Bên ánh lửa bập bùng, nhiều tiết mục “tự biên tự diễn” được các em học viên trình diễn giúp vui, trong đó có những màn đi quyền, múa đao, song đấu... đã thu hút đông đảo thanh niên xã nhà. Thế nhưng, ít người biết rằng người truyền thụ cho các em các kỹ năng võ thuật là Sư cô Thích nữ Hạnh Mỹ.
SC.Hạnh Mỹ hiện nay là sinh viên năm thứ 2 Học viện PGVN tại TP.HCM đồng thời cũng là thành viên nhóm Truyền thông thuộc Ban Điều phối Học viện. Người tuy đậm thấp nhưng trông cô năng động, rắn chắc, nét biểu hiện của một người năng tập luyện thể lực. Quê cô ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, một miền quê nghèo miền Trung. Năm 14 tuổi cô tập sự hành điệu tại chùa Lầu ở quê nhà, về sau được Thầy tại đây giới thiệu về tu học tại chùa Pháp Thành 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu,(tại TP.HCM: chùa Pháp Thành 2, 192/14, Phạm Văn Chí, P.4, Q.6) và chính thức xuất gia với Ni trưởng viện chủ Thích nữ Tắc Thành. Được phép Thầy, Tổ, năm 1997, cô tham gia lớp Sơ cấp Phật học quận 3 tại chùa Phật Bửu rồi Trung cấp Phật học TP.HCM… Với tinh thần say mê võ thuật cô thường tranh thủ ngoài giờ học về Ni viện Bát Nhã, Q.Bình Thạnh luyện tập Trung Sơn võ đạo (võ cổ truyền VN) với SC.TN Viên Nhơn, SC.TN Như Tâm và tham dự học với Võ sư Phạm Văn Hùng tại Trung tâm TDTT Q.Bình Thạnh. Nhờ có sức khỏe mạnh và kiến thức y lý cơ bản qua việc học tập võ nghệ, nên cô thường phụ trách y tế chăm sóc sức khỏe cho chư huynh đệ hành giả an cư mỗi kỳ nhập hạ.
Kể lại những ngày đầu tập luyện võ nghệ, cô cho biết: “Sau buổi tập trở về chùa, thân thể đau nhức rã rời, như muốn rơi ra từng mảnh, đặc biệt là vào lúc công phu khuya. Ngoài ra, trong quá trình tập luyện, người võ sinh bị chấn thương, bong gân, trật khớp là chuyện xảy ra gần như cơm bữa, nếu không có sự chuẩn bị cẩn thận. Chính vì lẽ đó, người sơ cơ mới tập luyện, dễ sinh chán nản bỏ cuộc giữa chừng, nếu không có lòng say mê và sự bền chí”.
Tham gia khóa tu Hương sen ngày hạ năm naỵ, nhiệm vụ hàng đầu của cô là trang bị cho các em học viên kiến thức cơ bản về Phật học, gồm: ý nghĩa về lục hòa, cuộc đời Đức Phật, ý nghĩa hoa sen, ý nghĩa cờ Phật giáo… Về võ thuật, cô truyền thụ cho các em những bài, thế căn bản của Trung Sơn võ đạo như: Thập nhị thủ pháp, Khởi quyền, Thần đồng, Năm tấn di chuyển… Cô cho biết: “Đỉnh cao của mônTrung Sơn võ đạo là người tay không có thể khống chế người có dao. Và với những em có năng khiếu cộng với thể lực tốt, thì sau 3 tháng tập luyện chuyên cần, thực hành thuần thục được các thế nhào lộn căn bản, là các em đã có thể có khả năng tự vệ”.
Có một kỷ niệm mà cô sôi nổi kể lại là vào ngày rằm tháng Tư năm 2007, cô đã tham gia cùng chư Ni hai chùa Ưu Đàm (Thủ Đức) và Bảo Minh (Bình Thạnh), biểu diễn võ thuật tại chùa Bảo Minh. Qua đó đã tạo nên một hình ảnh mới mẻ của một người nữ tu Phật giáo: linh hoạt, sống động, khỏe mạnh. Theo cô: hiện nay quan niệm luyện tập võ nghệ rèn luyện thân thể được nhiều Tăng Ni sinh trẻ đồng tình. Đầu năm học 2007, sinh viên của Học viện PGVN tại TP.HCM đã có thêm giờ sinh hoạt ngoại khóa về võ thuật. Tiếc rằng phong trào này kéo dài chỉ được 3 tháng, bởi thiếu điều kiện sân tập và cũng bởi vì những ý kiến phê phán nghiêm khắc cho rằng việc múa đao, đi quyền làm phản cảm hình ảnh “nhân ái, nho nhã” của người tu sĩ! Đối với người tập võ, sự rèn luyện bền bỉ cũng là cách tu dưỡng tinh thần để đi đến hoàn thiện nhân cách, là một phương pháp rèn luyện sự trầm tĩnh và chế ngự sân hận. Đặc biệt là biết phát huy tinh thần võ đạo, bênh vực người yếu đuối, thế cô, giúp đỡ người nghèo khổ, tích cực thực hiện lẽ phải và không lùi bước trước cái ác… Đối với môn đệ, cô muốn truyền cho các em sự tự tin, sống hiếu thảo và có lòng nhân ái.
Ngoài những hoạt động trên, cô còn là thành viên của đoàn sinh viên thiện nguyện, tham gia phổ biến kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, trong giới thanh niên và đoàn viên GĐPT, nhằm góp phần ngăn chặn một căn bệnh quái ác lây lan trong cộng đồng xã hội.