GN - Trong suốt hơn 25 năm qua, bà dành dụm lương hưu trí của mình để âm thầm mua quà tặng cho học sinh nghèo, người già neo đơn và thân nhân gia đình liệt sĩ Trường Sa, DK1.
Bà bảo: “Tôi không làm từ thiện, mà tôi làm vì trách nhiệm, nghĩa vụ của lớp người đi trước. Tôi chỉ góp một chút để xoa dịu nỗi đau của vợ, con gia đình các liệt sĩ, để các liệt sĩ yên nghỉ vĩnh hằng. Những phần quà tôi tặng giá trị về vật chất ít, nhưng ân sâu nghĩa nặng, xuất phát từ trái tim tôi”.
Người có tấm lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp ấy là Lê Thị Tâm, nữ cựu tù chính trị Côn Đảo, hiện đang sống tại số 7/11 Lê Tự Tài (P.4, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Mọi người thường gọi bà với các tên khác là Mười Đào, hoặc dì Mười, hoặc Trần Thị Đào.
Cảm phục tấm lòng nhân ái
Trụ sở khu phố 4, phường 11, TP.Vũng Tàu (BR-VT) hôm ấy đông vui, chen lẫn xúc động khác thường. 9 giờ sáng, 12 thân nhân gia đình liệt sĩ Trường Sa, DK1 và các chiến sĩ hải quân Vùng 2, khu vực Vũng Tàu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có mặt đông đủ để nhận quà của dì Mười Đào đến trao tặng.
Bà Mười Đào trao tặng quà đến các chiến sĩ hải quân có hoàn cảnh khó khăn
Hai mẹ con của chị Nguyễn Thị Dung, vợ, con của liệt sĩ Phan Văn Hạnh (hy sinh ngoài đảo Tốc Tan C năm 2014) đón xe đò từ xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đến Vũng Tàu từ tối ngày hôm trước. Chị Dung nói trong xúc động: “Đây là lần thứ hai mẹ con em nhận được quà của dì Mười. Tấm lòng của dì vô cùng nhân ái, mẹ con em xúc động quá. Em xuống sớm trước một tối để gặp dì”.
Còn chị Vương Thị Trâm, vợ của liệt sĩ Dương Văn Bắc hy sinh tháng 10-2014 ngoài nhà giàn DK1/11 mắt đỏ hoe khi lần thứ hai nhận phần quà ân nghĩa của dì Mười. Nước mắt lưng tròng, chị Trâm nói: “Mẹ con em chỉ biết cảm ơn dì Mười, một người có tấm lòng nhân hậu”.
Mọi người có mặt trong buổi nhận quà rơi nước mắt khi bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ của liệt sĩ Lê Đức Hồng (hy sinh tại nhà giàn DK1 Phúc Nguyên 2A trong cơn bão lịch sử tháng 12-1998) ôm dì Mười nghẹn ngào: “Tôi cứ mong gặp dì”. Bà Cháu chỉ nói được thế rồi nghẹn lại, mắt đỏ hoe nhìn dì Mười. Hai mái đầu bạc trắng như nhau xúc động trong vòng tay siết chặt.
Tuy không phải thân nhân liệt sĩ, lần thứ hai nhận quà của dì Mười, Thiếu tá Dương Văn Nhàn, nhân viên thông tin Lữ đoàn 171 Hải quân có con trai bị mù, xúc động chia sẻ: “Mặc dù gia đình em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con trai mù lòa, biết dì Mười đã từng bán căn nhà của mình để mua quà tặng đồng bào miền Trung bị lũ lụt, thực sự em quá khâm phục. Chỉ có những người có tấm lòng nhân ái, bao dung mới làm được điều đó”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Bệnh xá trưởng Lữ đoàn 167 - Vùng 2 Hải quân có con bị tai biến sau xuất huyết não, bản thân anh Trung đã công tác nơi đầu sóng ngọn gió nhà giàn DK1 gần 20 năm đã xúc động khi nhận được quà của dì Mười. Anh Trung chia sẻ: “Em chỉ biết nói lời cảm ơn dì Mười thôi. Mặc dù con em bị bệnh, buồn lắm nhưng nghe dì Mười hơn 25 năm qua làm việc nghĩa, việc thiện, em cũng thấy vui và khâm phục”.
Việc nghĩa từ trái tim
Buổi lễ tặng quà có lãnh đạo khu phố 4 (phường 11, TP.Vũng Tàu), các cựu quân nhân hải quân Đoàn tàu không số và những người 42 năm trước đã từng công tác tại nhà tù Côn Đảo cùng với dì Mười.
Dì Mười lần lượt trao quà cho thân nhân gia đình liệt sĩ Trường Sa, DK1 và các chiến sĩ hải quân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mỗi phần quà và tiền mặt trị giá 2 triệu đồng). Nước mắt rưng rưng, bà kể về 9 năm bị địch bắt giam cầm ngoài Côn Đảo và hành trình đi làm việc nghĩa.
Bà nói: “Tôi được sống như ngày hôm nay; hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống. Tôi chỉ góp một chút công sức để xoa dịu nỗi đau của vợ, con gia đình các liệt sĩ, để các liệt sĩ yên nghỉ vĩnh hằng. Tôi không làm từ thiện, mà tôi làm vì trách nhiệm, nghĩa vụ của lớp người đi trước. Những phần quà tôi tặng giá trị về vật chất ít, nhưng ân sâu nghĩa nặng, xuất phát từ trái tim tôi”.
Khi người viết hỏi suốt 25 năm làm việc nghĩa mà báo chí không biết, dì Mười thẳng thắn chia sẻ: “Tôi cũng không giàu có gì, tất cả góp lại từ lương hưu. Tôi âm thầm làm vì không muốn cho nhiều người biết về cuộc sống riêng tư của mẹ con tôi”.
Cảm kích trước tấm lòng của dì Mười, Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07, Lữ đoàn 171 - Vùng 2 Hải quân tặng dì Mười bó hoa. Ông chia sẻ: “Tôi không ngờ rằng sau 42 năm tôi lại được gặp người đồng đội cũ. Năm 1975, tôi đi trên con tàu 609 chở dì Mười từ Côn Đảo trở về trong chuyến tàu số 2. Nghĩa cử, lòng nhân ái của dì Mười như truyền lửa cho các thế hệ thanh niên sống có trách nhiệm với Tổ quốc, với những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc”.
Bà Mười Đào tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Phước Cát 2
Dì Mười Đào tên thật là Lê Thị Tâm hiện đang sống cùng con gái, con rể và hai cháu ngoại. Tên Mười Đào là biệt danh khi hoạt động cách mạng và những năm tháng bị địch bắt giam cầm ngoài Côn Đảo. Sau những năm tháng kiên cường chiến đấu qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trở về với cuộc sống đời thường, bà tiếp tục đấu tranh chống lại “thói hư tật xấu”.
Năm 1989, dì Mười Đào về hưu. Thay vì để con cháu phụng dưỡng, bà lại góp tiền lương hưu trí đi làm việc nghĩa. Năm 1999, bà bán căn nhà của mình ở đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận, TP.HCM) để mua 14 tấn gạo tặng cho người dân các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên bị ảnh hưởng bởi cơn lũ lịch sử. Số tiền còn lại, bà mua căn nhà nhỏ, xây sẵn, đi chung ngõ cùng người khác mà bà và con gái, con rể cùng hai cháu ngoại đang ở hiện nay.
Bà cũng đã từng vượt đường lên “vùng lõm” giữa rừng già huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) để tặng quà cho học sinh nghèo, người dân tộc và các thầy cô giáo gian khổ ở Trường Tiểu học Phước Cát 2. Bà bảo: “Với các liệt sĩ Trường Sa, DK1, tôi coi việc tặng quà cho thân nhân của các liệt sĩ là trách nhiệm, niềm vui, thanh thản trong lòng. Mỗi lần nghe đến Trường Sa, nghe Biển Đông dậy sóng, tôi đau lòng lắm”.
Người con Phú Yên kiên cường
Dì Mười Đào quê gốc Phú Yên. 14 tuổi, bà đã tham gia cách mạng trong lực lượng công an tỉnh Phú Yên, sau đó vào Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 19 tuổi, bà được kết nạp Đảng. Sau đó, bà tiếp tục hoạt động biệt động thành Sài Gòn.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, bà luôn là chiến sĩ cách mạng kiên trung. Đặc biệt, những ngày tháng bị địch bắt tù đày ngoài Côn Đảo, mặc dù bị địch giam cầm, tra tấn, đánh đập tàn khốc, dã man, dì Mười một mực không khai. Ở mọi lúc mọi nơi, nhất là những lúc khó khăn, gian khổ nhất, bà vẫn nêu cao khí tiết, ý chí của người làm cách mạng.
Sau những năm tháng chiến đấu, sau năm 1975, bà về TP.Hồ chí Minh hoạt động cách mạng với vai trò lãnh đạo của quận Phú Nhuận. Tại đây, bà tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu không có tiếng súng mà bà gọi là “một bên là tiền tình và thế lực, một bên chân lý và niềm tin”. Từ ý chí niềm tin đó, bà đã khuất phục được “kẻ thù thời bình” - “kẻ thù” trong cuộc đấu tranh không có tiếng súng.
Dì Mười Đào năm nay 86 tuổi đời, cái tuổi mà lẽ ra đang được con cháu phụng dưỡng, thì ngược lại bà lấy việc chăm lo cho lớp trẻ và gia đình liệt sĩ làm trách nhiệm. Dẫu công việc bà đang làm thầm lặng và không ít tốn kém tiền bạc, công sức nhưng đó là lẽ sống, là trách nhiệm của lớp người đi trước đối với thế hệ sau mà bà là một điển hình.
Bà cho biết, ngày 14-7, bà đi đến Cam Ranh (Khánh Hòa) để tặng quà cho 64 thân nhân gia đình liệt sĩ Trường Sa đã hy sinh trong sự kiện 14-3-1988 nhân dịp khánh thành tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”.