“Người làm vườn” sống tròn vai diễn

GN - Tốt nghiệp cao cấp giảng sư khóa 2001-2004, hiện là Ủy viên Ban Hoằng pháp T.Ư, Ủy viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TT.Thích Huệ Đăng viết nhiều tác phẩm giảng luận kinh điển Đại thừa, được mời thuyết trình tại nhiều hội thảo khoa học, người nổi tiếng về vườn địa lan xuất khẩu với Công ty TNHH xuất khẩu Hoa lan Thanh Quang (hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, Lâm Đồng). Mới đây (ngày 9-12-2012), Thượng tọa được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ KHCN trao bằng “độc quyền sáng chế” với công trình nghiên cứu: “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô”. Công trình này đánh dấu suốt một quá trình sống nhiệt tâm với đất, với hoa và người. Trong tiết trời xuân ấm áp, người được giới truyền thông gọi là “nhà khoa học chân đất”- TT.Thích Huệ Đăng cho phóng viên Giác Ngộ biết, cuộc sống của mình cũng giống như người nông dân, người làm vườn siêng năng, say mê với đất và hoa; chiêm nghiệm và rèn luyện tâm trong công việc thường ngày. Thượng tọa bộc bạch về triết lý sống, những “vai diễn” của mình:

Doanh nhân, người làm vườn, giảng sư, hay là một tu sĩ thì tất cả chỉ là những tướng của các pháp, là phương tiện. Đó là những vai diễn để một người tu hành trừng tâm và rèn trí. Chính qua những vai diễn đó mà tâm và trí của tôi được mở ra và đi đến thành tựu. Khi một diễn viên đang diễn một vai nào đó, thì đâu có thể chấp được mình là gì, vì tất cả những vai diễn đó chỉ là huyễn hóa, là phương tiện mà thôi. Tuy nhiên, nói vậy không phải là thích làm sao thì làm, hoặc làm hời hợt… Mà ngược lại, ở trong bất cứ vai diễn nào, chúng ta phải làm cho tới nơi tới chốn, với tất cả trách nhiệm và nhiệt huyết của mình để từng sự việc được thành công, mà trong tâm đừng chấp vào bất cứ việc gì. Cái biết phải được hiện thực vào trong từng việc làm nhưng luôn ở trong sự thanh tịnh. Đây cũng chính là chỗ mà chư Tổ thường nói “tri hành hiệp nhất” nghĩa: tri là biết còn hành là ứng dụng vậy.

DSCN4004.JPG

Trồng hoa rèn tôi kiên nhẫn, thấy rõ vẻ đẹp tự nhiên của hoa

Thượng tọa gắn với đất, với vườn, với địa lan ở thành phố Hoa- Đà Lạt đã hàng chục năm. Công việc trồng địa lan và đời sống tu tập có liên hệ với nhau không?

Những chậu địa lan đã gắn bó với tôi từ hồi tôi mới đến Đà Lạt (khoảng năm 1987), khi tôi từ giã tổ đình Long Thiền (Đồng Nai) tới đây lập một lộ trình để nhập thế, theo nhận thức của tôi. Tôi chỉ có một túi nãi và hai bàn tay trắng. Chính nhờ cây địa lan mà tôi có phương tiện để nuôi sống bản thân và các đệ tử đến tu học, hoàn thành các bộ luận kinh điển Đại thừa và hoàn thiện được quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô như ngày hôm nay.

Nhiều thông tin cho rằng trang trại địa lan của Thượng tọa đến nay đã có gần 100.000 chậu toàn bảng A. Có điều gì khiến Thượng tọa lại yêu địa lan đến vậy?

Tôi thực tình cũng chưa thống kê hết, bởi con số chậu lan cũng biến động theo thời gian, nhưng chắc chắn 40.000 – 50.000 chậu, hầu hết thuộc bảng A. Trồng địa lan đối với tôi cũng là một pháp tu.

Thượng tọa có thể cho biết rõ hơn về “pháp tu” này?

Các pháp như huyễn, các tướng đều là duyên hợp, giả tạm cho nên chúng ta phải tôn trọng quy trình sinh-trụ-dị-diệt để mà đừng đem tâm phân biệt, cố làm cho cái gì tồn tại mãi được. Cũng như hoa lan nở rồi tàn nhưng nó không đòi hỏi gì ở đời phải trả ơn nó, chính trong ý nghĩa đó mà vẻ đẹp ấy tồn tại mãi. Nó đến với cuộc đời và làm đẹp cho đời trong sự tự nhiên. Cuộc sống của con người trong đó có tôi cũng vậy, đến và đi như vạn pháp: sống, học, tu và hành theo Chánh pháp mà không đòi hỏi gì, sống với tâm bình đẳng, tâm từ bi, biết hy sinh, nhẫn nhục và siêng năng thì tự nhiên sẽ ghi lại được dấu ấn trong cuộc đời, làm đẹp cho đời trong tinh thần đại xả. Đó là vẻ đẹp của người tu cũng như hoa lan làm đẹp cho đời một cách tự nhiên. Trồng hoa rèn tôi kiên nhẫn, thấy rõ vẻ đẹp tự nhiên của hoa. Qua đó cũng thấu rõ sự vô thường của vạn vật.

 Cửa thiền của một người trồng hoa, một người làm vườn chắc hẳn là rất mát, rất đẹp, thưa Thượng tọa?

Như tôi đã nói, dù là vai diễn nào thì cuộc sống của người tu rồi cũng quay về nương tựa ở cửa thiền. Sống bằng trí tuệ, tự tâm thanh tịnh của chính mình dù là nương tựa ở cửa thiền thì cũng sinh động lắm. Đối với tôi không phải cứ ngồi lim dim cầm xâu chuỗi, hoặc gõ mõ tụng kinh suốt ngày… là đang sống thiền. Chỉ khi nào sống với tâm chân thật, thanh tịnh, trong sáng mà ứng dụng vào mọi mặt của đời sống, vào từng hành vi nhỏ nhất, thuận theo quy luật vũ trụ, theo dòng vận hành các pháp thì khi đó mới có đời sống thiền. Đời sống của “người làm vườn” như tôi tràn ngập hạnh phúc, cả bầu trời tự do như là đang trong cuộc rong chơi với đất trời. Cửa thiền của chúng tôi, xung quanh đầy hoa và mầm xanh…

Thượng tọa vừa nói đến “cuộc rong chơi”. Vậy cuộc rong chơi ấy của Thượng tọa và việc gặp gỡ cây sâm Ngọc Linh có phải là tình cờ?

Một lần tôi bị bệnh gan, chữa lâu mà không khỏi và tôi được một người tặng cho uống một ít sâm Ngọc Linh. Tôi thấy khỏe ra, bệnh gan thuyên giảm rất nhiều. Vì thế, tôi quyết định cần phải tìm củ cây này về nhân giống.

Trong suốt hơn 4 năm qua, dường như tôi ăn cùng, ngủ cùng, suy nghĩ cùng cây sâm Ngọc Linh. Tôi mong làm sao cho công trình nghiên cứu sớm đi vào hoàn tất, tạo ra hàng triệu cây giống để giúp cho cây sâm quý hiếm này đừng tuyệt chủng, nhiều người dân, đặc biệt là người nghèo có cơ hội được sử dụng cây thuốc quý này. Cuộc rong chơi của tôi với sâm Ngọc Linh là cuộc chơi có cả sự bền bỉ, trí tuệ, gian khổ nhưng thật sự đem lại ý nghĩa cho đời sống.

6. Giong cay mo Sam Ngoc Linh trong tai vuon sam TQ- DalatP1000835.JPG

Suốt hơn 4 năm cùng ăn, cùng ngủ, cùng suy nghĩ về cây sâm Ngọc Linh

Chắc hẳn cuộc rong chơi với sâm Ngọc Linh tốn nhiều tâm sức, trí lực?

Năm 2008, khi biết được trên đỉnh núi Ngọc Linh (sâm Ngọc Linh chỉ phân bố hẹp ở một vùng có độ cao đến trên 2.500m) vẫn đang tồn tại những cá thể sâm Ngọc Linh, tôi cùng một vài cộng sự và đệ tử đã lên đường đến tận nơi với hy vọng di thực giống cây này về trồng ở Đà Lạt. Chuyến đi trắc trở ấy, tôi thu được 10 cây giống được di thực về miền đất mới Đà Lạt, Lâm Đồng. Đến năm 2009, tôi lại tiếp tục khăn gói lên đường đến với Ngọc Linh liên sơn thuộc vùng Quảng Nam tìm thêm 100 cây giống nữa đem về Đà Lạt.

Từ những cây giống này, tôi cùng đồng sự say mê nghiên cứu, tham gia nhiều hội thảo khoa học, tôi sang tận Hàn Quốc để tìm hiểu, nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống cây này bằng nhiều phương pháp. Để cuối cùng, tôi đã chọn phương pháp nhân giống vô tính cho cây sâm Ngọc Linh. Sau một thời gian huy động trí lực của khá nhiều người cùng với việc bỏ ra hàng tỉ đồng để lập phòng thí nghiệm và nuôi cấy mô, tôi đã thành công trong việc nhân giống hàng loạt và trồng thử nghiệm thành công (tỷ lệ cây sống đạt khá cao - khoảng 60%) cây sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt.

Như vậy, Thượng tọa đã dồn nhiều tâm huyết và kỳ vọng cho công trình nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh?

Hiện nay, tôi đã ngoài 70 tuổi với hơn 40 năm làm tu sĩ, trong tư cách là một Giảng sư của Ban Hoằng pháp T.Ư, hơn 20 năm nhập thế bằng phương tiện doanh nghiệp, tôi thấy vui và hài lòng trong công việc. Trong đó, cây sâm Ngọc Linh chiếm nhiều tâm sức. Do đó, tôi còn trăn trở rất nhiều về tương lai của cây sâm Ngọc Linh, ai là người có thể kế thừa, tiếp nhận, duy trì và phát triển được những cây giống này với những nền móng mà tôi đang tạo ra. Tôi hy vọng, tin tưởng rằng sẽ có người đủ tâm lực, trí lực, pháp lực có nhân duyên với Phật pháp và cây sâm Ngọc Linh, để có thể phát triển cây sâm Ngọc Linh và đưa nó trở thành một sản phẩm đại trà cho người dân Việt Nam và trên thế giới. 

Hiện tại, mỗi ngày Thượng tọa dành bao nhiêu thời gian cho trang trại để trải lòng với hoa và đất?

Thật khó mà trả lời câu hỏi này. Mỗi ngày là một ngày mới, vì vậy tùy duyên, tùy pháp, tùy đối tượng mà chúng ta có những việc làm khác nhau. Nhưng có thể mô tả sơ qua như thế này, một ngày của tôi bây giờ vẫn ngần ấy việc: làm việc ở vườn sâm, phòng nuôi cấy mô, trong vườn lan, rà soát lại kinh điển và các bộ luận giảng để tóm lược lại, huân tập lại cho thêm nhuần nhuyễn, khi gặp người có duyên sẽ giảng giải cho họ nghe, đi giảng tại các nơi khi sắp xếp được...

Xin cảm ơn Thượng tọa! Kính chúc Thượng tọa năm mới nhiều an lạc. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.