Người nặn tò he

GN - Người ta vẫn gọi lão là ông Tam Lợn, dù ông đã từ bỏ nghề mổ lợn mấy chục năm nay rồi.

Cái tháng này sắp gần Tết rồi mà trời vẫn còn lạnh. Cái lạnh sắt se không chừa cả cơn đau từ những khớp xương nhức buốt của người già. Lão năm nay đã được hơn 80, độ chừng như vậy trên cái mặt già nua nhúm nhó và đen xám xịt của lão. Bộ áo quần trên người lão cũng vậy, khéo khen thứ vải bố ngày xưa được dệt như cái câu “ ăn chắc mặc bền” của người dân xứ miền Trung đầy nắng gió. Bộ áo quần lão mặc có màu gì ấy nhỉ, màu xám tro? màu lông chuột? màu vỏ cây già? Trộn ba thứ màu ấy lại với nhau mới áng chừng được cái màu quen thuộc từ bộ áo quần của lão.

Có lẽ màu đất cũ và đất mới đã bệt cứng lại với nhau nên sợi vải mới bền đến vậy. Bộ áo quần đã theo lão từ thời nhà lão còn có của để ăn và theo lão đến mấy chục năm nhà lão đói deo đói dắt khi nhà lão mất hết, bị cướp sạch. Có lẽ là cả nhà lão đã nếm đủ vị đói của những năm 80, có năm cùng quá, lão làm luôn cả công việc mổ lợn thuê, vậy mà thời còn bé lão lại sợ nhìn khi người ta cắt cổ một con gà.

Có năm, lão bỏ lại vợ con nheo nhóc lên rừng tìm ngải. Mấy năm sau lão trở về với gương mặt vàng bủng, lão dở người từ dạo ấy, và càng tệ hại hơn khi đứa con trai út của lão lâm bệnh mà chết. Vợ và đứa con gái đầu của lão bỏ vào miền Nam kiếm sống cũng bặt vô âm tín với lão, lần ấy lão nhớ là họ đã bỏ đi trong chuyến tìm ngải trầm kéo dài hơn 5 năm của lão. Từ sáng sớm đến tối mịt, lão đi lất khất bụi bờ xó chợ, lão hiền lành và tội nghiệp nên được người ta cho cái ăn, có khi lão được người ta cho cả tiền. Lão thường cất tiền cẩn thận vào cái túi áo có cái kim băng to tướng.

Lão điên, đúng là lão điên chỉ mới một nửa thôi, bởi cứ tháng gần Tết là lão lại lục đục chuẩn bị đi mua gạo dẻo để nhào nặn những con tò he để bán cho lũ trẻ con. Ngày xưa vẫn thế, chỉ trừ khi lão đi làm ăn xa không về, hay đang ở tận rừng sâu tìm ngải trầm mà lão không trở về kịp. Lão đã thật cố gắng tìm về quê nhà vào dịp gần Tết để nặn những con tò he xanh đỏ. Với lão, đó là sự thích thú, đó là thứ hương vị nhàn rỗi mà trong cuộc đời lão thưởng thức được.

tohe.jpg

Năm nay, tiết trời lạnh cóng quá. Những khớp xương của lão lại cứ buốt nhói, nhất là từ những cái chồi xương mọc ra trên các mu bàn tay và trên mu hai ngón chân cái. Tiếng chày cồm cộp vang ra từ nhà lão cả đêm cho đến gần sáng sớm. Tôi biết lão đang giã bột để làm tò he, âm thanh này đã quá quen với tôi từ thuở bé. Thuở ấy có vài nhà ở xóm tôi làm tò he bán vào dịp Tết, sau này chỉ còn mỗi mình lão. Ngày bé, tôi thường lăng xăng sang nhà lão chơi. Từng cái mẹt tre được cắm đầy những con tò he đủ màu sắc.

Tôi thường nhìn những ngón tay thoăn thoắt của lão nặn: những bông hoa hồng đỏ thắm, những chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, những cô thôn nữ áo mớ bảy mớ ba rực rỡ hay hình tượng anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, chàng Thạch Sanh dũng mãnh đánh thắng chằn tinh, những chùm chuối vàng tươi, con công, chú gà trống, rồi nào là rùa, ếch, ngựa, lợn, cá, cả thầy trò Tôn Ngộ Không, cả chú tễu, ông quan phụ mẫu, bà mẹ, đám trẻ con, ông thợ rừng, bác nông dân, bà đồng, mười hai con giáp, cái chân giò, đĩa xôi, cả hình ông phước lộc thọ… Ông nặn tất, ông nặn nhiều thứ mà ít trùng lại khuôn mẫu từ người khác, tôi thích lắm vì lẽ đó.

Qua lời ông giảng giải, tôi được biết về tên gọi “tò he”, có thể là do trước đây một số người hay nặn bột hình chiếc kèn tò te để thu hút sự chú ý của khách. Lâu dần, tiếng tò te từ chiếc kèn trở nên quen thuộc, gắn liền với những người “nặn con giống”, và được gọi chệch thành “tò he”. Ông nói, cái nghề vui này có nguồn gốc từ ngoài Bắc, tò he là một niềm vui chung của người lớn và trẻ con, khi ông nặn những con tò he ông đều thấy được gương mặt người cha yêu quý của ông đang cười. Ngày xưa nhiều khi mải mê với đám tò he của ông mà tôi bị mẹ mắng: “qua mà ở với ông ấy luôn đi!’’.

Ngày xưa, tôi thấy ông cặm cụi giã những lá dứa làm màu xanh, giã bột nghệ làm màu vàng, đám hoa hòe làm màu vàng lợt, cây nhọ nồi làm màu đen, màu đỏ từ quả gấc chín. Ông làm thoăt thoắt, bỗng chốc đám tò he như đang được nhảy múa cả một góc sân nhỏ của nhà lão. Bây giờ, lão lặng lẽ hơn, trên gương mặt lão lâu lâu mới thoáng thấy nụ cười đắc ý. Tôi nhớ ngày xưa lão cười và nói nhiều lắm, tôi còn nhớ vẻ mặt lão hí hửng đưa cho cậu bé là tôi xem con tò he lão vừa nặn xong. Ngày đó, nhìn những con tò he xoay xoay trên đôi tay tôi là lão thấy vui lắm, lão nói: “Cháu thấy không, mỗi con là có một linh hồn khác nhau đấy!”. Tôi nhìn kỹ lại chúng, đúng là từng cái miệng cười cũng khác nhau, cái tròng đen trong đôi mắt cũng khác nhau. Tôi xoay xoay chúng, nghe thấy cả tiếng khóc tiếng cười của chúng thì phải.

Hôm ấy Chủ nhật, tôi sang nhà lão chơi, lão đang mang phơi những con tò hè vừa nặn, lão nói:

- Cậu xem, màu của nó tuy đẹp thật nhưng không được thơm, năm nay lão không có quả gấc cho màu đỏ, cả nghệ cho màu vàng, lão phải dùng phẩm màu cả đấy.

Những con tò he được cắm đều trên cái mẹt tròn, rực rõ cả góc sân nhỏ của lão khi nắng vừa lên.

- Còn một nhã nữa đấy, tôi cố cho xong để ngày mai mang ra trước cổng trường tiểu học bán cho mấy cô cậu học trò nhỏ - lão vừa nói với ánh mắt hí hửng thật vui.

Tôi ngồi nặn với lão đến chiều. Bàn tay lão đã cứng khớp và đau, lão nặn thật chậm, những con tò he có gương mặt méo xệch, những hình dạng sần sùi, chắp vá. Tôi thấy thỉnh thoảng lão cau có, rồi lại thoảng cười.

*

Chủ nhật tuần sau tôi lại sang nhà lão chơi, lão đang ngồi ở góc giường, trông lão có vẻ rất ốm.

- Cụ ốm à?

- Vâng, lão trả lời với giọng rất yếu và khàn.

Tôi thấy đám tò he lão làm hôm trước vẫn còn gần y nguyên trên cái mẹt.

- Thế cả đám này lão chưa mang đi bán được à, mốc meo cả rồi đây này!

Thì ra là lão đã mang chúng đi bán nhưng lũ trẻ lại thờ ơ, chúng đòi ông nặn cho chúng nào là siêu nhân, người nhện, Batman, Đôremon, Pokemon, khủng long xanh… Ông chịu, ông bảo ông không biết hình thù của chúng sao thì mà nặn được! Chúng cười hahaha…

Lão vẫn ngồi ở góc trường đó mấy ngày, trời mưa và lạnh buốt, lão lấy tấm ni-lông che đậy cho đám tò he thật cẩn thận, nhưng hai ngày nay lão đã nằm đó và không dậy nổi.

*

Chiều tan sở, trước cổng trường tấp nập, tôi thấy rất nhiều người đang quây quanh một người bán tò he. Tôi nhìn: những con tò he có giáo mác, có súng ống, có kèn đồng, có bộ đội, có siêu nhân, có người nhện… đủ cả. Không phải lão. Tôi thật ngớ, lão đang ốm mà.

Về nhà, tôi lật lật sang nhà lão. Lão nằm đấy, hai hốc mắt lão hôm nay sâu hơn. Tôi hỏi gì, lão cũng lắc đầu. Tôi bảo: “Lão gắng lên, cố húp cháo và uống hết số thuốc đó thì sẽ khỏi, lão chỉ bị cảm lạnh thôi mà”.

Lão lắc đầu, cái lắc đầu cũng yếu ớt. Lão bảo hôm qua lão nằm chộ (mơ) thấy cha lão. Lão sẽ về với cha lão.

Tôi thấy hình như chiều nay những con tò he nằm mốc meo kia đang rướm nỗi buồn từng thớ thịt. Lão cũng là một con tò he hay nhất mà tôi từng thấy từ thuở bé và cho đến bây giờ đấy. Tôi lẩm nhẩm:

“Tò he cụ bán mấy đồng. Tôi mua một chiếc cho chồng tôi chơi. Chồng tôi đánh vỡ đánh rơi. Tôi mua cái mới tôi chơi một mình”.

Tôi nghe thấy tiếng thở dài đang yếu dần đi trên những con tò he đầy màu sắc mốc meo đang xoay xoay trên cái mẹt. Ngoài góc sân nhỏ, đâu đấy còn vang vang tiếng của lũ trẻ đang cười.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.