“Này các Tỳ-kheo, ta gọi điều có ý chí (tác ý: cetanā) là nghiệp. Bởi chính ý chí mà chúng sanh tạo ra nghiệp qua thân, khẩu và ý”.
Trong Phật giáo học thuyết nghiệp giữ một vị trí có ý nghĩa. Về phương diện đạo đức, học thuyết nghiệp rõ ràng có những ảnh hưởng rất lớn, chi phối suy nghĩ và hành vi của những người tin vào nó, và theo đó tạo nên lối sống cá nhân của họ mà tất yếu có sự ảnh hưởng vào đời sống xã hội.
Nghiệp (kamma, karma) là hành động hay hành vi; nhưng nghiệp không chỉ là hành vi hay những việc làm cụ thể mà cũng bao gồm cả những suy nghĩ, thái độ và ý chí. Và trong Phật giáo, một hành vi, lời nói hay ý nghĩ hình thành nên nghiệp chỉ khi chúng có sự tác ý (cetanā) hay có ý định và mục đích, tức là những hành vi, ngữ ngôn, dự định, quan điểm, thái độ... được làm hay phát khởi một cách có động cơ. Trong kinh Tăng chi, Đức Phật nói rằng:“Này các Tỳ-kheo, ta gọi điều có ý chí (tác ý: cetanā) là nghiệp. Bởi chính ý chí mà chúng sanh tạo ra nghiệp qua thân, khẩu và ý”1.
Trong Phật giáo, khi nói đến nghiệp, ta sẽ liên hệ đến nghiệp nhân và nghiệp quả (karmaphala). Tức là một hành vi khi được tạo ra, nó sẽ đưa đến một kết quả mà người tạo tác sẽ gặt lấy; và kết quả đó tốt hay xấu tùy thuộc vào nghiệp nhân mà người đó đã gieo trồng. Nếu một người “làm thân hành có tổn hại, làm khẩu hành có tổn hại, làm ý hành có tổn hại” thì người ấy “sanh ra ở thế giới có tổn hại”, và họ sẽ chịu khổ đau. Ngược lại, nếu một người “làm thân hành không có tổn hại, làm khẩu hành không có tổn hại, làm ý hành không có tổn hại” thì người ấy sẽ sanh ra ở thế giới không tổn hại và không có khổ đau2. Như vậy, đời sống của mỗi người là do chính người ấy quyết định, hay nói cách khác là do việc làm hay hành vi của người đó quyết định nên:“Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.3
Việc thừa tự nghiệp có nghĩa là chịu sự tác động của nghiệp. Và tùy thuộc vào nghiệp thiện hay ác mà người ta sẽ tái sanh vào những cảnh giới khác nhau. Kinh nói rằng:“Có nghiệp đưa đến cảm thọ ở địa ngục, có nghiệp đưa đến cảm thọ loài bàng sanh, có nghiệp đưa đến cảm thọ cõi ngạ quỷ, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới loài Người, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới chư Thiên”. Và người ta sẽ chịu tác động của nghiệp không chỉ ở hiện tại mà có thể vào những đời sống sau, và điều này trong kinh gọi là nghiệp dị thục: “Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng có ba loại nghiệp dị thục: ở ngay đời hiện tại, hay ở đời sau, hay ở một đời sau nữa”4.
Như vậy, hiểu nghiệp là hiểu về nguyên nhân và kết quả của nó. Và việc quán sát những tình huống xảy ra cho bản thân chúng ta và cho xã hội nơi ta đang sống là giúp chúng ta hiểu về nghiệp hay hiểu về nhân và quả.
Phật giáo không tin vào một đấng Thượng đế quyền năng, cũng không chấp nhận việc tế lễ thần linh theo Veda, và như vậy không tin có những luật lệ do thần linh đặt ra, và theo đó không có sự thưởng phạt do thần linh mang lại cho con người. Do đó, bất kỳ những gì con người trải nghiệm, dù là khổ hay vui, thì đó không phải do những chi phối hay tác động của thần linh, mà do chính những hành vi của con người tạo tác nên, và tương lai của ta tùy thuộc vào những hành vi của ta. Đó là luật nhân quả. Luật nhân quả là điều chi phối và quyết định sự công bằng cho con người. Luật nhân quả không phải là sự thưởng phạt, mà ngay như tên gọi của nó, là luật về nhân và quả.
Khía cạnh đạo đức quan trọng trong học thuyết nghiệp báo là rằng, mỗi hành động đều đem lại kết quả cho người tạo ra nó. Một nghiệp nhân tốt, thiện, sẽ đem lại nghiệp quả tốt và thiện, và ngược lại nghiệp nhân xấu và bất thiện sẽ đưa đến quả báo xấu và bất thiện. Vì ta phải nhận lấy những kết quả tương xứng với hành vi tạo tác của mình, do đó ở đây đặt ra trách nhiệm cá nhân cho mỗi người. Không ai có thể trốn tránh được nghiệp quả của mình, mỗi khi nghiệp nhân đã được tạo ra. Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy rằng: “Không trên trời, giữa biển/ Không lánh vào động núi/ Không chỗ nào trên đời/ Trốn được quả ác nghiệp”. Thuyết nhân quả như vậy khiến cho người tin nó sống một đời sống tốt, thiện lành và tránh một đời sống bất thiện và xấu ác.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng, thuyết nghiệp báo không phải là một định nghiệp và đời sống của con người hiện tại không hẳn là một kết quả tất yếu của những hành vi trong quá khứ.
Con người chịu ảnh hưởng những nghiệp quá khứ và cũng có thể chuyển hóa chúng; và đời sống hiện tại của chúng ta không phải hoàn toàn do nghiệp quá khứ chi phối mà còn chịu sự tác động trực tiếp của những nghiệp mới. Một việc làm xấu ác hay thiện lành trong đời sống hiện tại không thể chỉ là sự thể hiện những tác động của nghiệp quá khứ, mà cũng có thể đó là nghiệp mới. Một người chịu một hậu quả không tốt trong đời sống hiện tại, cũng chưa hẳn là sự gánh chịu quả báo của đời sống quá khứ. Trong sự tương tác duyên sinh, nhân quả chồng lấn nhau; trong quả có nhân và trong nhân có quả. Như vậy, một hành vi tốt hay xấu, phải chịu trách nhiệm đạo đức bởi vì người ta không phải chỉ chịu sự tác động của nghiệp quá khứ mà còn có ý chí ngay trong thời điểm hành động.
Và như vậy, thân phận và địa vị của mỗi người cũng có thể chuyển đổi được, không phải chờ đến kiếp sau, mà ngay trong kiếp này; và đời sống xã hội (cộng nghiệp) cũng có thể thay đổi. Biệt nghiệp và cộng nghiệp, do đó, không phải là điều gì đó bất biến. Ở nơi góc độ này, ta thấy học thuyết nghiệp của Phật giáo cởi mở và nhân bản. Nó không dạy rằng một người sinh ra với một đẳng cấp như thế nào, với thân phận như thế nào, thì phải chấp nhận như thế ấy, muốn thay đổi thì phải đợi đến kiếp sau, khi đã trả xong những nghiệp cũ ở trong kiếp hiện tại.
Thuyết nghiệp của Phật giáo không phải là định nghiệp như một số giáo phái ở Ấn Độ chủ trương;chẳng hạn như phái Ājīvika mà họ cho rằng tất cả mọi hành động bị định trước bởi năng lực vận mệnh ngoại tại, và người ta không thể điều khiển được hành vi của họ; con người không có chọn lựa trong việc quyết định tương lai của mình.Nếu con người hoàn toàn chịu sự chi phối của nghiệp quá khứ thì như vậy họ khó có thể phát triển đạo đức hay đời sống phạm hạnh.
Trong kinh Tăng chi Đức Phật nói rằng:“Ai nói như sau, này các Tỳ-kheo: ‘Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy’. Nếu sự kiện là vậy, này các Tỳ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỳ-kheo, ai nói như sau: ‘Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy’. Nếu sự kiện là vậy, này các Tỳ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt’”.5
Theo Phật giáo, con người như vậy có tự do ý chí để có thể quyết định đời sống của mình. Như được thấy trong kinh điển Phật giáo, và ngay cả trong đời sống xã hội, dù những người rất xấu ác cũng có thể trở thành hiền lương bằng chính sự nỗ lực sửa đổi của họ. Như vậy tâm tính hay bản tính xấu ác của một người có thể được sửa đổi bằng chính ý chí của người ấy, và đôi khi có cả sự tác động của hoàn cảnh. Tuy nhiên, tự do ý chí không phải luôn tuyệt đối, và con người không thể chỉ bằng ý chí và nghị lực không thôi mà có thể thay đổi được thân phận của mình.
Cuộc đời của ta, và ngay cả những hành vi ta thực hiện, không thể chỉ được quyết định bằng ý chí của mình, mà bằng cả thói quen, tập khí và nghiệp lực của mình; mà thói quen, tập khí, nghiệp lực đó có thể đã được tích tập trong một thời gian dài. Con người ở nơi thế giới tương tác duyên sanh này, rõ ràng, bị điều kiện hóa bởi thói quen, niềm tin, giáo dục, văn hóa… Cho rằng con người là một chủ thể độc lập, tự quyết định mọi thứ bằng ý chí của mình, không bị chi phối bởi khía cạnh vật chất cũng như tâm lý, là điều không thể có ở nơi cái nhìn Phật giáo. Con người như vậy có sự tự do, nhưng không phải tự do tuyệt đối. Tuy nhiên, như đã nói, con người cũng không phải bất lực trong việc quyết định đời sống của mình như những người Ājīvaka đã quan niệm. Con người chịu trách nhiệm với nghiệp quá khứ của mình nhưng cũng có thể chuyển hóa nó.
Quan niệm nghiệp quá khứ chi phối hoàn toàn con người và họ không thể làm hay không làm gì được với đời sống của mình, theo Đức Phật, là một quan kiến sai lầm, và đưa đến khổ đau. Trong Tăng chi bộ, Đức Phật xem Makkhali, người đưa ra quan điểm về nghiệp như vậy, có thể gây hại và làm khổ đau cho nhiều người: “Ví như, này các Tỳ-kheo, tại cửa sông có đặt một cái nơm bẫy cá, đem lại bất hạnh đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều cá. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, kẻ ngu si Makkhali xuất hiện ở đời, Ta nghĩ rằng như là một cái nơm bẫy cá cho loài Người, đưa đến bất hạnh, bất lạc, bất lợi, đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều loại hữu tình”.6
Như vậy, nghiệp trong Phật giáo không phải là một thứ định nghiệp, và con người hiện tại không phải chịu sự chi phối hoàn toàn của nghiệp quá khứ, do đó con người có thể quyết định và lựa chọn ở một tầm mức nào đó những điều mình làm. Có như vậy con người mới có thể rèn luyện, tu tập, loại trừ điều bất thiện, phát triển điều thiện để đạt được lợi ích không chỉ cho đời sau mà cũng ngay cả đời này.Nếu mọi thứ ở trong cuộc đời này đều được định trước, đều được quyết định bởi biệt nghiệp và cộng nghiệp của chúng sanh, thì ở đó không có vị trí cho đạo đức; và trách nhiệm không có gì khác hơn là một sự ảo tưởng.
Trong kinh Tăng chi bộ7 Đức Phật nói rằng, nếu những người có quan kiến rằng “Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ”, và chấp chặt rằng do nghiệp mà ta trở thành kẻ sát sanh, kẻ trộm cắp, kẻ tham lam… thì “những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có ‘Ðây là việc phải làm’, hay ‘Ðây là việc không nên làm’”. Như vậy một mặt tính cách của ta có chịu sự tác động của những nghiệp quá khứ, nhưng ta cũng có thể thay đổi được tính cách bằng những việc gì cần nên làm và không nên làm.
Luật nghiệp báo giúp chúng ta sống tỉnh giác, luôn quán sát và phản tỉnh về những việc đang làm và sẽ làm. Trong kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Ambala (Trung bộ), Đức Phật dạy Rahula rằng khi làm một việc gì, phải cần quán sát xem việc làm ấy có đưa đến khổ đau cho mình, cho người hay không. Nếu một việc làm đưa đến khổ đau cho mình và cho người, thì việc làm ấy là bất thiện và đưa đến kết quả khổ đau, do đó nên tránh làm việc đó.
Và ngược lại, nếu một việc làm, hay lời nói đem lại lợi ích, an vui cho mình cho người, thì việc ấy cần nên làm, và việc làm ấy sẽ đưa đến quả báo thiện. Như vậy, chúng ta có thể chọn lựa và quyết định được hành vi của chúng ta, và theo đó cũng quyết định được kết quả của hành vi đó. Và nơi cách hiểu của một số người, tự do ý chí trong Phật giáo không tập trung vào việc là ý chí của ta có bị chi phối bởi những nghiệp quá khứ hay không, mà tập trung vào việc là ta có tự do để quyết định những việc làm đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho mình và cho người hay không.
Hay nói theo kinh điển, chúng ta tự do để nghĩ về những gì thiện và bất thiện, nghĩ về những gì nên làm và không nên làm: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài? Do nghiệp ấy... đọa xứ... trí tuệ yếu kém. Con đường đưa đến trí tuệ yếu kém... lợi ích, hạnh phúc lâu dài?”8
Hiểu và tin vào thuyết nghiệp báo sẽ khiến ta thận trọng hơn trong những hành vi của mình, dù là nhỏ nhặt nhất. Đức Phật đã nói rằng chớ nghĩ một lỗi lầm nhỏ sẽ không trở lại trong đời sống tương lai của ta. Những tội nhỏ tích tập lại sẽ có thể nhấn chìm ta. Cũng như vậy, chớ nghĩ rằng việc làm đức hạnh nhỏ thì không làm. Nhiều việc làm đức hạnh nhỏ sẽ kết hợp lại thành phẩm hạnh lớn. Như những giọt nước sẽ làm đầy một chiếc chậu lớn.
Nghiệp là một học thuyết về nhân quả, và ở khía cạnh dễ nhận biết nhất, học thuyết này dạy ta rằng, nếu chúng ta hành xử một cách bất cẩn và bất thiện, ta có thể sẽ rơi vào bóng tối; và ngược lại, nếu ta hành xử thận trọng và có chánh niệm, ta có thể tránh được những tai họa có thể tránh. Như vậy, tin vào học thuyết này là giúp người ta thận trọng hơn trong mọi suy nghĩ, hành vi và lời nói của mình.
Nguyên Hiệp
____________________
(1) Tăng chi bộ, 6.63.
(2) Tăng chi bộ, 4.235.
(3) Tăng chi bộ, 5.57.Tiểu kinh nghiệp phân biệt (Trung bộ) cũng nói: “…Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.”
(4) Tiểu kinh nghiệp phân biệt, Trung bộ, HT.Minh Châu dịch.
(5) Tăng chi bộ III, 99, Hạt muối.
(6) Tăng chi bộ I, phẩm Makkhali.
(7) Tăng chi bộ III, phẩm Lớn, 61. Sở y xứ.
(8) Tiểu kinh Nghiệp phân biệt, Trung bộ.