GN - Là Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, nhưng mỗi ngày nếu không có cuộc họp, bác sĩ Lý Minh Thái đều tham gia thăm khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Ông không quên di chuyển đến bếp cơm từ thiện trong bệnh viện, xem gia đình các cháu nhận suất ăn miễn phí ra sao…
Lo từng bữa ăn cho bệnh nhi
Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai khánh thành từ tháng 5-2017, cũng là thời gian bác sĩ Thái bổ nhiệm về đây với vai trò đầu tàu, dẫn dắt đội ngũ y bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhi từ 0-16 tuổi. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 1,4 triệu dân thì trong đó phân nửa là người dân tộc thiểu số. Bệnh nhân cần điều trị dài ngày đến đây rất nhiều, ở các trung tâm y tế và 17 huyện, thị xã đều chuyển về Bệnh viện Nhi, vì đây là tuyến cuối.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 lượt bệnh nhi đến khám, trong đó có 150-170 trường hợp phải nằm điều trị nội trú tại bệnh viện. Đa phần trong số họ là đồng bào dân tộc thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn nên muốn họ để con ở lại điều trị là thách thức không nhỏ với đội ngũ y bác sĩ.
Bác sĩ Thái (đứng) - Ảnh: H.M
Mặc dù chính sách của Đảng, Nhà nước lo cho các cháu bảo hiểm y tế đầy đủ, nhưng các cháu đến bệnh viện điều trị nội trú thì phải có người nuôi, người nhà lên chăm sóc thì kinh tế gia đình thêm khó khăn. Có những gia đình đến đây chữa bệnh cho con, con chưa hết bệnh mà một hai muốn đem về, để đi làm thuê. Cũng có vài người còn cạn nghĩ “ẵm con về, mất đứa này thì sanh đứa khác”.
Bác sĩ Thái phải đến tận giường bệnh khuyên bảo, vận động, nói cho cha mẹ của các em hiểu được giá trị của sự sống, để mọi người truyền tai nói nhau nghe. Hoàn cảnh cấp ngặt quá, bác Thái phải xuất tiền túi ra cho, để gia đình chấp nhận cho con ở lại điều trị.
Ở bệnh viện này, khó khăn trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân không chỉ đơn thuần là vấn đề tìm ra bệnh và kê toa thuốc, mà là cần có chế độ chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt cho bệnh nhân thì mới rút ngắn thời gian điều trị.
Ngày đầu về đây công tác, bác sĩ Thái đã có nhiều trăn trở với những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, và đích thân ông vận động đồng nghiệp đang công tác tại đây thành lập tổ công tác xã hội. Ngoài chuyện lo ăn uống cho bệnh nhi thì còn hỗ trợ tiền xe vận chuyển bệnh nhân bệnh nặng lên tuyến cao hơn như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh). Nhưng với đồng lương của y bác sĩ không nhiều; để giúp đỡ cho nhiều bệnh nhi, bác Thái đã gõ cửa các cơ sở tự viện, kết nối các chùa và mạnh thường quân để xin tiếp sức.
Với sự vận động của bác Thái, vào tháng 7-2017, NS.Thích nữ Huệ Dâng, trụ trì chùa Long Phước (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã chính thức khai trương bếp ăn từ thiện, đóng tại bệnh viện này, hỗ trợ suất ăn cho các bệnh nhi và người nhà bệnh nhân 2 buổi/ngày và 5 ngày/tuần (trừ thứ 7 và Chủ nhật).
Trong đó, buổi sáng mỗi ngày có cháo hoặc súp và sữa tươi cho các bệnh nhi, còn buổi trưa sẽ có hỗ trợ thêm cơm chay cho người nhà của bệnh nhân. Các suất ăn dành cho bệnh nhi được chế biến đầy đủ năng lượng dựa trên tiêu chuẩn về thành phần dinh dưỡng, giúp đảm bảo sự phát triển cũng như sức khỏe cho các cháu lướt bệnh. Thỉnh thoảng, người nhà bệnh nhi còn được nhận bánh mì nướng bơ đường, để buổi tối nếu đói có cái mà dùng.
“Rất mừng khi Hội từ thiện chùa Long Phước tặng suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, và duy trì xuyên suốt cho bệnh nhi và gia đình đến nuôi bệnh. Từ ngày có bếp ăn, người nhà bệnh nhi đến đây không phải lo về tiền mua cơm, lo cái ăn, cái mặc, yên tâm điều trị bệnh và không bỏ về giữa chừng nữa. Điều này giúp rất nhiều cho chúng tôi trong công tác chữa lành bệnh cho các cháu nhỏ, và công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chữa bệnh đến bà con đồng bào dân tộc tiếp cận tốt hơn”, bác sĩ Thái vui mừng cho biết.
Cống hiến thầm lặng
Sự nhiệt tâm của bác Thái dành cho bệnh nhi nơi đây không chỉ dừng lại ở đó. Bệnh viện thiếu ngân sách để mua các thiết bị y khoa cần thiết trong định hướng khám, xử lý và điều trị cho bệnh nhân tại tỉnh. Ngân sách nếu đầy đủ sẽ góp phần giảm chi phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không phải vào TP.HCM cũng như các thành phố lớn để khám và điều trị bệnh.
Bác Thái cũng nỗ lực vận động. Đầu tiên là xin được đầu dò siêu âm tim với trị giá hơn 120 triệu đồng, rồi xe điện dùng để phục vụ việc vận chuyển bệnh nhân trong khuôn viên bệnh viện với tổng trị giá 250 triệu đồng, được thiết kế theo chuẩn châu Âu giúp việc vận chuyển bệnh nhi được thuận tiện và tiết kiệm thời gian hơn.
Bếp cơm tình thương tại BV.Đa khoa Gia Lai - Ảnh: H.M
Có những cống hiến thầm lặng của người bác sĩ mà chỉ có những người chung ngành, công tác cùng nhau mới thấu hiểu. Đó là ngoài chữa bệnh, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện này còn phải tìm mọi cách giúp gia đình bệnh nhân, số đông là đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống, tiếp cận lối sống văn minh. Có nhiều bà con đồng bào dân tộc đến bệnh viện nuôi con hoặc chăm cháu, không quen sử dụng nhà vệ sinh hiện đại, đã tìm đến các bãi đất trống ngoài khuôn viên bệnh viện để giải quyết “nỗi buồn”.
Để chấn chỉnh kịp thời, không để tình trạng này ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, bác Thái cùng đội ngũ y bác sĩ tuyên truyền từng phòng bệnh. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, để thay đổi ý thức từng bệnh nhân và thân nhân, giúp họ hiểu phải giữ vệ sinh, ở sạch, sống sạch thì mới có sức khỏe... đó không phải là điều dễ dàng và không phải là chuyện ngày một, ngày hai.
Với phương châm: “Lấy tình thương để phụng sự bệnh nhân”, chưa bao giờ bác Thái nề hà chuyện gì. Bác Thái đồng hành, chăm sóc, gần gũi với bệnh nhân từ giường chữa bệnh đến cả bếp ăn từ thiện; thường xuyên ăn cơm từ thiện chung với bệnh nhân, trò chuyện với bệnh nhân, chia sẻ kiến thức giúp họ thay đổi quan điểm về cuộc sống, đôn đốc các bậc phụ huynh chữa hết bệnh cho con thì phải cho con đi học, sau này các cháu mới có tương lai tốt đẹp hơn, giúp cả gia đình thoát nghèo.
Lý do bác Thái quan tâm nhiều đến bà con đồng bào như vậy, tất cả xuất phát từ logic nhân sinh, chỉ cần giúp được một cuộc đời trẻ em chuyển sang hướng tốt, là kéo theo sau đó biết bao cuộc đời khác tốt đẹp hơn.
Sự nhiệt tâm, dành nhiều tình cảm cho các bệnh nhân, suy nghĩ nhiều đến thế hệ mai sau của bác Thái đã chạm vào trái tim của người hướng thiện, muốn chia sẻ, làm đẹp cho cuộc sống này. Đó cũng chính là lý do vào cuối năm 2018, NS.Thích nữ Huệ Dâng quyết định đồng hành, tiếp sức bác Thái trong việc hỗ trợ tiền chuyển viện cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào TP.HCM chữa bệnh; hỗ trợ phần nào kinh phí chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo tỉnh Gia Lai và hỗ trợ luôn học bổng cho học sinh nghèo, đặc biệt là các em đồng bào dân tộc nơi đây đến trường, “nuôi” con chữ. Ni sư Huệ Dâng khẳng định: “Nếu bệnh viện có bệnh nhân nào thật sự cần tiếp sức, đúng người, đúng đối tượng, chỉ cần liên lạc, Hội Từ thiện chùa Long Phước sẽ cố gắng hết sức hỗ trợ”.
Ông Trần Duy Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai vui mừng, bày tỏ trong niềm xúc động: “Có nghĩa là, bệnh nhân nghèo có thêm cơ hội”. Thế nên, ở vùng đất mà đa phần người dân có cuộc sống với đầy ắp khó khăn thì sự dấn thân của người bác sĩ có tâm, có tầm, biết đặt giá trị nhân sinh lên hàng đầu, thật đáng quý biết bao.
“Bệnh nhân đến bệnh viện không áo quần mặc, thiếu mền đắp, chân không dép, trẻ bệnh cần có sữa uống, rồi cần chuyển viện... bác Thái đều lo lắng, quan tâm và gọi điện thoại tha thiết, xin giúp đỡ cho bệnh nhân. Chúng tôi cảm nhận rõ bác Thái làm việc này không phải vì khuếch trương cho cá nhân, mà tất cả xuất phát từ tấm lòng, cái tâm muốn phục vụ, đóng góp một phần sức lực của mình giúp đỡ, chữa lành bệnh, thay đổi và đem đến tương lai, cuộc sống tốt hơn cho những đứa trẻ nơi vùng đất này. Sự nhiệt tâm phục vụ cho bệnh nhân, đến với bệnh nhân bằng tất cả tấm lòng của bác Thái làm tôi cảm động và đồng hành”, Ni sư Huệ Dâng cho biết. |