Người trẻ và hành trình tìm lại mùa xuân cho tâm hồn

0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong cuộc đời, ai cũng có lúc gặp phải trắc trở, khó khăn. Có những người vượt qua được, nhưng không ít đã chông chênh, quỵ ngã.

Câu chuyện trên Giác Ngộ số Tất niên có thể coi như gợi mở câu hỏi làm sao để tìm lại mùa xuân cho chính mình, làm gì để không gục ngã trước khó khăn?

Người trẻ dành thời gian chăm sóc bên trong mình - Ảnh: Như Danh

Người trẻ dành thời gian chăm sóc bên trong mình - Ảnh: Như Danh

Chuyện đã qua, cho qua

Nhớ về quãng thời gian khổ đau vì thất bại trong kinh doanh, Linh, một người trẻ sinh sống và làm việc tại TP.HCM, không khỏi rùng mình: “Hồi đó còn trẻ nên tôi rất háo thắng. Cứ nghĩ mình giỏi thì có thể làm bất cứ thứ gì và làm gì cũng thành công. Nhưng thực tế không như vậy”. Đó là thất bại mà theo Linh, là “mất tất cả”, ngoài tiền bạc, còn mất cả tình bạn, lòng tin tưởng của người thân.

Linh kể, hồi đó “bày đặt” khởi nghiệp, hùn với bạn mở quán cà-phê. Cô và bạn bè, ngoài tiền vốn mỗi người vài trăm triệu, chỉ có niềm vui và cả tin vào sự thành công. Do chưa có kinh nghiệm, địa điểm quán nằm trong một hẻm nhỏ của quận 3, TP.HCM. Mặt bằng khuất và không có chỗ để xe. Ban đầu bạn bè tới ủng hộ, nhưng dần dà, do địa điểm bất tiện, khách khứa lúc nào cũng thưa thớt.

Không thể tiếp tục duy trì quán, cuối cùng Linh và bạn đành đóng lại dự án của cả hai. Cũng vì trước đó không tìm được tiếng nói chung trong khi vận hành, cộng thêm xót của do thua lỗ, Linh và bạn bè trách móc, đổ lỗi cho nhau. “Tôi xót nhất là mình đã không giữ được bình tĩnh, bạn mình cũng vậy. Do đó, cả hai vừa mất tiền, vừa mất mối quan hệ tốt đẹp bao năm”, Linh chia sẻ.

Linh mất ngủ nhiều ngày, có lúc tưởng như… muốn chết đi được. Nhất là khi Linh bị bố mình phê bình nặng lời bằng câu “ngựa non háu đá”. Tất nhiên, cũng vì ông xót của giống con. “Có những lúc khổ quá, người không may mắn có thể sẽ suy nghĩ và hành động tiêu cực. Tôi cũng không ngoại lệ”, Linh nói. May là Linh đã dành thời gian lắng lại, chữa lành những tổn thương, thất vọng: “Bạn phải chịu đựng từng chút một, hãy chấp nhận mình đã đi sai, mình đang đau để từng bước tháo gỡ, từng bước chữa lành”.

Có được hướng đi, nhận thức được như vậy cũng nhờ Linh có cơ may trải nghiệm sự thực tập ở một thiền viện thuộc Nam Cát Tiên (Tân Phú, Đồng Nai). Khóa thực tập đó kéo dài 10 ngày, giúp Linh rời xa “thế giới ảo”, trở về với chính mình trong hiện tại. Hơi thở có ý thức, quán niệm về nhân-duyên-quả đã giúp chữa lành mọi nỗi đau trong Linh, tháo gỡ những khúc mắc mà bạn se sắt khi nghĩ về. Bây giờ, với Linh, những gì đã qua, đều có thể cho qua, vì đó là quá khứ.

“Không ai sửa được những quyết định và việc đã làm, tại sao không buông nó. Mất mát dù lớn bao nhiêu thì đau khổ cũng không cứu vãn được gì. Nếu có kinh doanh, tôi sẽ làm lại một cách tốt hơn”, Linh chia sẻ.

Nhiều người còn khổ hơn

Với “thần chú” này, M. (28 tuổi, Đà Nẵng) đã đứng trên đôi chân của mình, bước qua sự tự ti khi mang hình hài không như ý. “Tôi bị sốt cao lúc nhỏ, di chứng là đôi chân bị liệt, di chuyển phải nhờ hỗ trợ. Chiếc nạng là bạn từ hồi đi học đến khi đi làm”, M. kể.

Nhiều lúc buồn, M. có suy nghĩ rằng mình sẽ “đi thật xa” để ba mẹ đỡ khổ, bản thân cũng không phải đối diện với bệnh tật như vậy. Nhưng rồi, lúc đó cũng vì… sợ chết quá nên bạn đã gắng sống. Cho đến khi gặp được Phật pháp. Lần đầu tiên nghe được bài pháp về “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, M. đã khóc như mưa.

Bạn ngộ ra, mình may mắn được thân người, dù không tròn trịa nhưng vẫn hơn những loài trong cõi khác. Như súc sanh chẳng hạn. Loài đó mù tối, rất khó có khả năng kiến tạo hạnh phúc. Trong một lần đi theo đoàn từ thiện đến bệnh viện, rồi ghé trung tâm nuôi trẻ mồ côi…, M. một lần nữa cảm nhận: “Mình được vậy đã hạnh phúc lắm rồi”. Quanh mình còn biết bao em nhỏ bị bệnh tim, ung thư, có em bị não úng thủy phải sống đời thực vật; nhiều thanh niên đã phải mắc bệnh nan y, ra đi quá sớm…

Nhận ra giá trị của bản thân cũng là lúc M. biết được những câu chuyện cảm động khác của những người giống mình. “Dù mình đi lại khó khăn nhưng vẫn còn đôi mắt sáng, trí não bình thường, mình có thể nói và viết những điều thiện lành tặng người khác”, M. tâm niệm. Từ dạo đó, M. chọn lối sống tích cực hơn, không để điểm yếu của mình vây bủa, làm mình khổ, ngược lại, còn biến nó thành ưu thế trong cuộc sống.

M. kể, “bây giờ, tôi đã nghe nhiều người lớn nói với con cháu mình rằng, bây thấy anh M./ chú M. không, dù thân bệnh mà tinh thần lạc quan”. Theo M., đó là quá trình nỗ lực chữa “tâm bệnh”, để nâng mình lên khỏi vũng bùn do chính mình tạo ra.

Vượt thoát khổ đau bằng thực tập chánh niệm

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Ân, thành viên nhóm biên dịch sách Thiền sư và em bé 5 tuổi (NXB Dân Trí, 2020) cho rằng, do nhân duyên đã tạo, mà con người ai cũng có khổ đau, ít hoặc nhiều. Cách chúng ta tiếp nhận khổ đau đó sẽ làm tăng lên hay giảm nhẹ cảm thọ khổ đau.

ThS.Nguyễn Bảo Ân

ThS.Nguyễn Bảo Ân

Chia sẻ với báo Giác Ngộ, anh nói thực tập chánh niệm chính là một cách trị liệu hữu hiệu:

- Một trong những cách đơn giản, thuận tiện, miễn phí - giúp vun bồi sự cân bằng, vững chãi tự thân chính là thực hành chánh niệm.

Chánh niệm được hiểu như sự chú ý, nhận biết những gì đang diễn ra trong hiện tại với thái độ cởi mở, không phê phán, xua đuổi, níu giữ. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc thực hành chánh niệm đối với sức khỏe trong việc quản lý lo âu, giảm thiểu stress, giúp chúng ta dễ dàng nhận diện những điều dễ thương khác đang hiện diện trong cuộc sống mà không chỉ chú tâm quá mức về những khó khăn.

Việc thực hành chánh niệm đơn giản nhất chính là với hơi thở. Tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái, tránh việc bị làm phiền. Bạn có thể nằm, hoặc ngồi miễn sao cảm thấy mình thoải mái, thoải mái một tâm thế rằng đây là khoảng thời gian bạn dành cho bản thân, khoảng thời gian bạn hiến tặng cho mình sự nuôi dưỡng, hồi phục, chế tác nguồn năng lượng tích cực. Khoảng thời gian bạn toàn tâm toàn ý có mặt cho bản thân mình. Sau đó bạn nhẹ nhàng đem sự chú ý của mình vào hơi thở ra và hơi thở vào, chú tâm nhận biết những gì cơ thể đang cảm nhận. Cứ tiếp tục duy trì như vậy.

Có thể trong thời gian này chúng ta đã thua lỗ ở một vài hoạt động, khía cạnh. Nhưng việc dành cho mình một khoảng thời gian 10 - 20 phút để thực hành như vậy là công việc mà chúng ta không hề bỏ ra đồng vốn nào nhưng lại mang đến rất nhiều lợi ích.

Chúng ta khó hoặc không thay đổi được những gì đã, đang và sẽ diễn ra nhưng ta có thể chọn cho mình cách thức tiếp cận, phản hồi với những điều đó. Một tâm trí cân bằng sẽ đưa ra được những phản hồi, quyết định thông thái. Sự thông thái này sẵn có ở mỗi người chúng ta, hãy cho phép ta được trở về, tiếp xúc với sự thông thái này bằng những việc hết sức đơn giản như thực hành chánh niệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.