Người dân Quảng Bình khắc phục sau mưa lũ

GNO - Đến sáng nay, 24-10, theo thông tin từ văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đa số các xã bị mưa lũ trên địa bàn Quảng Bình không còn bị cô lập hay chia cắt.

Công tác khắc phục hậu quả sau lũ lụt đang diễn ra trên toàn tỉnh, đường sá nhiều nơi thông tuyến nên các đoàn cứu cứu trợ có thể trực tiếp đến các hộ dân để trao quà.

100% hộ được di dời trước đó đã trở về nhà. Công tác dọn dẹp vệ sinh, môi trường, khắc phục hậu quả đang được người dân và các đơn vị phối hợp tích cực triển khai nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

a1.jpg


Chùa Lam Sơn (Nghệ An) trao quà cho người dân sau mưa lũ

Ghi nhận của CTV Giác Ngộ, nhiều đoàn Tăng Ni, Phật tử trong cả nước đã về tại các huyện bị ảnh hưởng mưa lũ để thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị tai nạn, gia đình chính sách, gia đình bị thiệt hại nặng - hỗ trợ người dân tự khắc phục thiệt hại về nhà cửa, tài sản, vệ sinh môi trường.

Tại các xã An Ninh, Duy Ninh, Tân Ninh… thuộc huyện Quảng Ninh nước  đã rút, tuy nhiên nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã vẫn chưa thể giải phóng được lượng đất bùn, nhiều bức tường của nhà dân bị đổ ngã, đồ điện, máy móc trong nhà hư hỏng hoàn toàn, nhiều tuyến trên địa bàn bị sạt lở nghiêm trọng, các phương tiện đi lại khó khăn...

Các địa phương trong tỉnh tiếp tục chia thành nhiều đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn bị lũ lụt nặng, động viên và hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn.

Ông Nguyễn Duy Viên, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cho biết: “Sau khi lũ rút,  hợp tác xã cùng với chính quyền địa phương huy động hàng trăm cán bộ, đoàn viên thanh niên, lực lượng bộ đội đến từng thôn giúp bà con dọn nhà cửa, đường sá. Công tác cứu trợ của các đoàn từ thiện cũng được chúng tôi chú trọng quan tâm kết nối - hỗ trợ để bà con sớm ổn định lại cuộc sống”.

Còn tại huyện Lệ Thủy, sau khi dọn xong nhà cửa, người dân đã cùng nhau ra đường để dọn bùn thải, đất đá. Những đoạn đường ngập bùn được bà con nơi đây nạo vét, vớt đi đổ, khẩn trương thu gom rác thải tại trụ sở các đơn vị, trường học, nhà văn hóa thôn và các địa điểm công cộng.

a2.jpg
Người dân thôn Phúc Lương, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh sửa sang lại máy móc sau mưa lũ

Theo thầy giáo Nguyễn Lê Hiếu, giáo viên Trường THPT Lệ Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình), “nước lũ vừa rút, cả hai vợ chồng là giáo viên đã cùng với Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên khẩn trương dọn dẹp trường học, chuẩn bị đón học sinh trở lại, việc khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại gia đình phải nhờ người thân”.

Hiện công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn tiếp tục khẩn trương với phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”. Các công việc cùng chạy là: vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, thống kê thiệt hại, tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ kịp thời cho người dân, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo sơ bộ, đến ngày 24-10, toàn tỉnh cơ bản đã hết các nhà bị ngập trong lũ lụt.

Đợt lũ lụt qua, Quảng Bình có 14 gười tử vong, 3 người mất tích, 95 người bị thương, 109.254 nhà bị ngập, 13 nhà bị sập, 5 nhà bị ảnh hưởng sạt lở đất ở Thạch Hóa, 1 nhà ở thôn Yên Tố, xã Phong Hóa bị bốc cháy khi nấu ăn; hàng chục nhà dân có nguy cơ sập do sạt lở, xói mòn cần di dời khẩn cấp.

Ngành điện Quảng Bình đang gấp rút khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm đóng điện cho người dân. Hiện nay, ngành đã cấp điện gần 90% khách hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Phấn đấu trong ngày 24-10, sẽ đóng điện toàn bộ các điểm an toàn cho người dân ổn định sinh hoạt.

a3.jpg
Số thóc mọc mầm do ngâm nước quá lâu được đem ra phơi lại tại H.Quảng Ninh

a4.jpg
Lực lượng bộ đội Quảng Bình giúp người dân doọn dẹp nhà cửa 
     

Hữu Tình

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.