Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chấp hành chủ trương của Chính phủ với việc không tổ chức các khóa lễ tập trung đông người, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho phép thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các khóa lễ cầu an đầu năm, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, một hình thức được giải thích là “phù hợp với tình hình mới”. Bên cạnh đó, cúng dường online, thông qua ví điện tử Momo, trước đây là việc khá lạ lẫm cũng được thử nghiệm trên cơ sở tự nguyện của tín đồ.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện: “Thời gian qua, GHPGVN đã ứng dụng thành công CNTT trong quản lý điều hành, tổ chức các đại lễ lớn như Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, trong công tác hoằng pháp, tổ chức các khóa lễ cầu an đầu năm theo hình thức trực tuyến... Việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của GHPGVN đã được triển khai một cách bài bản và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của GHPGVN”.
Từ những việc làm trên, người viết có đôi điều thắc mắc là chúng ta đang muốn “hiện đại hóa” Phật giáo hay chỉ đưa ra thêm một “phương tiện thiện xảo”? Nhưng liệu hình thức này có nâng tầm hiểu biết về Phật pháp cho tín đồ chăng, khi mà nó có vẻ chưa thể hiện được giáo lý nền tảng là góp phần hướng con người đến chỗ giải thoát, giác ngộ?
Trong một trước tác của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Muốn bảo vệ đạo Phật một cách hữu hiệu, mỗi người Phật tử phải xây một ngôi chùa cho chính bản thân mình… Chùa đây đích thực là ngôi đại hùng bửu điện trong đó người Phật tử trở về tìm thấy nội tâm mình… Đó là ngôi chùa vững chắc có thể che chở cho ta không bị những ngọn cuồng phong của thế cuộc xô đẩy và lôi cuốn…”.
Để việc cầu an trực tuyến thật sự hiệu quả, thì khi tham dự các khóa lễ trên mạng, chúng ta phải một lòng sùng tín, cũng như khi đến chùa. Vì sao? Đối tượng sùng tín của chúng ta là những vị Phật. Mà Phật thì không ở đâu xa ngoài bản tâm của mình, như lời giáo huấn mà người Phật tử chúng ta đã từng nghe không ít lần.
Một nền Phật giáo hưng thịnh không phải chỉ có đông đảo Tăng Ni, cơ sở vật chất đồ sộ… mà chính là chất lượng của sự tu tập, đời sống phạm hạnh và năng lực hoằng hóa người dân theo hướng thiện lành, góp phần nâng cao chất lượng sống.
Những hình thức tu tập, hành trì hay nghi lễ đôi khi chỉ là phương tiện quyền xảo (skillful means) để đưa ta đến mục đích tối hậu của đạo Phật là an lạc, giải thoát khỏi ràng buộc thế gian. Với tinh thần ấy, chúng ta có rất nhiều không gian, rất nhiều điều kiện để học hỏi những pháp môn mới, những cách thực hành mới, những giáo lý mới, với điều kiện là nó phải có khả năng đưa con người tới gần Chánh pháp. Nghi thức nào cũng chỉ là hình thức, là phương tiện, cái chúng ta nhắm đến là hiệu quả đích thực, câu chuyện cầu an trực tuyến, cúng dường online cũng giống như việc chuyển đổi giữa hình thức học tập trung và trực tuyến. Mục đích cuối cùng vẫn là sự nắm vững bài học và vận dụng.
Mong rằng, Giáo hội sẽ có những cân nhắc một cách kỹ lưỡng, điều chỉnh hướng đi cho Phật giáo Việt Nam, hướng đến việc kiến tạo một ngôi chùa tâm linh đẹp nhất, với chất liệu từ bi và trí tuệ thực chứng, vững chãi trong lòng của số đông, trong nền văn hóa Việt Nam, loại bỏ các pha tạp, những ứng xử thế tục xâm thực thiền môn.
Phạm Văn Nga (Tiến sĩ, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM)