Tiếng trẻ con rộn rã cả khu xóm nhỏ, có lúc trẻ tập trung đông như một đội bóng, chúng nghịch ngợm la hét ầm ĩ… Thế nhưng một hôm nào đó vắng chúng là buồn tẻ hẳn.
Ông Tường nhớ những ngày đầu chuyển đến xóm này, một mình nhà ông ở một quả gò đơn độc. Ông Tường là một trong những người đầu tiên đưa vợ con đến đây ở. Rồi lần lượt những nhà khác đua nhau đến ở chật quả gò cuối xóm. Có tám nhà quây quần với nhau nên sống rất đoàn kết, đã có những xích mích, cãi vã nhưng rồi lại cười nói với nhau như cũ.
Có lúc ông Tường cảm thấy mấy gia đình đối đãi với nhau như anh em cùng một nhà vậy. Những ngày xưa đói kém, có nồi cháo sắn nấu ốc cũng gọi nhau tới ăn, cười nói râm ran như nhà có tiệc. Những tưởng cảnh yên vui, ấm áp như thế cứ kéo dài mãi, vậy mà không thể được. Bây giờ mọi thứ đã đổi thay và lòng người cũng không còn như trước. Lòng ông Tường buồn nẫu nhớ về những năm tháng cũ mà ứa nước mắt.
*
Con ngõ dẫn vào khu xóm nhỏ nhà ông Tường càng ngày càng thêm đẹp. Ngõ được đổ bê-tông bằng phẳng và sạch sẽ. Nhà ai cũng xây tường rào, xây cổng kín đáo và vững chãi. Bóng cây rợp mát khi xưa không còn nhưng cũng không đến nỗi nắng vỡ đầu như mấy nhà ở trung tâm xã vì vẫn có những cây to được để lại. Từ ngày khu công nghiệp bên thị xã xây dựng, lũ thanh niên trong xóm rủ nhau đi làm trong các nhà máy, một số nhà thì làm cai xây dựng nên kinh tế nhà nào nhà nấy khấm khá hẳn.
Thằng Cổn lái cái xe ô-tô chở cốp-pha và đồ nghề chạy ra khỏi cổng. Từ thùng xe rơi ra đủ thứ rải lên ngõ. Ông Tường chạy theo gọi với, thằng Cổn trong buồng lái ngó ra vẻ cau có:
- Gì đấy bác Tường?
- Anh để ý cẩn thận một tí nhé, vôi vữa rơi hết ra ngõ rồi.
Thoáng chút suy nghĩ, nhưng rồi cái mặt thằng Cổn lại cau có như cũ:
- Ôi dào! Vài cơn mưa là lại trôi đi hết, bác không phải lo.
- Ơ hay! - ông Tường đã bắt đầu thấy khó chịu.
- Thôi, chiều về cháu dọn - thằng Cổn chống chế cho qua chuyện.
Ông Tường thấy thằng Cổn có vẻ không còn gay gắt, với lại buổi sáng biết nó đang vội nên thôi. Là ông nhắc thế cho nó để ý hơn chứ ông biết hôm nào cánh thợ xây cũng tối mịt mới về nhà. Mấy lần ông Tường đã dọn cho con ngõ sạch sẽ, thằng Cổn cũng đã nhìn thấy. Nhưng lần này vôi vữa, mảnh vụn rơi ra nhiều quá khiến ông phải nói, không nói nó sẽ mãi như thế, cái ngõ này sẽ như một bãi rác. Đúng là đường là của chung, nhưng tính ông Tường vốn sạch sẽ, cẩn thận, hơn nữa ông lo cho lũ trẻ. Chiều nào bọn trẻ con chẳng tụ tập chơi đùa trên con ngõ này, ngõ rộng thật nhưng bẩn thỉu thì không thể được. Cái ngõ này giờ chỉ có lũ trẻ con là còn chơi với nhau thôi.
Tay xẻng, tay chổi, rồi bao tải, ông Tường lại hì hụi quét dọn cho con ngõ. Mấy người trong xóm đã xì xào bảo ông rỗi việc nên mới ra vẻ ta đây, ngày xưa lá rụng đầy ra đấy cũng có sao đâu. Mặc người ta nói, ông Tường vẫn cứ làm cái việc mà ông cho là đúng, ông nghĩ rồi dần dần họ sẽ hiểu ra, sẽ thấy đó là việc cần thiết. Ông nghĩ, đúng là miệng đời, lúc thấy ông làm có người ngấm nguýt, nhưng khi quay lại thấy con ngõ sạch đẹp, chính người ấy lại khen lên khen xuống.
Mấy đứa con ông Tường biết chuyện đã can bố, chúng bảo: “Bố già rồi, cứ ở nhà mà nghỉ ngơi cho khỏe, con ngõ là của chung, ai cũng phải có trách nhiệm bố ạ”. Thì ông Tường vẫn biết như thế, nhưng ông cứ thấy khó chịu không yên. Tính ông Tường là thế đã thấy cái gì không vừa ý là ông lại hì hụi làm cho tới khi ưng ý mới thôi. Có lần làm hăng hái và say mê quá mồ hôi túa ra chảy ướt cả khuôn mặt. Mệt đấy mà vui đấy, ông thấy lòng mình khoan khoái nhẹ tênh.
Con ngõ nơi xóm nhỏ nhà ông Tường ngày càng ảm đạm. Ông Tường tưởng như nó đã rộng thêm ra. Tám nóc nhà ngày xưa ồn ào vui vẻ thế, giờ im ắng ai biết nhà nấy cứ như ở phố. Cứ tưởng do công việc bận rộn, mệt mỏi mà người ta không có thời gian giao lưu chơi bời với nhau, nhưng không phải, bây giờ mỗi người một phách, chẳng liên quan gì nên không cần nhau.
Bây giờ người ta không quan tâm, đùm bọc nhau như cái thời của ông. Người ta hờ hững, nhưng lại cũng hay ngầm ghen tị với những cái hơn của hàng xóm. Hễ thấy nhà khác có cái gì là họ nhảy đỏng lên ở trong bụng, và ngay lập tức cố gắng làm cho được như thế, hoặc thậm chí phải hơn thế. Có lẽ vì vậy mà cái xóm nhỏ của ông Tường nhà nào cũng hai, ba tầng, hoặc nhà vườn bề thế và đẹp, nhà nào cũng kín cổng cao tường. Ông biết, có nhà xây cả tỷ bạc nhưng số tiền chỉ có khoảng một phần ba. Thế nên ngày đêm cày cục lo trả nợ to, nợ nhỏ.
Ông Tường nhớ lại những ngày xưa ấm áp tình nghĩa xóm giềng. Qua hàng rào cúc tần, dâm bụt người ta í ới gọi nhau khi có việc gì cần. Có những buổi trưa, mấy nhà lại gọi nhau túm tụm nơi đầu ngõ ăn khế chua, dái mít. Cái món ăn vặt nhà quê chát chát, chua chua mà rôm rả lắm, tiếng cười giòn lắm. Đấy, cuộc sống giản đơn mà gần gũi quá chừng.
Đang lâng lâng trong ký ức êm đềm, ông Tường bỗng nghe thấy tiếng cãi vã rất to ngoài đầu xóm. Ông ngỡ ngàng, lắng nghe xem chuyện gì đang xảy ra. Chợt nhận ra một điều, lâu lắm rồi ở cái xóm nhỏ này một tiếng cãi vã giữa những người hàng xóm cũng không. Cái dây liên kết tình làng nghĩa xóm giềng bấy lâu nay đâu còn nữa, nó nhạt nhẽo, vô cảm biết nhường nào. Ông Tường lắc đầu ngao ngán. Ôi! Biết bao giờ về lại những ngày xưa, cái thời mà ông với ông Chúc, bà Thơm, ông Hào, ông Cả… với nhau. Bây giờ bọn trẻ sống khác quá. Liệu có thể làm ấm cái xóm này lên như trước hay không?
*
Ông Tường đang nằm lơ mơ chưa vào giấc ngủ thì thấy tiếng trẻ con khóc ngoài cổng. Ông ngồi hẳn lên nghe ngóng, hình như tiếng thằng cu Bin con trai thằng Cổn thì phải. Ông vội vã chạy ra, đúng là thằng Bin thật, nó đang bị chiếc xe đạp to kềnh càng đè lên người, thằng bé có vẻ hốt hoảng tìm cách thoát ra. Ông Tường chạy đến để giúp thằng bé đứng dậy.
- Bin, sao cháu lại chơi có một một mình thế này, mà đi thế nào để ngã trầy cả đầu gối.
Ông Tường nhìn thằng Bin rồi nhìn sang chỗ nó ngã. Thì ra cái bánh trước xe đạp chèn vào một mẩu gỗ khá dày. Trời ơi! Là mẩu gỗ vỡ ra từ một thanh cốp-pha của bố thằng Bin làm rơi đây mà. Khổ, thằng bé 6 tuổi như thằng Bin thì làm sao để ý được cái thanh gỗ ấy mà tránh, nó lại đi cái xe đạp của người lớn như thế. Ông Tường đã lấy cồn rửa vết thương cho thằng bé, may mà chỉ trầy xước ngoài da nên không sao. Lúc này, ngồi nhìn cái mặt nhăn nhó của thằng bé mà ông muốn phì cười. Cái mặt nó giống bố như lột, có những nét tinh nghịch như thằng Cổn hồi còn nhỏ.
- Có còn đau không cháu.
- Đau lắm ông ạ.
- Thế chị Bống đâu mà có một mình cháu chơi ngoài đường như thế?
- Chị ấy đến nhà bạn mượn sách rồi ông ạ. Chị ấy bảo đi một lúc thôi nên cháu không muốn đi theo.
Ông Tường nhìn thằng bé rồi lại tự trách mình. Hôm nay, thấy người không được khỏe nên ông không ra ngoài như mọi ngày, nếu ông đã quét dọn sạch sẽ thì đã không có chuyện thằng bé bị ngã.
Tối mùa thu mát mẻ, ông Tường đem ấm trà ra góc sân nhâm nhi hóng gió. Hương thị chín nơi góc vườn đưa lại làm tâm hồn ông dịu lại. Ông vẫn quen ngâm nga những bình yên còn sót lại nơi làng quê đang rục rịch tiến dần lên cảnh phố. Nhưng cái đó cũng không quan trọng, cái mà ông lo sợ chính là cái đổi thay của lòng người, của tình nghĩa xóm giềng đã không còn mặn mà gần gũi.
- Con chào ông!
Ông Tường đang lan man suy nghĩ thì giật mình bởi lời chào của thằng Cổn.
- A, anh Cổn đó hả. Vào đây, vào đây uống nước chè nào. Chè tôi vừa pha xong còn nóng lắm.
Thằng Cổn nâng chén chè lên mũi ngửi, vẻ mặt nó giãn ra khoan khoái nhưng trên khuôn mặt ấy xem chừng còn lẫn cả sự dò xét, ý chừng nó còn ngại với ông Tường lắm. Uống một ngụm chè, chẹp chẹp cái miệng, nó nói:
- Trưa này nhờ ông mà thằng cu Bin… Cái con Bống là chị mà còn mải chơi lắm ông ạ. Vợ chồng con thì đi làm cả ngày, có mấy khi được ở nhà đâu.
- Cái đó thì có gì đâu mà anh phải suy nghĩ. Tôi thì chỉ mong con ngõ sạch sẽ cũng là lo cho bạn trẻ. Đấy, bây giờ thì anh thấy đấy…
- Vâng, từ giờ con sẽ chú ý.
- Được rồi, chỉ cần anh hiểu là được.
Hai người cùng ngồi trò chuyện thật lâu bên ấm chè thơm ngát. Ông Tường nhớ lại, đã lâu rồi những người láng giềng mới lại ngồi cùng nhau thế này. Bao câu chuyện cũ được ôn lại, những tiếng cười rộn lên hòa cùng tiếng của lũ trẻ làm lòng ông Tường hân hoan. Mấy đứa cháu nhà ông Tường và con của Cổn nô đùa vui quá.
Ông Tường nâng chén chè lên, và ông uống vào cả những tiếng cười.