Báo Giác Ngộ là một trong hai tờ báo tôn giáo được giữ lại sau quy hoạch báo chí của Chính phủ, cùng với Công giáo và Dân tộc. Với bề dày phát triển của mình, ra mắt số đầu tiên ngay sau thống nhất đất nước (1-1-1976), Giác Ngộ đã trở thành tờ-báo-lớn trong lòng Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc và cả đồng nghiệp.
Tờ báo tôn giáo chỉn chu, nghiêm túc
Hiện tại, báo Giác Ngộ là cơ quan ngôn luận của GHPGVN TP.HCM, tuy nhiên, về vai trò thông tin, sự chuyên nghiệp (chỉn chu trong nội dung, nhanh nhạy thông tin, góc nhìn đa dạng, sắc sảo), tờ báo được đánh giá cao, là tờ báo Phật giáo duy nhất trong làng báo Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh nhạy tin, báo Giác Ngộ còn nhanh chóng chuyển đổi số, phát triển đa phương tiện (báo in, điện tử, truyền hình) trên nền tảng công nghệ hiện đại. Theo dõi báo Giác Ngộ, một người có nghề nào cũng bày tỏ sự cảm kích về vai trò tổ chức nội dung, bắt nhịp xu hướng của những người điều hành tờ báo qua các thời kỳ. “Với mình, báo Giác Ngộ là báo lớn”, nhà báo Chí Quốc (báo Tuổi Trẻ - VP Cần Thơ) nhiều lần chia sẻ.
Thượng tọa Thích Tâm Hải, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ trực tiếp chỉ đạo nhóm PV tác nghiệp truyền hình trực tiếp trong một sự kiện quan trọng của Phật giáo |
Nhiều anh chị nhà báo, nhà nghiên cứu, Tăng Ni, Phật tử cũng bày tỏ như vậy và cho biết, cần bất kỳ thông tin hay tham vấn nào liên quan đến Phật giáo đều tìm tới báo Giác Ngộ với sự tin cậy tuyệt đối. Báo “lớn” chính ở chỗ thông tin chính xác, đáng tin cậy, chuyên nghiệp chứ không phải chỉ ở sự rầm rộ đầu tư thiết bị, máy móc. Giác Ngộ đã đạt được “chuẩn” ấy.
Tháng 5-2023, phái đoàn Hiệp hội Báo chí tại Chiang Mai (Vương quốc Thái Lan) do ông Amnat Jongyoting, Chủ tịch Hiệp hội làm Trưởng đoàn cùng các thành viên là nhà báo Thái Lan đã có cuộc trao đổi thông tin về báo chí Phật giáo Việt Nam tại chùa Vĩnh Nghiêm. Tại đây, ông Trưởng đoàn và các thành viên đã rất hứng thú khi biết và trực tiếp cầm trên tay các ấn phẩm, sản phẩm báo chí của báo Giác Ngộ trên hệ sinh thái số. Lãnh đạo Hiệp hội Báo chí Thái Lan chia sẻ, dù ở Thái có nhiều chùa chiền, chư Tăng và Phật giáo là tín ngưỡng của hầu hết người dân, nhưng chưa có một cơ quan báo nào tương tự như báo Giác Ngộ.
Câu lạc bộ PV-CTV Báo Giác Ngộ, lực lượng tác nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho tòa soạn trong việc phản ánh tin tức Phật sự |
Thực tế, Giác Ngộ có rất nhiều nguồn tin riêng, chính thống và đặc biệt đã được nhiều tờ báo trong nước dẫn lại. Kho tư liệu của Giác Ngộ liên quan hình ảnh của Phật giáo các thời kỳ với dân tộc, dân sinh đăng tải tuần báo; nội dung nghiên cứu sâu trên nguyệt san Giác Ngộ hay các bài thuyết giảng được chọn lọc, biên tập, đăng tải từ kênh Giác Ngộ TV thực sự dẫn đầu và trở thành nguồn tham khảo, trích dẫn, học tập quý giá.
Trong thời đại số, nhiều nền tảng mạng xã hội nổi lên với những "trend" mới, thay đổi liên tục, lên xuống thất thường nhưng báo Giác Ngộ vẫn là nơi mà giới Phật giáo, những người yêu mến đạo Phật, nghiên cứu, tìm hiểu và chọn để gửi gắm thông tin và cả niềm tin. Đây có thể nói là niềm hạnh phúc, món quà quý giá cho đội ngũ báo Giác Ngộ qua các thời kỳ.
Phòng studio phục vụ trong hướng phục vụ thông tin đa phương tiện |
Giữ vững thương hiệu, tạo sức bật cho tuổi 50 sắp tới
Sự yêu mến của bạn đọc dành cho báo Giác Ngộ chính từ giá trị bền vững mà tờ báo đã xây dựng suốt 48 năm hiện diện. Ở đó có sự đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, cộng tác viên và cả bạn đọc. Những nhà báo và “nhà báo không thẻ” đã cùng viết nên trang sử đẹp cho tờ báo để mỗi dịp cuối năm, mừng sinh nhật báo, mọi người lại xúc động kể về kỷ niệm, gửi gắm, hiến kế cho sự phát triển hơn nữa của Giác Ngộ.
Rất nhiều hiến kế về mở trang mới, chuyển đổi số cùng thời đại đã được báo Giác Ngộ ghi nhận, thực hiện. Một Giác Ngộ online với giao diện thân thiện, cập nhật nhanh, chính xác; một Giác Ngộ TV với kênh pháp thoại được duy trì xuyên suốt mùa dịch đến nay; một Fanpage báo Giác Ngộ - kênh lan tỏa tin tức từ các nền tảng của báo với sự chuyên nghiệp… chính là thành quả cần ghi nhận.
Tất cả góp phần giữ vững thương hiệu của tờ báo. Và thực ra, giữ “nếp nhà”, phát huy truyền thống - là tờ báo Phật giáo sâu sắc, gần gũi, thông tuệ nhưng không xa rời cuộc sống hiện đại - mới chính là cách để phát triển bền vững.
Đội ngũ phóng viên - biên tập viên của Giác Ngộ TV trong một buổi livestream |
Thời gian tới, báo Giác Ngộ có thể tiếp tục mở rộng các cuộc thi viết, thi video truyền cảm hứng, nâng cao hiểu biết của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ với Phật giáo, giáo lý Phật-đà. Báo cũng có thể tổ chức các hội thảo/ tọa đàm sâu về văn hóa Phật giáo (từ tông môn pháp phái đến Phật giáo vùng miền, nghi lễ địa phương…), tổ chức các talkshow chia sẻ về cách thực hành lời Phật dạy trong đời sống của doanh nhân, trí thức, người trẻ… để cùng kết nối, giúp cho câu chuyện “Phật pháp và đời sống” đi vào thực tế hơn.
Hội ngộ trong ngày vui sinh nhật báo |
Các thăm dò, trắc nghiệm về Phật giáo hàng tuần, thậm chí hàng ngày dành cho bạn đọc của báo trên Giác Ngộ online hoặc Fanpage Giác Ngộ cũng có thể xem là cơ hội để báo lan tỏa các giá trị của Phật giáo, tăng tương tác.
Đối với các chuyên gia, cộng tác viên thường xuyên, báo Giác Ngộ nên phát triển nhóm “cây bút” Phật giáo. Tạo tài khoản chuyên gia/ cây bút của báo (có hình ảnh, thông tin tác giả) để tăng uy tín các bài viết và cá nhân hóa các sản phẩm xuất bản trên Giác Ngộ.
Từ trái qua: Nhà báo Như Danh, Lưu Đình Long, Hạnh Ý, nhóm tác giả của tuyến bài "Tu sĩ trẻ dấn thân" đăng trên tuần báo Giác Ngộ được nhận giải 3 - giải báo chí "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - Vì hạnh phúc của nhân dân" lần 2 - năm 2023 |
Ngoài ra, báo Giác Ngộ cũng cần có đề án phát hành các bài báo online (thu tiền bạn đọc trên báo điện tử). Có thể thực hiện thử nghiệm đối với nguyệt san Giác Ngộ. Những bài báo nghiên cứu từ nguyệt san rất giá trị, tuy nhiên kén bạn đọc, nên việc phát hành ấn phẩm in có thể không cần đẩy mạnh mà dành cho gói đọc online thông qua các tài khoản cho người thực sự cần.
Mạnh dạn thay đổi, thích ứng với thời duyên nhưng không đánh mất mình chính là câu chuyện mà thiết nghĩ, những người lãnh báo Giác Ngộ thế hệ thứ 3 cần ngồi lại để định hướng trước thềm 50 tuổi của báo.
Phỏng vấn các bậc giáo phẩm lãnh đạo cao nhất của Giáo hội |
Thông tin từ Giác Ngộ luôn chính xác, đáng tin cậy, chuyên nghiệp chứ không phải chỉ ở sự rầm rộ đầu tư thiết bị, máy móc |
Các phóng viên, cộng tác viên cùng nhau thảo luận trước khi bắt tay tác nghiệp.. |
... nhiệt tình |
Đội ngũ phóng viên, cộng tác viên |
... chỉn chu |
... đoàn kết |
... để chuyển tải các thông tin của Giáo hội một cách chính xác, trực tiếp |
... bài viết có giá trị |
... hình ảnh đẹp, chất lượng |
... gửi đến bạn đọc trong và ngoài nước |
... góp phần giữ vững niềm tin cậy của tờ báo trong suốt 48 năm qua |
Nhà báo Như Danh và Hạnh Ý nhận giải thưởng báo chí TP.HCM lần thứ 40 năm 2022 với tác phẩm "Áo nâu nơi tuyến đầu điều trị Covid-19" |
Đại diện báo Giác Ngộ và các báo nhận giải bìa báo Xuân Nhâm Dần 2022 |
Báo Giác Ngộ là một trong hai tờ báo tôn giáo được giữ lại sau quy hoạch báo chí của Chính phủ, cùng với Công giáo và Dân tộc. Với bề dày phát triển của mình, Giác Ngộ đã trở thành tờ-báo-lớn trong lòng Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc và cả đồng nghiệp |
Lưu Đình Long
(nguyên Phó Thư ký tòa soạn, phụ trách Giác Ngộ online)