GN - Vừa qua, workshop thực địa “Thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan điểm tập kết rác đường Phùng Hưng, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm” đã được tổ chức dưới sự hướng dẫn từ các giảng viên đến từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Kiến trúc quốc gia Normandie (Cộng hòa Pháp).
Tại đây, các nhóm sinh viên Việt Nam và Pháp đã thực hiện các nghiên cứu khảo sát, thiết lập ý tưởng, sau đó triển khai thi công các mô hình thí điểm với mục đích thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về thu gom, phân loại và tái chế rác thải.
Sự kiện đã mang lại cho sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cơ hội giao lưu, học hỏi với các bạn sinh viên quốc tế. Đồng thời, đây cũng là trải nghiệm thực tiễn giúp sinh viên kết nối ý tưởng với khả năng hiện thực hóa ý tưởng.
Trải nghiệm và hành động
Nhóm thực hiện dự án sẽ nghiên cứu các phương thức và hoạt động thu gom phế liệu hiện có trên địa bàn với việc tiếp cận từ cảnh quan, kiến trúc và quy hoạch, từ đó đề xuất ý tưởng thiết kế cải tạo các điểm thu gom, tập kết rác thải trên địa bàn nhằm tăng cường hiệu quả công tác phân loại và thu gom rác tái chế, đặc biệt là rác thải bao bì trong bối cảnh áp dụng quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) trên địa bàn.
30 sinh viên được chia nhóm thực hiện nhiệm vụ. Thành viên của mỗi nhóm đến từ những ngành học khác nhau như chuyên ngành Điêu khắc ứng dụng, Thiết kế đồ họa, nội thất, kiến trúc đến từ khoa Nội thất, khoa Thiết kế mỹ thuật và Viện Đào tạo & Hợp tác quốc tế, cùng thực hiện ý tưởng thiết kế không gian, bao gồm nhận diện và các tiện ích tại điểm thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt bằng các phương pháp thể hiện: ký họa, diễn họa, chụp ảnh, đồ họa.
Sinh viên hào hứng nghiên cứu và thi công xe rác |
Tuy thời gian trải nghiệm chỉ 15 ngày nhưng các bạn sinh viên đều thể hiện quyết tâm cao, đưa ra những phương án hay và thực tiễn nhất. Các nhóm sinh viên báo cáo trước hội đồng và hội đồng lựa chọn ra những nội dung ý tưởng xuất sắc để triển khai thi công vào không gian thực tế.
“Điều mong mỏi nhất của em là dự án có thể ứng dụng trong thực tế và được người dân hưởng ứng nhiệt liệt, và có thể sử dụng luôn trong cộng đồng, cũng như nâng cao ý thức của người dân về phân loại rác thành các loại rác thải như chúng em đã hướng tới trong dự án này.
Em cảm thấy rất là vui khi nhóm của em được hai thầy cô hướng dẫn gồm một thầy người Pháp, một cô giáo người Việt. Hai thầy cô đều rất tận tâm hướng dẫn nhưng vẫn cho chúng em thỏa sức sáng tạo, thể hiện cái tôi. Sau cùng thầy cô sẽ là người chốt và chỉnh lại các ý tưởng. Chúng em thực sự được sáng tạo hết mức có thể trong dự án lần này”, sinh viên Hải Vân, lớp 18NT2, khoa Nội thất, Đại học Kiến trúc, thành viên trong nhóm thực hiện cho biết.
Workshop kết hợp sinh viên Việt-Pháp được tổ chức nhằm thúc đẩy nhận thức về thu gom và tái chế rác thải |
“Điều mình tâm huyết và ghi nhận là mình làm ra được sản phẩm có thể cho mọi người nhìn thấy được ngay trên đường phố, đóng góp một phần nhỏ nhoi thôi nhưng giúp cho phố phường xanh sạch đẹp hơn”, sinh viên Nguyễn Quang Linh, Đại học Kiến trúc Hà Nội bày tỏ.
Tín hiệu tích cực cho việc bảo vệ môi trường
Ông Dominique Laffly, Tùy viên Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam bày tỏ niềm vui khi dự án kết nối được nhiều bên liên quan, hoạt động ở nhiều lĩnh vực trong xã hội như các trường đại học, những người lao động, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận, phường, đại diện các doanh nghiệp cũng như sự tham gia của người dân, sinh viên - thế hệ trẻ có vai trò lớn trong tương lai.
“Các bên tham gia rất tích cực, chặt chẽ, để trong vòng 2 tuần chúng ta đã đạt được những kết quả rất thiết thực và cụ thể. Chính vì vậy chúng tôi đánh giá chất lượng hợp tác rất cao và mang tính mẫu mực, quan trọng trong dự án lần này”, ông Dominique Laffly nói.
Các bạn sinh viên tham gia dự án có cơ hội kết nối và hiện thực hóa ý tưởng |
Đại diện Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp - Expertise France, bà Fanny Quertamp hào hứng cho biết, đây là một dự án do Liên minh châu Âu và Bộ Phát triển của Đức tài trợ cho 7 nước, trong đó có Việt Nam. Kết quả thực hiện của dự án này sẽ được áp dụng triển khai để xây dựng những công cụ trong khuôn khổ của các quy định mới về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, đặc biệt trong việc phân loại, thu gom, tái chế những bao bì nhựa.
“Đây là mô hình kỳ vọng có thể thực hiện để giúp cho người dân thay đổi thói quen chưa tích cực của mọi người với vấn đề rác thải, để xây dựng nên cộng đồng có ý thức phân loại rác tại nguồn. Từ đó phục vụ cho hoạt động tái chế và phát huy kinh tế của rác thải sau này”, bà Fanny Quertamp nói.
Kỳ vọng chung của những người thực hiện dự án này, đặc biệt là các bạn trẻ, đó là với nhiệt huyết và các ý tưởng mới lạ sẽ góp phần nâng cao năng lực phân loại và thu gom rác trên địa bàn thực hiện dự án, thúc đẩy triển khai hiệu quả quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 2022.
Workshop thực địa “Thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan điểm tập kết rác đường Phùng Hưng, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm” nằm trong dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Viện Nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) và Đại học Kiến trúc Hà Nội phụ trách thực hiện.