữa. Đó là chuyện tôi được nghe từ Sư Hưng. Sư dạy chúng tôi phải biết nhẫn trong việc trừ dâm ái. Sư nói: “Hành giả tu thiền định, không có tâm dứt cái hoặc tham sân, cũng không dứt cái hoặc tham sân”. Điều này không có nghĩa là không trừ tham sân. Nếu không trừ tham sân thì khác gì phàm phu ngoại đạo? Phải trừ tham sân. Song trừ tham sân chính là làm mất cái lực của tham sân, không phải diệt mất cái hoặc tham sân. Luận Đại trí độ nói: “Bồ-tát nên tu nhẫn đối với các phiền não, không nên dứt kiết sử. Vì sao? Vì nếu dứt kiết sử, thì mất mát rất nhiều. Bị rơi vào con đường La-hán, không khác gì người có đủ các căn mà các căn lại bị bại liệt. Cho nên, ngăn đỡ các kiết sử mà không dứt nó. Nhờ tu nhẫn mà không theo các kiết sử”.

Hai chữ “không theo” đó, nhắc chúng ta nhớ đến pháp “Biết vọng không theo’ của Hòa thượng Trúc Lâm, một pháp môn từng bị chê là không phải cứu cánh cũng không đưa đến cứu cánh. Nhưng chính pháp môn đó, giúp hành giả trừ cái lực của dòng tương tục mà không diệt mất các kiết sử. Nó không thể là cứu cánh vì nó chỉ là phương tiện, nhưng là loại phương tiện giúp hành giả đạt được cứu cánh. Cứu cánh nói đây, nhà Thiền gọi là triệt ngộ, là đốn ngộ đồng chư Phật, tức chứng ngộ được tánh Không của vạn pháp, là trực nhận được thể tánh của vạn pháp, không phải chỉ tin nhận hay suy lường tánh các pháp là không.

Nếu nhận được thực tướng của các pháp thì “Đối với kiết sử không sân. Đối với công đức không ái”. Cho nên, Bồ-tát đối với những gì thuộc về nhị biên phân biệt đều phải nhẫn. Có vậy mới đạt được Vô sinh pháp nhẫn.

Nhẫn mà không nhẫn

Vua Trần Nhân Tông học pháp với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Một lần ngài hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:

- Nếu giữ gìn giới hạnh trong sạch không chút xao lãng thì thế nào?

Tuệ Trung cười, không đáp.

Trần Nhân Tông lại thỉnh cầu. Tuệ Trung mới trả lời:

Giữ giới cùng nhẫn nhục

Chiêu tội chẳng chiêu phước

Muốn biết không tội phước

Chẳng giữ giới nhẫn nhục

Như khi người leo cây

Trong an tự cầu nguy

Như người không leo cây

Trăng gió có làm gì.

Dạy thế rồi, lại dặn nhỏ Trần Nhân Tông:

- Chớ bảo cho người không ra gì biết.  

Tất cả mọi kinh luận đều nói đến việc tu nhẫn. Nhẫn giúp phát sinh công đức và trí tuệ. Phật khi sắp nhập Niết-bàn cũng nói đến hai chữ “giữ giới”, đó là nền tảng căn bản mà bất cứ Phật tử nào cũng phải giữ gìn. Nhưng Tuệ Trung Thượng Sĩ lại nói “Giữ giới cùng nhẫn nhục/ Chiêu tội chẳng chiêu phước”. Có phải là đi ngược lại bản hoài của Phật Tổ chăng?

Muốn hiểu được chỗ này, trước phải nắm cho được cái lý đang chi phối thế gian này.

Lý đang chi phối thế gian này là lý Duyên khởi. Tất cả pháp ở thế gian, thực tánh của nó là không, chỉ tùy duyên mà hiển tướng. Vì thế giá trị của nó không mang tính phổ quát (trùm khắp). Phật pháp cũng như thế. Tùy duyên mà có pháp tương ưng, nên giá trị của pháp cũng không mang tính phổ quát, chỉ tùy duyên mà hiển giá trị đối với duyên đó thôi.

Người đời, do tham, sân, si dấy khởi mạnh, tạo thành nghiệp lực mà biến hiện ra các đường rồi thọ quả ở các đường đó. Tham nhiều, sân nhiều, si nhiều thì thọ quả xấu nhiều, đau khổ nhiều và sinh tử tương tục nối tiếp không dứt. Với cái duyên như thế, Phật dạy trì giới, nhẫn nhục để việc thọ quả được tốt đẹp hơn, cũng để gần đạo hơn.  

Riêng chư vị Bồ-tát, ngoài việc được quả báo tốt đẹp, giữ giới và nhẫn nhục còn giúp phát sinh định lực và trí tuệ, là nhân để tự lợi và lợi tha được tròn đầy. Vì thế không phải chỉ người đời mới học hạnh nhẫn, Bồ-tát cũng phải trì giới và nhẫn nhục. Không phải chỉ nhẫn với sân hận, với những tham đắm quá đáng như người đời, mà tất cả những gì thuộc về nhị biên phân biệt đều phải nhẫn. Vì không nhẫn với những gì thuộc về nhị biên phân biệt thì không thể dứt trừ tập nghiệp, không thể thấy Phật tánh, không thể thành tựu Phật quả. Như gương bị bụi không thể sáng. Lau bụi không tạo ra bóng sáng của gương, nhưng nhờ lau bụi mà bóng sáng của gương được hiển lộ. Trì giới và nhẫn nhục cũng như thế. Chúng không tạo ra Phật tánh, nhưng nhờ chúng mà Phật tánh được hiển lộ.   

Tóm lại, trì giới và nhẫn nhục là thuốc dùng để đối trị các ác pháp. Vì là thuốc dùng để trị bệnh, nên có bệnh mới dùng thuốc, không bệnh thuốc không dùng. Nếu không bệnh mà dùng thuốc thì không bệnh sẽ thành bệnh. Đó là lẽ thật ở đời. Tương tự, có người phạm giới mới nói đến trì giới. Có người sân giận, tham trước mới nói đến pháp nhẫn nhục. Không phạm giới, không sân hận, không tham trước, không đặt vấn đề trì giới và nhẫn nhục. Đây chính là lý do Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: “Như khi người leo cây/ Trong an tự cầu nguy/ Như người không leo cây/ Trăng gió có làm gì”. Không leo cây thì không nguy. Không nguy không cần phải tìm an. An vốn đã tự an.

Đứng ở mặt khởi tâm mà nói, đủ duyên để khởi tham sân mà không còn bị cái lực của tham sân dẫn chạy thì không cần phải dùng đến nhẫn. Tức lực của tham trước, phạm giới và sân hận đã mất rồi. Tham, sân v.v… đã hiện nguyên hình là vọng, thì trì giới và nhẫn nhục cũng buông, trả tâm trở về chỗ vô trụ. Không thì không thể nhận ra tính thực của thế gian, không thể thoát khỏi loại sinh tử vi tế chi phối. Buông, nghĩa là trì giới và nhẫn nhục vẫn đầy đủ mà không chấp thủ trì giới và nhẫn nhục.

“Không tội phước”, là chỉ cho “tánh thực của thế gian”, là cảnh giới “phi tất cả mà tức tất cả” nói trong kinh Lăng nghiêm, là chỗ mà Đức Phật dùng 108 câu bắt đầu bằng các từ vô, bất, phi, ly để trả lời ngài Đại Huệ trong kinh Lăng-già. Tuy nói chỗ mà thật không có chỗ nơi để nói. Nhà Thiền gọi chỗ phi tất cả đó là “tánh của vạn pháp”. Là chỗ mà tâm phải lìa mọi nhị biên phân biệt, tức lìa mọi chấp thủ nhị biên, mới có thể tương ưng. Đó là lý do Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: “Muốn biết không tội phước/ Chẳng trì giới nhẫn nhục”. Tất cả đều phải không, cái không đó cũng không, thì mới thấu được thể tánh của tất cả pháp.              

Tóm lại, pháp thế gian là pháp Duyên khởi, chỉ tùy duyên mà hiển tướng, không có thứ gì mang tính phổ quát. Vì thế phải tùy căn cơ mà dụng pháp tương ưng thì mới có lợi ích, không thì tổn hại thêm lớn. Nói không trì giới và nhẫn nhục, vì tham, sân, si không còn lực để hành giả phải vì nó mà luân chuyển trong các đường, không phải là buông cho tham, sân, si sinh khởi thoải mái. Cho nên, Tuệ Trung Thượng Sĩ dặn nhỏ: “Chớ bảo cho người không ra gì biết”. Người không ra gì là người còn đầy dẫy tham ái và sân hận v.v... Nếu cho họ dùng pháp này thì không khác gì đẩy họ xuống địa ngục. Phật pháp bất định là như thế.    

Chân Hiền Tâm

___________________

(1) Luận Đại trí độ tập I, chương 24, Bồ-tát Long Thọ, HT.Thích Trí Siêu dịch.

(2) Luận Đại trí độ tập I, chương 24, Bồ-tát Long Thọ, HT.Thích Trí Siêu dịch.

(3) Luận Đại trí độ tập I, Chương 24, Bồ-tát Long Thọ, HT.Thích Trí Siêu dịch.

(4) Luận Đại trí độ tập I, Chương 24, Bồ-tát Long Thọ, HT.Thích Trí Siêu dịch.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.