Nguồn sinh khí mùa xuân

Giác Ngộ - "Mỗi người hãy có một cách thực tập, một pháp môn cụ thể để hành trì, làm sao cho cuộc sống luôn được thanh thản, an lạc, và phải biết tập buông xả. Đó là nguồn sinh khí mùa xuân khiến cho cuộc đời chúng ta luôn xanh tươi, đầy sức sống để vượt qua mọi chướng ngại, mọi chông gai trên các nẻo đường đời."

Mỗi khi nghĩ về truyền thống Phật giáo Việt Nam, tôi liền nghĩ tới Thiền sư Vạn Hạnh ở đời Lý, một bậc thiền sư ngộ đạo, có tầm nhìn sáng suốt và xa rộng. Ngài đã dấn thân trong tinh thần hộ quốc an dân, khéo léo sắp đặt mọi việc hệ trọng thuận lý, khế hợp lòng người, với niềm tin trong sáng và mãnh liệt vào con đường phát triển của đất nước, ngài đã vận dụng nhiều cách để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sau này trở thành bậc lãnh đạo quốc gia có nhiều đóng góp quan trọng cho dân tộc, nổi bật nhất là việc chuyển kinh đô từ Hoa Lư chật hẹp và hiểm trở về Đại La - với thế đất bằng phẳng và rộng lớn hơn - đổi tên là Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay.

wwwskmx.JPG

Ảnh: Bảo Thiên

Thăng Long tròn 1.000 năm tuổi, năm vừa qua chúng ta đã tổ chức đại lễ kỷ niệm rất trọng thể. Đối với Phật giáo, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, là dịp để nhớ về công hạnh của chư vị Tổ sư, thiền sư trong lịch sử, học hạnh gương sáng của chư vị đã dấn thân để đưa giá trị Phật pháp vào đời sống, để ý thức hơn nữa những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam trong tương quan mật thiết với dân tộc là luôn có sự đồng hành, đồng sự, chia sẻ trách nhiệm trước các yêu cầu của đất nước. Chúng ta cần phải có những hiểu biết sâu sắc về lịch sử để làm tròn trách nhiệm kế thừa, nhất là giữ được tinh thần truyền thống trong các Phật sự ở thời đại hôm nay.

Tinh thần đó được thể hiện một cách tự nhiên và sống động qua hành trạng của nhiều vị thiền sư, các bậc cao tăng thừa hành Phật sự và dấn thân hoằng pháp. Tôi nhớ nhất là lời nói của cố Hòa thượng Thích Trí Thủ - vị Chủ tịch đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về quan niệm Phật sự của ngài, rằng: Những gì tôi làm cho đạo pháp là làm cho dân tộc; những gì tôi làm cho dân tộc là làm cho đạo pháp. Truyền thống của Phật giáo Việt Nam chúng ta luôn có mối tương quan Đạo pháp - Dân tộc bất khả phân ly, hòa quyện như sự hài hòa của nước với sữa.

Tinh thần đó cũng là chủ trương hành động của Giáo hội, của mọi Phật sự trong thời đại hôm nay.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức thống nhất, hòa hợp tất cả hệ phái thuộc Nam tông và Bắc tông. Đặc tính đó được thể hiện rõ nhất là qua nội dung của nền giáo dục Phật giáo từ sơ cấp cho đến đại học và hậu đại học ở trên cả ba miền đất nước. Khi tham gia các hoạt động ngoại giao, làm việc với Phật giáo các nước trên thế giới, đặc điểm và thế mạnh đó của Phật giáo Việt Nam càng được nổi bật, bởi điều đó không có ở các nước và vùng lãnh thổ khác.

Tôi nghĩ, đó là một trong những điểm kế thừa truyền thống của Phật giáo Việt Nam từ ngàn xưa. Trong lịch sử, có những giai đoạn có sự hiện hữu của nhiều truyền thống, nhiều pháp môn, nhiều dòng thiền… nhưng không thấy sự mâu thuẫn, kích bác lẫn nhau gay gắt như ở một số nơi, mà luôn có sự hài hòa cộng trụ.

Có nhiều người lo xa tỏ ra bi quan và lo âu về tương lai của Phật giáo Việt Nam tụt hậu trước các bước tiến của xã hội. Tôi thì không nghĩ như vậy.

Cuộc đời là vô thường. Có thịnh thì có suy. Sau suy đồi ắt sẽ đến giai đoạn hưng thịnh. Đối với đạo Phật, sự phát triển thường được đánh giá qua sự hiện diện của các bậc cao tăng đắc đạo, được nhân dân tín ngưỡng. Sự suy đồi là lúc tu sĩ Phật giáo không lo tu học, kiến thức và đạo đức nghèo nàn.

Theo tôi, đừng quá lo xa rồi đánh mất việc rất quan trọng cần phải làm, cần phải thực hiện cho được, đó là siêng năng tu học, giữ gìn giới pháp một cách trọn vẹn song song với các Phật sự tùy duyên mà ứng phó trong khả năng và hoàn cảnh cho phép. Điều quan trọng nữa là luôn sống nhịp nhàng theo sự vận hành chung của xã hội, của Giáo hội, của luật pháp. Cần tỉnh tâm để nhìn ra những nguyên nhân của sự hưng thịnh, suy đồi để có được cách sống hài hòa, và bồi đắp chí hướng tu hành hướng đến giải thoát giác ngộ như Đức Phật đã dạy ngày mỗi thêm kiên định trong lòng.

Kinh nghiệm của tôi là nếu gặp lúc suy thì đừng nản lòng mà cần phải nỗ lực siêng năng học và tu, càng tinh tấn càng tốt. Không có điều gì là không thể thay đổi được. Đừng quá lo lắng, chạy theo việc còn hay mất, khen hay chê, vinh quang hay bị quên lãng… mà bỏ qua mục tiêu, lý tưởng của người Phật tử. Hãy cố gắng để thể hiện một cách sinh động, sống động lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày, thể hiện sự kế thừa truyền thống hành xử của chư Tổ, các thiền sư qua từng Phật sự, các hoạt động tùy duyên tham gia hoặc được cử tham gia vì lợi lạc chung.

Một điều tôi muốn gởi gắm nhân mùa xuân mới về là trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người hãy có một cách thực tập, một pháp môn cụ thể để hành trì, làm sao cho cuộc sống luôn được thanh thản, an lạc, và phải biết tập buông xả. Đó là nguồn sinh khí mùa xuân khiến cho cuộc đời chúng ta luôn xanh tươi, đầy sức sống để vượt qua mọi chướng ngại, mọi chông gai trên các nẻo đường đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.