Thông tin trên xuất phát từ tài khoản Facebook Nguyễn Hà Kiều Loan (Lona) có tích xanh chính chủ (được biết đây là á hậu cuộc thi Miss World Việt Nam năm 2019), kèm theo đó là những kê biên chứng từ chuyển tiền rõ ràng (người nhận tiền là Truong Duong Khanh Duy, tên chủ tài khoản ngân hàng theo căn cước công dân), khiến dư luận càng bức xúc về một người được gọi là “thầy Thích Nguyên Quang”.
Vậy “thầy Thích Nguyên Quang” được đề cập trong vụ việc “lừa và chiếm đoạt” tiền từ thiện là ai?
Thông tin công khai trên Facebook Nguyễn Hà Kiều Loan (Lona) thu hút số lượng bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội (ảnh chụp màn hình) |
Đi tìm “thầy Thích Nguyên Quang” (Truong Duong Khanh Duy) trong thông tin từ Facebook Nguyễn Hà Kiều Loan (Lona)
Trước yêu cầu của bạn đọc làm rõ sự việc, qua các mối liên lạc và nhờ các cơ quan chức năng, đến chiều 25-10-2023, nhóm phóng viên Báo Giác Ngộ đã xác minh người được cho là “lừa và chiếm đoạt” tiền từ thiện mà tài khoản Nguyễn Hà Kiều Loan (Lona) đề cập “thầy Thích Nguyên Quang (tên thật: Trương Dương Khánh Duy, SN 1998)” không phải là tu sĩ Phật giáo, chỉ từng tham gia khóa xuất gia gieo duyên được tổ chức ngắn hạn và tự phát ở một ngôi chùa trên địa bàn Q.10-TP.HCM.
Thông tin về “thầy Thích Nguyên Quang” (Trương Dương Khánh Duy) được cho là “trụ trì 2 chùa” (1 ở địa chỉ 20 Võ Trường Toản, P.2, Q.Bình Thạnh và 1 chùa khác ở Lâm Đồng) và cả 2 chùa đều đang được xây sửa mới đây”, qua xác minh là hoàn toàn không có trong thực tế.
Phóng viên đã tìm đến địa chỉ số 20 Võ Trường Toản, P.2, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), thì đó là một ngôi nhà phố, để biển hiệu “Tri âm - Nghệ thuật Phật giáo, thiết kế Tam bảo, Thiền trà”, trưng bày nhiều tranh tượng, trà cụ... do bà Vũ Thuỵ Đăng Lan quản lý.
Xác nhận với Báo Giác Ngộ, cơ quan chức năng cũng như Ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Thạnh cho biết cơ sở tại địa chỉ số 20 đường Võ Trường Toản, P.2, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) không phải là cơ sở tôn giáo.
Trên một tài khoản Facebook “Nguyên Quang” có thông tin là “từng học Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM”, Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Điều hành Học viện khẳng định với Báo Giác Ngộ là không hề có “Thích Nguyên Quang” (Trương Dương Khánh Duy, SN 1998) trong danh sách sinh viên của Học viện từ khóa I cho đến nay, cả chính quy cũng như khoa Đào tạo từ xa.
Nguồn tin từ Ban Tăng sự T.Ư xác nhận cũng không hề có Tăng sĩ nào theo thông tin trên trong danh bạ Tăng Ni.
Trương Dương Khánh Duy trong hình thức tu sĩ được cho là "thầy Thích Nguyên Quang" (trái) trên báo điện tử Công Lý |
Từ thông tin của người quản lý địa chỉ 20 Võ Trường Toản, P.2, Q.Bình Thạnh
Trao đổi với bà Vũ Thuỵ Đăng Lan, người đang quản lý cơ sở nhà ở tại địa chỉ 20 Võ Trường Toản, P.2, Q.Bình Thạnh và bà cho hay, bà quen biết "thầy Nguyên Quang” mấy năm trước, trong hình thức tu sĩ đang tham gia việc “giải cứu nấm”.
Do cảm thương chỗ trọ của Duy, bà Vũ Thuỵ Đăng Lan đã mời người này về “thất” của bà tại địa chỉ 20 Võ Trường Toản, P.2, Q.Bình Thạnh. Bà Lan cho biết: Duy ở nơi "thất" của bà chừng "2-3 năm", gần đây Duy đã không còn ở đó nữa.
Trong câu chuyện với Báo Giác Ngộ về tư cách tu sĩ của “thầy Thích Nguyên Quang”, bà Lan cũng nhận lỗi là do chủ quan khi thấy các mối quan hệ và hình ảnh của “bạn này” trong hình thức tu sĩ với một số chư tôn đức cũng như các thiện hữu khác nên bà đã không kiểm chứng tư cách tu sĩ mặc dù hình thức là tu sĩ và cũng gọi là "thầy", được một số báo chí bên ngoài ca ngợi là "vị sư trẻ tích cực với hoạt động từ thiện.
Qua quan sát cũng như chia sẻ từ người thân, bà Lan đã phát hiện những điều bất thường nơi Duy: không có công phu tu tập của một tu sĩ bình thường, lại lợi dụng hình ảnh và công việc từ thiện của bà và nhóm thân hữu để làm của mình, giới thiệu trên tài khoản mạng xã hội cá nhân.
Mặc dù Duy không phải là tu sĩ, nhưng giấy tờ tùy thân quan trọng và hình thức hàng ngày vẫn trong hình thức Tăng sĩ Phật giáo |
Sau sự việc vỡ lở với thông tin Facebook Nguyễn Hà Kiều Loan (Lona), trên tài khoản mạng xã hội của bà Vũ Thuỵ Đăng Lan cũng đã đăng công khai các thông tin liên hệ để nói rõ trách nhiệm, và đã ẩn thông tin đó vào khoảng trưa 26-10-2023 sau khi có hung tin về Trương Dương Khánh Duy.
Nhóm phóng viên Báo Giác Ngộ đã liên hệ đến các nơi khai hộ khẩu thường trú (tỉnh Lâm Đồng) và quê quán (tỉnh Ninh Thuận) của Trương Dương Khánh Duy, cũng như một số địa chỉ liên quan ở một số tỉnh khác, được đại diện các cơ quan chức năng xác nhận người này không phải là tu sĩ, chưa hề thọ giới pháp của người xuất gia.
Tuy nhiên, một điều hết sức bất thường đó là trong căn cước công dân của Trương Dương Khánh Duy lại có hình thức như là tu sĩ Phật giáo, đầu cạo, mặc áo tràng nâu như một Tăng sĩ.
Hậu quả bi thương
Qua tìm hiểu về các mối liên hệ gần, được biết Trương Dương Khánh Duy đã biết vụ việc bị tố giác lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện, và có nhắn tin với một vài người bày tỏ hành vi tội lỗi; sau đó, ngày 25-10, Trương Dương Khánh Duy đã tự vẫn.
Dù được phát hiện và đưa đi cấp cứu, nhưng Trương Dương Khánh Duy đã tử vong ở tuổi 26, vào lúc 17g20’ hôm qua, 25-10-2023.
Một bài học trước mắt và xin cẩn thận trong danh xưng tu sĩ trên mạng xã hội và giữa đời thực
Việc Duy không phải là người tu, nhưng tự cạo đầu, mặc áo như người xuất gia, cùng với dáng người dễ nhìn, tham gia công tác từ thiện… sẽ dễ tạo niềm tin trong một số người về một vị Tăng sĩ trẻ năng động.
Trương Dương Khánh Duy tự vẫn khi mới 26 tuổi, và dấn thân vào việc lạm xưng tu sĩ nhằm tạo niềm tin trong một số người, trong đó có chủ nhân Facebook Nguyễn Hà Kiều Loan (Lona), rồi kết thúc cuộc đời với tai tiếng “lừa và chiếm đoạt” tiền từ thiện, mang theo một nghiệp xấu, để lại nỗi đau cho thân nhân và phần nào làm ảnh hưởng đến những hoạt động thiện sự ý nghĩa khác.
Việc của Trương Dương Khánh Duy đã rõ, nghiệp quả cũng hiện tiền. Nên sau thông tin này, mong rằng các bên liên hệ, nên có thông tin phản hồi, để dư luận tránh ngộ nhận bạn này là một tu sĩ, dẫu là tu sĩ tự xưng - “thầy Thích Nguyên Quang trụ trì 2 ngôi chùa”…
“Không hễ cứ đầu tròn áo vuông là tu sĩ, nhất là trong thế giới thông tin xã hội phức tạp như hiện nay. Việc lắp ghép hình ảnh với các vị giáo phẩm, quan chức nhà nước, giả mạo giấy tờ chứng nhận Tăng Ni, kể cả bằng cấp, chứng điệp thọ giới, huân, huy chương nhà nước… đã từng xảy ra.
Rất mong mọi người cẩn trọng, cần có xác minh trước khi cộng tác, ‘chọn mặt gửi vàng’, đặc biệt là trong công việc từ thiện, để việc làm này đầy đủ cả tinh thần tình thương và trí tuệ”, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Phó Trưởng ban Thông tin - Truyền thông T.Ư GHPGVN chia sẻ khi đề cập về vụ việc trên.