Người trẻ đi tìm chìa khóa hạnh phúc

Người trẻ quay về với chính mình trong quá trình kiến tạo bình an tại Làng Mai
Người trẻ quay về với chính mình trong quá trình kiến tạo bình an tại Làng Mai
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Có đời sống hạnh phúc là mong muốn và ước vọng chung của số đông nhiều người. Mỗi người có những niềm vui, hạnh phúc khác nhau và chỉ có bản thân mỗi người mới biết hạnh phúc của mình là gì.

Có thể nói, may mắn nhất của người trẻ đó là sớm tìm được “chìa khóa” kiến tạo hạnh phúc cho mình, sống an vui, ý nghĩa và hạnh phúc trọn vẹn từng ngày đang có.

Quá trình kiến tạo của người trẻ đang diễn ra như thế nào? Chuyên mục “Bạn trẻ” có buổi trò chuyện, chia sẻ thú vị từ Hải Yến - một Phật tử trẻ vừa trở về từ khóa tu tại Làng Mai, trong hành trình đi tìm hạnh phúc cho chính mình. Hải Yến mở đầu câu chuyện với lý do mình tìm tới Làng Mai:

- Con đã tuổi 22, tuổi không quá lớn nhưng cũng không còn nhỏ. Con đang đi tìm mục đích sống của cuộc đời.

Con cũng đã trải qua nhiều chuyến đi du lịch và trải nghiệm, đi check-in rồi ăn uống tiêu xài gọi là “chữa lành”. Sau khi chụp những tấm hình thực xinh đẹp đó về, con nhận ra con không hạnh phúc. Con trống rỗng và mơ hồ hơn về cuộc đời. Con hỏi với chính mình có phải đây là điều con cần không?

Con hỏi cậu của con - Thượng tọa Thích Thanh Thắng, rằng: con không biết làm gì để bản thân thấy vui vẻ và bình an sau những ngày tháng chỉ luẩn quẩn với cơm áo gạo tiền, con muốn có phương pháp thực tập để giải quyết những mâu thuẫn và truyền thông, làm mới lại với người thân trong gia đình. Con muốn mình được sống sâu sắc và trọn vẹn hơn với hiện tại mà không phải đuổi theo một thứ gì đó thái quá.

Thầy chỉ con đi khóa tu tại Làng Mai (Thái Lan) - học tập những pháp môn của Sư ông Thích Nhất Hạnh. Thế là con tìm đến và đăng ký đi khóa tu tại Làng.

Khóa tu kéo dài 7 ngày, chủ đề “Thương như Bụt thương”, với những thời khóa giản dị thân quen như là thiền ngồi, thiền đi, nghe chuông, ăn cơm im lặng, pháp đàm chia sẻ sự thực tập, làm việc nhóm trong chánh niệm. Sự thực tập tại Làng Mai chú trọng vào việc theo dõi hơi thở, ý thức được từng hơi thở ra và hơi thở vào. Mọi việc làm đều làm trong sự “ý thức” với một tâm lý nhẹ nhàng và thảnh thơi.

Hải Yến nhận chứng điệp quy y tại Làng Mai
Hải Yến nhận chứng điệp quy y tại Làng Mai

- Bạn nhận được điều gì trong thời gian ngắn ngủi tu học ở Làng Mai?

Đó là những trải nghiệm và cơ hội cho con thay đổi bản thân theo hướng tích cực. Một, hai ngày đầu tới Làng Mai, con chưa biết ngồi thiền, có thể ngồi sai tư thế, lưng mỏi chân đau, và đầu thì nghĩ lung tung nhúc nhích ngồi không yên được. Cho đến ngày thứ ba, toàn lưng của con đau nhức, con nghĩ mình đến được đây thực tập đã là rất quý giá, không thể bỏ lỡ những giây phút này. Đi ngủ không giải quyết được vấn đề và cũng không đỡ đau, chưa chuẩn bị thuốc giảm đau, cho nên con đã quán chiếu lại. Có thể do lối sống sinh hoạt của con ở nhà đã không ổn định, nó tích tụ lại qua nhiều ngày tháng nên mình mới thường xuyên bị đau mỏi. Và con động viên chính mình ngồi thật vững chãi, chuyện gì cũng qua.

Sau đó con ngồi, chỉ tập trung vào hơi thở, không để ý vào những cơn đau đó, con thấy mình đã có sự tinh tấn nhất và yên lặng nhất trong buổi ngồi thiền đó. Con đã thấy hôm đó mình đã chiến thắng chính mình. Con nhận ra một điều, trước những nỗi khổ niềm đau, hay trước những điều không dễ thương dễ nghe, mình không phản kháng nó, không triệt tiêu hay căng thẳng với nó, mà dùng năng lượng của hiểu và thương, của sự nhẹ nhàng tươi mát ôm ấp lấy nó thì cũng sẽ nhận lại những điều dễ chịu. Nếu có nhìn thì hãy chỉ nhìn vào sự dễ thương để mình được an.

Hạnh phúc lớn nhất của bạn trong những ngày tu học là gì?

- Con kiểm soát được hơi thở từng giây thực tập liên tục để giữ cho mình năng lượng chánh niệm hùng hậu. Một động cơ tâm hãy xây dựng mạnh mẽ vững vàng, tin rằng chắc chắn bản thân mình phải làm được thì nhất định sẽ làm được.

Con người hay chạy theo tiền bạc, danh vọng và quyền lực, nhưng không nhận ra hạnh phúc sâu thẳm là trên hành trình này, ngay phút giây mình được sống và biết đến Chánh pháp để thực tập đã là một điều hạnh phúc. Cô Thúy Nga - người đã hướng dẫn và đăng ký cho con để con có thuận duyên tham dự khóa tu Làng Mai đã nói với con: “Có một đường lối thực tập, để mình luôn làm, đã là hạnh phúc nửa con đường”. Không ai mà không có nỗi khổ, từ người giàu hay người nghèo cũng thế thôi, quan trọng mình chọn lối sống nào và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau ấy thành những chất liệu của sự hạnh phúc.

Con và mọi người cũng đã trở về từ khóa tu tại Làng Mai, mỗi người đều nở một nụ cười rất tươi và những bước chân vô tư thơ thới khi được đến Làng. Con tới đây, con đường tu tập của con được rõ ràng cụ thể hơn, mình biết phải làm gì nhiều hơn chứ không chỉ mơ hồ chạy quanh những nỗi buồn hay công việc tiền bạc.

Trước khi tới đây, con đã luôn cầu nguyện mong con gặp được minh sư, gặp được Chánh pháp, con khát khao được nhận rõ ra bản chất của cuộc sống. Ngày con được quy y và thọ giới tại Làng, con được nhận pháp danh Nguyên Tâm Thiện - con rất vui, xúc động và bật khóc, vì mình có một tấm vé thông hành trên con đường tập học của sự hiểu biết và thương yêu.

Có một thói quen nào đó của bạn đã điều chỉnh sau khóa tu này?

- Những pháp hành ở Làng Mai giúp con ngộ ra rất nhiều điều, tự nhiên như dòng chảy trong tâm thức. Con thấy một thời gian dài con luôn mải cuốn vào lối sống của chủ nghĩa tiêu dùng, tiêu xài hoang phí. Trong khi ở đây mỗi thầy cô chỉ có 350 baht Thái cho sinh hoạt cá nhân mỗi tháng. Điều đó làm cho con phải suy nghĩ lại nhu cầu tiêu dùng của mình.

Niềm hỷ lạc được khơi dậy từ khóa tu đã được bạn áp dụng vào cuộc sống như thế nào khi trở về Việt Nam?

- Con thấy con rất thích pháp môn thiền nghe chuông, đó là dù mình đang làm bất cứ việc gì mà nghe thấy tiếng chuông thì hãy dừng lại, dừng lại thở ra thở vào ý thức, hết chuông thì tiếp tục làm tiếp. Khi dừng lại thở, con lấy lại năng lượng định tĩnh và bình an thì con thấy trong con có tự do hơn, cảnh sắc tươi đẹp và từng tiếng chim ở đây hiện lên rõ hơn. Con được trở về ngay trong giây phút bình an và sự có mặt này, trở về trong chính ngôi nhà đích thực của mình. Chỉ cần ba hơi thở có ý thức là con đã có thể buông bỏ được những căng thẳng trên thân tâm và trở về với trạng thái tươi mát, trong lành của chính mình.

Sự thực tập này rất hay, về nhà thì không có tiếng chuông cất lên cho mình dừng nữa nhưng khi đi đường gặp đèn đỏ thì cứ bình tĩnh dừng lại và hít thở, cũng không phải khó chịu cố chen hàng lấn hàng để nhích lên trên, càng làm vậy sẽ càng chật, cứ thư thới hít thở để đến đèn xanh rồi mình lại đi tiếp.

Khi mình thực tập hít thở có ý thức rồi, thì sẽ có sự lắng nghe sâu hơn và nhìn nhận vấn đề sâu hơn, sẽ nói năng hay hành động một cách cẩn trọng hơn, để nói những lời dễ nghe, không chia rẽ, không tổn thương người khác. Còn không ý thức được hơi thở, không ý thức được hành động thì cứ theo bản năng mà nói thì rất dễ làm mất lòng nhau, cũng như sự đổ vỡ trong các mối quan hệ. Thực tập ý thức trong từng hơi thở ra vào, mình làm từng bước nhỏ một có ý thức thì lâu dần sẽ trở thành sự tự ý thức, hình thành nên những tập tính khác.

Con đã nhận ra bản chất vấn đề của con thuở xưa, đó là do con chưa biết thực tập điều này. Đã có phương pháp thực tập rồi, thì con nghĩ cần có một “động cơ tâm” mạnh mẽ nữa thì sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Bạn nghĩ gì về nhân duyên và hạnh phúc?

- Nếu ai đến với Làng Mai Thái sẽ đều thấy câu “The way out is in” - lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm. Một trong những điều con khắc ghi trong lòng, đó là lời dạy: “Trong mảnh đất tâm của chúng ta có đủ các loại hạt giống: hạt giống khổ đau, buồn tủi, ganh tị, giận hờn, hận thù, bạo động, phản bội, thờ ơ... Nhưng cũng có những hạt giống an vui, hạnh phúc, hiểu biết, thương yêu, tha thứ, bao dung, tình nghĩa, thủy chung... Nếu ta tưới hạt giống nào thì hạt giống ấy sẽ lớn lên và biểu hiện qua lời nói, tư duy hay hành động. Nếu ta xem phim bạo động mỗi ngày, tiếp xúc với những cuộc chuyện trò vô bổ gây nên sự bực bội, giận hờn thì từ từ ta cũng hành xử bạo động và giận dữ. Nếu ta tiếp xúc với những hình ảnh tươi mát, thương yêu, tiếp xúc với những con người cao thượng đầy nghĩa khí thì tình thương trong ta sẽ ngày càng lớn, chí khí trong ta sẽ ngày càng cao”.

Con nhận ra, khi học trò thực sự sẵn sàng, người thầy sẽ đến, mọi năng lượng giống nhau sẽ thu hút lẫn nhau. Hãy cố gắng hít thở sâu lên, mong muốn mình tốt đẹp lên, thì những người tốt đẹp cũng sẽ tự tìm tới, con tin vào nhân quả. Hạnh phúc là đây, đây là hạnh phúc, hạnh phúc đến từ trong chính tư duy của mình, không ở đâu xa.

Cảm ơn Hải Yến về những chia sẻ hữu ích trong hành trình kiến tạo hạnh phúc của mình đến bạn trẻ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.