Người VN lạc quan về tương lai

GN - Theo cuộc điều tra xã hội học gần đây, về kinh tế, thế giới đang được chia thành hai cực: một là “những nước lạc quan”, tức những nước đang nổi lên. Còn cực khác là “những nước bi quan”, tức các nước phương Tây. Niềm tin vào tương lai đã hoán đổi vị trí. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến phương Tây đang xếp đặt lại mô hình của mình. Một cách sâu xa hơn, từ “thịnh vượng” dường như đã bị xóa bỏ khỏi kho từ vựng...

10.jpg

Người Việt Nam lạc quan

Đó là đầu đề bài báo trên Tuổi Trẻ số thứ Tư ngày 5-1-2011 của N.T.ĐA. “Tổ chức Quốc tế Gallup và Viện dư luận BVA cùng thực hiện từ ngày 11-10 đến 13-12-2010 tại 53 quốc gia cho thấy người Việt Nam lạc quan nhất thế giới, còn người Pháp bi quan nhất thế giới. BVA nhận định Việt Nam nằm trong số nhiều nước đang nổi lên, không những đối phó tốt với khủng hoảng mà còn tận dụng được thời cơ để phát triển. Nhìn về tương lai, có tới 70% người Việt được hỏi cho biết tin tưởng vào sự phồn thịnh kinh tế trong năm 2011, trong khi tỷ lệ chung trên thế giới chỉ là 30%.

“Theo cuộc thăm dò này, về kinh tế, thế giới đang được chia thành hai cực: một là “những nước lạc quan”, tức những nước đang nổi lên. Còn cực khác là “những nước bi quan”, tức các nước phương Tây. Niềm tin vào tương lai đã hoán đổi vị trí. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến phương Tây đang xếp đặt lại mô hình của mình. Một cách sâu xa hơn, từ “thịnh vượng” dường như đã bị xóa bỏ khỏi kho từ vựng.

“Trong nhóm các nước bi quan, Pháp đứng đầu với 61% bi quan về tình hình kinh tế năm 2011. Cùng bi quan như người Pháp là người Ý(41%), Tây Ban Nha (48%), Anh (52%) và Đức (22%)”.

Tuy đây là một cuộc thăm dò “Tiếng nói của người dân” về một vấn đề kinh tế, nhưng nó cũng cho chúng ta biết về xã hội và văn hóa, vì cách “đối phó với khủng hoảng”, “tận dụng được thời cơ”, “thái độ tin tưởng lạc quan hay bi quan” trước vấn đề ấy cũng nói lên được tính khí và quan niệm sống hiện thời của một quốc gia.

Dĩ nhiên chúng ta không lạc quan “tếu”, lạc quan “hão”. Chúng ta biết chúng ta ở đâu, vị trí chúng ta ở đâu trong thế giới. Chúng ta không lạc quan “ẩu” khi nhìn vào hầu hết các lĩnh vực xã hội đều có vấn đề. Khi chúng ta mới ra khỏi nước nghèo vào năm ngoái. Chúng ta lạc quan mà vẫn nhìn rõ mức độ dân trí, dân khí và dân sinh của mình.

Trong niềm lạc quan tương đối, “biết mình biết người” ấy, chúng ta nhìn “sự nghiệp” tinh thần của chúng ta, sự “đầu tư” của chúng ta, “ước mơ” của chúng ta, là Phật giáo.

Khi nhìn về Phật giáo, quả thật cũng khá lạc quan. Phật giáo đang phát triển cùng với sự phát triển của đất nước. Ở đây chúng ta chỉ nêu một câu hỏi và tìm cách tự trả lời: Có phải vì kinh tế phát triển kéo theo sự phát triển của Phật giáo, còn Phật giáo chỉ là người thụ động? Nếu kinh tế không phát triển, lấy tiền đâu để xây chùa, tạc tượng, đúc chuông, in kinh sách…?

Vâng, Phật giáo phát triển vì xã hội phát triển. Nhưng với trình độ logic và khoa học hiện nay, không có cái gì là chịu tác động một chiều. Hai sự vật, hai thực thể đều tác động lẫn nhau, tương tác. Và tương tác trong nhiều chiều, vì không có sự vật nào, thực thể nào chỉ có một mặt.

Kinh tế tác động rất mạnh lên Phật giáo, có “thực mới vực được đạo” mà. Nhưng không thể nói Phật giáo không tác động lên kinh tế. Anh có giàu anh mới cho  tiền xây chùa, thỉnh xá lợi, in kinh…, nhưng tại sao anh không dùng tiền đó để hưởng thụ cho riêng mình…? Cũng là vì anh thấy giá trị của Phật giáo vậy. Vì Phật giáo ảnh hưởng lên thái độ sống của anh vậy.

Chỉ nhìn vào ngăn sách Phật giáo ở các nhà sách, chúng ta có thể thấy Phật giáo có cùng phát triển với xã hội hay không và Phật giáo ảnh hưởng lên thái độ sống của người ta như thế nào. Đặc biệt là năm vừa qua,1.000 năm Thăng Long, chúng ta thấy sự hiện hữu của Phật giáo trong đời sống dân tộc như thế nào.

Trong sự tiến bộ và phát triển vững chắc và toàn diện của một đất nước, thái độ sống, định hướng sống, giá trị sống của đa số quần chúng là điều quyết định. Những con hổ, con rồng châu Á, và sự phục hồi nhanh chóng sau kinh tế của toàn bộ châu Á chứng minh cho điều này. Điều mà cựu thủ tướng Lý Quang Diệu đã nói từ hơn 20 năm trước là “những giá trị châu Á”.

Thái độ sống, định hướng sống và giá trị sống ấy của người Việt Nam không chỉ mới hồi phục từ sau Đổi Mới, mà đã có từ hai ngàn năm trước rồi. Đó là Phật giáo, sự sống của nó đã đi suốt cùng những thế kỷ thăng và trầm của  đất nước. Thái độ sống, định hướng sống và giá trị sống ấy là thái độ sống của Phật giáo, định hướng sống của Phật giáo và giá trị sống của Phật giáo. Chúng ta cứ nhìn những danh nhân đã từng đưa đất nước tiến đến những đỉnh cao, đã từng chia sẻ những đoạn đường  đắng cay của dân tộc, hầu như tất cả đều lấy Phật giáo làm lẽ sống, nhờ đó mà có được thái độ tích cực lạc quan, không thể kể ra hết ở đây.  Chúng ta có thể kết luận: sự lạc quan của người Việt Nam hiện nay dù đã trải qua một thế kỷ chiến tranh, dù còn nghèo nàn so với thế giới, sự lạc quan đó có phần đóng góp không nhỏ của người Phật giáo.

Để “biết mình biết người”, có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu sơ các cường quốc châu Âu, cụ thể là nước Pháp, tại sao lại “bi quan” đến như vậy trước sự suy thoái của kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi. Chúng ta cũng cần nhớ rằng chúng ta thua Pháp rất xa: năm 2020 chúng ta mới “cơ bản” là nước công nghiệp, trong khi Pháp đã công nghiệp hóa gần hai thế kỷ và đang ở trong văn minh “hậu công nghiệp”.

Người Pháp bi quan không chỉ vì khủng hoảng kinh tế mới xảy ra cách đây hai năm, mà sự bi quan ấy nằm trong tâm hồn và đã có trễ lắm là từ sau đại chiến thế giới thứ 2. Sự bi quan ấy đã được thấy rõ  từ các nhà văn, các triết gia hiện sinh Pháp ở thập kỷ 40, 50 của thế kỷ trước như Albert Camus và J.P.Sartre... và thập kỷ 60,70 với Michel Foucault, Jean Francois Lyotard… Họ là những bộ óc thông minh nhất của nước Pháp thế kỷ 20, nhưng họ là những người bi quan và không có niềm tin vào chính cuộc đời mình. Họ lâm vào sự bế tắc của tư tưởng: thiếu thái độ sống, định hướng sống và giá trị sống. Người châu Âu bi quan nhiều vì sự bế tắc, khủng hoảng của nền văn hóa châu Âu.

TaTriHai-qua-ong-kinh-TranThePhong.jpg

Ảnh: Thế Phong

Không phải chúng ta lớn lối đâu. Chính người Mỹ, mà tổ tiên họ là người châu Âu, vẫn xem châu Âu là “cựu lục địa”, “già nua”, “rất thông minh nhưng thiếu sức sống”. Và chúng ta cũng biết, khoảng 2,3 thập kỷ nay, giới trí thức Mỹ kể cả các nhà khoa học, thay vì chọn các triết gia châu Âu thì chọn Phật giáo.

Nhìn rộng ra như thế để thấy rằng chúng ta may mắn. Rất may mắn.

Thế nên trong năm đầu tiên của thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, chúng ta cảm thấy rất cảm ơn Phật giáo. Mà Phật giáo là gì? Chúng ta không suy nghĩ cao xa quá vì không đủ sức. Chúng ta chỉ suy nghĩ trong những điều mắt thấy tai nghe trong đời này. Phật giáo là tất cả những vị Tăng chúng ta đã từng gặp từng biết, tất cả những vị cho chúng ta biết có con đường, có lối sống Phật giáo, dù có thề vị đó chỉ làm cho chúng ta nhìn  thấy một bộ y vàng, chỉ làm cho chúng ta nghe một tiếng chuông hay một câu niệm Phật…Phật giáo là một người Phật tử cầm cái bay xây bức tường chùa, một người vào chùa thắp hương cầu nguyện, một người bỏ vào thùng phước sương một hai ngàn…Như có những người đã đưa báo Giác Ngộ từ số đầu tiên suốt 35 năm mà nếu không có số báo “Vạn tấm lòng với Giác Ngộ” thì chúng ta cũng không biết. Mà có biết, có đọc rồi cũng không nhớ tên, có tình cờ gặp thì cũng không biết mặt, dù đã thấy hình trên báo…

Chúng ta không thể biết tất cả họ, nhưng chúng ta biết rõ một điều: nếu không có tất cả những vị đó, chúng ta không có được như ngày hôm nay. Chúng ta không có được Phật giáo của chúng ta như ngày hôm nay.

Thế nên chúng ta phải biết ơn tất cả, dù có người đã ra đi trước chúng ta. Tất cả họ đã giữ gìn và phát triển cho cái giá trị quý báu nhất của chúng ta là Phật giáo. Và chúng ta biết làm gì hơn là bằng tất cả sức lực mình - dù rất nhỏ nhoi - để đền đáp công ơn to lớn đó.

Chính bằng những việc làm vừa sức mình, biết ơn và biết báo ơn, mà chúng ta giữ gìn và phát triển Phật giáo cho chúng ta hiện giờ và cho đời sau.

Chúng ta phải biết ơn tất cả, dù có người đã ra đi trước chúng ta. Tất cả họ đã giữ gìn và phát triển cho cái giá trị quý báu nhất của chúng ta là Phật giáo. Và chúng ta biết làm gì hơn là bằng tất cả sức lực mình - dù rất nhỏ nhoi - để đền đáp công ơn to lớn đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.